Về cơ cấu cấp ủy Đảng đối với Thường trực HĐND. Thực tế, nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực HĐND rất nặng nề, để đảm nhiệm được đòi hỏi bộ máy làm việc phải đủ mạnh mới có thể hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, cơ cấu cấp ủy Đảng đối với Thường trực HĐND hiện còn bất cập, chưa có quy định thống nhất. Có địa phương bố trí Chủ tịch HĐND là Bí thư cấp ủy, có nơi là Phó bí thư cấp ủy, có nơi là Ủy viên Thường vụ cấp ủy; một số ít hoạt động chuyên trách, nhưng hầu hết hoạt động kiêm nhiệm; Phó chủ tịch HĐND có nơi được cơ cấu Ủy viên Thường vụ cấp ủy, có nơi chỉ là cấp ủy viên; Ủy viên Thường trực HĐND có nơi được cơ cấu là cấp ủy viên, có nơi không là cấp ủy viên… Đối với những địa phương, Phó chủ tịch HĐND được cơ cấu là Ủy viên Ban chấp hành Tỉnh ủy, hoạt động của HĐND sẽ bị hạn chế hơn. Cụ thể như: trong các cuộc họp của Ban Thường vụ để thảo luận và quyết định những vấn đề quan trọng về phát triển KT - XH của địa phương không có Phó chủ tịch HĐND tham dự, nên những nhiệm vụ cấp ủy giao cho UBND thực hiện, HĐND chỉ biết chứ chưa có điều kiện tham gia sâu nên sẽ khó khăn trong theo dõi, giám sát việc triển khai thực hiện. Mặc dù cuộc họp có sự tham gia của Chủ tịch HĐND, nhưng vì hoạt động kiêm nhiệm, đảm đương nhiều công việc của Cấp ủy nên thời gian dành cho hoạt động của cơ quan dân cử chưa nhiều. Việc điều hòa hoạt động của HĐND, xử lý các vấn đề của Thường trực HĐND chủ yếu do Phó chủ tịch HĐND đảm nhiệm.
Đặc biệt, nếu Chủ tịch HĐND hoạt động kiêm nhiệm, Phó chủ tịch HĐND không là Thường vụ cấp ủy, Ủy viên Thường trực không là cấp ủy viên, hoạt động của Thường trực HĐND càng khó khăn hơn, chất lượng, hiệu quả hoạt động hạn chế hơn. Về mặt Đảng, Thường vụ cấp ủy lãnh đạo cấp ủy viên, nên rất khó khăn cho Thường trực HĐND khi đưa ra ý kiến kết luận và chỉ đạo thực hiện, nhất là đối với UBND. Từ đó, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND bị hạn chế, chưa thể hiện được vai trò cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.
Về chức danh Ủy viên Thường trực HĐND. Theo quy định của Luật Tổ chức HĐND và UBND, Thường trực HĐND cấp tỉnh, cấp huyện gồm: Chủ tịch, Phó chủ tịch và Ủy viên Thường trực HĐND. Quá trình hoạt động, nhiều người băn khoăn về chức danh Ủy viên Thường trực HĐND. Nếu đặt câu hỏi, Ủy viên Thường trực HĐND đứng ở vị trí nào trong hệ thống các chức danh lãnh đạo của cơ quan Nhà nước, sẽ nhận được câu trả lời là: dưới Phó chủ tịch (HĐND, UBND) và trên cấp trưởng ngành (đối với cấp tỉnh), trưởng phòng (đối với cấp huyện). Sở dĩ có quan niệm và nhận thức như vậy là do căn cứ vào phụ cấp trách nhiệm. Đối với mỗi chức danh lãnh đạo trong hệ thống các cơ quan Nhà nước, chức danh nào có mức phụ cấp trách nhiệm cao hơn thì chức danh đó có vị trí cao hơn. Đối chiếu theo tiêu chuẩn này thì chức danh Ủy viên Thường trực HĐND nằm ở khoảng giữa.
Tuy nhiên, việc đứng ở khoảng giữa không phải là lý do chính để nhìn nhận chức danh Ủy viên Thường trực còn chung chung, mà do tác động trong các mối quan hệ công tác và tính chất công việc. Hiện nay, nhận thức của không ít cán bộ trong cơ quan nhà nước vẫn chưa thật đầy đủ về chức danh này. Đã có trường hợp khi tham dự hội nghị, hội thảo thậm chí chức danh Ủy viên Thường trực HĐND còn không được giới thiệu, vì không biết chức danh này “lớn hay nhỏ”. Thường thì mọi người đều hiểu nếu là Ủy viên thì chắc là chức danh “nhỏ”. Ngoài ra, trong Quyết định 59/2007/QĐ-TTg ngày 7.5.2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc Ban hành quy định, tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng phương tiện đi lại trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, công ty nhà nước, chức danh Ủy viên Thường trực cả ở cấp tỉnh và huyện đều không được nhắc đến. Một số nơi Văn phòng phải đưa vào danh mục “cán bộ lãnh đạo có hệ số phụ cấp lãnh đạo từ 0,7 đến dưới 1,25”... Những minh chứng trên cho thấy vai trò, chức năng của Ủy viên Thường trực HĐND chưa được quy định cụ thể, rõ ràng, tương đối mờ nhạt, dẫn đến hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Thường trực HĐND và của HĐND cũng bị ảnh hưởng.
Về cơ cấu tổ chức, số lượng Thường trực HĐND. Hiện, cơ cấu tổ chức của Thường trực HĐND còn bất cập, chưa có sự đồng nhất. Phần lớn các tỉnh, thành được cơ cấu Chủ tịch HĐND hoạt động kiêm nhiệm, Phó chủ tịch và Ủy viên Thường trực hoạt động chuyên trách. Trong khi đó, Ủy viên Thường trực chưa được quy định vị trí, chức năng rõ ràng. Vì vậy, Thường trực HĐND khó có thể đảm trách và thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, nhất là tham gia quyết định và theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT - XH và QP - AN ở địa phương.
Về quy trình thực hiện nhiệm vụ, trước các kỳ họp cuối năm của HĐND, thường sẽ có một cuộc họp Thường vụ cấp ủy hoặc cuộc họp Ban chấp hành cấp ủy để UBND báo cáo tình hình thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển KT- XH, QP - AN của địa phương năm qua và đề ra nhiệm vụ năm tiếp theo, được Ban chấp hành cấp ủy biểu quyết thông qua. Vì vậy, đại biểu ít tham gia thảo luận nội dung này tại kỳ họp HĐND tỉnh. Ngoài ra, giữa hai kỳ họp HĐND, khi phát sinh những vấn đề cần thiết thì UBND trình trực tiếp cấp ủy Đảng để xin ý kiến, hoặc báo cáo kết quả thực hiện các nhiệm vụ và cấp ủy cho ý kiến kết luận, đề ra giải pháp tiếp tục thực hiện mà không yêu cầu phải có sự thống nhất ý kiến giữa Thường trực HĐND và UBND trước khi báo cáo. Do đó, vai trò của Thường trực HĐND cũng còn hình thức.
Thực tế trên cho thấy, phát huy vai trò của Thường trực HĐND, cần có quy định, đối với cấp ủy các cấp nên cơ cấu có 3 Phó bí thư: một Phó bí thư Thường trực phụ trách công tác Đảng, một Phó bí thư phụ trách công tác HĐND, một Phó bí thư phụ trách công tác UBND. Ban Thường vụ có ủy viên giữ chức vụ Phó chủ tịch HĐND. Bỏ chức danh Ủy viên Thường trực HĐND và cơ cấu tổ chức của Thường trực HĐND gồm có Chủ tịch và 2 Phó chủ tịch. Trong thực hiện nhiệm vụ phát triển KT - XH của địa phương, cấp ủy Đảng chỉ bàn và quyết định những vấn đề lớn, mang tính định hướng, còn những vấn đề cụ thể nên để cho HĐND quyết định và bảo đảm thực hiện nghị quyết của cấp ủy. Đồng thời, khi cấp ủy xem xét việc thực hiện các chỉ tiêu nghị quyết của cấp ủy, nghị quyết của HĐND, trước đó cần có quy định về sự thống nhất giữa Thường trực HĐND và UBND.