Những lá thư từ chiến trường
“Có tới 5 lần anh ấy xách va ly lên tàu chuẩn bị đi du học nước ngoài, nhưng lại hoãn vì chiến trường cần hơn…” - Thượng tướng Nguyễn Hữu An trong ký ức của người bạn đời, nhà giáo Bùi Thục Chi là một người trung kiên trong chiến đấu chống kẻ thù xâm lược, luôn đặt lợi ích Tổ quốc và nhân dân lên trên lợi ích cá nhân, không bao giờ thoái thác trước những thử thách ác liệt. Ông chính là người cầm quân tài ba, góp phần làm nên chiến thắng vang dội mùa xuân năm 1975, thống nhất đất nước cách đây 41 năm.
“Anh sẽ về khi đất nước toàn thắng”
Căn nhà cổ ở ngõ 34A phố Trần Phú (Hà Nội) của nhà giáo Bùi Thục Chi vào những ngày này tràn ngập hoa. Đồng đội năm xưa của tướng An thường về đây trong dịp này để thắp một nén nhang tưởng nhớ ông và ôn lại quá khứ hào hùng ngày nào. Bồi hồi đưa cho chúng tôi xem những kỷ vật quý và những lá thư từ chiến trường, bà Bùi Thục Chi đã bật mí cho chúng tôi nghe những kỷ niệm về ông - một vị tướng trận mạc, từng tả xung hữu đột khắp chiến trường ba nước Đông Dương.
Ngày gặp tướng An, bà Thục Chi tròn 22 tuổi. Ông trở về từ chiến dịch Điện Biên Phủ, còn bà là học sinh lớp cuối cấp 3. Cô gái Hà Nội đầy mơ mộng đã phải lòng một chiến sĩ sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Trong một bức thư gửi bà Thục Chi, ông viết: “Cuộc đời anh đầy chông gai và nước mắt. Cho đến khi bước chân vào hàng ngũ cách mạng, anh mới cảm thấy có nhựa sống...”.
![]() Thượng tướng Nguyễn Hữu An và Trung tướng Lục quân Mỹ Harold Moore thăm lại chiến trường Ia Đrăng năm xưa (Ảnh do gia đình cung cấp) |
Trước khi gặp bà, vào năm 1950, Thượng tướng Nguyễn Hữu An với cương vị Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn chủ công đã tiêu diệt gọn quân Pháp ở cứ điểm Đông Khê. Năm 1954, khi là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 174, chủ công của Đại đoàn 316, trung đoàn của ông đã đánh chiếm đồi A1, mở được “cánh cửa thép” để lực lượng của ta từ hướng Đông tiến công vào phân khu trung tâm, bắt sống tướng Đờ-Cát, giành chiến thắng.
Sau ngày cưới (28.9.1956), vị Tham mưu phó Quân khu Tây Bắc chỉ được hưởng tuần trăng mật 4 ngày đã phải tạm biệt người vợ trẻ về đơn vị. Năm 1964, ông được lệnh vào chiến trường miền Nam trong cương vị Sư đoàn trưởng Sư đoàn 325. Trong thư tạm biệt vợ, ông viết: “Chia tay em đã nhiều nhưng lần này anh thấy bịn rịn hơn bao giờ hết. Em hãy cố gắng nuôi con ngoan nhé, chờ ngày chiến thắng, đất nước thống nhất, anh sẽ trở về...”.
Bồi hồi giở lại cuốn nhật ký của ông, bà Chi nhớ lại, năm 1965, ông là Phó Tư lệnh mặt trận Tây Nguyên, đã trực tiếp chỉ huy Trung đoàn 101 - Sư đoàn 325 tiêu diệt gọn Tiểu đoàn biệt động “Cọp đen”, rồi làm thiệt hại nặng Trung đoàn 44 chủ lực của địch, làm xoay chuyển cục diện chiến trường. Quân Mỹ lần đầu tiên trực tiếp tham chiến ở Việt Nam tại chiến trường Tây Nguyên phải thất bại nhục nhã. 4 năm chiến đấu ở Tây Nguyên gian nan, thiếu thốn và vật lộn với bệnh tật, nhưng ông vẫn gửi về những lá thư thấm đẫm tình yêu thương và hơn hết là niềm tin mãnh liệt vào ngày toàn thắng: “Tiếng pháo giao thừa đã điểm và tiếng nói ấm cúng của Bác Hồ mới chúc Tết xong, anh thức để viết thư cho em vào cái giờ thiêng liêng của dân tộc. Anh đang ở trong một căn nhà toàn bằng nứa giữa một khu núi rừng trùng điệp. Đêm nay mưa xuân đã lất phất, bầu trời chẳng có trăng sao và rét ngọt một cách dễ chịu, núi rừng yên lặng lạ thường. Xung quanh anh, mấy chú công vụ đang yên giấc và có lẽ đang mơ về cố hương. Chỉ còn mình anh của em vẫn thức, vẫn hướng về em và các con thân yêu với tất cả niềm thương nhớ dào dạt...”.
“Nhận thư ông, nước mắt tôi tuôn trào, nhưng cũng chính những lá thư đó đã tiếp thêm cho tôi nghị lực, truyền thêm cho tôi niềm tin vào sự tất thắng của cuộc kháng chiến gian khổ”, bà Chi nhớ lại. Mỹ đánh phá điên cuồng miền Bắc, bà Chi phải gửi con xuống Hưng Yên quê ngoại. Hàng tuần, bà vượt 70 cây số, đạp xe về thăm con. “Một thân một mình lo toan, lúc ấy, tôi cũng thoáng chút hờn tủi nhưng lại tin tưởng ngay vì nhớ lời ông hứa trong thư: Anh nhất định sẽ trở về để bù đắp cho mẹ con em, nhưng ngày anh trở về phải là ngày dân tộc toàn thắng…”.
“Ghét thằng giặc chứ đừng ghét anh!”
Gia đình anh Nguyễn Tuấn Hùng, con trai út của tướng An còn lưu giữ nhiều tư liệu quý giá về cuộc đời binh nghiệp của ông. Anh cho chúng tôi xem bức thư viết tay lúc 24h ngày 29.4.1975, tướng An yêu cầu “ém” sẵn 7 chiếc xe tăng để chuẩn bị tiến theo hướng xa lộ Biên Hòa, phối hợp với bộ phận đặc công, mục tiêu chính khi vào Sài Gòn là dinh tổng thống, đài phát thanh hải quân, phủ đặc ủy trung ương tình báo… Tất cả được sắp xếp chi tiết, kín kẽ.
Anh Hùng kể rằng, cả gia đình thuộc nằm lòng từng trận đánh của cha, nhưng tất cả những chi tiết, câu chuyện đó đều do bạn bè, chiến hữu của Thượng tướng kể lại. Mỗi lần trở về thăm gia đình, tướng An thường không nhắc tới những chiến công của mình, ông thường tả cho các con nghe những nẻo đường nơi ông đã đi qua với những miền quê tuyệt đẹp và những người dân trung kiên với cách mạng.
Còn trong ký ức của bà Thục Chi, tướng An là một người bình dị, ông yêu quý đồng đội, luôn nhận khó khăn. “Có tới 5 lần anh ấy xách va ly lên tàu chuẩn bị đi du học nước ngoài nhưng lại hoãn vì chiến trường cần hơn. Đôi khi, tôi băn khoăn về chính sách, anh gạt đi một cách nhẹ nhàng: Đặt vấn đề đó ra làm gì, đất nước còn đang trong thời chiến tranh”, bà Chi kể. Bà cũng rưng rưng nhớ hình ảnh ông mỗi lần từ chiến trường về Hà Nội, ban ngày đi họp, ban đêm lại tranh thủ xách từng xô nước giúp vợ.
“Năm 7 tuổi, tôi mới được gặp mặt cha lần đầu tiên. Khi đó, ông trở về nhà với cái đầu quấn đầy băng do chiếc xe từ chiến trường trở về suýt trúng bom của địch. Những ngày ít ỏi cha con làm quen sau đấy lại biền biệt với những chiến dịch cho đến ngày đất nước giải phóng”, anh Hùng kể. Quả vậy, hạnh phúc ở bên một người cha, một vị tướng như ông luôn được tính bằng từng ngày, từng giờ, thật ngắn ngủi. Và những nhớ nhung, mong đợi, tình yêu thương dành cho vợ con, ông lại gửi vào những dòng thư từ chiến trường cho bà Thục Chi: “Anh biết vắng anh, em rất vất vả. Anh thương em lắm nhưng cũng như em, anh phải hoàn thành nhiệm vụ mà cấp trên giao phó. Thôi có ghét thì ghét thằng giặc Mỹ chứ đừng ghét anh. Chúng mình cùng hy sinh hạnh phúc riêng, tất cả vì Tổ Quốc nhé em!”.
Ngày 30.4.1975, hòa chung với niềm vui lớn của cả dân tộc, bà Thục Chi tràn ngập hạnh phúc khi ông có mặt trong đoàn quân chiến thắng trở về. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng! Lịch sử đã sang trang! Ông đã thực hiện trọn vẹn lời thề với non sông đất nước và đã trở về căn nhà xưa, nơi có bốn mẹ con bà ngày đêm mong đợi…
Năm 1975, dưới sự chỉ huy của Thượng tướng Nguyễn Hữu An Tư lệnh Quân đoàn 2, quân ta đã lần lượt giải phóng tỉnh Quảng Trị, thành phố Huế và cùng với các lực lượng vũ trang Quân khu 5, trong 3 ngày đêm đã đánh bại gần 10 vạn lính chủ lực cơ động của quân đội Việt Nam Cộng hòa tại Đà Nẵng. Sau đó ông đã chỉ huy toàn bộ Quân đoàn hành quân gần 1.000km để tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, sau khi tiêu diệt tuyến phòng thủ từ xa của quân đội Sài Gòn tại Phan Rang chỉ trong vòng 24 giờ. Quân đoàn 2 là một trong 5 cánh quân đã nhanh chóng cắm lá cờ đỏ lên nóc dinh Độc Lập, bắt toàn bộ nội các chính quyền Sài Gòn. Năm 1979, Thượng tướng Nguyễn Hữu An lại dẫn Quân đoàn 2 đi bảo vệ biên giới Tây Nam, tiến vào sào huyện của quân Pol Pot, góp phần giải phóng nước bạn Campuchia. Ông làm Phó Tổng thanh tra quân đội, Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng quân khu rồi quyền Tư lệnh Quân khu 2 (1984 - 1987). Năm 1988 đến cuối đời (1995), ông là Viện trưởng Học viện Lục quân, Giám đốc Học viện Quốc phòng. Ông được mệnh danh là “tướng chiến trường”, “vị tướng trận mạc”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã dành cho ông những lời trân trọng: “Chúng ta không bao giờ quên hình ảnh Thượng tướng Nguyễn Hữu An - một vị tướng: trung thành, quyết đoán, mưu lược, đoàn kết”... |