Những con sói đơn độc
Sau ngày 11.9.2001, khái niệm về khủng bố được hiểu là một nhóm người có tư tưởng cực đoan, thường là theo đạo Hồi, tập hợp với nhau và được huấn luyện cách sử dụng bom, chất nổ… nhằm mục đích thánh chiến, gây phương hại tới các lợi ích của Mỹ và phương Tây, không quan tâm tới tính mạng dân thường. Tuy nhiên, 10 năm sau, bức tranh đã thay đổi. Chủ nghĩa khủng bố đã khoác lên mình một bộ mặt mới đáng sợ hơn – đó là những cá nhân theo chủ nghĩa cực đoan, phân biệt chủng tộc, âm thầm sống trong một môi trường chung và có khả năng hành động đơn lẻ. Từ đây xuất hiện cụm từ “chủ nghĩa khủng bố đơn lẻ” – mà những kẻ theo chủ nghĩa này được ví von với hình ảnh của “những con sói đơn độc”.
Vụ một công dân Albania bắn chết hai quân nhân Mỹ tại Frankfurt hồi tháng ba vừa qua, âm mưu đánh bom tại Fort Hood ở bang Texas và tấn công ở Fort Dix, bang New Jersey của Mỹ cùng vụ sát thủ Na Uy Anders Behring Breivik là những điển hình cho chủ nghĩa khủng bố đơn độc. Điểm chung của những tên này là tư tưởng cực đoan và hành động một mình. Thực tế đã cho thấy những kẻ khủng bố đơn độc là mối hiểm họa khôn lường. Những đối tượng này thích và có khả năng hoạt động độc lập. Vì thế, lực lượng an ninh rất khó phát hiện.
Không phải vô tình trong bài trả lời phóng vấn trên CNN trung tuần tháng 8 vừa qua, Tổng thống Mỹ Barack Obama nhận định mối đe dọa lớn nhất đối với nước Mỹ hiện nay là những kẻ khủng bố thích hành động đơn độc kiểu như thủ phạm gây ra vụ khủng bố kép ở Na Uy. Bởi một chiến dịch khủng bố quy mô lớn và có tổ chức sẽ dễ dàng bị phát hiện hơn một vụ tấn công do một tên khủng bố đơn độc thực hiện. Các biện pháp an ninh mà Mỹ và phương Tây áp dụng hiện nay như sàng lọc các nhóm thánh chiến, cài đặc vụ, nghe trộm điện thoại, theo dõi các giao dịch và trao đổi trên Internet và tiến hành các chiến dịch truy quét khủng bố định kỳ… có vẻ không hiệu quả với những “con sói đơn độc”. Bởi chúng có thể là bất kỳ ai, làm bất kỳ ngành nghề nào, ở mọi lứa tuổi và không phân biệt giới tính. Điều này lý giải tại sao Arid Uka, một tín đồ Hồi giáo cực đoan đã dễ dàng qua mắt lực lượng an ninh tại sân bay Frankfurt của Đức, xả súng vào một xe chở quân nhân Mỹ tới chiến trường Afghanistan, bắt chết hai người. Uka, một thanh niên Albania 21 tuổi, lớn lên ở Frankfurt và theo nhận xét chung của những người quen, y là một người hoàn toàn bình thường. Theo cáo trạng, Uka đã bị ảnh hưởng khi xem các trang mạng tuyên truyền thánh chiến trên Internet, và đêm trước khi hành động, y đã xem một đoạn video về sự bạo ngược của lính Mỹ tại Afghanistan - mà thực chất đây là một clip trong phim. Kết quả điều tra cho thấy Uka không liên hệ với bất kỳ tổ chức khủng bố nào.
Yếu tố nguy hiểm ở chỗ, những con sói như Uka tìm thấy ở Al Qaeda mục đích, còn Al Qaeda tìm thấy ở chúng những tín đồ. Trong những năm gần đây, Al Qaeda và các tổ chức khủng bố khác đã chuyển từ chiến lược chiêu mộ tân binh sang reo rắc tư tưởng cực đoan cho những kẻ như Uka, biến chúng thành những tên khủng bố bản địa. Giáo sỹ Anwar al-Awlaki sinh ra tại Mỹ cũng là một ví dụ điển hình. Vị giáo sỹ này bị cáo buộc đã trao đổi e - mail với một quân nhân Mỹ - thủ phạm vụ xả súng năm 2009 tại doanh trại Fort Hood ở bang Texas. Ngoài ra, trong máy tính cá nhân của 5 đối tượng bị kết án âm mưu đánh bom căn cứ quân sự Fort Dix ở bang New Jersey, các điều tra viên cũng tìm thấy những bài thuyết giáo của vị giáo sĩ này. Các mạng lưới khủng bố cũng khai thác các trang mạng xã hội Facebook và các hệ thống tra cứu Internet qua giọng nói như Skype để tuyên truyền thánh chiến.
Ứng dụng khoa học công nghệ và internet đã gây không ít khó khăn cho lực lượng an ninh trong phát hiện và ngăn chặn khủng bố. Những chiến binh thời hiện đại còn sử dụng các hình ảnh, bản đồ có sẵn trên Google Earth để cùng lên kế hoạch khủng bố. Dù khó khăn, song lực lượng đặc nhiệm các nước vẫn có thể lần được manh mối của chúng và ngăn chặn khá hiệu quả các vụ tấn công. Nhưng với những “con sói đơn độc” thì không đơn giản như vậy. Chúng có thể tiếp nhận các luồng thông tin, tự mình sàng lọc và lên kế hoạch một mình. Trong vụ thảm sát đẫm máu ở Na Uy, Anders Behring Breivik đã tự nhận mình thuộc về một nhóm thập tự chinh hiện đại chống lại đạo Hồi – đại diện cho tư tưởng cực hữu đang trỗi dậy mạnh mẽ tại các nước châu Âu. Nhưng thực chất y là một “con sói đơn độc”. Và vì chúng đơn độc nên chúng nguy hiểm. Những kẻ mang tư tưởng cực đoan âm thầm là những kẻ không thể kiểm soát được.