Những điều chỉnh gây tranh cãi
Một số điểm trong dự thảo Hiến pháp gây tranh luận gay gắt giữa cánh tả đối lập và cánh hữu cầm quyền. Nhưng cuối cùng hầu hết đề xuất của cánh hữu đều được thông qua hoặc được điều chỉnh để bảo đảm yêu cầu của cả hai bên.
Quyền phát biểu của Tổng thống trước Nghị viện
Điều 7 của dự thảo Hiến pháp sửa đổi quy định Tổng thống nước Cộng hòa không chỉ được quyền gửi thông điệp bằng văn bản tới Nghị viện mà có thể trực tiếp phát biểu trước phiên họp toàn thể hai viện, hoặc một trong hai viện - điều vốn bị cấm từ thời Cộng hòa đệ tam. Sau đó, Nghị viện có thể thảo luận về phát biểu của Tổng thống nhưng không được bỏ phiếu.
Cánh tả không đồng tình với điều khoản này vì cho rằng Nghị viện là nơi thể hiện trách nhiệm của Chính phủ, chỉ có Thủ tướng và các Bộ trưởng mới phải đối mặt với các phiên điều trần hay chất vấn tại Nghị viện. Sự xuất hiện của Tổng thống có thể làm suy yếu vai trò của Thủ tướng. Cánh hữu cũng phản đối đề xuất này với lý do rằng điều đó sẽ làm suy giảm uy tín và sự tôn nghiêm của Tổng thống bởi trong mọi trường hợp, phe đối lập chắc chắn sẽ phản đối sự có mặt của Tổng thống.
Cuối cùng, Ủy ban Pháp luật đã chấp nhận quy định Tổng thống được xuất hiện một lần duy nhất trong phiên họp toàn thể của Nghị viện tại Versailles, đồng thời quy định các nghị sỹ sẽ không thảo luận bất kỳ tuyên bố hay phát biểu nào của Tổng thống tại Nghị viện, khác với thủ tục áp dụng với Thủ tướng.
Xóa bỏ trưng cầu dân ý đối với đề nghị xin gia nhập EU
Trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp ban đầu, các nhà lập hiến muốn xóa bỏ điều khoản 88 - 5, trong đó quy định bắt buộc đưa ra trưng cầu dân ý đối với mọi quyết định mở rộng EU. Như vậy, theo quy định này, kể từ sau khi Croatia gia nhập EU, đơn gia nhập của các nước còn lại sẽ do Chính phủ tự quyết định mà không cần xin ý kiến nhân dân. Điều khoản này vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của cánh hữu. Một số nghị sỹ của UMP (Liên minh vì phong trào nhân dân) đề xuất áp dụng quy định về trưng cầu dân ý đối với riêng đơn xin gia nhập của Thổ Nhĩ Kỳ. Cuối cùng, các bên đã nhất trí với quy định, mọi dự thảo luật liên quan tới việc phê chuẩn hiệp ước gia nhập châu Âu đều phải đưa ra trưng cầu dân ý, trừ trường hợp hai viện Nghị viện thông qua một kiến nghị (với đa số 2/5) cho phép thông qua dự luật này.
Hạn chế quyền thông qua luật của Chính phủ
Điều luật 49-3 cho phép Chính phủ thông qua một dự luật mà không cần thủ tục bỏ phiếu tại Hạ viện bằng cách đưa ra đề xuất bỏ phiếu tín nhiệm. Trong trường hợp này, dự luật sẽ đương nhiên được thông qua trừ phi Chính phủ không vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Hạ viện. Thủ tục này cho phép Chính phủ “tiết kiệm” thời gian thảo luận và đẩy nhanh tiến trình thông qua một dự luật. Được đưa vào Hiến pháp sau cuộc khủng hoảng Algeria, điều khoản này từng được coi là một “cứu cánh” của nền Cộng hòa Thứ V, vốn luôn trong tình trang bất ổn chính trị. Tuy nhiên, các nghị sỹ cho rằng điều khoản này đi ngược lại những nguyên tắc dân chủ, phủ nhận vai trò của Nghị viện, gián tiếp phủ nhận vai trò của cử tri. Chính vì vậy, trong dự thảo Hiến pháp sửa đổi, ban soạn thảo đã đề xuất chỉ áp dụng quy định trên đối với dự thảo ngân sách Nhà nước, ngân sách an sinh xã hội và mỗi kỳ họp chỉ được áp dụng đối với một dự luật.
Cải thiện quyền điều chỉnh ngân sách của Nghị viện
Điều 40 của Hiến pháp 1958 không cho phép Nghị viện được phép điều chỉnh ngân sách theo hướng tăng chi tiêu công. Chủ tịch Ủy ban Tài chính Hạ viện và Thượng viện phản đối việc duy trì điều khoản này vì cho rằng quy định như vậy đang hạn chế chức năng quyết định ngân sách của Nghị viện. Tuy nhiên, cuối cùng, Hiến pháp sửa đổi vẫn giữ nguyên nội dung điều khoản này.
Những vấn đề bị bỏ qua
Trước khi Hiến pháp sửa đổi được thông qua, đảng Xã hội, lực lượng đối lập lớn nhất, đã đưa ra một số điều kiện để họ bỏ phiếu ủng hộ. Điều kiện đầu tiên là yêu cầu sửa đổi luật bầu cử Thượng viện theo hướng có lợi cho cánh tả. Đảng Xã hội cũng yêu cầu áp dụng quy chế bầu cử hỗn hợp, vừa bầu trực tiếp vừa bầu theo danh sách đại diện tỷ lệ. Đề xuất này cũng nhận được sự ủng hộ của các đảng trung dung bởi sẽ giúp cho các đảng nhỏ có cơ hội nắm nhiều ghế hơn tại cơ quan lập pháp. Một đề xuất quan trọng khác là yêu cầu xóa bỏ quy chế nghị sỹ kiêm nhiệm nhằm tránh tình trạng xung đột lợi ích. Tuy nhiên, hầu hết những đề xuất trên đều không nhận được sự ủng hộ của cánh hữu.