Những “cô bé bán diêm” thế kỷ XXI
Vào những ngày cuối của năm, khi người người nô nức trở về nhà để đón đêm Giáng sinh đầm ấm bên người thân thì không ít gia đình người tị nạn đang chờ đón điều kỳ diệu xảy ra ở nơi đất khách. Thậm chí có thể ở đâu đó trên Đại Tây Dương, những con thuyền chờ người nhập cư trái phép vẫn đang lênh đênh tìm miền đất hứa.
Ngọn nguồn của khủng hoảng
Năm 2015, khủng hoảng nhập cư tại châu Âu đã trở thành chủ đề chưa bao giờ bớt nóng trên các trang thời sự thế giới. Hơn nữa, nhiều tạp chí trong đó có National Interest đã dự đoán, chủ đề này chắc chắn còn tiếp tục tăng nhiệt trong năm sau. Vậy điều gì đã xảy đến với những người tị nạn này?
Tờ Washington Post đã đưa ra nguyên nhân chính gây nên làn sóng nhập cư tại châu Âu là do cuộc chiến tại Syria. Kể từ khi các cuộc nổi dậy chống chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad lần đầu diễn ra vào năm 2011, hàng triệu người Syria đã rời bỏ nhà cửa. Ban đầu, những người Syria chỉ tính tới chuyện di chuyển bằng đường bộ sang Lebanon và các nước láng giềng khác. Ước tính có khoảng 4 triệu người tị nạn Syria hiện đang sống trong các trại tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan và Lebanon. Sau khi Chính phủ của ông Assad tăng cường tuyển người cho quân đội thì lượng người có nhu cầu rời khỏi quê hương, nơi cuộc nội chiến vẫn đang tiếp diễn, đã tăng lên đột biến. Những người này bắt đầu hy vọng về một thiên đường mới thay vì tìm tới các trại tị nạn tại các nước láng giềng vốn thiếu thốn về cơ sở vật chất và lại đã quá đông đúc. Thêm vào đó là lời dụ dỗ về viễn cảnh tuyệt vời tại châu Âu của những kẻ buôn người, họ - những người Syria tìm cách chạy trốn khỏi cuộc chiến khốc liệt nơi quê nhà đã bất chấp nguy hiểm vượt Đại Tây Dương để đến với nơi được hy vọng là miền đất hứa.
![]() Ảnh người tị nạn sưởi ấm tại trại tị nạn sau khi vượt biên giới Hy Lạp - Macedonia ngày 6.12 |
Nguồn: AFP |
Tràng pháo tay cho quyết định của Đức
Phản ứng trước làn sóng nhập cư ồ ạt vào châu Âu, Đức và Thụy Điển đã trở thành hai nước đi đầu trong việc mở cửa đón người tị nạn. Quyết định của Đức đã nhận được nhiều lời khen ngợi của cộng đồng thế giới sau khi hình ảnh thi thể em bé Syria Aylan Kurdi 3 tuổi được tìm thấy trên bờ biển được chia sẻ trên mạng. Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng vì lẽ đó mà trở thành nhân vật của năm do tạp chí danh tiếng TIME bình chọn. Quyết định đón nhận toàn bộ người Syria nhập cảnh đã trở thành quyết định mang tính bước ngoặt trong cuộc khủng hoảng nhân đạo. Song, nhiều lãnh đạo châu Âu lo ngại điều này sẽ khiến cuộc khủng hoảng nhập cư thêm trầm trọng bởi đó là điều kiện thu hút thêm nhiều người tị nạn đến lục địa già.
Trong tháng 9, tại trạm xe lửa chính của Munich, hàng nghìn người Đức đã tới ga với những món quà thiết thực như quần áo, chăn ấm và thực phẩm cũng như dụng cụ sinh hoạt để tặng những người tị nạn mới tới nước này. Trái ngược với hình ảnh nước Đức thân thiện, Hungary đã phản ứng với dòng người nhập cư bằng cách cấm toàn bộ người tị nạn di chuyển bằng tàu hỏa.
Tuy nhiên, sau đó trước sự gia tăng ngày càng nhanh của người tị nạn tới Đức, nước này đã phải dừng các chuyến tàu du lịch giữa Đức và Áo nhằm điều tiết dòng chảy. Nhiều người tị nạn cho biết, họ không còn cảm thấy được chào đón, thậm chí lo sợ những cuộc tấn công vào trung tâm tiếp nhận người nhập cư do người biểu tình phản đối chính sách của bà Merkel ngày càng tăng.
Phản ứng trái chiều
Sau tràng vỗ tay lớn cho tinh thần nhân đạo của nước Đức, các quốc gia thành viên bắt đầu có những phản ứng khi dòng người tị nạn tiếp tục tăng lên. Tháng 9, một số nước châu Âu đã từ chối nhận phân bổ người nhập cư. Một số quốc gia nhỏ, không đủ điều kiện tiếp nhận người nhập cư đã chỉ trích kiến nghị của Đức là phi lý. Đan Mạch còn phản ứng bằng cách cắt giảm lợi ích của người tị nạn, thậm chí còn tung ra chiến dịch quảng cáo trên các tờ báo của Lebonon rằng đây là một đất nước kém thân thiện, nghĩa là “đừng đến”. Ủy ban cứu hộ quốc tế tại hòn đảo Lesbos, Hy Lạp, cửa ngõ chính của châu Âu cho biết, dòng người nhập cư sẽ còn tiếp tục tràn vào châu Âu và sẽ không đủ việc làm cho họ tại khu vực. Thụy Điển đã tuyên bố không thể chấp nhận phân bổ tị nạn do không đủ điều kiện chăm sóc lượng lớn người tị nạn. Đến nay, Liên minh châu Âu (EU) vẫn chưa tìm được hướng giải quyết dứt điểm cho cuộc khủng hoảng này.
Cuộc khủng hoảng tị nạn thậm chí còn ảnh hưởng tới chính trị các nước. Ở Pháp, nhiều người đã bầu chọn cho đảng Mặt trận Dân tộc nhiều hơn so với mọi năm do chủ trương bài ngoại, phản đối nhập cư của đảng này. Một số người Pháp cho biết, họ bắt đầu cảm thấy mệt mỏi khi nhìn vào nền kinh tế không mấy sáng sủa với sự có mặt của người tị nạn trong đó.
Cuối tháng 11, EU đã yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ chặn dòng người nhập cư vào lục địa già. Thay vào đó, nước này sẽ nhận được 3 tỷ euro (khoảng 3,2 tỷ USD) để chăm sóc người tị nạn. Thổ Nhĩ Kỳ đã ngay lập tức thắt chặt kiểm soát an ninh biên giới, song điều này không có nghĩa dòng người nhập cư vào châu Âu sẽ giảm xuống. Thậm chí các nhà phân tích lo ngại, hàng rào biên giới ở Đông Âu được thiết lập có thể sẽ buộc người tị nạn tiếp tục tìm tới những con đường nguy hiểm hơn như vượt Địa Trung Hải.
Năm nay, hình ảnh cô bé bán diêm nằm trên hè phố trong câu chuyện cùng tên thường được kể mỗi khi Giáng sinh về sẽ khiến không ít người liên tưởng tới Aylan Kurdi, cậu bé tị nạn người Syria bên bờ Đại Tây Dương. Cô bé bán diêm đã gặp bà ngoại mình, còn Aylan Kurdi chắc hẳn sẽ được đoàn tụ với mẹ và anh trai 5 tuổi của mình bên kia đại dương. Câu chuyện về những người tị nạn sẽ còn tiếp tục được viết tiếp trong năm mới 2016 với hy vọng các nhà lãnh đạo thế giới tìm được hướng giải quyết hiệu quả cho cuộc khủng hoảng nhập cư tồi tệ nhất kể từ Thế chiến II này.