Nhóm Visegrad tìm kế hoạch riêng
Trước một châu Âu đầy chia rẽ và mâu thuẫn về chính sách kiềm chế dòng người nhập cư, nhóm Bộ tứ Visegrad (V4 - gồm CH Séc, Slovakia, Ba Lan và Hungary) ở Trung Âu tiếp tục thống nhất mục tiêu chiến lược là duy trì khu vực tự do đi lại Schengen. Mấu chốt để hiện thực hóa mục tiêu này là kiểm soát được đường biên giới ngoài của Liên minh châu Âu (EU). Một kế hoạch B đã ra đời.
Tự cứu mình
Nhóm Visegrad được hình thành sau cuộc gặp ngày 15.2.1991 tại thành phố Visegrad (Hungary) giữa các tổng thống và thủ tướng 3 nước Ba Lan, Tiệp Khắc, Hungary. Sau khi Tiệp Khắc tách thành CH Séc và CH Slovakia vào năm 1993, Bộ Ba Visegrad trở thành Bộ Tứ. Vào ngày 1.5.2004, tất cả các nước trong nhóm đã gia nhập EU. |
Tại Hội nghị cấp cao V4 cùng hai nước đối tác là Macedonia và Bulgaria vừa qua, các nhà lãnh đạo tuyên bố ủng hộ kế hoạch của EU nhằm hạn chế dòng người nhập cư qua khu vực Balkan. Họ đồng thời cũng đưa ra “Kế hoạch B” - tăng cường kiểm soát biên giới giữa Bulgaria và Macedonia với Hy Lạp - nếu EU không hạn chế được dòng người nhập cư từ Thổ Nhĩ Kỳ trong thời gian tới. Mặc dù các nhà lãnh đạo trong V4 nhấn mạnh kế hoạch này nhằm mục đích “bổ sung” cho các nỗ lực của EU đối phó với khủng hoảng nhập cư, song không tránh khỏi dư luận hoài nghi về việc nhóm này đưa ra các biện pháp riêng, tác động tiêu cực đến chính sách chung của EU, nhất là trong bối cảnh V4 phản đối cơ chế phân bổ người nhập cư theo hạn ngạch được thông qua trước đó.
Nỗ lực giải quyết vấn đề nhập cư của V4, trong đó có việc phối hợp với các nước khu vực Balkan, đã được triển khai từ giữa năm 2015. Nhóm V4 cho rằng EU cần tập trung vào giải quyết các nguyên nhân “gốc” của vấn đề nhập cư, nhất là chấm dứt xung đột ở Syria chứ không nên thiết lập cơ chế phân bổ người nhập cư nội khối. Mặc dù phản đối cơ chế phân bổ người nhập cư theo hạn ngạch song các nước V4 thống nhất và thúc đẩy triển khai một số biện pháp mà Hội đồng châu Âu thông qua như tăng cường kiểm soát biên giới bên ngoài (khu vực tự do đi lại Schengen), xây dựng các trung tâm tiếp nhận người nhập cư, đẩy nhanh tiến độ thành lập lực lượng biên phòng và bảo vệ bờ biển EU… Tại một số diễn đàn, lãnh đạo các nước V4 nhận định, các giải pháp của EU hiện chưa thực sự phát huy hiệu quả và khó có khả năng ngăn chặn làn sóng nhập cư vào EU trong thời gian tới, hiện vẫn ở mức cao so với năm 2015.
![]() Các nhà lãnh đạo Visegrad nhóm họp về khủng hoảng nhập cư |
Nhượng bộ lẫn nhau
Theo các nhà phân tích, “Kế hoạch B” là kết quả của quá trình thỏa thuận, nhượng bộ trong nội bộ V4, nhất là giữa các nước có quan điểm cứng rắn về vấn đề nhập cư như Slovakia và Hungary với các thành viên có quan điểm dung hòa hơn. Trước đó, Slovakia và Hungary đã kiện EU lên Tòa án Công lý châu Âu về cơ chế phân bổ người nhập cư theo hạn ngạch. Thủ tướng Slovakia Robert Fico tuyên bố sẽ không cho phép việc hình thành bất cứ cộng đồng người Hồi giáo nào ở nước này nếu đảng Smer-SD của ông tiếp tục cầm quyền. Thủ tướng Hungary Viktor Orban cũng cho rằng cơ chế phân bổ người nhập cư theo hạn ngạch là thách thức lớn nhất đối với nước này trong năm 2015. Ông Orban tỏ ra hoài nghi đối với hiệu quả của thỏa thuận giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời khẳng định cần thắt chặt kiểm soát biên giới Macedonia – Hy Lạp. Trong khi đó, Séc mặc dù kiên quyết phản đối cơ chế phân bổ người nhập cư nhưng cũng đã chấp nhận phân bổ một số người nhập cư nhất định nhằm tránh gia tăng căng thẳng với Đức.
Ông Jakub Groszkowski đến từ Trung tâm Nghiên cứu phương Đông của Ba Lan cho rằng “Kế hoạch B” là một trong những minh chứng cho tính hiệu quả trong tổ chức và cơ chế hoạt động của V4, giúp nhóm này tiếp tục tăng cường tiếng nói trong EU.
Tác động hai chiều
Một mặt, kế hoạch của nhóm V4 có thể khiến EU chia rẽ hơn, mặt khác, nó có thể gây áp lực với Đức để tác động tích cực đến chiều hướng giải quyết khủng hoảng.
Thứ nhất, “Kế hoạch B” của V4 có nhiều điểm tương đồng với chính sách của một số nước thành viên khác trong EU. Chẳng hạn, việc tăng cường phối hợp với các nước Balkan và gia tăng áp lực đối với Hy Lạp, trong đó có việc khai trừ Athens khỏi khối Schengen cũng là những vấn đề mà Chính phủ Áo đang cân nhắc. Trong khi đó, việc phản đối cơ chế phân bổ người nhập cư theo hạn ngạch được Thủ tướng Pháp Manuel Valls ủng hộ. Do đó, mặc dù lãnh đạo V4 tuyên bố kế hoạch này chỉ nhằm “bổ sung” cho chính sách hiện tại của EU nhưng rõ ràng động thái này đã tiếp tục khoét sâu bất đồng trong nội bộ EU về vấn đề nhập cư. Đáng chú ý là việc gia tăng áp lực, dần cô lập Đức trong giải quyết khủng hoảng.
Thứ hai, sự ra đời của “Kế hoạch B” sẽ tác động tích cực nhất định đến kế hoạch chung của EU. V4 tuyên bố sẽ triển khai kế hoạch này nếu chính sách giải quyết khủng hoảng nhập cư hiện tại theo đề xuất của Đức không đạt được tiến triển tích cực trước Hội nghị Thượng đỉnh tháng 3. Thời hạn này có ý nghĩa tích cực nhất định bởi đây là thời điểm mà dòng người nhập cư vào châu Âu được dự đoán sẽ tăng mạnh sau khi mùa Đông kết thúc. Đây cũng là thời điểm diễn ra bầu cử ở một số bang của Đức, buộc Chính phủ Đức phải có sự điều chỉnh nhất định đối với chính sách nhập cư, nhất là trong bối cảnh những hạn chế trong giải quyết vấn đề này vào thời gian qua đang khiến tỷ lệ ủng hộ đảng cầm quyền giảm sút.