Cuộc sống muôn màu
Từ ngày 3 - 12.6, Hiệp hội các Viện Văn hóa và các Đại sứ quán châu Âu (EUNIC) và Hãng Phim Tài liệu và Khoa học Trung ương tiếp tục đưa phim tài liệu châu Âu và Việt Nam đến với công chúng Hà Nội. Đây là lần thứ 12 sự kiện được tổ chức tại Việt Nam, đã trở thành điểm hẹn của những người yêu phim tài liệu.
Tại họp báo sáng 30.5, Ban tổ chức cho biết, Liên hoan năm nay quy tụ các tác phẩm từ 10 quốc gia: Áo, Bỉ (Wallonia-Brussels), Pháp, Italy, Đức, Israel, Tây Ban Nha, Thụy Sỹ, Czech, Anh và Việt Nam. Viện trưởng Viện Goethe Hà Nội, Chủ tịch EUNIC Wilfried Eckstein chia sẻ: “So với phim truyện, người xem đón chờ những điều rất khác ở phim tài liệu. Phim truyện bám theo một cốt truyện chi li trong khi phim tài liệu được truyền nhựa sống từ chính hơi thở chân thực của nhân vật, từ những tình huống, bối cảnh và gặp gỡ muôn hình muôn vẻ diễn ra trong quá trình làm phim cũng như từ sự hòa trộn của tất cả những yếu tố này, qua đó khơi gợi trong ta hứng thú với đề tài được bàn luận trong phim”.
Ưu thế lớn nhất của phim tài liệu là nền tảng nghiên cứu và tinh thần báo chí, chúng quan sát chuyển biến xã hội và ý nghĩa của những thay đổi ấy đối với cá nhân. Lần này khán giả sẽ được tới các rặng núi của nước Áo và chứng kiến sự chuyển mình của những ngôi làng thơ mộng. Tại nước Czech láng giềng, người xem gặp thợ mỏ tham gia chương trình tái đào tạo để trở thành kỹ thuật viên IT. Từ Bỉ, Israel và Anh, các bộ phim bao quát loạt vấn đề nổi cộm như biến đổi khí hậu, tình trạng vô gia cư, nghiện ngập và bài ngoại... Chúng nhắc nhở ta về sự bấp bênh của đời sống cũng như trách nghiệm của ta trong công cuộc phát triển xã hội lành mạnh vì lợi ích của toàn dân...
Chủ đề của các bộ phim rất đa dạng: rời bỏ nông thôn, biến đổi khí hậu, thay đổi cá nhân để phù hợp với sự phát triển của xã hội, phân biệt chủng tộc, hay về các nghệ sĩ âm nhạc nổi tiếng… Ông Nguyễn Quang Tuấn, Chủ tịch Công ty Hãng Phim Tài liệu và Khoa học Trung ương cho biết: Ban tổ chức lựa chọn những tác phẩm có giá trị nội dung và nghệ thuật cao, mang đậm nét văn hóa của mỗi quốc gia, dấu ấn của từng đạo diễn. Trong đó, nhiều bộ phim lần đầu được công chiếu tại Việt Nam.
Điểm nhấn đặc sắc của Liên hoan năm nay, theo ông Nguyễn Quang Tuấn, các bộ phim của Hãng được chọn có nội dung thiên về văn hóa, nghệ thuật như phim Hai bàn tay nói về cuộc đời của danh họa Nguyễn Sáng, một trong những đại thụ của mỹ thuật Việt Nam; phim Phía sau ánh hào quang là câu chuyện hậu trường của nghề xiếc; hay những bộ phim thể hiện nét đẹp văn hóa của Việt Nam như: Mẫu Liễu Hạnh, Mạn đàm trà Việt, Đình làng Bắc Bộ, Những người kể chuyện phố cổ Hà Nội...
Đưa phim tài liệu tới công chúng
Tại nhiều quốc gia châu Âu, phim tài liệu là loại hình thu hút khán giả. Đại diện Đại sứ quán các nước Czech, Italy, Anh cho biết, mỗi năm, tại các quốc gia này có nhiều phim tài liệu phát hành, gần đây có sự tham gia của nhiều nhà làm phim trẻ. Hàng năm, có các giải thưởng dành riêng cho thể loại này, đồng thời có kênh truyền hình đưa phim tài liệu tới khán giả.
Bí thư Thứ nhất Đại sứ quán Tây Ban Nha tại Việt Nam Solà Pardell cho biết, tại quốc gia này, gần đây phim tài liệu mới trở nên phổ biến hơn, nhờ có các ứng dụng trên điện thoại thông minh và công nghệ truyền thông mới. Trong khi đó, bà Trần Thị Khánh Vân, phụ trách Văn hóa và Truyền thông, Đại sứ quán Thụy Sỹ thông tin, dù không phải là cường quốc về điện ảnh, nhưng Thụy Sỹ có thuận lợi là quốc gia nói đa ngôn ngữ và phim tài liệu của Thụy Sỹ có thể được làm bằng các thứ tiếng khác nhau, có thể tham gia nhiều liên hoan phim. Một trong những điều kiện giúp loại hình này tiếp cận rộng rãi công chúng trong nước là Thụy Sỹ cũng có các Liên hoan phim tài liệu.
Với Bỉ, theo bà Vũ Thị Thùy Dương, Trợ lý thứ nhất Phái đoàn Wallonie-Bruxelles tại Việt Nam, điện ảnh tài liệu rất được quan tâm. Dù chỉ có 11 triệu dân, trong đó cộng đồng nói tiếng Pháp khoảng 4,5 triệu dân, nhưng Bỉ có nhiều nhà làm phim tài liệu nổi tiếng. “Chúng tôi nghĩ vấn đề quan trọng nhất với các đạo diễn, nhà làm phim là tìm được nhà sản xuất. Ở Bỉ, các nhà làm phim đã tìm được nhiều nhà sản xuất trong nước và các nhà đồng sản xuất tại các nước, khu vực khác. Với việc đồng sản xuất, phim tài liệu của Bỉ đã được công chiếu tại nhiều quốc gia, được sự đón nhận của khán giả thế giới”.
Những năm gần đây, nhằm thúc đẩy phát triển phim tài liệu ở Việt Nam, Hội đồng Anh, Viện Goethe cũng như Phái đoàn Wallonie-Bruxelles đã có các chương trình hỗ trợ nhà làm phim trẻ. Đặc biệt, Phái đoàn Wallonie-Bruxelles đã phối hợp với Hãng Phim Tài liệu và Khoa học Trung ương và Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội xây dựng các dự án đào tạo đạo diễn, biên kịch và dự án đào tạo nhà sản xuất sẽ được tiến hành từ năm 2022 - 2024, hướng dẫn nhà sản xuất phim Việt Nam tìm nguồn kinh phí sản xuất và phát hành phim rộng rãi trên thế giới...
Thông qua các dự án, tài trợ, Liên hoan phim tài liệu châu Âu - Việt Nam đã tạo cơ hội trao đổi nghề nghiệp, nâng cao chất lượng đội ngũ làm phim tài liệu Việt Nam. Ông Nguyễn Quang Tuấn chia sẻ: “Hàng năm Hãng sản xuất 20 - 30 phim, phát trên các kênh truyền hình trung ương và địa phương, trên nền tảng số... Qua các Liên hoan phim tài liệu, các nhà làm phim cũng nắm được thị hiếu khán giả. Hiện nay, theo xu thế, các hãng phim cạnh tranh gay gắt, chúng tôi cũng phải làm phim hướng tới khán giả sâu rộng hơn. Hơn nữa, thị trường phim tài liệu bắt đầu mở rộng, không những thị trường trong nước mà cả thế giới. Hãng đang hợp tác với một số kênh, một số công ty để tìm kiếm đầu tư, kịch bản hay để kêu gọi đầu tư, đơn vị tài trợ, từ đó làm các bộ phim dài chất lượng tốt để đưa ra rạp thương mại”.