Quốc tế

Những câu hỏi về thủ tục sau khi Thủ tướng Thái Lan bị đình chỉ

Hồng Nhung 02/07/2025 17:34

Sau khi Tòa án Hiến pháp Thái Lan ra quyết định đình chỉ chức vụ của Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra, nhiều câu hỏi về chính trường nước này được đặt ra.

Ảnh chụp màn hình 2025-07-02 162351
Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra phát biểu sau khi bị Tòa án Hiến pháp Thái Lan
đình chỉ chức vụ, ngày 1/7/2025. Ảnh: Reuters

Tòa án Hiến pháp Thái Lan ngày 1/7 đã ra quyết định đình chỉ nhiệm vụ của Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra trong thời gian tòa xem xét vụ kiện yêu cầu bãi nhiệm Thủ tướng. Theo cáo buộc của 36 thượng nghị sĩ, nữ Thủ tướng 38 tuổi này đã vi phạm tiêu chuẩn đạo đức được quy định trong Hiến pháp, liên quan vụ rò rỉ băng ghi âm cuộc điện đàm nhạy cảm về mặt chính trị giữa bà với nhà cựu lãnh đạo có ảnh hưởng của Campuchia Samdech Techo Hun Sen.

Về phần mình, Paetongtarn Shinawatra khẳng định ý định của bà trong cuộc điện đàm chỉ tập trung vào việc bảo vệ chủ quyền của quốc gia, đảm bảo an toàn cho binh sĩ Thái Lan và tránh xung đột leo thang.

Ai tạm quyền điều hành chính phủ Thái Lan?

Trong bối cảnh Thủ tướng bị đình chỉ, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Giao thông Vận tải Suriya Juangroongruangkit sẽ đảm nhiệm vai trò điều hành chính phủ tạm thời.

Ông Suriya, 70 tuổi, là một chính khách kỳ cựu của Thái Lan, từng tham gia chính trường từ thập niên 1990 và giữ nhiều chức vụ trong các chính phủ khác nhau. Ông cũng từng hoạt động trong đảng tiền thân của Pheu Thai - chính đảng hiện cầm quyền.

Tiến trình xử lý vụ việc tại Tòa án Hiến pháp như thế nào?

Tòa án Hiến pháp Thái Lan cho biết bà Paetongtarn sẽ có 15 ngày để nộp văn bản phản hồi các cáo buộc nêu trong đơn kiến nghị. Trong thời gian chờ đợi phán quyết cuối cùng, bà sẽ không được thực thi các nhiệm vụ của người đứng đầu chính phủ.

Bà Paetongtarn Shinawatra có thể làm gì trong thời gian này?

Bà Paetongtarn Shinawatra cho biết chấp nhận quyết định của Tòa án Hiến pháp Thái Lan và sẽ ngừng làm nhiệm vụ thủ tướng vô thời hạn.

Tuy nhiên, dù bị đình chỉ trên cương vị Thủ tướng, bà Paetongtarn vẫn có thể tham gia điều hành với tư cách thành viên nội các. Cụ thể, trong đợt cải tổ nội các diễn ra ngay trước thông báo của tòa án, bà đã được bổ nhiệm giữ chức Bộ trưởng Văn hóa. Sau khi tuyên thệ nhậm chức ngày mai, 3/7, bà sẽ có thể tiếp tục tham dự các cuộc họp nội các với vai trò Bộ trưởng.

Quốc hội sẽ hoạt động như thế nào?

Quốc hội Thái Lan sẽ nhóm họp trở lại vào ngày mai, 3/7. Trước đó, đảng Bhumjaithai - từng là thành viên trong liên minh cầm quyền đã đe dọa sẽ đề xuất kiến nghị bất tín nhiệm nhằm vào bà Paetongtarn và nội các.

Tuy nhiên, việc Thủ tướng bị đình chỉ khiến động thái này không còn khả thi ở thời điểm hiện tại.

Thêm một cuộc điều tra từ Ủy ban Chống tham nhũng

Không chỉ đối mặt với tiến trình tại Tòa án Hiến pháp, bà Paetongtarn còn là đối tượng điều tra của Ủy ban Chống tham nhũng Quốc gia - cơ quan có thẩm quyền độc lập và phạm vi điều tra rộng.

Cuộc điều tra lần này cũng xoay quanh nội dung cuộc điện thoại bị rò rỉ giữa bà và ông Hun Sen, theo đơn kiến nghị của cùng nhóm 36 thượng nghị sĩ. Kết luận của Ủy ban, nếu cho thấy vi phạm có thể dẫn đến một vụ án hình sự tại Tòa án Tối cao, nơi bà Paetongtarn có nguy cơ bị cấm tham gia hoạt động chính trị.

Theo Reuters
Copy Link
    Nổi bật
        Mới nhất
        Những câu hỏi về thủ tục sau khi Thủ tướng Thái Lan bị đình chỉ
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO