Những câu hỏi mùa lũ

- Thứ Bảy, 10/10/2020, 06:17 - Chia sẻ

Nước ngập tận nóc nhà của hơn 500 hộ dân xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình khiến bà con phải sơ tán lên nhà phao để tránh lũ.

Tại TP Đông Hà, Quảng Trị, không ai còn phân biệt nổi đâu là sông Hiếu đâu là đường Hoàng Diệu. Thậm chí các vùng gò đồi của huyện Hải Lăng cũng bị ngập sâu. Ở một số nơi đang bị cô lập, bà con vẫn chưa kịp di dời. Lãnh đạo tỉnh đang gấp rút tìm cách cứu 53 thuyền viên gặp nạn trên vùng biển, phương án điều trực thăng ứng cứu cũng được tính đến…

 Huế cũng ngập trong biển nước, nhiều nơi bị chia cắt, nhiều tuyến đường trọng yếu sạt lở.

Một lần nữa, mưa lũ ở miền Trung lại trở thành dòng thời sự chủ lưu trên các mặt báo và mạng xã hội như đã từng vậy trong những năm trước. Tính đến 6 giờ sáng qua, mưa lũ làm 5 người chết và 8 người mất tích; 772ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; 32,5 nghìn gia cầm bị chết, cuốn trôi; 30 điểm giao thông bị sạt lở, ách tắc… Đây mới chỉ là thống kê ban đầu và mưa to được dự báo sẽ còn kéo dài ở miền Trung nên thiệt hại chắc chưa không dừng ở đó.

Trong mưa lũ, nhiều người nói rằng cần dồn sức khắc phục thiệt hại trước đã, chưa phải lúc truy tìm nguyên nhân. Nhưng những con số thương vong về nhân mạng, mất mát về tài sản, những hình ảnh về sức lũ tàn phá kinh hoàng, những hoạt động khẩn cấp nhằm ứng phó thiên tai và hạn chế hậu quả... khiến người ta không thể không đặt ra bao nhiêu là câu hỏi. Có thật mưa lũ là chuyện “thiên tai” hay là chuyện “nhân tai”? Công cuộc dân vận để thay đổi tập quán định cư gần nguồn nước làm sao cho hiệu quả? Khi mưa lũ qua đi, các nhà khoa học, các nhà quản lý có bàn về nguyên nhân, giải pháp, ít ra là giải pháp giảm thiểu thiệt hại - bao nhiêu khuyến nghị trở thành chính sách? Bao nhiêu chính sách được triển khai và tổng kết, đánh giá hiệu quả? Những bàn luận khoa học phải chăng cũng thưa dần, bởi các nguyên nhân cốt lõi thường được nhắc đến như phá rừng, làm thủy điện, tập quán canh tác, định cư... trở thành chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”.

Còn nhớ năm 2017, nhiều tỉnh miền Bắc và miền Trung cũng rơi vào thảm cảnh lũ lụt. Trả lời một tờ báo, nguyên thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, người có nhiều năm tham gia chỉ đạo phòng chống lụt bão, nêu ra nhiều vấn đề cần phải nghiêm túc xem xét lại. Trong đó, đáng lưu ý nhất có lẽ là chuyện từ những năm 1995, chúng ta đã phá bỏ diện tích rừng lớn cho triển khai quy hoạch thủy điện. Kinh nghiệm cho ông thấy rằng, dù có đầu tư tiền để tái sinh rừng thì cũng phải 50 năm mới phục hồi, mới ngăn được dòng chảy mỗi lần lũ xuống. Câu chuyện của ông vẫn thời sự trong thời điểm này.

Phải chăng chúng ta đã sập bẫy phát triển kinh tế của chính mình! Như chuyện phá rừng, phải chăng rừng vẫn đang tiếp tục bị phá? Hay như chuyện quy hoạch, xây dựng, đã biết rằng nếu làm một yếu tố nào đó ảnh hưởng đến dòng chảy mặt sẽ gián tiếp gây ra lũ quét, bên cạnh yếu tố trực tiếp như lượng mưa, địa hình dốc..., vậy cơ quan nào rà soát, chấn chỉnh, quy chuẩn hóa việc này không?

Những câu hỏi này các cơ quan quản lý nhà nước phải là người trả lời, sau đó là biến những câu trả lời thành chính sách và hành động. Nếu không như vậy, những mùa cứu trợ, khắc phục hậu quả thiên tai sẽ lặp lại. Chu kỳ đầu tư công, những điện, đường, trường, trạm... lại bắt đầu. Phải chăng đó là tất cả những gì chúng ta đã và có thể làm?

Nguyễn Phong Lan

 

 

 

 

CTV