Những câu chuyện thú vị của một nhà ngoại giao

Hương Sen 29/06/2023 08:48

Những câu chuyện thú vị trong gần 20 năm làm đại sứ, kể cả kiêm nhiệm, ở 7 quốc gia, được nhà văn - nhà ngoại giao Nguyễn Chiến Thắng kể lại trong cuốn sách mới với cái tên giản dị: Chuyện kể của một đại sứ, với mong muốn "bày tỏ lòng biết ơn tới những người và những nơi tôi đã may mắn được công tác với cương vị một đại sứ".

Thấm thía sứ mệnh phụng sự Tổ quốc

“Tôi đã ba lần vinh dự được Chủ tịch Nước bổ nhiệm đại sứ, lần thứ nhất tại Algeria kiêm nhiệm Mali và Sahraoui Dân chủ, lần thứ hai tại Pháp kiêm nhiệm Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, lần thứ ba tại Vương quốc Campuchia láng giềng. Nhờ thế, tôi đã bảy lần vinh dự được trình Quốc thư lên các nguyên thủ, mỗi lần đều thấm thía sâu sắc ý nghĩa sứ mệnh phụng sự Tổ quốc của một đại sứ”, nhà văn, nhà ngoại giao Nguyễn Chiến Thắng bộc bạch tại lễ ra mắt cuốn sách Chuyện kể của một đại sứ sáng 28.6.

Nhà văn, nhà ngoại giao Nguyễn Chiến Thắng chia sẻ tại lễ ra mắt sách
Nhà văn, nhà ngoại giao Nguyễn Chiến Thắng chia sẻ tại lễ ra mắt sách

Mỗi lần trình Quốc thư lại một lần hồi hộp. Ông nhớ lại khi trình Quốc thư lên Tổng thống Pháp Jacques Chirac năm 1996: “Chắc lễ tân đã báo cáo trước về trích ngang của vị Đại sứ Việt Nam mới đến, nên trong câu chuyện ông đã vui vẻ gọi tôi là camarade. Trong tiếng Pháp, từ camarade không chỉ có nghĩa là đồng chí theo cách gọi của những người cộng sản mà còn là cách gọi thân mật của những người cùng học một trường. Chắc ông Chirac hàm ý ông và tôi là đồng môn Trường Hành chính Quốc gia (ENA), một trường lớn của Pháp. Tôi cảm nhận được niềm vinh dự to lớn này mặc dù biết rằng trong cách xưng hô thân mật ấy có đến 90% là lễ nghĩa của một nhà ngoại giao lịch lãm tầm cỡ thế giới, sự từng trải của một vị cựu Thị trưởng từng rất được lòng dân thành Paris”.

Cảm giác hồi hộp vẫn trở lại với ông khi đến chào Thủ tướng Hun Sen tại Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng Chính phủ Hoàng gia Campuchia ngày 18.3.2005. “Tôi đã rất hồi hộp khi trên đường từ sứ quán tới Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng, bởi tôi sắp được gặp một người nổi tiếng. Cũng còn bởi lẽ tôi sắp gặp lại một vị lãnh đạo tôi từng biết từ năm 1979, sau bao biến đổi bộn bề của thời cuộc… Buổi gặp rất chính thức, Thủ tướng nhắc lại kỷ niệm những ngày đầu mới về Phnom Penh, rằng không bao giờ quên công ơn của Việt Nam. Việt Nam đã hy sinh rất nhiều cho Campuchia, nếu không có ngày 7.1.1979 thì không có ngày nay. Thủ tướng còn nhắc lại kỷ niệm những ngày đầu chạy sang Việt Nam, những ngày mới về Phnom Penh được Thủ tướng Phan Văn Khải lúc đó là Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho người sang khôi phục điện, nước và chở cả lương thực sang cứu đói. Thủ tướng nói: 26 năm đã trôi qua, nếu không có sự bắt đầu ấy thì sẽ không có ngày hôm nay. Quan hệ giữa hai Đảng, hai nước chúng ta là sâu đậm, là vô giá”, nhà văn Nguyễn Chiến Thắng nhớ lại.

Một lát cắt về ngành ngoại giao

Ngoài những lần tiếp xúc với nguyên thủ, lãnh đạo cấp cao các nước, ông Nguyễn Chiến Thắng từng làm việc và có nhiều kỷ niệm với Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia Vũ Mão, “người vác tù và hữu nghị” với “trái tim thanh xuân tràn đầy nhiệt huyết”. Ông cũng không quên cảm giác phấn khích khi được tiếp xúc Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, ngỡ ngàng trước những đối thoại linh lợi và lập luận thuyết phục, thân thiện và lịch lãm của Bộ trưởng. Rồi sự xúc động và chân thành khi được gặp bà Madeleine Riffaud, người tình của nhà thơ Nguyễn Đình Thi khi công tác tại Pháp… Đó còn là ký ức những ngày chứng kiến nạn khủng bố tại Algeria; cảnh thanh bình trong khu vườn màu mỡ, cây bàng dáng đẹp xanh tươi và bầu không khí giống Việt Nam tại thủ đô Bamako của Mali; Tết đón mưa của nước bạn Campuchia… Tất cả được ông hồi tưởng với sự hồn nhiên, trong sáng, như nhận xét của nhà văn Di Li, về “một thế giới ngoại giao hoàn toàn khác những gì mà tôi từng biết; về những vùng đất, vùng văn hóa mà ông gắn bó trong cuộc đời làm ngoại giao của mình”.

Trong khoảng thời gian gần 20 năm làm đại sứ, nhà văn Nguyễn Chiến Thắng có nhiều câu chuyện thú vị để kể. Ông đã viết về rất nhiều sự việc và ở trong mỗi sự việc ấy đều có những con người cụ thể. Đại sứ Nguyễn Hải Bằng, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại ASEAN nhớ lại, những ngày làm tùy viên báo chí dưới thời nhà ngoại giao Nguyễn Chiến Thắng nhiệm kỳ 1995 - 1998 tại Paris: “Những năm tháng cùng làm việc với anh Thắng, tôi chứng kiến những cuộc gặp gỡ giữa anh và các nhà văn, nhà báo, văn nghệ sĩ trong nước và quốc tế. Tôi nghĩ nghề ngoại giao là một nghề đặc biệt, bằng khả năng ứng biến và xử trí nhanh nhẹn để đàm phán giành được thuận lợi, gìn giữ quyền lợi về đất nước mình. Mỗi nhà ngoại giao, với ký ức của mình, cần cho thế hệ sau biết được việc nghề cũng có nhiều phần con người, có vất vả và khó khăn, nhất là ở các địa bàn xa xôi, nhưng rất đỗi vinh quang và tự hào”.

Theo nguyên Tham tán Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia Nguyễn Văn Vụ, quá trình làm ngoại giao có những chuyện sống để bụng chết mang theo. Một đời đại sứ của Nguyễn Chiến Thắng với nhiều thực tế, chỉn chu và kín đáo, vui lắm những cũng có nỗi nhiều. Song "đây chỉ là phần nổi trong tảng băng rất lớn của nền ngoại giao công khai và bí mật, song thể hiện trong con người này là tình yêu Tổ quốc, niềm tự hào dân tộc, nỗi khát khao hòa bình hữu nghị và lòng biết ơn".

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Những câu chuyện thú vị của một nhà ngoại giao
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO