Theo Chủ tịch Hội đồng Khoa học - Viện Nghiên cứu dinh dưỡng thành phố Hồ Chí Minh, TS. Nguyễn Thanh Danh, mùa thi thường vào thời điểm mưa nắng giao mùa, cộng thêm tình trạng thức khuya dậy sớm học tập... rồi tâm trạng lo lắng, căng thẳng có thể làm cho học sinh chểnh mảng ăn uống. Từ đó làm suy giảm sinh lực, mệt mỏi, kém tập trung gây ảnh hưởng đến kết quả học tập.
Vậy chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt như thế nào trong những ngày thi căng thẳng này có thể giúp các em khỏe mạnh và học tập có hiệu quả cao nhất?.
Từ góc độ chuyên môn khoa học, TS. Nguyễn Thanh Danh khẳng định, để làm tốt điều đó, việc cung cấp đủ năng lượng và các dưỡng chất cần thiết bằng 4 nhóm thực phẩm là việc luôn được đề cập.
Đó là chất đạm, là chất tạo hình giúp tăng trưởng cơ bắp, các cơ trơn, cơ tim, chất đạm có nhiều trong thịt, cá, trứng, tôm, cua và các loại đậu.
Chất béo là chất vừa tạo hình vừa sinh năng lượng, đó là dầu mỡ, bơ, các loại thịt mỡ, cá mỡ.
Chất bột đường là chất sinh năng lượng, giúp tiết kiệm các chất tạo hình, có nhiều trong lương thực, ngũ cốc, các loại đường, trái cây, bánh ngọt.
Và cuối cùng, vitamin và chất khoáng là các chất có vai trò rất quan trọng trong chuyển hóa năng lượng, có nhiều trong rau quả. Cứ 1000 Kcal cần ăn 100-120g rau để đủ nhu cầu vitamin, chất khoáng.
“Bốn nhóm thực phẩm cần yếu trên sẽ cung cấp năng lượng và các dưỡng chất cho sức lớn và phát triển thể lực cho các em hoạt động, học tập và thi cử. Điều quan trọng là phải cung cấp đầy đủ năng lượng theo nhu cầu khuyến nghị cho người Việt Nam của Bộ Y tế hoặc có thể theo công thức: 1000 Kcal + 100 x số tuổi.
Đảm bảo cân đối hợp lý về tỉ lệ phân bố năng lượng. Lứa tuổi học sinh cần có cơ cấu khẩu phần là 13-14 % năng lượng do chất đạm cung cấp, trong đó chất đạm động vật chiếm từ 50% trở lên/tổng năng lượng cung cấp từ chất đạm, 27-30% năng lượng do chất béo cung cấp và 55-60% do chất bột đường cung cấp,” bác sĩ Danh chia sẻ.
Ngoài ra cần chú ý cung cấp cho các sĩ tử một số chất dinh dưỡng bồi bổ cho não. Hiện nay, các nhà nghiên cứu nhận thấy có ít nhất 6 loại chất dinh dưỡng cần thiết cho nhu cầu cấu trúc và thực hiện tốt nhất các chức năng của não như sau: glucose, acid béo thiết yếu, phospholipid, acid amin, vitamin và khoáng chất - oxygen.
Bên cạnh đó, nước giữ vai trò rất quan trọng đối với cơ thể. Nước chiếm khoảng 60-70% trọng lượng cơ thể, là thành phần cấu tạo các cơ quan, trong đó não chứa 85% nước, là thành phần quan trọng giúp chuyển hoá các chất trong cơ thể, hoà tan và vận chuyển các chất dinh dưỡng và oxy đến các mô để nuôi dưỡng cơ thể; điều hòa thân nhiệt; thải trừ các chất cặn bã; làm ẩm bề mặt của khí phế quản và phế nang giúp cho quá trình hô hấp hoạt động bình thường.
TS Nguyễn Thanh Danh cho biết, khi lượng nước trong cơ thể giảm 2%, chúng ta sẽ cảm thấy khát, mệt mỏi, đau đầu, phản ứng chậm. Còn khi cơ thể mất trên 10% lượng nước có khả năng gây suy tuần hoàn, trụy tim mạch. Các em cần uống khoảng 1,5-2 lít nước mỗi ngày để bù lại lượng nước đã mất trong mùa nắng nóng. Nên uống nước hoa quả sẽ cung cấp thêm các vitamin, các chất khoáng và chất xơ càng có lợi cho sức khỏe.
Đối với bữa ăn hàng ngày, các vị phụ huynh cần chọn thực phẩm cho mỗi ngày: gạo thịt, cá, rau… đều phải là đồ tươi. Mỗi ngày ăn 2-4 loại rau (lá, củ, quả...), 2-4 loại thực phẩm cung cấp đạm (thịt, cá, trứng, tôm, đậu phụ…), đồng thời thay đổi món hàng ngày cho đỡ ngán.
Để củng có thể lực, sức khỏe trong mùa thi, các em cần kết hợp chế độ ăn đầy đủ và đa dạng các loại thực phẩm để đảm bảo đủ năng lượng và các dưỡng chất, các em nên có những hoạt động thể dục, vận động vừa sức, đều đặn hàng ngày, tôn trọng nhịp sinh học như ăn, ngủ, nghỉ, học tập và vận động có giờ giấc.
Hạn chế hoạt động tĩnh như chơi game, lên mạng, tránh thức khuya, học liên tục không nghỉ ngơi, tránh lạm dụng chất kích thích như trà, cafe... là những điều cần thiết để giúp não xả stress, phục hồi sinh lực giúp trí óc duy trì sự minh mẫn, sáng tạo.