Giám sát chuyên đề Việc thực hiện các FTA mà Việt Nam là thành viên

Những bài học kinh nghiệm cho giai đoạn tới

- Thứ Tư, 14/10/2020, 06:29 - Chia sẻ
Tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) là phù hợp với chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa và chủ trương của Đảng về hội nhập kinh tế quốc tế; đồng thời, mang lại những kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Khẳng định điều này, song các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng, qua chuyên đề giám sát, chúng ta thấy được mặt mạnh - yếu, những hạn chế, bất cập trong tổ chức thực thi để rút ra bài học kinh nghiệm và đề ra giải pháp nhằm phục vụ cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới.

Đúng đắn và kịp thời

Chúng ta có đi quá nhanh trong tham gia các FTA? Việc tham gia nhiều FTA có khiến độ mở của nền kinh tế trở nên quá lớn?… Nêu thực tế đã có ý kiến đặt vấn đề như vậy, song Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định, quá trình tham gia và triển khai thực hiện các FTA bước đầu còn gặp khó khăn nhưng về lâu dài có kết quả tích cực. Đơn cử, trong lĩnh vực nông nghiệp, tham gia FTA thế hệ mới mở ra cơ hội cho chúng ta xuất khẩu nông sản lên tới trên 40 tỷ USD. Vừa qua, ngành chế biến - chế tạo là một trong những điểm sáng trong lĩnh vực công nghiệp trong nước dù giai đoạn trước đây chính là điểm yếu. Ngoài ra, còn những kết quả tích cực trong lĩnh vực lao động, việc làm, thu ngân sách… Do đó, báo cáo kết quả giám sát cần khẳng định: quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó tham gia các FTA đã đem lại lợi ích chính đáng và quan trọng cho chúng ta, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Phan Thanh Bình.
Ảnh: Quang Khánh

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nêu rõ, về chính trị - ngoại giao, việc tham gia FTA cần được khẳng định là đúng đắn, kịp thời, phù hợp với chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa và chủ trương của nước ta trong việc đưa quan hệ với các đối tác lớn đi vào chiều sâu, tăng cường sự đan xen lợi ích trong mối quan hệ giữa các đối tác, đặc biệt là các nước lớn và các nước có tiềm lực về kinh tế, công nghiệp hiện đại. Về kinh tế - xã hội, việc gia nhập FTA đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh phụ thuộc vào một thị trường truyền thống. Nền kinh tế nước ta có sự tăng trưởng cao, có bước đi thận trọng, vững chắc. Gia nhập FTA còn tạo động lực để nước ta hoàn thiện thể chế, khuôn khổ pháp lý phù hợp với thông lệ quốc tế…

Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, chúng ta đã có bước trưởng thành, vượt lên và hội nhập sâu rộng với thế giới song những hạn chế, bất cập là không thể tránh khỏi, trong đó có cả về việc hoàn thiện thể chế và tổ chức thực hiện. Hội nhập là xu thế không thể đảo ngược trong bối cảnh hiện nay. Khẳng định điều này, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cũng cho rằng, càng hội nhập sâu rộng thì chúng ta càng phải thể hiện rõ hơn sự chủ động để đối phó với thách thức và khai thác lợi ích, cơ hội từ quá trình hội nhập.  

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Phan Thanh Bình nhấn mạnh, sự chuẩn bị của chúng ta như thế nào để thực hiện có hiệu quả các FTA trong thời gian tới là rất quan trọng. Hiện nay, nhận thức của cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người dân khi ký kết và thực hiện FTA như thế nào? Qua thực hiện các FTA, chúng ta thấy văn hóa kinh doanh nói chung và văn hóa kinh doanh quốc tế của doanh nghiệp chúng ta như thế nào? Việc hình thành chuỗi giá trị sản phẩm từ nguyên liệu, chế biến, vận chuyển đến thị trường của chúng ta hiện nay ra sao? Các hiệp hội ngành nghề có sự chuẩn bị gì để đối phó với sức ép cạnh tranh? Hay trong vấn đề đào tạo, từ chuyên gia về luật quốc tế cho đến khoa học - công nghệ - kỹ thuật… Đặt ra một loạt câu hỏi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ đề nghị, Báo cáo kết quả giám sát cần đánh giá hiệu quả thực hiện các FTA ở những khía cạnh này và nên phân tích kỹ để chuẩn bị thật tốt.

Cải cách mạnh hơn nữa!

Một trong những bài học kinh nghiệm được đúc rút từ quá trình thực hiện các FTA thời gian qua là: Hội nhập quốc tế là sự nghiệp của toàn dân và cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước. Mặc dù vậy, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, làm sao để phát huy được vai trò của người dân và doanh nghiệp là vấn đề lớn đặt ra với Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước trong việc đàm phán, ký kết, thực thi các FTA. Nếu không xây dựng tốt nền tảng nội lực của nền kinh tế, xây dựng cộng đồng doanh nghiệp trong nước vững mạnh thì không thể khai thác có hiệu quả những cơ hội và tiềm năng mà quá trình hội nhập mang lại. Vì vậy, những bài học kinh nghiệm, những vấn đề tồn tại đặt ra với cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp, người dân và các chủ thể trong các hoạt động phát triển kinh tế và hội nhập là rất quan trọng. Nhấn mạnh điều này, Bộ trưởng Bộ Công thương cũng cho rằng, cần khẩn trương đẩy mạnh cải cách hơn nữa bởi nếu không chúng ta sẽ bị thua thiệt.

Báo cáo kết quả giám sát cũng nêu rõ, cần phối hợp đồng bộ tất cả các cấp, ngành, địa phương và doanh nghiệp; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện hội nhập quốc tế về kinh tế cũng như việc triển khai và thực thi các FTA đã có hiệu lực trên cơ sở phát huy tối đa nội lực, gắn kết chặt chẽ và thúc đẩy quá trình hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng, nâng cao sức mạnh tổng hợp và năng lực cạnh tranh. Cần coi trọng công tác tuyên truyền, phổ biến những nội dung cần thiết có liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế, nội dung các cam kết trong FTA nhằm nâng cao nhận thức về hội nhập kinh tế quốc tế và các FTA cho cán bộ trong cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân để thực hiện có hiệu quả.

Trong mỗi giai đoạn cần có chính sách thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại, thu hút đầu tư phù hợp; nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa trong nước, định vị thương hiệu các sản phẩm có ưu thế, hiện đại hóa thương mại dịch vụ, chủ động ứng phó với sự cạnh tranh của hàng hóa nước ngoài. Chú trọng công tác dự báo, đánh giá tác động, lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trước khi đàm phán, ký kết các FTA. Từ đó, chủ động xây dựng phương án đàm phán, cũng như hoàn thiện chính sách, pháp luật trong nước để hạn chế rủi ro, không tạo độ trễ trong xây dựng chính sách và kịp thời nắm bắt cơ hội khi các FTA có hiệu lực.

Nhật An