Nhọc nhằn xiếc thú
Để có các tiết mục xiếc thú các nghệ sĩ, diễn viên không chỉ “tốn” mồ hôi mà còn không ít lần bị chấn thương, thậm chí ảnh hưởng cả đến tính mạng. Vất vả, nguy hiểm, thu nhập bấp bênh nhưng hầu hết các nghệ sĩ, diễn viên xiếc thú đều tâm niệm gắn bó với nghề mình đã lựa chọn.
“Sinh nghề tử nghiệp”
Dày công thuần dưỡng, luyện thú nhưng nhiều tiết mục cũng bị “gãy” do thú bị bệnh hoặc bản tính hoang dã trỗi dậy. Vụ việc nam diễn viên bị cá sấu cắn rách mặt xảy ra tối 11.3 vừa qua tại hội diễn xiếc ở phố Động (Liêm Cần, Thanh Liêm, Hà Nam) là một ví dụ. Sau khi thực hiện màn biểu diễn đưa đầu vào miệng cá sấu, diễn viên bị cá sấu cắn khiến mặt bị chảy máu. Nạn nhân nhanh chóng được đưa đi sơ cứu tại Bệnh viên Đa khoa Hà Nam. Sau khi sơ cứu xong, đại diện đoàn xiếc đã xin đưa nạn nhân về Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tiếp tục điều trị. Chánh Thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Nam Phạm Văn Giao cho biết, theo giấy phép biểu diễn của Công ty TNHH MTV ca nhạc, xiếc, tạp kỹ Hoa Phượng (ở tỉnh Hải Dương) đã quá hạn một ngày. Bên cạnh đó, tiết mục đưa đầu vào miệng cá sấu cũng nằm ngoài chương trình biểu diễn đoàn xiếc xin giấy phép.

Không chỉ có cá sấu, hầu hết các loài động vật hoang dã dù đã được thuần dưỡng, sau thời gian vận chuyển, biểu diễn mệt mỏi hay thời tiết thay đổi đều bộc lộ bản tính hoang dã của mình. Viết Hải, diễn viên xiếc gấu của Liên đoàn Xiếc Việt Nam kể: Trong một lần biểu diễn ở Cung văn hóa Hữu Nghị Hà Nội, sân khấu hoành tráng, ánh sáng hiện đại, bỗng dưng điện phụt tắt làm con gấu giật mình tát thẳng vào mặt anh một cú trời giáng. Dù được bạn bè, đồng nghiệp đưa đi cấp cứu nhưng cũng để lại trên cổ anh một vết sẹo dài.
Không được đào tạo bài bản mà chỉ là truyền kinh nghiệm từ người này qua người khác, nhất là các gánh xiếc tư nhân nên việc xử lý sự cố xảy ra cũng tùy thuộc vào cá nhân của mỗi diễn viên. Diễn viên xiếc trên cao kiêm xiếc thú Nguyễn Quốc chia sẻ, dù không xảy ra thường xuyên, nhưng tai nạn do các con thú gây ra khi biểu diễn năm nào cũng có và ở mức độ khác nhau. Do vậy, diễn viên xiếc thú phải luôn chuẩn bị tinh thần đối mặt với hiểm nguy, họ có thể bị văng ra khỏi sân khấu bất cứ lúc nào, mức độ nặng nhẹ là do phản xạ của từng người.
Quản bằng cách nào?
Có thể nói, việc biểu diễn xiếc thú đã thu hút đông đảo khán giả, qua đó giúp đoàn nghệ thuật biểu diễn có thêm thu nhập, nâng cao đời sống cho đội ngũ diễn viên xiếc là điều cần thiết. Tuy nhiên, không thể viện vào lý do nâng cao đời sống cho diễn viên mà các đoàn có thể bằng mọi giá để có thu nhập, gây ảnh hưởng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng cho diễn viên. Trước đây, để bảo đảm an toàn cho khán giả và diễn viên, tất cả những buổi biểu diễn xiếc thú đều có rào chắn cẩn thận, những con vật có khả năng gây nguy hiểm cho người như gấu và chó đều được đeo rọ mõm, thậm chí gấu còn được đeo găng tay cao su. Nhưng hiện các quy định này không được áp dụng, thậm chí để thu hút khán giả, nhiều tiết mục biểu diễn xiếc thú hết sức nguy hiểm như tiết mục đưa đầu vào miệng cá sấu cũng được đoàn xiếc lựa chọn biểu diễn. Nguyên nhân xảy ra những sự việc đáng tiếc trên là do các cơ quan chức năng chưa siết chặt công tác quản lý và bảo đảm an toàn trong biểu diễn, các đoàn xiếc còn coi nhẹ an toàn cho diễn viên... Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nam Vũ Văn Cần cho biết, các tổ chức, đơn vị nuôi nhốt, huấn luyện động vật hoang dã phải có giấy phép nuôi, biểu diễn. Trong khi về địa phương, chỉ xin phép Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch không cần xin phép các cơ quan chuyên ngành về quản lý động vật hoang dã. Theo ông Cần, việc tận thu, vắt kiệt sức lao động những con thú này dễ dẫn đến thực trạng dã tính trỗi dậy, gây thương tích cho người huấn luyện, biểu diễn là khó tránh khỏi. Với động vật hoang dã, nhất là các loài như cá sấu, voi, gấu không nên cho rằng vì quen khi huấn luyện nên coi thường, mà phải luôn đề phòng các tình huống xấu xảy ra. “Theo tôi, không nên lạm dụng các loài động vật hoang dã để phục vụ mục đích biểu diễn thu lợi. Cần phải có cơ chế quản lý, siết chặt hơn nữa như việc kiểm tra, rà soát và đăng ký với Chi cục Kiểm lâm khi về các địa phương biểu diễn xiếc thú, đặc biệt nên cấm biểu diễn đối với các loài động vật hoang dã nguy hiểm để tránh những sự cố đáng tiếc” - ông Cần chia sẻ.
Thống kê của Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho thấy, hiện ở Việt Nam chỉ có một số đơn vị nghệ thuật có biểu diễn xiếc thú, đó là Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Ðoàn Xiếc TP Hồ Chí Minh, một đoàn xiếc tư nhân ở Hải Dương. Ngoài ra, cũng có một số gánh xiếc rong có xiếc khỉ và xiếc chó. Trong số các loài động vật chỉ có voi và gấu là những loài động vật phải đăng ký với Cục Kiểm lâm. Trên cả nước hiện có bao nhiêu voi, bao nhiêu gấu, ngựa, chó, khỉ, tinh tinh... diễn xiếc, Liên đoàn Xiếc không thể nắm được, mà mạnh ai nấy nuôi, mạnh ai nấy diễn. |