Những chiến sĩ giữ rừng mãi xanh

- Thứ Bảy, 01/05/2021, 07:13 - Chia sẻ
Việc giữ rừng ở đất liền đã khó, việc tuần rừng ở trong khu vực lòng hồ gặp muôn vàn khó khăn. Bởi đặc thù khu vực lòng hồ hầu hết là diện tích rừng phòng hộ với nhiều cây gỗ quý, hơn nữa phải đi tuần bằng ca nô len lỏi vào các ngách núi sâu trong rừng. Nếu gặp tình huống xấu, nhẹ thì ngã xuống trầy xước, nặng thì gãy tay, chân, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Để giữ được màu xanh ấy, những cán bộ kiểm lâm hàng ngày phải ăn rừng, ngủ lán, hành quân trên những địa hình khó khăn, vất vả, nguy hiểm...
	Cán bộ kiểm lâm Hạt kiểm lâm Lâm Bình tuần rừng tại khu vực lòng hồ Song Long
Cán bộ kiểm lâm Hạt kiểm lâm Lâm Bình tuần rừng tại khu vực lòng hồ Song Long

Hy sinh thầm lặng

Sau nhiều lần hẹn, mãi đến cuối tháng 4 chúng tôi mới có dịp tham gia tuần rừng khu vực lòng hồ cùng với cán bộ kiểm lâm của Hạt Kiểm lâm huyện Lâm Bình để tận mắt chứng kiến công việc, cuộc sống của các anh. Sau gần 2 giờ lênh đênh, chúng tôi đã đến trạm Song Long, nơi ở và làm việc của kiểm lâm và nhân viên tuần rừng khu vực lòng hồ. Anh Ma Văn Tuấn, Trưởng Trạm Kiểm lâm Song Long, đón chúng tôi với nụ cười luôn thường trực, anh bảo: “Từ đầu năm đến giờ, em là người khách đầu tiên xông nhà cho các anh”. Nói thì nói vui vậy, mà cũng không có gì lạ đâu, ở nơi xa xôi này, đi lại vất vả chắc cả năm cũng chỉ có 1 - 2 người tới thăm. Điều gây sự chú ý nhất của chúng tôi khi đặt chân vào trạm là những chai nước được khoét lòng treo trên cửa sổ - là nơi các anh để điện thoại và là phương tiện duy nhất để nắm bắt thông tin.

Công việc của các anh thường bắt đầu từ 6h sáng, 1 tháng theo lịch sẽ có 6 buổi phối hợp với Ban Quản lý rừng phòng hộ tuần tra kiểm tra rừng, những ngày còn lại, các anh sẽ phân công theo tuyến như: Khuổi Chè, Nà Kiền, khu giáp ranh xã Phúc Yên, Tát Chiên… bảo đảm không bỏ sót những khu vực trọng điểm. Các buổi đi tuần rừng các anh thường đi từ sáng đến chiều muộn mới về đến trạm, các thành viên trong đoàn sẽ chủ động mang cơm theo để ăn luôn trong rừng, riêng đối với khu vực Phiêng Luông (Hà Giang) thì mọi người phải ở lại qua đêm.

Việc giữ rừng ở trên đất liền đã khó, giữ rừng ở lòng hồ lại càng khó khăn. Đặc biệt, ở khu vực lòng hồ hầu hết là diện tích rừng phòng hộ, có nhiều cây gỗ quý như: Nghiến, trai lý, bách xanh nên việc quản lý sẽ cẩn thận và nghiêm ngặt hơn. Hơn nữa, hạn chế về đi lại, thông tin cũng là một khó khăn nhất định. Trên hồ không có sóng điện thoại, nên khi đi tuần gặp phải những tình huống xấu sẽ phải tự mình xử lý. Anh Tuấn vẫn còn nhớ, năm 2020 khi anh bắt vụ khai thác trộm quế ở khu Thôm Côm, hôm đó anh đi tuần 1 mình và gặp đối tượng ở giữa hồ. Khi bị phát hiện, đối tượng manh động làm mọi cách để anh đâm thuyền vào thuyền của chúng. Nếu anh không xử lý khéo, thuyền bị chìm, chúng sẽ ăn vạ và tranh thủ phi tang luôn tang vật. Vụ đó, anh đã nhanh trí lái thuyền tránh sang bên, nhanh chóng tiếp cận và lập biên bản, thu tang vật.

Vội xua tan không khí trầm lắng với kỷ niệm về những chuyến tuần rừng, anh Nguyễn Văn Hinh nói vọng ra: Hôm nay có nhà báo lên chơi, thủ trưởng để chúng em tiếp nhà báo bữa cơm trưa rừng. Vừa thưởng thức những món ăn của “núi rừng” vừa hỏi các anh về sự quan tâm dành cho gia đình và cuộc sống của các anh nơi đây. Anh Tuấn háo hức khoe với chúng tôi những chậu phong lan được anh chăm sóc cẩn thận, chỉ cho chúng tôi chỗ các anh trồng rau, nuôi gà để cải thiện bữa ăn. “Nếu công việc thuận lợi, rừng bình yên mọi người sẽ thay phiên nhau trực để mỗi người 2 tuần sẽ được về nhà 1 lần, nhưng cũng có khi cả tháng mới được về thăm nhà. Trên mỏm núi kia là nơi có sóng điện thoại để chúng tôi gọi điện về cho gia đình mỗi khi nhớ nhà”, Trưởng Trạm Ma Văn Tuấn bộc bạch.  

	Cán bộ kiểm lâm Hạt kiểm lâm Lâm Bình đi ca nô tuần rừng tại khu vực lòng hồ Song Long
Cán bộ kiểm lâm Hạt kiểm lâm Lâm Bình đi ca nô tuần rừng tại khu vực lòng hồ Song Long

Xanh màu hy vọng

Theo Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Lâm Bình Hoàng Văn Kiên, năm 2011, khi tách từ huyện Na Hang, khu vực Trạm Song Long giáp ranh với xã Thượng Tân, huyện Bắc Mê (Hà Giang), xã Sinh Long (Na Hang), địa phận Lâm Bình là tiếp nối giữa Phúc Yên với Khuôn Hà, dọc từ Song Long đến bến Bắc Chõm. Thời điểm đó, tình trạng khai thác rừng trái phép đã xảy ra trên khu vực lòng hồ. Trong 5 năm, lực lượng kiểm lâm đã bắt, lập hồ sơ phối hợp khởi tố 2 vụ vi phạm khai thác lâm sản trái phép trên khu vực lòng hồ.

Là người trực tiếp tham gia phá vụ án khai thác gỗ nghiến năm 2016, anh Phan Thừa Hữu, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Thổ Bình kể lại: “Cuối tháng 3.2016, trên khu vực lòng hồ xảy ra tình trạng khai thác gỗ nghiến trái phép. Khi đó, anh đang là kiểm lâm viên phụ trách địa bàn xã Xuân Lập. Ngày 28.3, anh nhận nhiệm vụ di chuyển lên Trạm Song Long tham gia phá án. Anh đã cùng với đồng đội lập kế hoạch, làm công tác dân vận đối với người dân sinh sống gần khu vực lâm tặc khai thác gỗ để nắm thông tin. Sau nhiều ngày ăn, ngủ trên rừng, kiểm tra các tuyến đường, khoanh khu vực, rạng sáng ngày 2.4.2016, anh cùng đồng đội chia làm 2 mũi, tiếp cận và bắt quả tang khi các đối tượng bắt đầu thực hiện hành vi khai thác gỗ. Với hơn 100 khối gỗ nghiến tại hiện trường, 5 đối tượng vi phạm đã bị khởi tố và xử phạt từ 3 - 6 năm tù giam.

Được sự quan tâm, chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện, đặc biệt là sự chỉ đạo chuyên ngành của Chi cục Kiểm lâm, Hạt Kiểm lâm Lâm Bình thường xuyên tăng cường tuần tra, kiểm soát các tuyến giáp ranh giữa các huyện. Cùng với đó, ký cam kết xây dựng quy chế 3 bên giữa Kiểm lâm, Công an, Ban Quản lý rừng phòng hộ, tăng cường tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo vệ rừng. Từ đầu năm đến nay, đã có 50 hộ dân trên lòng hồ ký cam kết không khai thác tài nguyên rừng trái phép. Ngoài ra, chính sách giao khoán, bảo vệ gắn với phát triển kinh tế dưới tán rừng của huyện Lâm Bình đã nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc chung tay bảo vệ nguồn tài nguyên rừng trên địa bàn.

Theo chân mọi người đi tuần rừng tại khu vực giáp ranh với xã Thượng Tân, được tận mắt chứng kiến những cây gỗ nghiến vài trăm năm tuổi, những vách núi cheo leo hiểm trở, tôi càng thêm thấu hiểu, trân quý hơn công việc và những hy sinh thầm lặng của các anh. Trong tôi lại vang lên những câu thơ năm nào của tác giả Lê Xuân Tường: “Xin được viết về các anh/Những người bảo vệ rừng xanh/Những người bạn kiểm lâm trìu mến/Quãng đường rừng nào khó khăn, lại đến/Cho đại ngàn yên ả nở hoa...”.

Tuyên Quang hiện có trên 448.579,61ha đất lâm nghiệp, chiếm 76,4% diện tích tự nhiên, diện tích rừng hiện có trên 422.472ha, trong đó có trên 233.472ha rừng tự nhiên; trên 189.000ha rừng trồng sản xuất, chiếm hơn 13% toàn vùng trung du miền núi phía Bắc; có gần 28.000ha rừng đạt chuẩn FSC. Hàng năm, trồng mới trên 11.000ha rừng sản xuất, trong đó có trên 1.000ha rừng trồng bằng cây chất lượng cao; Năm 2021, đặt mục tiêu trồng rừng tập trung đạt 10.000ha; 5 năm (2021 - 2025) trồng rừng tập trung đạt 48.500ha; trên 20% diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC; tỉ lệ che phủ của rừng đạt trên 65%.

- Theo đánh giá của Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn: Tuyên Quang là một trong ba tỉnh có sản lượng gỗ lớn nhất vùng trung du miền núi phía Bắc, đứng thứ 3 của cả nước về tỷ lệ rừng che phủ rừng. Đặc biệt, ngành lâm nghiệp có đóng góp quan trọng trong phát triển công nghiệp của tỉnh, trong đó công nghiệp chế biến lâm sản chiếm 27% tổng giá trị công nghiệp và chiếm 67% giá trị sản xuất công nghiệp chế biến nông, lâm nghiệp, thủy sản; tạo việc làm cho hơn 44.000 lao động tại địa phương.

TRANG ANH