Những mô hình chính
Nói về mô hình chính quyền địa phương, các nhà nghiên cứu có những cách phân chia khác nhau. Có người nêu bốn mô hình chính gồm mô hình Anh - Mỹ, Đức, Pháp và Liên Xô cũ. Có người lại cho rằng có các mô hình Anh, Mỹ, Đức, Pháp, Bắc Âu, Nhật Bản, Liên Xô cũ… Có tác giả nhóm thành 3 mô hình lớn gồm có: mô hình phân quyền, mô hình tản quyền, mô hình tập quyền.
Ở Anh, trước năm 2000, các quyết định quan trọng của cơ quan chấp hành của Hội đồng địa phương phải được Hội đồng địa phương phê chuẩn trong một phiên họp toàn thể. Luật tổ chức tự quản địa phương năm 2000 thiết lập 3 mô hình quản lý của tổ chức tự quản địa phương theo xu hướng tăng tính chủ động và giảm thiểu sự phụ thuộc của cơ quan hành chính vào Hội đồng địa phương. Tuy nhiên, tùy vào từng nơi mà cơ quan hành chính có những mức độ phụ thuộc khác nhau vào Hội đồng địa phương.
![]() Hội đồng thành phố Dallas, bang Texas, Mỹ |
Pháp là nước có truyền thống tổ chức quản lý địa phương theo chế độ tập trung dưới hình thức tản quyền, nhưng cùng với trào lưu dân chủ địa phương với cuộc cải cách chính quyền địa phương từ năm 1982 - 1990, tổ chức quản lý địa phương của Pháp trở thành điển hình của mô hình kết hợp giữa tản quyền và phân quyền, nghĩa là ở địa phương vừa có các cơ quan tản quyền (hành chính nhà nước) và các cơ quan tự quản địa phương. Tương tự, trong tất cả các đơn vị hành chính - lãnh thổ của Italy đều có đại diện của Chính phủ trung ương. Bên cạnh đó, có các cơ quan tự quản địa phương.
Hiến pháp Cộng hòa Liên bang Đức quy định phân quyền, liên bang và tự quản địa phương là 3 nguyên tắc cơ bản để tổ chức nền hành chính ở Đức. Nước Đức có các bang, tỉnh, huyện (hạt); công xã đô thị (thị trấn) và công xã nông thôn, trong đó công xã là nơi thực hiện chế độ tự quản địa phương đầy đủ nhất. Tất cả các nhiệm vụ quản lý địa phương có thể chia ra 3 nhóm: 1) Loại việc tự nguyện là tất cả các công việc mà các cộng đồng tự quản giải quyết theo sự phán xét của mình; 2) Loại việc bắt buộc là những nhiệm vụ được quy định bởi pháp luật bang; 3) Những việc ủy quyền thường có liên quan tới chức năng cảnh sát, phục vụ giao thông đường phố, thanh tra xây dựng và các hoạt động mang tính chất nghề nghiệp khác, giám sát đối với những người vô gia cư, thống kê dân số, v.v…
Tập quyền là mô hình tổ chức chính quyền nhà nước theo đó mọi quyền lực tập trung vào Trung ương. Các cơ quan trung ương nắm quyền quyết định mọi vấn đề từ trung ương đến địa phương. Các cơ quan chính quyền địa phương không có quyền chủ động, sáng tạo, chỉ tuân thủ, phục tùng mọi quyết định từ cấp trên đưa xuống. Trong những năm ngay sau Chiến tranh thế giới lần thứ II, tổ chức chính quyền địa phương theo nguyên tắc tập quyền tồn tại ở nhiều nước Đông Âu; các nước đang phát triển hiện nay cũng có những nơi, những lúc tồn tại chính quyền địa phương theo kiểu này. Trong đó, các đơn vị hành chính - lãnh thổ đều tổ chức cơ quan dân cử địa phương (Hội đồng Nhân dân) và các cơ quan này được xác định là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, có quyền bầu, bãi nhiệm Chánh án Tòa án, Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp; cơ quan hành chính được coi là cơ quan chấp hành của Hội đồng Nhân dân.