Những ca trực vắt ngang giao thừa

Với những “người Đèo Cả”, ăn Tết nơi công trình, giao thừa luôn là thời khắc đặc biệt. Gác máy sau những cuộc gọi từ gia đình, họ lại chú tâm vào phần việc mình được giao.

Đón giao thừa trong cabin

Bảy cái Tết gần nhất, nhân viên thu phí Dương Thị Quỳnh Trang đều đón giao thừa trong cabin trạm thu phí cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn. Dù vậy, Trang không cô đơn, bên cạnh cô luôn có 3 đồng nghiệp cùng kíp trực. Vắng xe, họ ra khỏi cabin để trao nhau lì xì và những lời chúc, rồi quay lại với công việc.

“Những ca trực vắt năm luôn trôi qua rất lâu”, Quỳnh Trang, ca trưởng trạm thu phí Km104 cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn chia sẻ và bộc bạch thêm: “Dù chỉ cách trạm thu phí 30 cây số, nhưng tôi thấy nhà mình vẫn ở rất xa mỗi khi giao thừa”.

Làm nhân viên thu phí kể từ khi cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn đi vào hoạt động, Quỳnh Trang cho biết công việc này đòi hỏi sự kỷ luật không kém những công nhân nơi công trường. Đông cũng như hè, nắng cũng như mưa, đều đặn mỗi khi báo thức điểm 4 giờ 30 sáng, Quỳnh Trang tất tả chuẩn bị bước vào ca làm. Công việc tại trạm thu phí không quá vất vả, nhưng môi trường làm việc tiếp xúc với nắng gió, bụi bặm và khói xe lâu ngày khiến nhiều chị em phải chấp nhận làn da sạm đen như một sự hy sinh cần thiết cho công việc.

Nữ nhân viên trạm thu phí cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn có nhiệm vụ báo cáo tình hình lưu lượng phương tiện đi qua, phối hợp với lực lượng chức năng để xử lý các tình huống khẩn cấp

Nữ nhân viên trạm thu phí cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn có nhiệm vụ báo cáo tình hình lưu lượng phương tiện đi qua, phối hợp với lực lượng chức năng để xử lý các tình huống khẩn cấp

Những ngày giáp Tết, lưu lượng xe đi qua trạm rất lớn. Dù tất bật, nhưng Quỳnh Trang cảm thấy tự hào khi bản thân cũng góp phần vào việc bảo đảm dòng xe thông suốt để hành khách có thể về nhà an toàn bên người thân.

Còn tại trạm thu phí Km93+160 Quốc lộ 1, ca trưởng Nguyễn Thị Hiền cho biết, từ khi gia nhập Đèo Cả năm 2016 tới nay, cô đã quen với cảnh đón Tết xa nhà.

Một ngày làm việc của nhân viên trạm thu phí chia làm ba ca (sáng, chiều và đêm). Hết sáu ngày làm việc liên tục, Hiền lại có hai ngày nghỉ. Đặc thù của công việc tại trạm thu phí yêu cầu Hiền phải trực vào những dịp lễ, Tết. Tuy vậy, cô vẫn tìm thấy niềm vui bên đồng nghiệp, nơi họ cùng các lãnh đạo công ty đón xuân qua những bữa ăn, chuyện trò sau ca trực.

Ông Tăng Quang Triều - Giám đốc Xí nghiệp quản lý vận hành cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, cho biết ban lãnh đạo Xí nghiệp luôn chủ động bố trí để cuộc sống của nhân viên ở đây đầy đủ nhất có thể, tạo điều kiện về vật chất và tinh thần khích lệ người lao động làm việc xuyên lễ, Tết. “Bằng nhiều cách, chúng tôi động viên tinh thần anh chị em nỗ lực hơn trong công việc, bảo đảm hoạt động thu phí được diễn ra bình thường, thông suốt, an toàn và hiệu quả dịp Tết”, ông Triều nói.

Ca trực Tết “hú hồn”

Cách cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn hơn 800 cây số, anh Nguyễn Bá Sỹ, đội trưởng đội cứu hộ Hầm Hải Vân, cho biết vào những dịp trực dịp lễ, bản thân anh và các đồng nghiệp luôn trong trạng thái “trực chiến”. Hầm Hải Vân ghi nhận trung bình 11.000 lượt phương tiện lưu thông mỗi ngày. Trước và sau các dịp lễ, con số này có thể tăng gấp hai lần. Kéo theo đó là nguy cơ xảy ra tai nạn và sự cố cháy nổ.

Rất kiệm lời khi nói về công tác quản lý nhưng anh Sỹ vô cùng hào hứng kể về công việc cứu hộ. “Quy trình xử lý một vụ hỏa hoạn phải tính theo từng giây, từng phút. Nếu quá 5 phút mà chưa kịp phản ứng, coi như xong”, anh nói, mắt vẫn dõi về phía màn hình điều hành.

Gắn bó gần như trọn vẹn sự nghiệp với hầm đường bộ Hải Vân từ năm 2005, anh Sỹ từng kinh qua nhiều vị trí khác nhau, từ nhân viên trạm thu phí đến hiện tại là điều hành đội cứu hộ. “Sau khi Tập đoàn Đèo Cả tiếp nhận quản lý hầm Hải Vân, quy trình an toàn được nâng cao hơn, cách tiếp cận công việc dễ hơn trước”, anh Sỹ chia sẻ về sự khác biệt giữa hai thời kỳ.

Làm cứu hộ đồng nghĩa nguy cơ đối mặt với những khoảnh khắc đứng trước lằn ranh sinh tử. Một trong số đó là vụ cháy xe tải xảy ra vào năm 2012, khi anh Sỹ cùng đồng đội phải chiến đấu với ngọn lửa suốt 30 phút trong khói mù giữa đường hầm. May không có thương vong nào xảy ra sau đó. “Xong xuôi bước ra, anh em mặt ai nấy đều đen xì”.

Sau vụ việc trên, anh Sỹ và các đồng nghiệp lại trải qua một cái Tết đáng nhớ không kém. Đêm Mùng 1 Tết năm 2013, khoảng 1 giờ sáng, một gia đình di chuyển bằng xe con băng qua hầm Hải Vân. “Họ về quê ăn Tết muộn, đến giữa hầm đột nhiên xe bốc khói rồi lửa bùng lên. Chúng tôi phát hiện rất nhanh rồi nhanh chóng có mặt nên không ai bị thương”, anh Sỹ kể.

Đêm cũng như ngày, không kể lễ, Tết, đội ngũ quản lý vận hành của Tập đoàn Đèo Cả luôn tuân thủ quy tắc “3 ca, 4 kíp” đảm bảo an toàn cho các công trình trên cả nước

Đêm cũng như ngày, không kể lễ, Tết, đội ngũ quản lý vận hành của Tập đoàn Đèo Cả luôn tuân thủ quy tắc “3 ca, 4 kíp” đảm bảo an toàn cho các công trình trên cả nước

Tuy vậy, chính những sự cố đó đã giúp anh Sỹ rèn luyện bản lĩnh và kỹ năng, để từ đó điều hành đội cứu hộ với sự quyết đoán và tinh thần trách nhiệm cao. Trong vai trò quản lý, người đàn ông gốc Đà Nẵng này không chỉ điều phối công tác cứu hộ mà còn lên kế hoạch và xây dựng kịch bản tập luyện hàng ngày cho đội ngũ hơn 60 người. Đó là thói quen và cũng là kỷ luật anh Sỹ duy trì cho anh em suốt nhiều năm.

Ngoài tham gia ứng cứu các sự cố tai nạn tại hầm Hải Vân, có một kỷ niệm khiến anh Sỹ cảm thấy tự hào và thân thuộc với danh xưng Người Đèo Cả. Năm 2023, một nhà máy tại Lăng Cô (Thừa Thiên Huế) xảy ra hỏa hoạn nghiêm trọng và đội cứu hộ của hầm Hải Vân cũng được huy động đến hiện trường hỗ trợ. Sau khi đám cháy được kiểm soát, lãnh đạo nhà máy gửi lời cảm ơn anh Sỹ và các đồng nghiệp. “Bà chủ rơm rớm nước mắt nói nếu không nhờ anh em Đèo Cả, đơn hàng hơn 140 tỷ đồng coi như mất trắng. Tôi nhớ mãi ngày hôm ấy”, anh Sỹ nhớ lại.

Nhìn lại chặng đường đã qua, đội trưởng đội cứu hộ Nguyễn Bá Sỹ cho biết bản thân luôn nỗ lực góp phần bảo đảm an toàn của tài xế và hành khách đi qua hầm và “tuổi thọ” cho công trình hầm Hải Vân. Anh cũng trân trọng thời gian được gắn bó với các đồng nghiệp. “Làm đâu cũng phải nhiệt huyết và gắn bó với tập thể là điều tôi luôn nhắn nhủ anh em”, anh Sỹ nói.

Tết công trường

Xuất thân là “dân xây dựng”, anh Nguyễn Tuấn Mạnh, chỉ huy trưởng công trường gói thầu đường nối cảng Liên Chiểu, cho biết đã quen với cảnh ăn Tết nơi công trường kể từ khi tốt nghiệp đại học.

Công việc chính của anh Mạnh là điều hành và giám sát thi công trên công trường, xử lý các vấn đề liên quan đến nhà thầu và mặt bằng. Hiện đội ngũ của anh Mạnh đảm nhận 15% khối lượng công việc dự án, với hai hạng mục chính là phụ trách cọc khoan nhồi và thân bệ trụ. Luôn giữ thói quen gọi điện cho vợ con vào mỗi tối, anh Mạnh cho biết gia đình là hậu phương vững chắc nhất với “dân xây dựng”. “Những dịp lễ Tết, cảm giác nhớ nhà là không thể tránh khỏi!”.

Các công trường của Đèo Cả không ngơi tiếng người, tiếng máy trong những dịp lễ, Tết

Các công trường của Đèo Cả không ngơi tiếng người, tiếng máy trong những dịp lễ, Tết

Tết ở công trường với anh Mạnh cũng không có những niềm vui đáng nhớ. Giữa ngổn ngang xi măng và sắt thép, anh em vẫn cố gắng chuẩn bị những thức quà Tết truyền thống như giò, nem, bánh chưng. Liên hoan nhanh, rồi mọi người lại bắt tay vào việc. “Anh em chúng tôi gói ghém niềm vui vào những khoảnh khắc quây quần với nhau”, anh Mạnh bồi hồi.

Với anh Mạnh, niềm vui lớn nhất trong công việc là khi một hạng mục được hoàn thành đúng tiến độ và đạt chất lượng tốt. Gói thầu nơi anh Mạnh đang thực hiện dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 2.2026. “Chúng tôi đang nỗ lực cán mốc này, thậm chí anh em còn động viên nhau để hoàn thành trước tiến độ ấy chứ”, giọng anh hồ hởi, đôi mắt ánh lên niềm lạc quan trên khuôn mặt sạm đen màu gió bụi công trường.


Theo ông Võ Ngọc Trung, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (HHV, đơn vị thành viên của Tập đoàn Đèo Cả), không chỉ lực lượng cứu hộ, toàn bộ các xí nghiệp quản lý vận hành và cơ khí đều hoạt động tăng ca, tăng kíp trong dịp Tết.

“Trước Tết, chúng tôi đi thăm các trạm thu phí và xí nghiệp để lắng nghe ý kiến của anh em. Đêm giao thừa, chúng tôi tham dự buổi gặp gỡ được kết nối trực tuyến qua các đầu cầu dự án, văn phòng của Tập đoàn rồi đến các điểm trực an ninh, cứu hộ để động viên người lao động. Sau Tết, đơn vị tổ chức khen thưởng đội ngũ làm việc xuyên Tết và sắp xếp nghỉ bù cho nhân viên”, ông Trung cho biết.


Kinh tế - Xã hội

Xuân quê hương, không thể thiếu nhau
Đời sống

Xuân quê hương, không thể thiếu nhau

Mùa xuân đang gõ cửa, mang theo không khí ấm áp của những ngày Tết trên khắp mọi nẻo đường, mọi gia đình. Tết còn đặc biệt hơn đối với những người con xa xứ, khoảng thời gian này không chỉ là lúc để đón Xuân, mà còn là thể hiện tình quê hương, nghĩa đồng bào.

Đại học Oxford ký hợp tác song phương với Viện Nghiên cứu, hệ thống Bệnh viện Tâm Anh
Doanh nghiệp

Đại học Oxford ký hợp tác song phương với Viện Nghiên cứu, hệ thống Bệnh viện Tâm Anh

Đại học Oxford và Viện Nghiên cứu Tâm Anh, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh vừa công bố ký kết hợp tác trao đổi nghiên cứu khoa học và đào tạo y khoa. Đây là hợp tác song phương đầu tiên của Đại học Oxford với một viện nghiên cứu, hệ thống bệnh viện đa khoa tại Việt Nam.

Hà Nội chào Xuân Ất Tỵ 2025 với loạt sự kiện hấp dẫn
Đời sống

Hà Nội chào Xuân Ất Tỵ 2025 với loạt sự kiện hấp dẫn

Dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, TP. Hà Nội tổ chức loạt sự kiện như: “Tết Việt – Tết Phố 2025”, tại khu vực phố cổ; “Tết làng Việt” ở làng cổ Đường Lâm và Chương trình “Hòa nhạc ánh sáng - Chào năm mới 2025”, tại quận Tây Hồ. Những hoạt động này không những mang đến không khí Tết rộn ràng mà còn tạo cho du khách cơ hội trải nghiệm văn hoá Tết truyền thống sống động.

Hà Tĩnh khai mạc Hội báo Xuân Ất Tỵ 2025
Xã hội

Hà Tĩnh khai mạc Hội báo Xuân Ất Tỵ 2025

Ngày 17.1, tại Văn miếu Hà Tĩnh, Hội Nhà báo phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông, UBND thành phố Hà Tĩnh tổ chức khai mạc Hội báo Xuân Ất Tỵ 2025 "Mừng Xuân, mừng Đảng quang vinh, mừng đất nước quê hương đổi mới". Nhân dịp này, phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân đã trao 20 suất quà trị giá 10 triệu đồng đến các hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.