Tuyến giáp là một phần quan trọng trong hệ thống nội tiết. Tuyến giáp tiết ra các hormone bao gồm Thyroxine (T4), Triiodothyronine (T3) và Calcitonin, có ảnh hưởng lớn đến quá trình trao đổi chất, chuyển hóa năng lượng và hoạt động của nhiều cơ quan trong cơ thể.
Bệnh tuyến giáp ở phụ nữ là các bất thường về cấu trúc hoặc rối loạn chức năng tuyến giáp, khiến lượng hormone giáp tiết ra vượt mức hoặc ít hơn nhu cầu của cơ thể. Đối với phụ nữ, hormone tuyến giáp có liên quan mật thiết đến quá trình dậy thì, rụng trứng, chức năng sinh sản, phục hồi sau sinh và mãn kinh.

Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Tuyền, Khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh chỉ ra những bệnh tuyến giáp thường gặp ở phụ nữ dưới đây như sau:
Bệnh suy giáp
Suy giáp là tình trạng chức năng tuyến giáp suy giảm, lượng hormone giáp tiết ra ít hơn nhu cầu của cơ thể.
Phụ nữ bị suy giáp khó có thai bởi sự thiếu hụt hormone giáp khiến quá trình rụng trứng bị rối loạn. Tình trạng này cũng làm tăng nguy cơ phát triển u nang buồng trứng. Đặc biệt với phụ nữ mang thai, suy giáp có thể gây sảy thai, thai lưu và băng huyết sau sinh.
Người bệnh có thể có các triệu chứng bệnh tuyến giáp ở nữ bao gồm: Tăng cân bất thường; thường xuyên cảm thấy lạnh; mệt mỏi, trầm cảm; da và tóc khô, mỏng; nhịp tim chậm; rối loạn kinh nguyệt.
Bệnh cường giáp
Cường giáp là tình trạng tuyến giáp hoạt động quá mức, tiết ra lượng hormone vượt quá nhu cầu của cơ thể. Phụ nữ mắc bệnh cường giáp có nguy cơ bị loãng xương.
Một số triệu chứng bệnh tuyến giáp ở nữ rất dễ bị nhầm lẫn với dấu hiệu mãn kinh, như bốc hỏa, cáu gắt. Ngoài ra, người bệnh còn có các dấu hiệu khác: Sụt cân bất thường; thường xuyên cảm thấy nóng; nhịp tim nhanh; rối loạn kinh nguyệt; khó ngủ.
Bệnh Graves
Bệnh Graves (Basedow) là một chứng rối loạn tự miễn dẫn đến tăng sản xuất hormone tuyến giáp quá mức, thường gặp ở phụ nữ dưới 40 tuổi. Đây là nguyên nhân dẫn đến chứng cường giáp.
Đặc trưng nổi bật nhất của bệnh Graves là mắt lồi (thường gặp ở nữ giới), bướu giáp lan tỏa, vùng da dày sần sùi ở cẳng chân. Các triệu chứng khác của bệnh bao gồm: Sụt cân; lo lắng, cáu gắt, khó ngủ, kém tập trung; rối loạn tiêu hóa.
Rối loạn tuyến giáp thai kỳ
Trong 3 tháng đầu thai kỳ, nồng độ hormone βhCG (human chorionic gonadotropin) trong cơ thể người mẹ tăng cao, kích thích tuyến giáp tiết ra nhiều hormone hơn và gây tình trạng cường giáp. Các tháng sau của thai kỳ, hormone βhCG dần ổn định và chức năng tuyến giáp sẽ bình thường trở lại.
Phụ nữ mang thai thiếu iod có nguy cơ cao bị bướu cổ thai kỳ. Lúc này, tuyến giáp có thể tăng kích thước hơn khoảng 10 – 15% bình thường. Ngoài ra mẹ bầu mắc bệnh tuyến giáp có thể làm tăng nguy cơ sảy thai, lưu thai, sinh non, thai nhi chậm phát triển trí não, dị tật bẩm sinh, mắc bệnh tim bẩm sinh,…
Bệnh ung thư tuyến giáp
Ung thư tuyến giáp là tình trạng tế bào ác tính (ung thư) phát triển từ tế bào của tuyến giáp. Hiện nay, tỉ lệ mắc ung thư tuyến giáp đang gia tăng, phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 3 lần nam giới.
Bệnh có tính gia đình, do đó những người có tiền sử gia đình mắc bệnh về tuyến giáp có nguy cơ mắc cao hơn. Ngoài ra, tình trạng béo phì hoặc từng tiếp xúc với phóng xạ cũng là yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư tuyến giáp.
Bướu lành tuyến giáp
Bướu lành tuyến giáp là bệnh tuyến giáp ở nữ thường gặp nhất. Đây là một dạng bệnh lành tính, thường diễn biến âm thầm và không có các triệu chứng rõ ràng nên rất khó phát hiện. Khi bướu phát triển to, chèn ép các cơ quan xung quanh, người bệnh sẽ có cảm giác khó thở, nuốt khó, ho nhiều,…