Những gì chưa tổng kết, chưa rõ, chưa đủ cơ sở thuyết phục thì chưa sửa đổi

- Thứ Hai, 13/01/2014, 17:11 - Chia sẻ
Trong thực tiễn triển khai Luật Hôn nhân và gia đình đã nảy sinh nhiều vấn đề về độ tuổi kết hôn, việc áp dụng các phong tục tập quán, việc có công nhận hôn nhân đồng tính hay không…? Do vậy, việc sửa đổi Luật Hôn nhân và gia đình lần này cần phải thực hiện theo nguyên tắc cái gì “chín”, cái gì rõ và giải quyết được trong thực tiễn thì sửa, cái gì chưa rõ và thực tế xã hội chưa chấp nhận thì nên để nghiên cứu và tổng kết thêm trước khi quy định trong luật...

Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu: Nếu có danh mục về độ tuổi kết hôn của các dân tộc thiểu số sẽ tốt hơn…
 
Thực tế chúng ta nói rằng trong trường hợp pháp luật chưa có quy định thì lúc đó mới được áp dụng các phong tục tập quán tốt đẹp, thể hiện bản sắc của một dân tộc nào đó chứ đã có pháp luật rồi thì nhất nhất phải theo pháp luật chứ không thể nói có pháp luật mà lại áp dụng phong tục tập quán, dù phong tục tập quán đó tốt đẹp cho một dân tộc nào đó. Đó là ý chung, đã thống nhất rồi nhưng ở đây nói không có pháp luật thì đưa ra 2 điều kiện: Một là phải có thỏa thuận khác nữa, không có thỏa thuận khác của hai bên và phải có điều kiện là phong tục, tập quán đó không trái với Điều 2 là những nguyên tắc của vấn đề hôn nhân gia đình theo luật này và không vi phạm vào điều cấm ở Điều 4. Theo cách viết nay thì có phải là có hai điều kiện đó không thì mới được áp dụng phong tục, tập quán, hay kể cả những trường hợp có thỏa thuận khác của hai bên thì người ta được áp dụng theo thỏa thuận khác của hai bên? Tôi nghĩ cách diễn đạt ở điều này chưa rõ. Tôi hiểu rằng nếu có thỏa thuận khác của hai bên thì thỏa thuận này không được trái với những nguyên tắc của pháp luật và không trái với đạo đức và những điều cấm thì thỏa thuận đó mới được thừa nhận. Còn nếu nói phong tục, tập quán tôi nghĩ chỉ có hai điều kiện như ta nói ở đây, một là vi phạm vào nguyên tắc của Điều 2, hai là không phạm vào các điều cấm thì được áp dụng phong tục, tập quán. Nếu bây giờ có thỏa thuận khác nữa, người ta hỏi là thỏa thuận khác này nếu nó trái với nguyên tắc ở Điều 2 và vi phạm điều cấm thì thế nào? Viết luật như thế không chặt…

Ý thứ hai về độ tuổi kết hôn, chỗ này đang có hai loại ý kiến, hôm nay cơ quan soạn thảo có gửi một danh mục tham khảo kinh nghiệm lập pháp của một số nước ở châu Á, châu Âu và khu vực chúng ta. Nhưng tôi quan tâm nhiều hơn là bây giờ có được danh mục những dân tộc thiểu số trên đất nước chúng ta, dân tộc nào, địa phương nào độ tuổi kết hôn thực tế dưới độ tuổi Luật Hôn nhân và gia đình quy định để biết được nếu cứ quy định 18 hay 20 tuổi trở lên có thực tế không, liệu có khả thi không? Nếu quy định như thế thì thực tế xử lý như thế nào? Hôm qua đoàn công tác chúng tôi xuống một số bản, một số xã của huyện Mường Lát, bà con dân tộc Mông ở trên đó nếu tuổi nữ kết hôn rất sớm 14, 15 tuổi đã kết hôn. Tôi gặp mấy em rất nhỏ tay thì bế một em, sau thì cõng 2 em, hỏi cháu có mấy con rồi, bảo cháu bây giờ 6 con rồi… Như vậy vấn đề hôn nhân, gia đình ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số phong tục tập quán của họ rất khác, chứ không phải như ta mong muốn ở đây là được ngay. Tôi nghĩ rằng vấn đề hôn nhân của vùng đồng bào dân tộc thiểu số phải rà soát lại kỹ.
 
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc K’Sor Phước: Không nên rút độ tuổi kết hôn

 
Về độ tuổi kết hôn như thế nào? Ta hình dung là bây giờ trong vùng dân tộc có nhiều dân tộc, thường nằm ở vùng sâu, vùng xa, còn cũng dân tộc đó nhưng nằm ở khu vực thị trấn, thị xã, thành phố thì ít có chuyện này. Thường ở vùng sâu, vùng xa, có câu chuyện gia đình và làng bản tổ chức cho các cháu cưới nhau, thừa nhận gia đình khi chưa đến tuổi, bây giờ ta xử lý việc này thế nào? Ta cứ lấy từ thực tiễn, luật ra đời hơn 10 năm rồi nhưng chưa xử lý được, mà ở cơ sở, ở xã những nơi đó người ta vẫn thừa nhận. Cái chính là bây giờ phải xử lý bằng luật, nếu trường hợp tranh chấp xảy thì trách nhiệm của xã hội, của gia đình như thế nào? Bây giờ cố áp, quy thế nào thì quy, thực tiễn vừa rồi không giải quyết được, mặc dù biết cả nhưng không làm được. Phạt không được vì cả làng đứng ra tổ chức, anh phạt làm sao? Ở các vùng khác có câu chuyện mấy đứa trẻ yêu nhau và sinh con nhưng dòng họ, gia đình không đồng ý, nhưng nó vẫn sống với nhau, chúng ta vẫn phải chấp nhận đó là một gia đình. Nó có hai dạng, một dạng là cộng đồng ở nơi sống đó thừa nhận đó là một gia đình hợp với phong tục, tập quán, một dạng là ở cộng đồng không thừa nhận nhưng các cháu vẫn sống với nhau. Quan trọng là bây giờ luật phải điều chỉnh trách nhiệm của cha mẹ đối với con thế nào và con đối với cha mẹ thế nào? Khi chia tay nhau trách nhiệm của cha mẹ với đứa con, tức là trường hợp gia đình không được thừa nhận về mặt pháp luật thì như thế nào? - trong luật ta không có quy định này nên không bị ràng buộc gì, cuối cùng trách nhiệm thuộc về người phụ nữ, người mẹ phải gánh hết nếu có xung đột và thậm chí cả bên gia đình của người mẹ phải gánh cho cả đứa cháu của mình, còn bên nội coi như xong trách nhiệm không có băn khoăn gì hết. Tôi đề nghị nếu có bổ sung là bổ sung chỗ này, điều chỉnh những trường hợp này.

Còn về độ tuổi, theo tôi về luật không nên rút độ tuổi, ta đang xây dựng một xã hội văn minh, dân giàu, nước mạnh, xã hội văn minh, ta đã nói rồi mà tại sao lại rút độ tuổi xuống, trong khi đó chúng ta điều tra xã hội học thì thấy rằng độ tuổi kết hôn ngày càng tăng, mà QH lại đi ngược lại xu hướng phát triển của xã hội Việt Nam. Cho nên theo tôi, nếu không tăng được độ tuổi thì phải giữ lại như luật cũ đã quy định chứ không tăng.

Một vấn đề nữa là giữa hôn nhân và gia đình có khác nhau, chúng ta một mặt vừa đang nói hôn nhân nhưng một mặt lại nói gia đình. Ví dụ như đồng tính, những gia đình đồng tính là nằm trong phạm trù gia đình chứ không phải phạm trù hôn nhân nếu theo chúng ta quy định. Nếu đi vào trong phạm trù gia đình nó lại đúng, cho nên khái niệm về gia đình của ta không phải chỉ là vấn đề có cha, có mẹ và có các con. Bây giờ có cần phải mở rộng không thì cần phải có tổng kết xem thử là trong trường hợp này ta phải lắng nghe như thế nào? Ta phải hiểu nó trong phạm trù của gia đình. Theo tôi phải hình dung ở đây là rõ ràng hôn nhân khác và gia đình khác. Trong gia đình có hôn nhân là nhân tố tình cảm thắt chặt trong đó có 3 nhân tố: cha, mẹ, con và được pháp luật bảo hộ nhưng trong phạm trù gia đình có khi lại rất rộng, trong đó nó có cả ông, bà, cháu chứ không chỉ có cha, mẹ và con... Tứ đại đồng đường trong một gia đình hoặc như trường hợp đồng tính cũng phải đưa vào trong phạm trù gia đình. Nếu chúng ta “gỡ” được cái này tôi nghĩ rằng sẽ mở ra những hướng luật bởi vì luật phải đi vào thực tiễn của xã hội đang xảy ra để xử lý khi những mâu thuẫn của xã hội đó phát triển thì luật phải can thiệp vào để xử lý nó mới đảm bảo tính công bằng và bình đẳng cho mọi người.
 
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý: Cái gì chưa có tổng kết, chưa rõ, chưa đủ cơ sở thuyết phục thì chưa sửa đổi
 
Thứ nhất, khi chúng ta xem xét vấn đề này Hiến pháp chưa thông qua, tất nhiên có tính đến những quy định trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp, nhưng đề nghị rà soát lại, vì đây là một trong những quy định rất quan trọng liên quan đến quyền con người; quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân. Do đó cần rà soát lại toàn bộ vấn đề này để phù hợp với Hiến pháp, phù hợp với quy định của các luật khác. Không những ở đây mà một số quy định ta phải lường trước, ví dụ những quy định liên quan đến hạn chế sinh đẻ, liên quan đến các pháp lệnh, nghị định phải tiếp tục rà soát lại, nếu tiếp tục giữ các chủ trương và quy định đó phải đưa vào luật, không để các quy định dưới luật. Tôi đề nghị cần tổng kết và cân nhắc, rà soát lại cái này với quy định Bộ luật Dân sự về tài sản. Ngay như Hiến pháp quy định tại Điều 36 là nam, nữ có quyền kết hôn, ly hôn, trong gia đình nghĩa vụ cha mẹ với con cái, con cái với gia đình, đối với thanh niên, trong này tôi chưa thấy có quy định đó, lần này nếu sửa để phù hợp với Hiến pháp thì phải đưa vào, vì trong Hiến pháp quy định rất rõ là nhà nước, gia đình và xã hội, phải có trách nhiệm của thanh niên, tôi chưa thấy trong này, đề nghị rà soát thêm.

Về những vấn đề cụ thể tôi thấy cần tổng kết và lập luận rõ hơn để có tính thuyết phục, tức là cái gì chưa tổng kết, chưa rõ, chưa đủ cơ sở thuyết phục thì chưa sửa đổi, cái gì thống nhất thì sửa đối.

Về hôn nhân đồng tính. Có hôn nhân đồng tính không? Luật hiện hành cấm vấn đề này, không công nhận, nhưng chúng ta định sửa thì phải sửa cho phù hợp với tinh thần của Hiến pháp hiện hành về quyền con người. Thứ hai là xu hướng phát triển. Tôi nói không thể bây giờ sửa chỗ này mà lại không công nhận hôn nhân đồng tính. Tất nhiên công nhận hôn nhân đồng tính hay không phải có tổng kết để có cơ sở, chưa có đủ cơ sở thì theo tôi không nên sửa, bây giờ chúng ta sửa nửa chừng như thế này là không phù hợp. Hơn nữa, quan điểm của Ban soạn thảo và Ủy ban thẩm tra tôi thấy cũng chưa rõ, một phần nói là không thừa nhận, không phải là hôn nhân vì hôn nhân là sự thỏa thuận giữa hai người theo trình tự, thủ tục nhất định nhưng Khoản 2, Điều 7 lại quy định là Nhà nước không công nhận hôn nhân giữa người đồng tính. Như vậy là cũng đã dùng khái niệm hôn nhân rồi, mà hôn nhân là phải theo quy trình, thủ tục, do đó theo tôi quy định này cần phải nghiên cứu kỹ hơn để nếu quy định thì sẽ quy định phù hợp hơn.

Về ly thân, tôi tán thành với ý kiến là không nên đưa vào, vì ly thân giống như một biện pháp để khắc phục, giải quyết tình cảm vợ chồng, nhiều vấn đề không phải chỉ mâu thuẫn. Ngay ly thân cũng rất nhiều trạng thái, không chỉ căng thẳng với nhau mỗi chuyện chấm dứt hay không chấm dứt. Có thể đây là một động tác để 2 bên nghĩ về nhau, yêu nhau hơn và sống với nhau lâu hơn cũng bắt người ta phải công chứng hay sao. Những vấn đề này chúng ta càng hành chính hóa thì mâu thuẫn giữa vợ và chồng càng trầm trọng hơn, chính bản thân các quy định không phục vụ được quan điểm của chúng ta là để góp phần bảo đảm gia đình hạnh phúc và ổn định. Chúng ta cứ xoáy vào những quy định sâu hơn, doãng khoảng cách vợ chồng ra thì có nên không?
 
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện: Pháp luật là tối thượng - mọi vấn đề khi đã có quy định của pháp luật thì phải tuân theo pháp luật
 
Thứ nhất, về áp dụng tập quán trong hôn nhân và gia đình. Lần này cơ bản  tôi đồng ý với tinh thần tiếp thu là vẫn coi pháp luật là tối thượng và mọi vấn đề khi đã có quy định của pháp luật thì phải tuân theo pháp luật. Vấn đề này đã rõ.

Vấn đề thứ hai, đối với một số tập quán, ở đây cũng đã có quy định là trên tinh thần quy định hiện hành đã quy định thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh trong việc phê duyệt các danh mục, các tập quán được coi là tốt đẹp, có thể tiếp tục phát huy. Tuy nhiên, đi vào cụ thể của Điều 6, đề nghị xem kỹ thêm. Ở Khoản 1 viết là áp dụng tập quán về hôn nhân và gia đình quy định "Trong trường hợp pháp luật không quy định và các bên không có thỏa thuận khác thì tập quán tốt đẹp được áp dụng". Ở đây đề nghị xem lại chính xác là trong trường hợp pháp luật không có quy định thì tập quán tốt đẹp được áp dụng, nhưng lại thêm một vế là "và các bên không có thỏa thuận khác". Tôi nghĩ là tính kỹ chỗ này, pháp luật không có quy định thì áp dụng tập quán tốt đẹp, nhưng với điều kiện nữa là ngoài pháp luật không quy định mà các bên không có thỏa thuận khác. Ví dụ khi pháp luật không quy định, các bên có thỏa thuận về áp dụng phong tục, tập quán xấu hơn, không tốt đẹp thì làm thế nào thì không được, không phải quyền cá nhân ở đây. Nếu pháp luật không quy định thì tập quán tốt đẹp là hàng thứ 2 được ưu tiên áp dụng ở đây, không phải các cá nhân lựa chọn. Nếu các bên thỏa thuận áp dụng phong tục xấu thì sao, trong khi như vậy thì phong tục tốt đẹp lại đứng thứ 3. Tôi đề nghị cân nhắc lại, phải kèm theo một điều kiện nữa là các bên không có thỏa thuận khác. Sau pháp luật là đến phong tục tốt đẹp.

Khoản 2 quy định: Chính phủ quy định chi tiết Khoản 1 và các biện pháp tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ những tập quán lạc hậu về hôn nhân, gia đình. Tôi nghĩ không cần thiết lắm, vì không biết hướng dẫn thêm Khoản 1 thì hướng dẫn cái gì còn vấn đề tuyên truyền, vận động thì nằm trong nhiệm vụ chung khác, không chỉ riêng điều này mà Chính phủ tuyên truyền, vận động. Tôi đề nghị cân nhắc lại có cần thiết để Khoản 2 không, tôi thấy trong trường hợp này là không cần thiết. 
 

Minh Vân lược ghi