Khẳng định vị thế Nhóm nghiên cứu mạnh
Trong 3 năm gần đây, Nhóm Nghiên cứu Biển và Thương mại châu Á đã công bố nhiều công trình về lịch sử bang giao, thương mại biển… trên các tạp chí khoa học quốc tế và trong nước có uy tín.
Trong đó, trưởng nhóm GS.TS NGƯT Nguyễn Văn Kim đã xuất bản nhiều công trình khoa học bằng tiếng Anh và một số ngôn ngữ quốc tế về lịch sử bang giao, lịch sử thương mại biển, văn minh sinh thái biển, phát triển bền vững kinh tế biển…với tổng số trên 300 công trình đã công bố trên các tạp chí khoa học chuyên ngành có uy tín ở trong nước.
Những công trình nghiên cứu đó đã góp phần làm rõ truyền thống khai thác biển, phát triển kinh tế biển, các mối giao thương trên biển trong lịch sử Việt Nam mà còn góp phần hướng đến một cái nhìn toàn diện về lịch sử, văn hóa Việt Nam.
Từ việc tập trung nghiên cứu thương mại biển, những nghiên cứu khoa học của nhóm còn tập trung nghiên cứu về quá trình khai phá, xác lập, bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam; đề xuất các giải pháp về chính sách, chiến lược, quy hoạch bảo tồn, phát huy, quảng bá các giá trị văn hóa, văn minh sinh thái biển phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển, bảo vệ môi trường, phòng tránh thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu, góp phần thực hiện thành công Chiến lược phát triển bền vững biển Việt Nam.
Cùng với việc công bố kết quả nghiên cứu trên các tạp chí khoa học chuyên ngành trong nước và quốc tế, trong những năm qua, Nhóm đã (kết hợp với Trung tâm Biển và Hải đảo) tổ chức thành công một số Hội thảo khoa học về lịch sử bang giao, thương mại biển.
Không ngừng nâng cao năng lực hợp tác khoa học và công nghệ
Trong quan hệ hợp tác, Nhóm đã có quan hệ hợp tác với nhiều nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế. Cùng với các thành viên chủ chốt, Nhóm nghiên cứu còn có sự tham gia và tư vấn của GS.NGND Vũ Dương Ninh, GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc, PGS.TS.NGƯT Nguyễn Thừa Hỷ (ĐHQG HN); GS.TS Kikuchi Seiichi (Đại học Chiêu Hòa), GS.TS Momoki Shiro (Đại học Osaka, Nhật Bản), GS.TS Bruce Lockhart (Đại học Quốc gia Singapore)...
Các chuyên gia, cố vấn khoa học đã tích cực hỗ trợ cho các hoạt động nghiên cứu, đào tạo, xuất bản, tăng cường hợp tác quốc tế và sự phát triển của Nhóm.
Trong 3 năm gần đây, Nhóm đã triển khai được nhiệm vụ khoa học và công nghệ hợp tác nghiên cứu chung với đối tác trong nước/quốc tế được triển khai, đó là dự án quốc tế với Quỹ Sumitomo, Nhật Bản: “Bridging the Isolated Gulf: A Study of the Japanese-Spanish Alliance to Establish the Tonkin - Manila Trade Route in the Middle of the Seventeenth Century”.
Các thành viên trong nhóm, có thành viên là chuyên gia của các tổ chức sở hữu trí tuệ quốc tế; chuyên gia kinh tế; kiến trúc sư/ kinh tế trưởng trong một số ngành và lĩnh vực hoặc chuyên gia cao cấp hoặc thành viên của Hội đồng tư vấn Thủ tướng Chính phủ: Trưởng nhóm là Phó chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia.
Năm 2022, Nhóm Nghiên cứu Biển và Thương mại châu Á tiếp tục được nhận Bằng khen của Giám đốc ĐHQGHN cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động KHCN. Uy tín khoa học về nghiên cứu, đào tạo của Nhóm đã được ĐHQGHN, các cơ quan quản lý và tổ chức KH&CN trong nước, quốc tế ghi nhận.
Trong quá trình đào tạo và tự đào tạo, nhiều thành viên của Nhóm có thể sử dụng 2 hoặc 3 ngoại ngữ trong trao đổi khoa học, nghiên cứu.
Tất cả các thành viên chủ chốt đều đã có điều kiện đi học (Thạc sĩ, Tiến sĩ) hay trao đổi khoa học, nghiên cứu, giảng dạy ở nước ngoài: Hà Lan, Đức, Pháp, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Singapore, Thái Lan,...
Trong những năm qua, số nghiên cứu sinh (NCS) do Trưởng nhóm đã và đang đào tạo là 16 (10 NCS đã bảo vệ thành công luận án), số thạc sĩ đào tạo là 36 trong đó có 34 HVCH đã bảo vệ thành công.