Những bài học còn nguyên giá trị
Ngày 5.6.1911 từ bến cảng Nhà Rồng, Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước. Sự kiện này sau 110 năm vẫn để lại nhiều bài học quý cho hôm nay và mai sau. Như điều mà Đoàn nghệ sĩ Australia đã ghi vào sổ cảm tưởng trong Khu di tích Phủ Chủ tịch: “Rất ít người đã làm và sẽ làm được như Chủ tịch Hồ Chí Minh; nhưng ai cũng có thể học tập được từ tấm gương của Người để làm người cách mạng và người dân tốt hơn”.

Khát vọng giải phóng dân tộc
Nguyễn Tất Thành sinh ra và lớn lên khi đất nước bị thực dân Pháp xâm lăng và đã trở thành một nước thuộc địa nửa phong kiến; người dân bị nô lệ, đói khổ, lầm than. Thời gian 10 năm sống ở Kinh đô Huế - trung tâm văn hóa, chính trị của đất nước, tiếp xúc với nền văn hóa mới, với phong trào Duy Tân đã cho Nguyễn Tất Thành nhiều hiểu biết mới. Nhìn lại các phong trào yêu nước như phong trào Cần Vương, mà tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa Hương Khê do cụ Phan Đình Phùng lãnh đạo; phong trào Đông Du của cụ Phan Bội Châu; phong trào Đông Kinh nghĩa thục; cuộc khởi nghĩa Yên Thế do cụ Hoàng Hoa Thám lãnh đạo; cuộc vận động cải cách của cụ Phan Châu Trinh và phong trào chống thuế của nông dân Trung Kỳ, Nguyễn Tất Thành rất khâm phục và coi trọng các bậc tiền bối, nhưng không hoàn toàn tán thành cách làm của một người nào. Thực tiễn thất bại của các phong trào yêu nước đầu thế kỷ XX đã đặt ra nhiều câu hỏi và tác động đến chí hướng của Nguyễn Tất Thành, để rồi Người có một quyết định chính xác và táo bạo - xuất dương tìm đường cứu nước.
21 tuổi, có học, con một ông quan, Nguyễn Tất Thành có dư điều kiện để trở thành một viên chức của chính quyền do người Pháp cai trị. Và với sự làm việc mẫn cán, Người có thể lo cho một gia đình êm ấm, vợ đẹp, con khôn… Song như thế Người mãi mãi là nô lệ cho thực dân Pháp. Điều mà cha Người - cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Huy, suốt đời dùi mài kinh sử, lúc đỗ đạt rồi mới ngộ ra: “Quan trường thị nô lệ, trung chi nô lệ, hựu nô lệ” (Quan trường trong chế độ nô lệ, thì lại càng nô lệ hơn).
Do thế, với khát vọng giải phóng cả dân tộc, Người quyết định ra đi. Đi đâu? Đi đến tận nơi phát tích ra khẩu hiệu: Tự do, Bình đẳng, Bác ái, mà Người hàng ngày nhìn thấy trên bảng đen ở Trường Tiểu học. Ra đi để tìm lời giải cho bài toán đòi độc lập, tự do cho đồng bào như thế nào? Năm 1923, khi trả lời một nhà báo Nga, Người đã nói rõ về mục đích ra đi của mình: “Khi tôi độ mười ba tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe ba chữ Pháp: Tự do, Bình đẳng, Bác ái... Tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau những chữ ấy”[1].
Ra đi để trở về giúp đồng bào
Ngày 5.6.1911, trên con tàu Đô đốc Latouche-Tréville, từ bến cảng Nhà Rồng, TP. Sài Gòn (nay là TP. Hồ Chí Minh), Nguyễn Tất Thành rời Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước. Năm 1965, trả lời một nhà văn Mỹ, Người kể: “Nhân dân Việt Nam, trong đó có ông cụ thân sinh ra tôi, lúc này (đầu thế kỷ XX - người viết chú thích) thường tự hỏi nhau ai sẽ là người giúp mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp. Người này nghĩ là Anh, có người lại cho là Mỹ. Tôi thấy phải đi ra nước ngoài xem cho rõ. Sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi”[2].
Khi quyết định xuất dương, anh Ba (Nguyễn Tất Thành) có rủ một người bạn đi cùng. Bạn hỏi: “Tiền đâu?”. Anh Ba xòe hai bàn tay ra, nói: “Tiền đây, tiền từ đôi bàn tay lao động này”.
Ngay từ những ngày đầu ra đi tìm đường cứu nước, hướng tới mục tiêu độc lập cho Tổ quốc, cơm no áo ấm cho đồng bào, Người đã vượt qua bao khó khăn, thử thách. Trong quá trình 30 năm ở nước ngoài, anh Ba đã phải làm đủ nghề. Có người thống kê Người đã phải làm tới 20 nghề khác nhau, không nề hà khó nhọc, độc hại: quét tuyết, đốt lò, in phóng ảnh, phụ bếp, làm bánh, gánh gạch… nghề gì cũng làm, miễn là nghề lương thiện, để sống và để học.
Sự truy sát ráo riết và đe dọa của kẻ thù cũng không làm Người nhụt chí. Hai lần trong lao tù của kẻ thù, lòng kiên trung bất khuất của Người, quyết tâm giải phóng dân tộc, cơm no áo ấm cho đồng bào càng được bồi đắp thêm.
Ai cũng có thể học tập từ Người
Chúng ta biết ơn và tự hào về thành tựu của đất nước hôm nay. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá: trên thực tế, xét trên nhiều phương diện, người dân Việt Nam ngày nay đang có các điều kiện sống tốt hơn so với bất cứ thời kỳ nào trước đây”. (“Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”).
Trong mỗi thành tích của đất nước, chúng ta tìm thấy sự đóng góp nhỏ bé của mình, trong mỗi khiếm khuyết, ta cũng như thấy có mình trong đó. Đó là suy nghĩ lành mạnh và đầy trách nhiệm với Tổ quốc hôm nay. Khoan hãy nghĩ Tổ quốc đã cho mình cái gì, mà ngược lại, hãy xem mình đã làm gì cho đất nước.
Học Bác, nghĩ về Bác, chúng ta không học máy móc, giáo điều, mà từ suy nghĩ về việc Bác đã làm, vận dụng vào cuộc sống để làm sao cho công việc đạt kết quả cao hơn và sống với nhau tốt hơn, đúng như điều mà Đoàn nghệ sĩ Australia đã ghi vào sổ cảm tưởng trong Khu di tích Phủ Chủ tịch: “Rất ít người đã làm và sẽ làm được như Chủ tịch Hồ Chí Minh; nhưng ai cũng có thể học tập được từ tấm gương của Người để làm người cách mạng và người dân tốt hơn” (Hồ Chí Minh, Một nhân cách hoàn hảo, Nxb. Công an Nhân dân, Hà Nội, 2005, tr.125).
__________________________
[1]. Báo Ogoniok, số 39, ngày 23.12.1923.
[2]. Báo Nhân dân, ngày 18.5.1965.