Những giai điệu thức tỉnh

- Thứ Tư, 13/11/2019, 08:01 - Chia sẻ
Hòa nhạc “Tỉnh” gồm nhiều trường đoạn. Mỗi trường đoạn nhằm thể hiện một nội dung mang tính thực tiễn sâu sắc về thiên nhiên, cây cỏ, về môi trường sống, như đất, nước, không khí, núi rừng, đại dương, cùng những thảm họa ô nhiễm môi trường sống do chính con người gây ra.

Viết tiếp giấc mơ với truyền thống

Sau 20 năm học tập ở Đức, nghệ sĩ piano Phó An My quyết định trở về Việt Nam, bắt đầu một giấc mơ lớn. Chặng đường nghệ thuật 15 năm qua khởi đầu bằng ý tưởng đối thoại. “Đối thoại” (năm 2004) là cuộc trò chuyện thú vị bằng âm nhạc với bút pháp sáng tác thính phòng giao hưởng hậu hiện đại, giao lưu với tâm hồn của người xưa vốn đong đầy trong những di sản âm nhạc đậm đà bản sắc Việt. Để rồi, năm 2017 đánh dấu bước ngoặt mới khi nữ nghệ sĩ và nhạc sĩ Đặng Tuệ Nguyên quyết định bứt phá bằng ngôn ngữ và tư duy sáng tạo âm nhạc mới, định danh là “Độc thoại”. “Đến khi Độc thoại, tôi nhận ra mình chín chắn hơn nhiều. Và càng nhận ra rằng, tôi vẫn sẽ dựa trên không khí của âm nhạc truyền thống Việt Nam, để viết tiếp giấc mơ của đời mình”, Phó An My chia sẻ.

Hòa nhạc “Tỉnh” công diễn đêm 24.11 tới đây là ô cửa thứ hai trên bước đường “Độc thoại” của Phó An My. Nếu các chương trình âm nhạc trước đó là hòa tấu, thì “Tỉnh” chỉ còn lại một mình nghệ sĩ trên sân khấu. Đó được ví như cuộc tự vấn bản thân, tự lục tìm trong bản ngã những dấu vết của di sản mà cha ông ban tặng, mà nghệ sĩ đã thu lượm được, đã cảm nhận và lưu giữ trong mình. Theo đó, “Tỉnh” gồm năm trường đoạn: “Đất,” “Nước,” “Hỏa,” “Khí,” và “Sinh.” Các trường đoạn được xây dựng dựa trên 5 nguyên tố căn bản cấu thành hành tinh trái đất và vũ trụ, gồm: Kim - mộc - thủy - hỏa - thổ, tương ứng 5 thang âm trong quan niệm cổ nhạc Việt Nam và phương Đông gồm: Hò - xừ - xang - xê - cống.


“Tỉnh” muốn khán giả cùng suy ngẫm về vấn đề môi sinh, biến đổi khí hậu

Nhạc sĩ Đặng Tuệ Nguyên cho biết, “Tỉnh” được soạn bằng bút pháp sáng tác khí nhạc phương Tây nhưng chứa đựng hơi thở của âm nhạc nghệ thuật dân gian bác học - ca trù. Tuy nhiên, người nghe sẽ không thấy sự hiện diện của một khúc đàn, khúc nhạc, làn điệu ca trù cụ thể nào, thay vào đó, bất chợt bắt gặp dung dáng cổ nhạc trong những tuyến giai điệu, nhịp điệu, tiết điệu, âm sắc hoặc hòa âm trên cây đàn piano. Dung dáng ấy đôi khi là tiếng sênh, tiếng phách, tiếng đàn đáy… là những thanh âm đã được ông cha sáng tạo dựa trên những yếu tố của tự nhiên, mang ý nghĩa về sự tuần hòan trong trời đất.

“Tỉnh” phác họa hình ảnh “Mẹ thiên nhiên” đẹp kỳ diệu, lộng lẫy, hùng vĩ, hào phóng và bao dung. Mỗi chương là một câu chuyện thực tế được kể bằng âm nhạc về thiên nhiên, cỏ cây, môi trường sống, như đất, nước, không khí, núi rừng, đại dương, cùng những thảm họa ô nhiễm do tác động của con người tới tự nhiên.

Suy ngẫm câu chuyện môi trường

Một trong những đặc sắc của ca trù là ca từ phỏng lời thơ uyên thâm, bác học. Bắt đầu từ cảm xúc của âm nhạc dân gian này, nhưng dự án “Tỉnh” lại không dựa trên một lời thơ, lời hát ca trù nào. Phó An My và Đặng Tuệ Nguyên muốn hòa nhạc cất lên câu chuyện từ chính đời sống của mình. Như Phó An My tâm sự, dường như chị bắt đầu muốn đứng ra xa khỏi mình để ngắm nhìn chính cuộc sống của mình và ngắm nhìn trời đất đẹp đẽ xung quanh. Đôi lúc, chị dành rất nhiều thời gian để đi đến các vùng miền khác nhau, chụp lại những bức ảnh, để rồi nhận ra không gì vĩ đại bằng thiên nhiên. Có lẽ, đấy cũng là lý do lần này, nghệ sĩ muốn dẫn công chúng bước vào cuộc phiêu lưu âm nhạc lãng mạn song cũng đầy toan tính.

Toan tính ở đây là xóa nhòa ranh giới trong âm nhạc, để người nghe không còn phân biệt rạch ròi được giữa cổ điển, đương đại hay truyền thống… mà tất cả cùng thời điểm, cùng không gian mang lại cảm xúc âm nhạc. Toan tính ở đây còn là cất lên tiếng nói về vấn đề môi sinh, về những tác động của con người gây ra biến đổi khí hậu. Thông qua âm nhạc, “Tỉnh” muốn khán giả cùng nhìn, suy ngẫm về câu chuyện này. Nghệ sĩ Phó An My chia sẻ: “Tôi không phải là người đi đầu trong việc dùng âm nhạc để bảo vệ môi trường. Trước đó các nghệ sĩ nổi tiếng đã nói rất nhiều. Nhưng với “Tỉnh”, tôi bày tỏ suy nghĩ theo cách của riêng tôi, theo những gì tôi cảm nhận”.

Câu chuyện của đất, nước, lửa, của không khí, sinh vật, của những gì tồn tại… được đặt ra trong tiêu đề của từng chương nhạc, nhằm vào sự thức tỉnh ý thức của con người trước thiên nhiên. Theo nhạc sĩ Đặng Tuệ Nguyên, đó như một gợi ý mà không gian âm nhạc tác động đến công chúng, để mỗi người sẽ đặt những trải nghiệm, tưởng tượng riêng của mình về thế giới, môi trường sống xung quanh vào thanh âm đó. “Ví dụ chương Lửa, những nốt nhạc xuất phát từ nội tại con người tôi, khi viết tôi nghĩ về cháy rừng, những đám cháy lớn thiêu rụi con người, nhà cửa… Thảm họa ấy, hoặc bạn chứng kiến, hoặc bạn được nghe qua phương tiện truyền thông, nhưng âm nhạc sẽ hướng bạn một lần nữa suy nghĩ về nó. Với “Tỉnh”, chúng tôi cũng muốn nói rằng, nghệ sĩ cũng rất quan tâm về môi trường, và chúng tôi đang cất lên tiếng nói của mình để truyền lời cảnh báo của “Mẹ thiên nhiên”.

Thái Minh