Giải pháp tình thế cho hoạt động viện trợ nhân đạo
Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ (CENTCOM) xác nhận chuyến hàng viện trợ đầu tiên tiến vào Gaza sáng cùng ngày. Đây là nỗ lực đa quốc gia được thực hiện nhằm phân phát hàng viện trợ bổ sung cho dân thường Palestine tại Gaza thông qua một hành lang biển hoàn toàn mang tính chất nhân đạo. Hàng viện trợ trong chiến dịch này do một số quốc gia và tổ chức nhân đạo đóng góp.
Trước đó một ngày, ngày 16.5, Lầu Năm Góc cho biết, quân đội Mỹ đã hoàn thành việc lắp đặt một bến tàu nổi ngoài khơi Dải Gaza vào sáng sớm cùng ngày các quan chức đang thực hiện những kiểm tra cuối cùng trước khi các xe tải bắt đầu chạy vào bờ để chuyển các kiện hàng viện trợ.
Dự án trị giá khoảng 320 triệu USD này đã được Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra cách đây hơn 2 tháng nhằm giúp đỡ những người Palestine đang lâm vào tình trạng khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng trong bối cảnh giao tranh cản trở việc vận chuyển lương thực và các mặt hàng cần thiết khác vào Gaza.
Người phát ngôn quân đội Israel, Trung tá Nadav Shoshani cũng xác nhận rằng bến tàu đã được xây dựng xong và các đơn vị kỹ thuật của Israel đã san phẳng mặt đất xung quanh khu vực và trải đường cho xe tải. Ông Shoshani cho biết: “Chúng tôi đã hợp tác với quân đội Mỹ trong nhiều tháng cho dự án này và tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ nó bằng mọi cách có thể”.
Trước mắt, việc cung cấp viện trợ sẽ bắt đầu từ từ với khoảng 90 chuyến xe tải viện trợ mỗi ngày qua tuyến đường biển và con số đó sẽ nhanh chóng tăng lên khoảng 150 chuyến mỗi ngày.
Theo tuyến đường biển mới, viện trợ nhân đạo sẽ được chuyển đến CH Síp, nơi hàng viện trợ sẽ trải qua quá trình kiểm tra an ninh tại cảng Larnaca. Sau đó, các đợt hàng sẽ được chất lên tàu và đi khoảng 320 km tới bến tàu nổi lớn do quân đội Mỹ xây dựng ngoài khơi bờ biển Gaza. Ở đó, các pallet được vận chuyển vài km đến đường đắp cao neo đậu vào bãi biển và các nhóm viện trợ sẽ thu thập đồ tiếp tế để phân phát.
Không thể thay thế các cửa khẩu
Tuy nhiên, giải pháp này của chính phủ Mỹ không được coi là giải pháp thay thế cho việc vận chuyển bằng đường bộ qua các cửa khẩu do số lượng hàng viện trợ quá ít trong khi chi phí đắt đỏ hơn. Các nhóm viện trợ của Liên Hợp Quốc (LHQ), Mỹ và quốc tế cáo buộc Israel chỉ cho phép một phần nhỏ viện trợ thực phẩm và các vật tư khác tới Gaza. Các cơ quan viện trợ cho biết họ sắp hết lương thực ở miền nam Gaza và nhiên liệu đang cạn kiệt, trong khi USAID và Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) cho biết nạn đói đã diễn ra ở phía bắc Gaza.
Về phía Israel, nước này khẳng định không đặt ra giới hạn nào đối với việc nhập hàng viện trợ nhân đạo và đổ lỗi cho LHQ về sự chậm trễ trong việc phân phối hàng hóa vào Gaza. LHQ cho biết giao tranh, các đợt tấn công của Israel và tình hình an ninh hỗn loạn đã cản trở việc giao hàng. Dưới áp lực của Mỹ, Israel trong những tuần gần đây đã mở hai cửa khẩu để cung cấp viện trợ cho vùng phía bắc Gaza bị ảnh hưởng nặng nề và nói rằng một loạt cuộc tấn công của Hamas vào cửa khẩu chính Kerem Shalom đã làm gián đoạn dòng hàng hóa.
Lo ngại đối với an toàn cho hoạt động viện trợ
Tuy nhiên, các lo ngại liên quan tới sự an toàn của các nhóm viện trợ vẫn tồn tại. AP dẫn lời trợ lý quản trị viên Cục Hỗ trợ Nhân đạo của Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ Sonali Korde cho biết môi trường hoạt động của các nhóm viện trợ “rất không an toàn” và các nhân viên vẫn đang vật lộn để được thông quan cho các chuyến vận chuyển theo kế hoạch của mình tại Gaza. Những cuộc đàm phán với quân đội Israel “cần phải đạt được trạng thái khiến các nhân viên viện trợ nhân đạo cảm thấy an toàn và có thể hoạt động an toàn và tôi không nghĩ chúng ta đã đạt được điều này”.
Tính tới hiện tại, giao tranh giữa Israel và Hamas đang diễn ra ở ngoại ô thành phố Rafah ở phía Nam trong khi quân đội Israel cũng tái khởi động các hoạt động tấn công ở các khu vực phía bắc Gaza. Các quan chức Lầu Năm Góc cho biết cuộc giao tranh không đe dọa khu vực phân phối viện trợ ở ven biển, tuy nhiên cho biết các điều kiện an ninh sẽ được giám sát chặt chẽ và có khả năng sẽ bị đóng cửa tạm thời.
Phó Đô đốc Hải quân Brad Cooper, Phó chỉ huy Bộ Tư lệnh Trung ương của quân đội Mỹ cho biết: “Việc bảo vệ các lực lượng Mỹ tham gia vào hoạt động này là ưu tiên hàng đầu. Do đó trong vài tuần qua, Mỹ và Israel đã phát triển một kế hoạch an ninh tổng hợp để bảo vệ tất cả các nhân viên”.
Lực lượng Israel sẽ chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh trên bờ nhưng cũng có hai tàu chiến của Hải quân Mỹ ở gần đó là USS Arleigh Burke và USS Paul Ignatius. Cả hai đều là tàu khu trục được trang bị nhiều loại vũ khí và khả năng bảo vệ quân đội Mỹ ở ngoài khơi và các đồng minh trên bãi biển.