Những giải pháp chưa có tiền lệ...

- Thứ Hai, 19/07/2021, 08:34 - Chia sẻ
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ có quyết định về việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 để phòng, chống dịch Covid - 19 tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam, nhiều biện pháp - có thể nói là chưa có tiền lệ nhằm bảo đảm cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân đã được triển khai...

Cụ thể, Bộ Công thương đã quyết định thành lập Tổ công tác Tiền phương nhằm theo dõi sát, nắm bắt nhu cầu hàng hoá thiết yếu của người dân; nắm bắt, kiểm soát tình hình giá cả thị trường, xử lý các trường hợp đầu cơ tăng giá trục lợi; tham mưu, thực hiện các biện pháp để giải quyết, bảo đảm cung ứng hàng hoá cho các tỉnh phía Nam. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng quyết định thành lập tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại 19 các tỉnh, thành phố phía Nam.

Đặc biệt, tại cuộc họp trực tuyến về cung ứng hàng hóa cho 19 tỉnh, thành phía Nam, Bộ trưởng Bộ Công thương và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn một lần nữa tái khẳng định sẽ chịu trách nhiệm trước dân, Chính phủ nếu để đứt gãy chuỗi cung ứng các mặt hàng thiết yếu.

Để thực hiện cam kết này, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, cùng lúc phải tiến hành nhiều trạng thái, có thể chuẩn bị cho chuyển trạng thái từ thị trường tự điều tiết có vai trò của Nhà nước, sang Nhà nước tham gia vào vai trò điều phối thị trường nếu kịch bản cung ứng hàng hóa khó khăn hơn. Bộ sẽ cùng Bộ Công thương xem xét tình hình cụ thể, có thể đề nghị Bộ Quốc phòng hỗ trợ một số khâu như thu hoạch, phân phối... cho nông dân các tỉnh phía Nam.

Về phía các địa phương, cần nắm tình hình chặt chẽ, xuống địa bàn, vùng nguyên liệu lớn để xử lý và kết nối thông tin cung cầu hàng hoá. Với TP Hồ Chí Minh cần làm rõ khâu phân phối sẽ tiến hành như thế nào nếu không sẽ khó có thể cung ứng đủ hàng cho từng bộ phận người dân. Các khâu thu hoạch, vận chuyển và phân phối phải cùng kích hoạt thực hiện mới có thể giải quyết được các vướng mắc. Trong bối cảnh này phải phối hợp đồng thời giữa việc điều tiết của thị trường và Nhà nước. Khi tình thế khó khăn hơn, Nhà nước phải nắm vai trò điều tiết thị trường - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Còn theo Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên thì tình hình cung ứng hàng hoá sẽ chuyển biến nhanh, phức tạp hơn trong vài ngày tới, thậm chí sẽ xảy ra tình huống đứt gãy chuỗi cung ứng các mặt hàng khi mỗi địa phương dựng lên một hàng rào, cản trở lưu thông hàng hoá. Bởi vậy, các đơn vị cần khẩn trương đánh giá, dự báo tình hình, khảo sát và nắm bắt đúng nhu cầu hàng hóa thiết yếu từng địa bàn để đưa ra kịch bản cân đối cung cầu tại chỗ. Địa phương phải thống kê được đang có gì, thiếu gì và cần mua bán những gì. Từ đó Tổ công tác tiền phương và Ban chỉ đạo của hai bộ mới có thể điều tiết được. Bên cạnh đó, các địa phương cũng phải xây dựng kịch bản trong tình huống cao hơn. Trước hết có thể áp dụng cơ chế thị trường, phân phối hàng hóa mua bán trao đổi, nhưng nếu tình hình phức tạp, vai trò nhà nước rất quan trọng...

Khi thực hiện giãn cách xã hội, đương nhiên đời sống, sinh hoạt của người dân sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Việc cung cấp hàng hóa thiết yếu chắc chắn cũng sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều, thậm chí có những trường hợp lợi dụng để găm hàng, tăng giá. Vậy nhưng cùng với sự nỗ lực tối đa của các cơ quan chức năng, sự chung tay của người dân cả nước, những khó khăn này sẽ từng bước được giải quyết. Như ý kiến của Phó Thủ tướng, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid - 19 Vũ Đức Đam vài ngày trước khi TP Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 là phải siết chặt tay nhau, chấp nhận vất vả hơn, thiệt thòi hơn trong thời hạn ngắn để sớm quay lại cuộc sống bình thường...

Khương Ninh