Chính trị

Những kỷ niệm khó quên trong nhiệm kỳ đại biểu Quốc hội khóa I (*)

Nguyễn Đăng - Đại biểu Quốc hội khóa I, tỉnh Cần Thơ 21/05/2025 15:04

Chuyến ra Bắc dự kỳ họp Quốc hội lần thứ nhất

Cuộc bầu cử Quốc hội ở Cần Thơ: Khoảng đầu tháng 12/1945, tôi nhận được thư của anh Trần Văn Khéo, Chủ tịch Ủy ban kháng chiến tỉnh Cần Thơ, báo tin là ban lãnh đạo và Mặt trận Việt Minh đã thống nhất đề cử tôi đại biểu cho lực lượng vũ trang làm ứng cử viên ĐBQH trong cuộc Tổng tuyển cử sắp tới.

cho-can-tho-thap-nien-1960.jpg
Chợ Cần Thơ thập niên 1960 Nguồn: namkyluctinh.org

Khoảng 3 - 4 ngày sau, anh Trần Văn Khéo đến chỉ huy sở của mặt trận Phong Điền - Cái Răng thăm anh em bộ đội và cùng tôi đi Rạch Gòi dự cuộc họp ngay tối hôm đó. Rạch Gòi là một địa điểm có một số cơ quan của tỉnh làm việc.

Người nói chuyện chính được giới thiệu là một đồng chí lãnh đạo ở Trung ương, nói về các vấn đề Tổng tuyển cử trong cả nước, vấn đề Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội và ĐBQH. Về sau tôi mới biết người nói chuyện là đồng chí Lê Duẩn và tôi nhớ lại đã thấy đồng chí trong đoàn tù chính trị bị giặc Pháp giam cầm ở Côn Đảo được đón về đất liền ngay sau Cách mạng Tháng Tám và được đón tiếp trọng thể ở Đại Ngãi, Sóc Trăng. Lúc ấy tôi cũng có mặt trong đoàn đại biểu nhân dân tỉnh Cần Thơ đến dự lễ đón tiếp vô cùng xúc động đó.

Đại diện của Mặt trận Việt Minh đọc danh sách 5 đại biểu đã được thống nhất đề cử làm ứng cử viên:

- Đặng Văn Quang, đại biểu Hội nghiên cứu mácxít,

- Trần Ngọc Danh, đại biểu trí thức,

- Nguyễn Đăng, đại biểu lực lượng vũ trang,

- Đỗ Văn Y, đại biểu lực lượng nhân sĩ,

- Phan Lương Báu, đại biểu đạo Cao Đài.

Ở Cần Thơ, một tỉnh miền Nam đang có chiến sự, cuộc tuyển cử được tổ chức vào ngày 25/12/1945. Đó thực sự là ngày hội lớn của nhân dân trong tỉnh. Trong không khí tưng bừng, từng đoàn, từng tốp người đi đến các địa điểm bỏ phiếu để làm nhiệm vụ người công dân tự do của mình. Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu từ 93% đến 98%. Năm ứng cử viên do Mặt trận Việt Minh đề cử đều trúng cử với số phiếu rất cao.

Hành trình Cần Thơ - Hà Nội: Đến ngày 6/2/1946, anh Trần Văn Khéo đến Ngọc Chúc. Anh Khéo trao cho tôi bức điện của Trung ương triệu tập ngay các ĐBQH ở Nam bộ ra Hà Nội để dự kỳ họp đầu tiên của Quốc hội.

Dưới sự chứng kiến của anh Trần Văn Khéo và anh Huỳnh Phan Hộ, ngay chiều hôm đó, tôi bàn giao nhiệm vụ chỉ huy tỉnh đội Cần Thơ lại cho anh Dương Thành Nhật, chỉ huy phó.

Ngày 8/2/1946, đến Tắc Cậu, anh em đưa tôi qua Xẻo Rô gặp anh Thanh Sơn, thanh tra chính trị miền Tây của Ủy ban hành chính Nam Bộ. Anh Thanh Sơn cho biết các ĐBQH ở miền Tây đã tập trung ở đây để vài hôm nữa lên đường. Một tàu thủy tốt đã được chuẩn bị sẵn để đưa các ĐBQH và một số cán bộ đi qua Thái Lan rồi ra Hải Phòng.

Nhưng ngày hôm sau, Pháp cho tàu chạy vào sông Cái Lớn, bắn phá hai bên sông rồi cướp chiếc tàu của ta kéo về Rạch Giá. Do mất phương tiện, các ĐBQH đều trở về nơi làm việc của mình, chỉ còn lại anh Thanh Sơn và tôi.

Vì không còn phương tiện nào để có thể ra Hà Nội kịp dự kỳ họp Quốc hội đầu tiên, nên tôi xin trở lại tỉnh đội Cần Thơ để tiếp tục chiến đấu.

Anh Thanh Sơn cho tôi biết là ngoài việc đi ra họp Quốc hội, anh còn có nhiệm vụ phải ra Bắc báo cáo và xin chỉ thị của Trung ương, đồng thời cũng có nhiệm vụ mang một số tiền, vàng ra đó để mua vũ khí cho chiến trường Nam Bộ.

Anh Thanh Sơn biết còn có con đường lên Bến Tre và nhờ anh em ở đó tổ chức ghe biển đi miền Trung, sau đó đáp xe lửa ra Hà Nội. Nhưng phải đi ngang qua vùng Pháp chiếm đóng, đặc biệt phải qua một vùng của đạo Hòa Hảo rất nguy hiểm, anh Thanh Sơn yêu cầu tôi đi cùng để giúp anh làm nhiệm vụ này.

Cuối tháng 4/1946, khi bắt đầu có gió nồm thì thuyền chúng tôi ra khơi. Nhưng vì gió còn yếu, thổi không đều nên 4 ngày sau mới ra tới Tuy Hòa. Khi tôi đến Ủy ban hành chính tỉnh Phú Yên để liên hệ thì gặp anh Lê Duy Trinh, Phó Chủ tịch Ủy ban, kỹ sư nông nghiệp, là bạn của tôi.

Anh Trinh đã nhiệt tình giúp chúng tôi lên xe lửa đi Hà Nội được nhanh chóng, đồng thời cho chúng tôi biết tương đối cụ thể tình hình ở Hà Nội và các hoạt động của bọn Tàu Tưởng ở miền Bắc. Đến Thanh Hóa, để bảo đảm an toàn, chúng tôi mang hết đồ đạc xuống xe lửa, thuê một chiếc xe con đi thẳng luôn ra Hà Nội.

Tối 7/5/1946, chúng tôi đến Hà Nội và nghỉ tại Phòng Nam Bộ ở phố Hàng Vôi. Trước tiên, anh Thanh Sơn đi làm việc với các nơi, giao nộp tiền và vàng. Mấy ngày sau, anh Thanh Sơn đưa tôi vào Bắc Bộ phủ và tôi được vinh dự đến chào Bác Hồ tại phòng làm việc.

Lần đầu tiên được gặp Bác Hồ, tôi rất xúc động. Bác hỏi chuyện tôi mấy phút, dặn tôi đến làm việc với anh em ở Bộ Quốc phòng. Sau đó, Bác làm việc với anh Thanh Sơn.

Sau này, tôi còn có may mắn được gặp Bác Hồ nhiều lần, được nghe Bác nói chuyện, được Bác trực tiếp hướng dẫn làm việc trong những kỳ họp Quốc hội. Nhưng chính lần gặp Bác đầu tiên này đã để lại trong tôi ấn tượng sâu sắc nhất.

Ngày 7/5/1946, tôi đến Hà Nội thì kỳ họp đầu tiên của Quốc hội đã họp xong, ngày 2/3/1946.

4.jpg
Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Quốc hội thành lập sau Tổng tuyển cử, ngày 6/1/1946. Ảnh: TL

Ngày 23/5/1946, tôi được cử làm Phó đổng lý sự vụ Bộ Canh nông do anh Huỳnh Thiện Lộc, một nhân sĩ Nam Bộ làm Bộ trưởng và anh Bồ Xuân Luật làm Thứ trưởng.

Trong Đại hội lần thứ nhất của Đảng Dân chủ Việt Nam, họp từ ngày 15 đến ngày 20/9/1946 tại Hà Nội, tôi được bầu làm Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Dân chủ Việt Nam.

Trên đường trở về chiến trường Nam Bộ

Kỳ hợp thứ Hai của Quốc hội khóa I: Quốc hội họp kỳ thứ hai tại Hà Nội từ ngày 28/10 đến 9/11/1946. Tôi được vinh dự tham gia kỳ họp này, kỳ họp lịch sử bầu ra Chính phủ mới và thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Trong Chính phủ mới, ông Ngô Tấn Nhơn, kỹ sư nông nghiệp, quê ở miền Nam, làm Bộ trưởng Bộ Canh nông. Ông Ngô Tấn Nhơn đề nghị tôi tiếp tục làm Phó đổng lý sự vụ của Bộ, nhưng tôi xin được trở về chiến trường Nam Bộ.

Đầu tháng 12/1946, đến Quảng Ngãi, tôi được Chủ tịch Ủy ban kháng chiến miền Nam Phạm Văn Bạch và Phó Chủ tịch Ủy ban kháng chiến miền Nam Thanh Sơn cử làm đặc phái viên của Ủy ban kháng chiến miền Nam ra Tam Kỳ kiểm tra việc xây dựng, củng cố Tiểu đoàn Ba Dương và sau đó theo dõi tiểu đoàn này di chuyển vào tỉnh Phú Yên để chuẩn bị nhận nhiệm vụ mới.

Sau ngày toàn quốc kháng chiến 19/12/1946, tôi được điều vào giúp Bộ chỉ huy Khu 6 tổ chức việc phòng thủ Phú Yên, chuẩn bị chống cuộc lấn chiếm của giặc Pháp từ Khánh Hòa và Tuy Hòa...

Đi họp Quốc hội ở chiến khu Việt Bắc

Ngày 17/9/1953, tôi được thông báo là Trung ương triệu tập các ĐBQH ra Việt Bắc để họp Quốc hội kỳ họp thứ ba vào đầu tháng 12/1953. Liên khu ủy 5 tổ chức một đoàn chung cho các đại biểu các tỉnh của Liên khu 5 và các đại biểu của các tỉnh Nam Bộ đang có mặt tại Bồng Sơn.

Đoàn đã được tập trung để chuẩn bị. Có hai đại biểu ở Nam Bộ là tôi, đại biểu tỉnh Cần Thơ và anh Nguyễn Oắng, đại biểu tỉnh Gia Định vừa từ Việt Bắc mới vào lại trở ra ngay để dự họp Quốc hội.

Ngày 19/9/1953, đoàn khởi hành từ Bồng Sơn, đi qua các vùng độc lập của Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, đến ngày 1/10/1953 thì đến chân Dốc Bút, một cụm núi cao của dãy Trường Sơn ở phía Tây Bắc Quảng Nam. Phải mất mấy ngày leo núi cao, lội suối liên tục, đến ngày 5/10/1953 mới tới Dương Hòa, vùng căn cứ của tỉnh Thừa Thiên. Nơi đây vừa xảy ra một trận lụt rất lớn phá hoại tất cả ruộng nương mùa màng, cây rừng cũng bị xơ xác, nhiều gia súc và thú rừng bị trôi ra biển...

Ngày 13/11/1953 đoàn đến thị xã Hòa Bình, 16/11/1953 đến thị xã Phú Thọ và ngày 20/11/1953 đến Trạm đón tiếp của Ban thường trực Quốc hội tại Sơn Dương (Tuyên Quang).

Như vậy, tính từ ngày bắt đầu đi tại Bồng Sơn đến nay là mất 2 tháng 3 ngày. Nếu ĐBQH phải đi từ Nam Bộ ra dự họp ở Việt Bắc thì phải đi mất 4 tháng 19 ngày.

Các đại biểu ở miền Nam ra được đón tiếp ân cần, chu đáo. Ăn uống được bồi dưỡng thêm để lấy lại sức và nhất là được cấp phát quần áo ấm, chăn bông để chống lại cái rét như kim châm của núi rừng Việt Bắc.

Ngày 27/11/1953, các ĐBQH được đưa đến địa điểm họp. Tôi vui mừng gặp anh em Nam Bộ là đại biểu đi dự Đại hội Liên Việt toàn quốc vừa mới bế mạc. Tôi cũng gặp lại các anh Dương Đức Hiền, Hoàng Văn Đức, Vũ Đình Hòe và Đỗ Đức Dục trong Thường vụ Ban chấp hành Trung ương Đảng Dân chủ Việt Nam là đại biểu dự Đại hội Liên Việt và cũng là ĐBQH khóa I. Nhân đó, các anh mời tôi sau khi họp, về ngay địa điểm cơ quan đóng để gặp gỡ nhau và làm việc.

Ngày 1/12/1953 trông đợi đã đến.

Buổi sáng, đồng chí Lê Duẩn cho anh em đến đưa tôi qua Văn phòng Trung ương Đảng để gặp anh. Anh Ba hỏi về tình hình Nam Bộ trong thời gian anh Ba đi khỏi và dặn dò tôi: Sau khi họp Quốc hội xong, đến Bộ Tổng tham mưu để nghiên cứu và học hỏi kinh nghiệm về công tác tham mưu, chú ý đến việc xây dựng rèn luyện bộ đội và công tác dân quân; sắp xếp để dự được một lớp bồi dưỡng về chiến tranh du kích ở Trường du kích chiến tranh thuộc Cục dân quân trước khi trở về Nam. Anh Ba cho biết là anh đã cho thông báo các nơi này trước rồi, khi nào tôi đến, sẽ được anh em chú ý giúp đỡ để thời gian không bị kéo dài.

Kỳ họp thứ ba của Quốc hội và các kỳ họp tiếp theo

Chiều 1/12/1953, lúc 14h30, Quốc hội họp trù bị để làm các thủ tục, bầu Chủ tịch đoàn, Thư ký đoàn và các tiểu ban của kỳ họp. 18h30 Kỳ họp thứ Ba của Quốc hội khai mạc. Tất cả các ĐBQH đều vui sướng, phấn khởi và vô cùng xúc động được gặp lại Hồ Chủ tịch kính mến. Lần này, thấy da mặt Bác đỏ hồng, tóc bạc trắng, vẫn nhanh nhẹn và vui cười, tôi rất vui mừng và nghĩ ngay trong lòng đây là một điềm lành, Việt Nam nhất định thắng lợi, đất nước ta, nhân dân ta chắc chắn sẽ vươn lên cao. Không phải chỉ riêng lòng tôi nghĩ thế mà khi trao đổi với nhau thì tất cả anh em đều cùng một suy nghĩ giống nhau.

Chính phủ và Ban thường trực Quốc hội có mặt hầu như đông đủ.

Quyền Trưởng ban Thường trực Quốc hội Tôn Đức Thắng đọc diễn văn khai mạc.

Hồ Chủ tịch thay mặt Chính phủ trình bày trước Quốc hội về tình hình trước mắt và nhiệm vụ cải cách ruộng đất.

Ngày 2/12/1953: buổi sáng tiếp tục nghe báo cáo và buổi chiều chia tổ theo địa phương và thảo luận ở tổ; tối có đoàn văn công phục vụ tại hội trường.

Ngày 3/12/1953, tiếp tục thảo luận tổ cả ngày. Buổi tối, Chính phủ giải đáp và các đại biểu bắt đầu đọc tham luận.

Ngày 4/12/1953, các đại biểu tiếp tục đọc tham luận. Toàn thể các ĐBQH nhất trí biểu quyết tán thành Luật cải cách ruộng đất và kỳ họp bế mạc.

Sau khi kết thúc kỳ họp Quốc hội, tôi đi Tuyên Quang và ngày 10/12/1953 đến cơ quan Trung ương Đảng Dân chủ Việt Nam. Sau hai ngày thăm hỏi nhau và thông báo cho nhau tình hình xây dựng Đảng Dân chủ ở hai miền với anh Hoàng Tú, thường trực của Đảng, tôi đi đến cơ quan Bộ Tổng tham mưu và sau đó nhận nhiệm vụ làm Cục phó Cục tác chiến Bộ Tổng tham mưu.

Kỳ họp thứ Tư của Quốc hội tiến hành từ ngày 20 đến 26/3/1955 tại Nhà hát lớn Hà Nội. Đây là kỳ họp đầu tiên họp trong hòa bình thắng lợi, giữa Thủ đô giải phóng.

Sau diễn văn khai mạc của Quyền Trưởng ban Thường trực Quốc hội Tôn Đức Thắng (cụ Trưởng ban Bùi Bằng Đoàn vì đau yếu không đến dự được), Quốc hội đã nghe lời chào mừng của Hồ Chủ tịch, báo cáo của Ban thường trực Quốc hội do Phó trưởng ban Tôn Quang Phiệt đọc và báo cáo của Chính phủ do Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng đọc.

Quốc hội còn nghe, thảo luận và ra các quyết định quan trọng về vấn đề thi hành Hiệp định Geneva, về cải cách ruộng đất, về kinh tế tài chính, về chính sách dân tộc, tôn giáo, về quốc phòng, về văn hoá xã hội. Kỳ họp thứ Tư của Quốc hội được coi như kỳ họp tổng kết, đánh giá cả thời kỳ từ sau Cách mạng tháng Tám.

Song song với nhiệm vụ khôi phục kinh tế, phát triển văn hóa, nhiệm vụ xây dựng và phát triển nền quốc phòng toàn dân là một trong những vấn đề được Quốc hội quan tâm đặc biệt.

Tại kỳ họp này tôi, nhân danh đại biểu lực lượng vũ trang nhân dân Nam bộ, đã đọc tham luận về quốc phòng trước Quốc hội.

Cuối kỳ họp, Quốc hội có nghị quyết bổ sung 3 Ủy viên mới là đại biểu miền Nam vào Ban thường trực.

Kỳ họp thứ Năm của Quốc hội tiến hành từ ngày 15 đến 20/9/1955, đã: Vạch ra đường lối, phương châm phấn đấu để thi hành Hiệp định Geneva, thực hiện thống nhất đất nước; vạch ra đường lối, phương châm khôi phục kinh tế miền Bắc.

Quốc hội đã bàn một số vấn đề về tổ chức bộ máy nhà nước, Quốc kỳ, Quốc ca và Quốc huy.

Quốc hội thông qua quyết định mở rộng và bổ sung thành phần Chính phủ: đồng chí Phạm Văn Đồng làm Thủ tướng, đồng chí Phan Kế Toại - Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ nội vụ, đồng chí Võ Nguyên Giáp - Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ quốc phòng.

Quốc hội bầu cụ Tôn Đức Thắng làm Trưởng ban thường trực Quốc hội, thay cụ Bùi Bằng Đoàn đã từ trần.

Ngày 16/5/1955, quân ta tiếp quản Thành phố cảng Hải Phòng. Tên lính Pháp xâm lược cuối cùng xuống tàu về nước, đội quân xâm lược bị quét khỏi miền Bắc nước ta.

Kỳ họp thứ Sáu của Quốc hội được triệu tập từ ngày 29/12/1956 đến 25/1/1957, đây là kỳ họp dài nhất. Quốc hội đã chú trọng đặc biệt đến việc đánh giá kết quả và sai lầm đối với công tác cải cách ruộng đất.

13-1609895927-ttxvn-0501quochoi6.jpg
Ban Thường trực Quốc hội mới được bầu tại tại Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội Khóa I (1957). (Ảnh: TTXVN)

Quốc hội đã thông qua 4 luật: Về quyền tự do hội họp, quyền lập hội, về bảo đảm quyền tự do thân thể và quyền bất khả xâm phạm đối với nhà ở, đồ vật, thư tín của nhân dân; về chế độ báo chí.

Quốc hội đã tán thành việc cần sửa đổi Hiến pháp năm 1946 và bầu ra Ban sửa đổi Hiến pháp do Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Trưởng ban.

Kỳ họp thứ Bảy của Quốc hội được triệu tập họp từ ngày 10 đến ngày 19/9/1957.

Quốc hội đã thông qua 4 sắc luật: Về chế độ xuất bản, về những trường hợp phạm pháp quả tang và những trường hợp khẩn cấp, về cấm chỉ mọi hành động đầu cơ về kinh tế và Luật công đoàn.

Kỳ họp thứ Tám của Quốc hội được triệu tập họp từ ngày 16 đến ngày 29/4/1958.

Quốc hội đã tập trung thảo luận nhiệm vụ của giai đoạn mới, cụ thể là: Ra sức xây dựng và củng cố miền Bắc, đưa miền Bắc tiến lên XHCN, đồng thời đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, nhằm xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.

Quốc hội ra nghị quyết về nhiệm vụ kế hoạch 3 năm 1958-1960 và kế hoạch phát triển kinh tế năm 1958. Quốc hội đã thông qua Luật về tổ chức chính quyền địa phương và Luật về chế độ phục vụ của sĩ quan quân đội nhân dân.

Để động viên toàn dân hăng say lao động sản xuất, phong trào thi đua yêu nước được phát động rầm rộ và sâu rộng trong tất cả các địa phương và các ngành ở miền Bắc. Đại hội anh hùng và chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ 2 đã được tổ chức vào năm 1958.

Kỳ họp thứ Chín của Quốc hội được triệu tập từ ngày 9 đến ngày 14/12/1958.

Quốc hội đã ra nghị quyết thông qua toàn bộ kế hoạch 3 năm 1958-1960, Kế hoạch cải tạo XHCN, bước đầu phát triển kinh tế và văn hóa.

Kỳ họp thứ Mười của Quốc hội họp từ ngày 20 đến 27/5/1959.

Kỳ họp thứ Mười một của Quốc hội đã diễn ra từ ngày 18 đến 31/12/1959.

Anh 1
Tại Kỳ họp thứ Mười một, Quốc hội Khóa I, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các ĐBQH nhất trí thông qua Hiến pháp mới (1959). Ảnh: TTXVN

Quốc hội đã long trọng tuyên dương công trạng của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng nhân kỷ niệm 15 năm ngày thành lập Quân đội (22/12/1944 - 22/12/1959). Quốc hội đã giành phần lớn thời gian để thảo luận và thông qua Luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật Hôn nhân gia đình, đặc biệt là thảo luận và thông qua Hiến pháp mới.

Do hành động phá hoại Hiệp định Geneva của đế quốc Mỹ và tay sai nhằm chia cắt lâu dài đất nước ta, cuộc Tổng tuyển cử mà toàn dân mong đợi để thống nhất nước nhà chưa thực hiện được. Quốc hội sẽ được bầu lại theo Hiến pháp mới phải là Quốc hội tiêu biểu, đại diện cho cả nước, đại biểu cho đồng bào miền Nam nhất định phải có trong Quốc hội thống nhất. Vì vậy, để đạt được tính chất tiêu biểu của Quốc hội cho cả nước, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Kỳ họp thứ Mười một đã nhất trí thông qua Nghị quyết kéo dài nhiệm kỳ của các ĐBQH đã được nhân dân miền Nam bầu ra ngày 6/1/1946 cho đến khi có nghị quyết mới.

pl3_20211109085807am.png
Sáng 1/1/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh công bố Hiến pháp mới của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ảnh: TTXVN

Kỳ họp thứ Mười hai của Quốc hội diễn ra từ ngày 11 đến 15/4/1960 đã thông qua kế hoạch Nhà nước năm 1960, thông qua Luật Nghĩa vụ quân sự. Đây cũng là kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa I.

(*) Trích đăng theo cuốn “Hồi ký Đại biểu Quốc hội khóa I” của Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia xuất bản năm 2000

    Nổi bật
        Mới nhất
        Những kỷ niệm khó quên trong nhiệm kỳ đại biểu Quốc hội khóa I (*)
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO