Những đạo luật thú vị và khác lạ sẽ có hiệu lực trong năm mới
Trong năm 2022, một khối lượng khổng lồ các văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có không ít đạo luật với những quy định "thú vị" và "khác lạ" được cơ quan lập pháp các nước trên thế giới thông qua. Một số trong đó sẽ có hiệu lực ngay trong năm 2023 này hoặc muộn hơn một chút.
New Zealand cấm các thế hệ tương lai mua thuốc lá
Với dự thảo luật vừa được thông qua hồi giữa tháng 12.2022, New Zealand sẽ cấm vĩnh viễn việc bán thuốc lá cho mọi cá nhân sinh ra sau năm 2008, từ đó tạo ra những “thế hệ không hút thuốc” không bao giờ được mua và sử dụng thuốc lá, bất kể sau này độ tuổi có trên 18 hay không.
Bộ luật này sẽ được sử dụng từ đầu năm 2023. Bước 1 của bộ luật, thuốc lá bán ra tại đất nước này sẽ phải giảm hàm lượng nicotine xuống 0,8 mg/1 gram thuốc lá, tức là giảm 20 lần so với con số trung bình 15,8 mg/1 gram thuốc lá hiện giờ. Bước 2, các nhà quản lý thị trường New Zealand sẽ có 12 tháng để ngừng hoạt động 90% các nhà phân phối thuốc lá đã đăng ký, tức là đến cuối năm 2023 sẽ chỉ còn khoảng 600 địa điểm cho phép người dân mua thuốc lá.

Và quan trọng hơn cả, như đã đề cập, mọi trẻ em dưới 14 tuổi vào thời khắc chuyển giao năm mới 2023 ở New Zealand từ nay về sau sẽ không được mua thuốc lá trên lãnh thổ New Zealand. Những người bán, vận chuyển hay thậm chí là sắp xếp giao kèo bán thuốc lá cho thế hệ này sẽ phải đóng tiền phạt gần 100.000 USD. Chỉ cần cho một cá nhân trong độ tuổi này một điếu thuốc thôi, hình phạt sẽ là hơn 32.000 USD.
Hiện giờ tỷ lệ hút thuốc lá ở New Zealand đã giảm còn 1 nửa chỉ trong 10 năm, đạt tỷ lệ 8% dân số, so với tỷ lệ 22,3% của toàn thế giới.
Các biện pháp mới có vẻ cực đoan, nhưng nhiều khả năng chúng có thể trở thành thông lệ tiêu chuẩn cho các quốc gia khác trong tương lai, đặc biệt nếu các con số chứng minh nó có hiệu quả trong vài tháng, năm và thập kỷ tới.
EU thông qua luật chuẩn sạc chung Type-C
Mới đây Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua một dự luật, trong đó buộc tất cả mọi thiết bị di động, từ smartphone, tablet, máy ảnh kỹ thuật số, tai nghe console, loa Bluetooth, máy đọc sách, bàn phím, chuột, hệ thống định vị, vân vân đều phải sử dụng chuẩn sạc Type-C từ năm 2024. Nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu cho dự luật này, trong đó có 602 phiếu thuận, 13 phiếu chống và 8 phiếu trắng. Trên thực tế là hầu hết các hãng đã làm được chuyện này sẵn rồi (tất nhiên là vẫn có những thiết bị giá mềm vẫn dùng chuẩn micro USB để tiết kiệm chi phí), chỉ trừ có Apple là vẫn còn rất ngoan cố tâm huyết với chuẩn sạc riêng của mình.
Ngoài ra thì từ năm 2026, các mẫu laptop theo theo tiêu chuẩn USB PD 3.0, tức là tối đa 100 Watt cũng phải sạc theo chuẩn USB Type-C. EU cũng đang có kế hoạch ra một tiêu chuẩn chung cho sạc không dây, có hiệu lực vào năm 2024. Hiện chưa rõ tiêu chuẩn nào sẽ được chọn nhưng khả năng cao là nó sẽ là chuẩn sạc Qi vì đây là tiêu chuẩn phổ biến nhất, đã được rất nhiều hãng lớn tuân theo.
Queensland: Luật trợ tử tự nguyện (VAD)
Luật Trợ tử tự nguyện (VAD) của bang Queensland, Australia đã được Quốc hội bang này thông qua vào tháng 9 năm ngoái và sẽ có hiệu lực vào ngày 1.1.2023.
Theo Luật Trợ tử tự nguyện, các bác sĩ lâm sàng đăng ký thông qua Cơ quan Y tế Queensland để trở thành người hành nghề VAD, và sau đó một hội đồng được chỉ định sẽ xem xét và phê duyệt các đơn đăng ký.
Cho đến nay, gần 280 bác sĩ lâm sàng từ các vùng đô thị, khu vực nông thôn và vùng sâu vùng xa của Queensland đã đăng ký cung cấp dịch vụ VAD.
Chính quyền Queensland đã thành lập QVAD-Access, một chương trình nhằm cung cấp khả năng tiếp cận tốt hơn cho các bác sĩ và bệnh nhân.
Bộ Y tế Queensland cho biết theo chương trình này, các học viên VAD và bệnh nhân sẽ có thể liên lạc với nhau khi không có hỗ trợ hoặc dịch vụ tại địa phương. Người phát ngôn cho biết chi phí đi lại của những người hành nghề VAD được ủy quyền thông qua chương trình này sẽ do Bộ Y tế Queensland tài trợ.
Illinois: Đạo luật cấm găng tay cao su và hỗ trợ bán hàng rong
Bắt đầu từ ngày 1.1.2023, bất kỳ cơ sở dịch vụ ăn uống nào cũng sẽ phải cấm đeo găng tay cao su khi chuẩn bị và xử lý thực phẩm. Nó cũng cấm các nhân viên cấp cứu đeo găng tay như vậy. Nhân viên y tế sẽ chịu lệnh cấm đeo găng tay sau ngày 1.1.2024.
"Nếu găng tay cao su phải được sử dụng trong quá trình chuẩn bị thực phẩm do khủng hoảng làm gián đoạn khả năng cung cấp găng tay không phải cao su của cơ sở dịch vụ ăn uống, thì một biển báo sẽ được đặt ở vị trí nổi bật tại điểm đặt hàng hoặc điểm mua hàng để thông báo rõ ràng cho công chúng về thay đổi," luật quy định.
Ngoài ra một đạo luật nhằm hỗ trợ những người bán thức ăn vỉa hè cũng sẽ có hiệu lực trong năm mới. Thống đốc Newsom đã ký đạo luật SB 972, được thúc đẩy bởi Thượng nghị sĩ Lena Gonzalez để giúp những người bán hàng rong dễ dàng xin giấy phép y tế địa phương hơn. Điều này không chỉ giúp tăng sức khỏe và sự an toàn của cộng đồng mà còn giúp những người bán hàng chính thức tham gia vào nền kinh tế để họ có thể xây dựng một doanh nghiệp thành công và chu cấp tốt hơn cho gia đình của họ.
Thái Lan rút lại dự luật nới lỏng sử dụng cây cần sa và gai dầu
Hạ viện Thái Lan hôm 14.9.2022 đã rút lại Dự luật cho phép sử dụng cây cần sa và cây gai dầu cho các mục đích y học và nghiên cứu để chờ sửa đổi nội dung mà các nhà lập pháp cho là “quá lỏng lẻo” và có thể khiến những người trẻ gặp nguy hiểm.
Sau đó, Bộ Y tế Công cộng Thái Lan hôm 23.10.2022 đã ban hành thêm 3 sắc lệnh liên quan đến việc sử dụng cây cần sa và cây gai dầu, bao gồm quy định về liều lượng hai hợp chất chính cannabidiol - CBD và tetrahydrocannabinol - THC trong thực phẩm và gia vị.

Phó Phát ngôn viên Chính phủ Traisuree Traisoranakul cho biết các sắc lệnh có hiệu lực ngay lập tức trong ngày nhằm siết chặt các quy định về việc sử dụng cây cần sa và cây gai dầu, cũng như chiết xuất của hai loại cây này trong thực phẩm và gia vị đối với các nhà sản xuất và cung cấp thực phẩm.
Trong gia vị, lượng THC không được vượt quá 0,0032% trọng lượng và lượng CBD không được vượt quá 0,0028% trọng lượng. Đối với các sản phẩm thực phẩm khác, lượng THC và CBD không được vượt quá 1,6 mg và 1,41 mg trên một đơn vị sản phẩm. Lượng hợp chất cũng phải được ghi rõ trên nhãn sản phẩm.
Trong sắc lệnh thứ hai liên quan đến hạt giống cần sa, việc kiểm soát lượng CBD trong hạt cần sa được sử dụng làm thực phẩm, trong dầu cần sa và protein cần sa được dỡ bỏ, nhưng việc kiểm soát hàm lượng THC vẫn có hiệu lực.
Trong khi đó, sắc lệnh thứ ba quy định rằng CBD, khi được trộn với các chất khác không gây hại cho sức khỏe, có thể được sử dụng như một thành phần trong các sản phẩm thực phẩm.
Ba sắc lệnh đã được ban hành dựa theo Đạo luật Thực phẩm năm 1979, nhằm giải quyết những kẽ hở trong các quy định liên quan đến việc sử dụng cây cần sa, cây gai dầu và chiết xuất của hai loại cây này không vì mục đích y tế.
Trước đó, ngày 9.6.2022, Thái Lan đã bắt đầu phát một triệu cây cần sa cho dân trồng tại nhà, với kỳ vọng sẽ tạo cú hích kinh tế, du lịch cho đất nước. Đây là một phần trong của quy định mới, rút cần sa khỏi danh sách chất ma túy, cho phép người dân Thái Lan sử dụng loại cây này cho mục đích y học, với điều kiện chúng không vượt quá 0,2% tetrahydrocannabinol (THC - chất gây hưng phấn có trong cần sa).
Mỹ: Đạo luật Giảm lạm phát
Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) do Tổng thống Mỹ đương nhiệm Joe Biden khởi xướng, được Quốc hội Mỹ thông qua hồi tháng 8.2022 và sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1.1.2023.
Tuy mang tên gọi chính thức là Đạo luật Giảm lạm phát, nhằm giảm tỷ lệ lạm phát hiện rất cao ở Mỹ chỉ là một trong nhiều hiệu ứng của đạo luật này. IRA dự chi 420 tỷ USD cho các ngành công nghiệp và dịch vụ, các dự án và sản phẩm được làm ra ở Mỹ và đưa lại tác dụng chống biến đổi khí hậu trái đất (chiếm 370 tỷ USD) và cho cải thiện chăm sóc sức khỏe, bảo hiểm y tế và phúc lợi dân sinh ở Mỹ (50 tỷ USD).

IRA được coi là thành tựu cầm quyền có ý nghĩa quan trọng nhất của ông Biden cho đến nay. Nếu được thực hiện theo đúng tinh thần và lời văn thì nó sẽ làm nước Mỹ thay đổi thật sự trên nhiều phương diện.
Chưa khi nào trong lịch sử, nước Mỹ dành chi nhiều tiền đến như vậy cho công cuộc chống biến đổi khí hậu trái đất và điều này rất lợi cho nước Mỹ và cá nhân ông Biden về đối ngoại. Những giá trị và tác dụng này của IRA thiết thực và quan trọng đối với hiện tại và tương lai của nước Mỹ cũng như đối với dấu ấn cầm quyền của ông Biden đến mức phía Mỹ muốn và sẽ quyết tâm thực hiện.
Nhưng đối với EU và một số đối tác thương mại của Mỹ, việc thực hiện IRA có nghĩa là Mỹ bỏ ra số tiền khổng lồ để bù trợ cho các ngành công nghiệp ở Mỹ, cho các sản phẩm được sản xuất ra và tiêu dùng ở Mỹ, tức là bù trợ cho sản xuất và tiêu dùng ở Mỹ.
Hệ lụy không thể tránh khỏi là khả năng cạnh tranh của hàng hóa và dịch vụ của EU trên thị trường Mỹ và các đối tác thứ ba sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực. EU nhìn nhận đấy là cạnh tranh không lành mạnh và công bằng. Nếu hai bên không hóa giải được bất đồng quan điểm và xung khắc lợi ích này thì chiến tranh thương mại giữa Mỹ và EU sẽ không thể tránh khỏi.
Nghị viện châu Âu siết chặt quy định chống tham nhũng trong năm mới
Chủ tịch Nghị viện châu ÂU (EP) Roberta Metsola ngày 20.12 đã thông báo một loạt biện pháp nằm trong gói cải cách chống tham nhũng mà bà cho biết sẽ thực hiện “trong năm mới” và “sẽ đích thân chỉ đạo công việc này”.
Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh EP đang vướng vào vụ bê bối nhận hối lộ nghiêm trọng chưa từng có. Các công tố viên nghi ngờ Phó Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP), Nghị viên Hy Lạp Eva Kaili và ba người khác đã nhận hối lộ từ Qatar nhằm gây ảnh hưởng việc hoạch định chính sách của EU theo hướng có lợi cho Qatar.

Theo các biện pháp mới được đưa ra, tất cả nhóm hữu nghị không chính thức (thường được tài trợ từ những người vận động hành lang và chính phủ nước ngoài) sẽ bị cấm. EP sẽ xem xét đầy đủ và sâu sắc việc kiểm soát các quy tắc ứng xử, cách các nghị viên tương tác với các nước thứ ba. Các nghị viên và trợ lý sẽ phải ghi lại các cuộc gặp với đại diện chính phủ nước ngoài trên sổ đăng ký minh bạch hoặc bị phạt vì không tuân thủ.
Ngoài ra trước đó, ngày 15.12, các nghị viên đã bỏ phiếu thống nhất hỗ trợ các biện pháp được thiết kế nhằm tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình giữa tất cả tổ chức châu Âu nhằm đối phó với vụ bê bối hối lộ. Các biện pháp này bao gồm lập một ủy ban điều tra để điều tra các cáo buộc tham nhũng, một ủy ban đặc biệt để xem xét các lỗ hổng trong tính minh bạch và một vị trí phó chủ tịch EP chịu trách nhiệm chống tham nhũng và sự can thiệp của nước ngoài vào EP. Các nhà lập pháp cũng kêu gọi thành lập một cơ quan đạo đức độc lập nhằm ngăn chặn những vụ bê bối như vậy tái diễn.
Hiện các công tố viên đang tìm cách dỡ bỏ quyền miễn trừ của các nghị viên châu Âu. Văn phòng Công tố viên của EU kêu gọi EP dỡ bỏ quyền miễn trừ đối với nghị viên Kaili, cũng như một nghị viên Hy Lạp khác là bà Maria Spyraki, người đang bị điều tra một cáo buộc tham nhũng riêng biệt. Ngoài ra, EP cũng sẽ tăng cường các hệ thống bảo vệ người tố giác sai phạm.
Theo một nguồn tin của EU thì bà Metsola nhận được “sự ủng hộ hoàn toàn” từ các nhà lãnh đạo khối để thực hiện việc rà soát điều chỉnh luật lệ.
UAE: 5 đạo luật sẽ có hiệu lực trong năm mới
Năm 2022 là một năm cải cách lao động và chế độ thị thực mới ở Các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất (UAE) và sẽ có ít nhất 5 đạo luật có hiệu lực vào những ngày đầu năm mới. Những đạo luật này liên quan đến các lĩnh vực: áp dụng thuế doanh nghiệp mới, bảo hiểm thất nghiệp bắt buộc đối với người lao động, áp dụng lệnh cấm nhựa sử dụng một lần đối với nhiều tiểu vương quốc và luật về tình trạng cá nhân đối với những người không theo đạo Hồi.
Luật Bảo hiểm thất nghiệp bắt buộc có hiệu lực bắt đầu từ ngày 1.1.2023. Luật yêu cầu mọi nhân viên làm việc trong khu vực tư nhân và các cơ quan chính phủ liên bang đều phải mua bảo hiểm chống mất việc làm bắt buộc. Những người lao động làm nghề giúp việc gia đình, người lao động tạm thời, người chưa thành niên dưới 18 tuổi và người về hưu nhận lương hưu… được miễn mua bảo hiểm. Người lao động có mức lương cơ bản từ 16.000 UAE Dirham (Dh) trở xuống sẽ phải trả phí bảo hiểm hàng tháng là 5 Dh, tức là 60 Dh hàng năm. Khoản bồi thường cho hạng mục này không được vượt quá số tiền hàng tháng là 10.000 Dh. Trong khi những người có mức lương cơ bản vượt quá 16.000 Dh sẽ phải trả 10 Dh mỗi tháng, tức là 120 Dh hàng năm. Khoản bồi thường cho hạng mục này không được vượt quá Dh 20.000 hàng tháng.

Người lao động có thể lựa chọn đóng phí hàng tháng, hàng quý, nửa năm hoặc hàng năm. Người lao động có thể phối hợp với công ty bảo hiểm để đăng ký các quyền lợi bổ sung. Chương trình này sẽ được cung cấp bởi Công ty Bảo hiểm Dubai, là đại diện của nhóm bảo hiểm bao gồm 9 công ty bảo hiểm khác.
Luật Thuế doanh nghiệp mới sẽ có hiệu lực từ ngày 1.6.2023, quy định: Thuế sẽ được đánh trên lợi nhuận, không phải trên tổng doanh thu, của công ty. Các công ty có lợi nhuận từ 375.000 Dh mỗi năm sẽ trả thuế 9%. Các cá nhân có giấy phép hành nghề tự do, dưới hình thức tự tài trợ và kiếm được thu nhập vượt quá ngưỡng trên cũng sẽ phải chịu thuế doanh nghiệp.
Tuy nhiên, thuế này sẽ không được áp dụng cho thu nhập cá nhân kiếm được từ tiền gửi ngân hàng, chương trình tiết kiệm và đầu tư, cổ tức hoặc lãi ngoại hối.
Nếu thu nhập bất động sản có được từ hoạt động kinh tế (cho thuê, bán, chuyển nhượng…) thì có thể phải chịu thuế doanh nghiệp theo các điều kiện được quy định trong quyết định điều hành về vấn đề này..
Những người không cư trú cũng phải chịu thuế doanh nghiệp nếu họ có cơ sở thường trú tại UAE cũng như thu nhập từ việc bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ ở UAE. Thu nhập của người không cư trú từ việc vận hành máy bay và tàu trong không gian quốc tế không phải chịu thuế doanh nghiệp. Các hoạt động khai thác tài nguyên thiên nhiên cũng được miễn, tuy nhiên, chúng phải chịu thuế cấp tiểu vương quốc hiện hành. Các hoạt động của cơ quan chính phủ (không bao gồm hoạt động thương mại), quỹ hưu trí, quỹ đầu tư và các tổ chức công ích được miễn thuế doanh nghiệp.
Luật Nhân thân mới đối với người nước ngoài sẽ có hiệu lực từ ngày 1.2.2023. Các điều khoản sẽ áp dụng cho người nước ngoài không theo đạo Hồi cư trú tại quốc gia này. Luật mới bao gồm các điều kiện kết hôn, thủ tục ký kết hợp đồng và lập hồ sơ kết hôn trước tòa án có thẩm quyền; Luật cũng quy định các thủ tục ly hôn có thể được thực hiện đồng thuận hoặc đơn phương; tổ chức các thủ tục giải quyết các yêu cầu tài chính sau khi ly hôn và sắp xếp quyền nuôi con chung cho cha mẹ. Luật cũng đưa ra các thủ tục thừa kế và lập di chúc, chứng minh quan hệ cha con…
Đạo luật về cấm nhựa sử dụng một lần sẽ được áp dụng đối với Tiểu vương quốc Ajman và Umm Al Quwain từ tháng 1.2023. Các cửa hàng bán hàng phải tính thêm 25 xu cho mỗi túi nhựa mà người mua sắm sử dụng kể từ năm tới. Trước đó, các nhà bán lẻ ở Abu Dhabi, Dubai và Sharjah đã tính phí 25 xu UAE (khoảng 0,07 USD) mỗi túi nhựa để thúc đẩy người dân hạn chế sử dụng túi nhựa dùng một lần.
Ngoài ra, một luật mới điều chỉnh quyền của lao động giúp việc gia đình đã được ban hành tại UAE và có hiệu lực từ ngày 15.12.2022, đưa ra các quy định về việc thuê và sử dụng lao động giúp việc gia đình.
Theo luật mới, một bộ hướng dẫn được cung cấp liên quan đến vai trò của các cơ quan tuyển dụng, người sử dụng lao động và người giúp việc gia đình tại UAE.
Bộ Nhân sự và Tiểu vương quốc (MoHRE) đã công bố luật mới và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc người sử dụng lao động phải có trách nhiệm cung cấp một môi trường phù hợp cho lao động giúp việc gia đình.
Luật cũng đưa ra những điều kiện đối với người hành nghề giúp việc gia đình: chẳng hạn như người giúp việc chỉ có thể được hành nghề nếu được MoHRE cấp giấy phép. Người giúp việc gia đình phải trên 18 tuổi, đã được kiểm tra y tế cần thiết và có hợp đồng lao động chính thức.
Việc vi phạm luật của người sử dụng lao động có thể bị phạt tới 200.000 Dh. Các cơ quan tuyển dụng phải đối mặt với khoản tiền phạt lên tới 10 triệu Dh vì nhiều lần vi phạm luật.
Luật cũng đưa ra các quy định về giờ làm việc và ngày nghỉ hàng tuần đối với người giúp việc gia đình. Họ phải được phép nghỉ vào cuối tuần, có tối thiểu 12 giờ nghỉ ngơi mỗi ngày và có kỳ nghỉ hàng năm 30 ngày.
Trong trường hợp người giúp việc gia đình muốn nghỉ phép hàng năm ở nước sở tại thì người sử dụng lao động phải chịu phí vé máy bay khứ hồi hai năm một lần.
Trong trường hợp hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng sau khi người giúp việc gia đình nghỉ phép hàng năm thì người sử dụng lao động chỉ chịu chi phí vé máy bay khứ hồi.