Với người Việt Nam, Tết là dịp để gia đình đoàn viên, mọi người dù ở nơi đâu cũng cố gắng trở về sum họp bên người thân. Không khí đầm ấm và rộn ràng ấy ai ai cũng háo hức mong chờ…
Nhưng trong giai đoạn đất nước bị chia cắt giữa hai miền Nam - Bắc, những chiến sỹ mang trọng trách, lý tưởng cao đẹp, vẫn sẵn sàng nhận nhiệm vụ, không thể trở về bên người thân yêu của mình trong ngày Tết cổ truyền.
Tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đang lưu giữ nhiều bức thư đặc biệt, được viết vội gửi người phương xa, trong thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, dưới mưa bom bão đạn nơi sự sống và cái chết luôn cận kề.
“Gần Tết rồi, còn có 18 ngày nữa thôi. Những ngày gần Tết đáng nhẽ gần em, anh lại càng xa thêm. Rất nhiều đêm anh mơ thấy em sinh con gái, chẳng hiểu có đúng không, anh cũng đinh ninh như vậy. Trai cũng yêu mà gái cũng yêu. Bao giờ anh về anh sẽ nhận ra ngay cho mà xem. Hôm qua nghe tin nó không bắn phá từ vĩ tuyến 20 trở ra, anh cũng yên tâm. Anh không ảo tưởng vào kẻ thù nhưng vẫn yên tâm hơn…” (Bức thư của ông Nông Đình Bang, Quân y sĩ, Viện 59 Bộ Tư lệnh 559 viết cho vợ là bà Lê Thị Vọng Hương năm 1973).
“Hôm nọ có gặp em nói rằng chiều 30 ta sẽ về ăn Tết nhưng không về được em ạ vì anh phải bận chuẩn bị Tết cho anh em và vui với anh em. Nhất là trong thời gian anh Ấm chưa về”. (Bức thư của ông Hồ Toàn, Y sĩ Quân y công tác tại chiến trường Quảng Trị, Đường 9, Nam Lào, viết gửi vợ là bà Nguyễn Thị Hồng Minh).
“Em và các con vô cùng thương yêu của anh!
Hôm nay, chiều 30 Tết. Còn vài tiếng đồng hồ nữa là sang năm mới. Giờ này em và các con nơi đâu? Em ăn Tết ở Vĩnh Yên, ở Hải Phòng hay ở Hà Nội? Chắc em và các con mong anh lắm phải không? 4 mẹ con cứ ăn Tết đi đừng mong anh nữa, chiều nay anh vẫn ở chiến trường, chưa về được. Thương em biết mấy! Thương con biết mấy!”. (Bức thư do ông Phạm Hoài Thủy viết ngày 30.12.1973, 30 Tết Âm lịch, khi đang ở chiến trường B3, Tây Nguyên, gửi vợ là bà Lê Nguyệt Bảo, cán bộ Trường Học sinh Miền Nam số 8 Tam Đảo, Vĩnh Phúc).
Theo Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, qua những dòng thư nhắn gửi nhau ngày ấy, ta thấy được tình cảm riêng tư cá nhân nằm gọn trong những lý tưởng cao cả về một ngày Tổ quốc thống nhất. Đó dường như đã trở thành câu chuyện chung của cả một thời đại đi vào huyền thoại, với tuổi thanh xuân mãi nằm lại nơi chiến tuyến, những mối tình đẹp bị chia cắt bởi súng đạn của chiến tranh.
Những lá thư viết tay, những kỷ vật gửi về vợ con, chính là những bằng chứng rõ ràng cho tình yêu và sự kết nối vượt qua bom đạn, là nhịp cầu của những tâm hồn đồng điệu, cùng hướng về mục tiêu lớn nhất là đất nước thống nhất trọn vẹn.