Nhiều đề xuất trọng tâm đối với các dự thảo luật
Thảo luận về dự án Luật Công nghiệp công nghệ số, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH thành phố Lã Thanh Tân cho rằng: Chương IV dự thảo Luật đưa ra những quy định rất cụ thể về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (cơ chế sandbox). Đây là một cơ chế rất quan trọng đối với các lĩnh vực ngành nghề, công nghệ mới. Ở các nước phát triển, cơ chế này đã được luật hóa và áp dụng khá thành công, Ở Việt Nam, gần như chưa được đưa vào quy định ở tầm luật. Đối với lĩnh vực công nghiệp công nghệ số, việc đưa ngay được cơ chế sandbox vào Luật theo đại biểu rất mạnh dạn và cần thiết. ĐBQH Lã Thanh Tân ủng hộ các nội dung quy định đã đưa vào dự thảo Luật; đồng thời, đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục tham khảo thêm kinh nghiệm pháp luật ở một số quốc gia có ngành công nghiệp công nghệ số phát triển thành công, để hoàn thiện các quy định ở mức tốt nhất và vẫn phù hợp với điều kiện pháp luật ở Việt Nam...
Tham gia ý kiến về chính sách của Nhà nước về việc làm (Điều 5) tại dự thảo Luật Việc làm, ĐBQH Lã Thanh Tân đề nghị nghiên cứu bổ sung Điều 5 về chính sách hỗ trợ việc làm đối với người thuộc diện thu hồi đất. Vì thực tế trong nhiều năm qua và những năm sắp tới, nước ta thực hiện nhiều dự án phát triển kinh tế và cần thu hồi đất nên ảnh hướng đến tình hình việc làm của người lao động.
Góp ý đối với dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi), về quy định đối với khoảng cách an toàn tại Điều 62 dự thảo Luật không quy định cụ thể mà viện dẫn sang các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn, như vậy sẽ gây khó khăn cho việc tra cứu pháp luật và sẽ phụ thuộc nhiều vào tiến độ ban hành các quy chuẩn kỹ thuật. ĐBQH Lã Thanh Tân cho rằng, nên chăng quy định rõ, trong 4 nhóm hóa chất quy định tại Chương III của dự thảo Luật, nhóm hóa chất nào phải có quy định về khoảng cách an toàn đối với địa điểm xây dựng công trình có hoạt động sản xuất hóa chất, tồn trữ hóa chất…
Bãi bỏ điều kiện kinh doanh không được ban hành đúng thẩm quyền
Cùng với nhiều đề xuất trọng tâm, thiết thực vào các dự thảo luật, Đoàn ĐBQH thành phố Hải Phòng cũng có những đóng góp rất quan trọng trong các phiên thảo luận tại hội trường.
Từ thực tiễn quản lý các khu công nghiệp, khu kinh tế (KCN, KKT) tại thành phố Hải Phòng, ĐoànĐBQH thành phố đề xuất việc phân cấp, ủy quyền cho UBND thành phố được chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN, khu chế xuất phù hợp với quy hoạch; việc đầu tư thành lập các KCN trên địa bàn thành phố không thuộc trường hợp phải áp dụng điều kiện về tỷ lệ lấp đầy bình quân các KCN trên địa bàn đạt tối thiểu 60%...
Phát biểu thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, ĐBQH thành phố Lã Thanh Tân quan tâm đến giải pháp đột phá, mạnh mẽ hơn về thể chế: tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hoàn thiện hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch. Góp ý kiến cụ thể đối với nhiệm vụ giải pháp này trong thực hiện mục tiêu có 2 triệu doanh nghiệp đến năm 2030 được đặt ra theo Nghị quyết số 41 NQ/TW ngày 10.10.2023 của Bộ Chính trị, đại biểu nhấn mạnh: môi trường kinh doanh ở nước ta đã thông thoáng hơn rất nhiều. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn than phiền về những rủi ro họ gặp phải ngay từ khi bắt đầu khởi nghiệp, đó là những điều kiện kinh doanh hay các tiêu chuẩn, quy chuẩn rất khó thực thi. Điều này dẫn đến doanh nghiệp phải trì hoãn, thậm chí hủy bỏ kế hoạch kinh doanh, gây lãng phí cả về thời gian, nguồn lực và cơ hội kinh doanh. Đây cũng là một trong những nguyên nhân của tình trạng doanh nghiệp chậm lớn ở nước ta.
Tại kỳ họp này, trên cơ sở ý kiến thảo luận của ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý bỏ quy định kinh doanh dịch vụ phòng cháy chữa cháy là ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp, tăng cường chế độ tự chủ và tự chịu trách nhiệm dưới sự kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước. Đây chính là đổi mới công tác lập pháp theo hướng vừa bảo đảm quản lý nhà nước, vừa khơi thông nguồn lực để phát triển, quyết tâm từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm” và phòng chống lãng phí trong công tác xây dựng pháp luật theo tinh thần định hướng chung của Trung ương. Đồng thời, cũng cho thấy việc cắt giảm điều kiện kinh doanh có thể thực hiện được.
Nhấn mạnh mục tiêu đến năm 2030 có 2 triệu doanh nghiệp đang là thách thức lớn, ĐBQH Lã Thanh Tân đề nghị Chính phủ chỉ đạo tiếp tục rà soát các điều kiện kinh doanh để phân loại, có các biện pháp xử lý, tháo gỡ “rào cản” trong thể chế về các điều kiện kinh doanh như những kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp. Trong đó, cần dứt khoát bãi bỏ những điều kiện kinh doanh không được ban hành trong các văn bản luật, nghị quyết của Quốc hội; pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; nghị định của Chính phủ; điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên theo quy định tại Điều 7 Luật Đầu tư năm 2020.