Những chiến công oanh liệt
Đoàn trinh sát vũ trang mật (T30) thuộc Ban An ninh tỉnh Bến Tre nay là Công an tỉnh Bến Tre được thành lập cách đây 50 năm tại ấp 4, xã Hữu Định, huyện Châu Thành với các thành viên đều ở tuổi vị thành niên nhưng đã tiêu diệt hàng trăm mục tiêu lớn nhỏ, nhiều sỹ quan Mỹ, ngụy, gián điệp. Với những chiến công hào hùng ấy, 3 chiến sỹ của đơn vị được trao danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến…
Chiến công của những thiếu niên gan dạ
Chiến trường đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có tỉnh Bến Tre, sau cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân, Mỹ, ngụy điên cuồng phản kích bằng các cuộc hành quân như: Bình định cấp tốc, Hổ mang vồ mồi, Nhảy cóc, Tràn ngập lãnh thổ… Trước tình thế đó, Đảng chủ trương cho các đơn vị vũ trang phân tán tạm thời để bảo toàn lực lượng, đồng thời chỉ đạo cánh an ninh, biệt động… đẩy mạnh tấn công vào lòng địch, tiêu diệt các mục tiêu chỉ định, phá kềm nhằm chia lửa với chiến trường, buộc địch quay lại thế phòng ngự. Đơn vị Trinh sát vũ trang An ninh Bến Tre tách ra thành lập đơn vị F90 với hơn chục chiến sĩ, sau đổi tên là T30, phát triển dần được hơn 40 người, nhận trọng trách đưa chiến trường vào lòng địch dưới sự chỉ huy trực tiếp của ông Phạm Văn Ty (bí danh Bảy Cường) trực thuộc Ban Lãnh đạo An ninh Bến Tre.
![]() Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Phan Thị Ngọc Tươi và đồng đội T30 viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh |
6 năm chiến đấu trong nội ô thị xã, bám theo đối tượng, tác chiến phối hợp với đơn vị bạn ở Mỹ Tho và Sài Gòn, T30 đã đánh rất nhiều mục tiêu quan trọng. Nhiều trận đánh đã đi vào lịch sử của tỉnh và các tỉnh, thành khác từ Bến Tre lên Sài Gòn như là những huyền thoại, những chiến công chói lọi về tinh thần mưu trí, dũng cảm. Nếu những trận đánh vào sân bay Tân Thành, chốt Giang Cảnh Cái Cối để địch hiểu rằng không có nơi nào là an toàn thì trận đánh vào Ty Thông tin và Chiêu hồi, Trung tâm Chiêu hồi là đòn trừng phạt bọn tâm lý chiến lừa mị, giả dối và bọn đầu hàng phản bội. Trận đánh Trung tâm Thẩm vấn và Bộ Chỉ huy Cảnh sát quốc gia là những đòn chí mạng giáng vào cơ quan đầu não của địch. Hàng chục mục tiêu lớn, nhỏ, hàng trăm sĩ quan cảnh sát, mật vụ, tâm lý chiến, tình báo gián điệp… đã bị tiêu diệt bởi cán bộ, chiến sĩ T30. Ít ai biết rằng những chiến công đó được lập nên bởi những thiếu niên gan dạ sớm được giác ngộ lý tưởng cách mạng và lòng căm thù giặc sâu sắc.
Đại tá, Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Phan Thị Ngọc Tươi kể lại: “Hồi ấy đơn vị chỉ vài chục người dưới sự chỉ huy trực tiếp của ông Bảy Cường, lực lượng trực tiếp chiến đấu giữa nội thành rất mỏng. Đó là những… trinh sát Phan Văn Hoàng luôn quên mình vì đồng đội, hy sinh năm 1974; trinh sát Tường Vi chiến đấu kiên cường, hy sinh năm 1969; trinh sát Bé Hòa lập nhiều chiến công, hy sinh năm 1971; trinh sát Sáu Hoàng, hy sinh năm 1971; trinh sát Văn Trãi nhiều lần vượt vòng vây địch trở về, hy sinh năm 1972; trinh sát Minh Hiền đã bao phen làm bạt vía quân thù; trinh sát Đoàn Khoa; trinh sát Út Tiền khiến bọn thẩm vấn bao phen điên đảo; trinh sát Việt đen gan dạ, mất năm 2016; trinh sát Văn Rong xả thân cứu đồng đội trong trận đánh vào Trung tâm Thẩm vấn…”.
Chiến công càng dày thì sự hy sinh, mất mát cũng càng lớn. Máu và nước mắt của anh em đã hòa quyện trong từng tấm huân chương, trong từng bằng dũng sĩ… Hồi ấy, khi nhắc tới T30 là địch bạt vía, kinh hồn. Chúng đã treo giá đầu thủ trưởng T30 Bảy Cường nửa tỷ tiền ngụy… Trước thềm giải phóng, trong một lần một mình ra vùng ven, ông đụng nhau với nhóm biệt kích Ngụy, chỉ với khẩu K54 trong tay, ông đã chiến đấu tới viên đạn cuối cùng. Chúng giết ông rồi lôi ra vùng tạm chiếm, lột quần áo treo xác ông lên hành hạ, dân chúng phản đối, chúng mới cho vợ ông nhận xác về chôn cất. Đó là ngày 10 tháng Chạp năm Giáp Dần 1974.
Với những chiến công oanh liệt, đơn vị Trinh sát An ninh Vũ trang T30 và 3 trinh sát Cao Văn Trung, Nguyễn Thị Minh Hiền và Phan Thị Ngọc Tươi (Minh Hiền và Ngọc Tươi là hai chị em ruột) của đơn vị đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân.
Lòng dũng cảm và trận đánh lớn
Trung tâm Thẩm vấn Kiến Hòa là nơi thực hiện tội ác của Bộ Chỉ huy Cảnh sát quốc gia Ngụy. Đây là nơi tra tấn, đánh đập đồng bào, cán bộ, chiến sĩ ta bị chúng bắt được trong kế hoạch Bình định cấp tốc. Thời điểm này, đơn vị cử chị Phan Thị Ngọc Tươi đi Hà Nội báo cáo thành tích để đón nhận danh hiệu Anh hùng nhưng chị dứt khoát từ chối, quyết ở lại sát cánh cùng đồng đội… Ngày 12.6.1972, chị trực tiếp chỉ huy trận đánh Trung tâm Thẩm cấn kiêm chỉ huy một tiểu đội chủ công. Sau khi đồng loạt tấn công, chị cùng tiểu đội 3 (Ngọc Tươi, Ngọc Điệp, Tám Chiến) ở lại đánh lạc hướng địch, thu hút địch về phía mình, chặn địch cho đồng đội rút lui và bị địch bắt khi trái lựu đạn cuối cùng chia đôi với địch không nổ…
Những chiến công, những mất mát, đau thương của T30 nhiều, nhiều lắm. Trong đó trận đánh vào Trung tâm Thẩm vấn đêm 12.6.1972 là một trận ác liệt nhất, một trận đánh gây kinh hoàng cho trung tâm đầu não của địch. Trận đánh tiêu diệt một trung tâm tội ác, một sản phẩm của Mỹ, ngụy và trực tiếp chia lửa với chiến trường. Đây là mục tiêu quan trọng cần phải tiêu diệt lúc bấy giờ.
Đại tá, Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Phan Thị Ngọc Tươi kể lại: Đêm 12.6.1972, chúng tôi chia làm 3 mũi đột nhập mục tiêu. Gần đến giờ hành động, tôi đi nắm tình hình. Các cánh quân đã sẵn sàng chiến đấu, tôi phát lệnh tấn công. Đúng 20 giờ, tiếng pháo lệnh vang lên, hàng loạt tiếng nổ của bộc phá, thủ pháo, lựu đạn vang rền, cả Trung tâm Thẩm vấn chìm trong biển lửa, khói bụi mịt mù. Tiếng la hét, tiếng còi, tiếng báo động… của địch ầm ĩ khắp nơi. Một khung cảnh hỗn độn, hoảng loạn bao trùm. Chỉ trong vài phút, nhiệm vụ đánh Trung tâm Thẩm vấn đã hoàn thành, chúng tôi chưa kịp rút, giặc đã bủa vây tứ phía, chúng huy động mọi lực lượng, mọi phương tiện để chặn bắt.
Để tránh tổn thất đến mức thấp nhất, tôi cùng tiểu đội 3 ở lại thu hút địch về phía mình, đánh lạc hướng địch cho 2 tiểu đội còn lại rút lui. Quân địch chi viện mỗi lúc một đông, vũ khí chúng tôi cạn dần và bị địch bắt, nhiều lần chúng mang chúng tôi ra tra tấn trước công chúng, đồng đội để thị uy hòng làm nhục ý chí đấu tranh nhưng chúng đều thất bại…
Ít lâu sau chúng đưa Phan Thị Ngọc Tươi cùng một số tù nhân tuổi vị thành niên ra “Trung tâm Giáo huấn thiếu nhi Đà Lạt” - một nhà lao trá hình của Mỹ, ngụy. Cô Ngọc Tươi cùng hơn 600 tù nhân ở đây đã đoàn kết chống chào cờ, chống khủng bố… Năm 1973, sau khi Hiệp định Pari được ký kết, vì dư luận quốc tế, địch buộc phải giải tán nhà lao thiếu nhi Đà Lạt. Tù nhân được thả, chúng thả cô Tươi rồi cho mật thám bám 24/24 giờ. Đơn vị lệnh cô về nhà ngoại tại Sơn Hòa để có điều kiện trị bệnh và tạo thế hợp pháp lâu dài tiếp tục hoạt động. Thấy tình hình không ổn, cô xin rút ra vùng giải phóng, vừa trị bệnh vừa học và công tác quân y dã chiến tại Ty An ninh cho đến ngày kết thúc chiến tranh, thống nhất đất nước.
Năm 1983, Phan Thị Ngọc Tươi tốt nghiệp Đại học An ninh, tốt nghiệp cử nhân báo chí, tiếp tục góp phần xây dựng đất nước. Mặc dù đã nghỉ hưu nhưng cô vẫn viết bài chống phản động, chống tiêu cực, tham nhũng, ngòi bút sắc bén, đậm tính nhân văn, được đông đảo độc giả đón nhận đồng cảm sẻ chia.
Ân tình của những anh hùng
Những ngày tháng 3, nghe tin Đại tá Phan Thị Ngọc Tươi, Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân, nguyên cán bộ Báo Công an TP Hồ Chí Minh dẫn đoàn biệt động - trinh sát an ninh vũ trang T30 về nguồn, tới Hà Nội viếng Lăng Bác, tôi đến gặp cô và đồng đội tại phố Ngô Quyền. Khi hỏi về nghĩa tình đồng đội, cô chợt buồn xa xăm: Hiện tôi còn nặng nợ nhiều lắm, vẫn luôn tìm kiếm những ân nhân trong những trận đánh hồi kháng chiến giữa Sài Gòn, còn 3 chiến sĩ nữa vẫn bặt tăm… Riêng trận Trung tâm Thẩm vấn thì hình ảnh của hai tiêu đội trưởng “giành nhau” hy sinh cho tôi lúc chúng tôi ngồi bàn chiến thuật: Sau trận đánh phải có một mũi thu hút, chặn địch cho tôi rút lui. Lúc đó tôi đã được 2 anh bầu là chỉ huy trưởng trận đánh, tôi quyết: Sau trận đánh, Ngọc Tươi vùng mũi 3 ở lại chặn địch, các tiểu đội 1 và 2 rút, không bàn cãi nữa vì cánh 3 có 2 nữ dễ qua mắt địch. Thủ trưởng T30 chuẩn y. Sau cuộc họp, các anh cứ theo trách Ngọc Tươi hoài… Tôi chặn địch cho các anh rút an toàn, tôi bị địch bắt, khi quay về thì các anh đã hy sinh trong trận đánh khác.
Trong lúc trò chuyện thì bác Cao Văn Trung, đồng đội T30 đến. Ở họ ngoài tình đồng đội gần 50 năm qua, còn là nghĩa ân tình xoay quanh câu chuyện trái lựu đạn cuối cùng không nổ trong trận đánh Trung tâm Thẩm vấn Kiến Hòa và lần Ngọc Tươi cứu bác Trung. Trái đạn đó là một trong những vũ khí do bác Trung sản xuất. Cô Ngọc Tươi cười vui: Ngày ấy em giận lắm vì trái đạn lép làm hỏng mất kế hoạch của em. Giờ hóa ra anh có công lớn.
Bác Trung cười hiền: Anh còn nợ em ân tình lần anh bị thương nặng. Hồi đó không có em thì anh xanh cỏ rồi. Nếu trái đạn mà nổ thì giờ làm gì còn Ngọc Tươi để lo cho anh em T30 có nhà cửa ở và hôm nay còn đưa đơn vị về nguồn, chuyến đi lịch sử thế này… Cô Ngọc Tươi cho biết, gần 30 căn nhà tình nghĩa lo cho anh em T30 cũng có phần đóng góp của Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Minh Hiền và Báo Công an TP Hồ Chí Minh ủng hộ 7 căn nhà. Tôi hiểu, tình đồng đội của các cô chú biệt động T30 thật đẹp, thủy chung, thiêng liêng biết nhường nào.