Nhớ Hoàng Nhuận Cầm

25/04/2021 07:49

Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm vừa đột ngột từ giã chúng ta ở tuổi 69 vào ngày 20/4 vừa qua. Khép lại một đời người, nhưng vẫn còn đó những trang thơ, trang kịch bản với tinh thần tận hiến của một nhà thơ giàu sinh khí, sinh lực và một nhà biên kịch nhiều tâm huyết. Và đây là những "phiên bản" về anh, trong ấn tượng và ký ức của những bạn nghề...

Người bé nhỏ lớn lao

Nhìn dáng anh nhỏ bé đạp xe xa dần cho đến khi khuất hẳn, trong tôi bỗng dấy lên cảm giác về một cái gì lớn lao, dung chứa bên trong một nguồn yêu thơ yêu đời chỉ luôn chực chờ để bùng phát...

Bàng hoàng nghe tin nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm qua đời, nhưng chỉ đến lúc này, tôi mới định thần để hồi nhớ biết bao kỉ niệm từng có với anh, mà kỷ niệm nào cũng tươi rói một sự nồng nhiệt rất chi là Hoàng Nhuận Cầm.

Còn nhớ, hồi cuối những năm 1980, tôi hay đến nhà anh ở phố Quan Thánh, khi nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm cùng nhà văn Lê Phương viết kịch bản phim "Đêm hội Long Trì", chuyển thể từ tiểu thuyết của cha tôi - nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, do nghệ sĩ Hải Ninh đạo diễn. Đến chơi thế thôi, chứ không hề hỏi anh về kịch bản, về bộ phim đang xúc tiến, dù rất quan tâm. Nhưng mỗi lần đến là một lần biết thêm, anh tâm huyết với bộ phim biết bao, anh có ý thức về trách nhiệm của người làm công việc chuyển thể tác phẩm văn học đến nhường nào, cũng như yêu thích các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng làm sao! Thế nên tôi luôn yên tâm mà khỏi phải băn khoăn điều gì. Quả nhiên, đến khi hoàn thành, ra mắt công chúng, bộ phim đã nhanh chóng nhận được hoan nghênh, xứng đáng với sự kỳ vọng của giới chuyên môn và công chúng.

* * *

Vài năm sau, tôi lại có việc tìm đến anh. Ấy là khi tôi được NXB Hội Nhà văn đặt biên soạn cuốn sách về nhà văn Nguyễn Huy Tưởng trong Tủ sách Thế giới văn học. Các phần khác của cuốn sách, tôi đã chuẩn bị xong; riêng phần Di cảo, tôi có hơi thiếu tự tin khi nảy ra ý định đưa vào một số bài thơ của cha mình. Hồi mới bắt đầu đến với văn chương, cha tôi ham làm thơ lắm, thậm chí ông còn định xuất bản một tập thơ lấy tên "Nhất điểm linh đài". Dù về sau, cha tôi nhận ra thi ca không phải sở trường của ông thì những bài thơ ông làm còn đó, trở thành một phần trong cuộc đời sáng tác của người. Để công chúng biết đến góc khuất này cũng là điều tốt, tôi nghĩ, góp phần làm giàu thêm di sản của nhà văn. Vấn đề là, như tôi đã nói, tôi không đủ tự tin nên chọn bài nào với bài nào. Và người đầu tiên tôi nghĩ nên nhờ trợ giúp là nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm.

* * *

Tôi xin phép không đi sâu vào việc anh đã "tư vấn" cho tôi như thế nào - những dòng nhận xét của nhà thơ còn đó, đủ để minh chứng cho thái độ trân trọng đối với tiền nhân cũng như cách làm việc thấu đáo, nghiêm túc của anh. Xin được ví dụ bằng một nhận xét của Hoàng Nhuận Cầm về bài "Mộng" của cha tôi, sau được đăng trong cuốn "Nguyễn Huy Tưởng - văn và người" trong tủ sách nói trên: "II. Mộng: Bài này bỏ nhưng Cầm tiếc quá! Đọc đi đọc lại 5, 7 lần - thấy cần phải giữ lại không thể bỏ - vì ông Tưởng yêu Nước Việt quá, yêu đến trào lệ, yêu đến bồng bột như trẻ con - Điều này, chẳng mấy khi tìm thấy ở Thơ ca. Nên tôi thấy phải giữ lại Thắng ạ..."

          Và tôi đã nghe theo anh - không phải một cách máy móc mà sau khi đọc lại, thấy lời anh quá đúng.

* * *

Sau khi hai anh em chúng tôi xong việc, sau khi đã nhận từ anh những trang ghi chép, lưu ý tôi về thơ của cha mình, tôi ngỏ ý mời anh đi uống rượu. Suốt gần hai tiếng đồng hồ ngồi với nhau, anh gắp rất ít, chỉ uống là chính, nhưng cũng chỉ là nhấp chút một, thi thoảng lại với điếu cày rít một hơi dài. Qua cuộc chuyện dài, tôi mới hay anh không chỉ say sưa, nồng nhiệt, mà còn rất hóm nữa. Và mỗi khi nói điều gì hóm hỉnh, anh lại mỉm cười tinh quái, mắt sáng lên, như tự mình biết với mình...

Sau hôm ấy, tôi còn gặp lại anh một số lần nữa, ở các sự kiện văn nghệ hay văn hóa đọc, nhưng đọng lại trong tôi vẫn là hình ảnh hai anh em tôi chia tay nhau hôm ấy. Cả hai đều ngà ngà say. Cả hai đều có hơi ngật ngưỡng. Nhưng khi nhìn theo anh lúc ra lấy xe, dáng anh nhỏ bé đạp xe xa dần cho đến khi khuất hẳn, trong tôi bỗng dấy lên cảm giác về một cái gì lớn lao, dung chứa bên trong một nguồn yêu thơ yêu đời chỉ luôn chực chờ để bùng phát...

Nguyễn Huy Thắng

Người nói hay luôn... nói dở

Trên tường, đối diện cửa ra vào, đập ngay vào mắt là tấm giấy đề: "Khách đến chơi xin không ngồi quá 5 phút". Hết 5 phút, tôi toan xin phép ra về. Nhưng Cầm còn đang nói dở...

  Anh đến muộn, hội trường ai nấy đã ổn định ghế ngồi từ lâu. Anh đột ngột ngồi xuống ghế cạnh tôi, lầu bầu:

- Chào em Cỏ Đêm! Em đọc tập Lá Cỏ của Walt Whitman chưa?...

- Dạ, em đọc rồi. Tên em không phải là...

- Anh biết... Anh là Hoàng Nhuận Cầm. Anh thích gọi em là Cỏ Đêm. Em gọi anh là Cầm. Em phải đọc "Lá Cỏ".

           Anh nói lầu bầu loằng ngoằng một lúc, rồi đột ngột như khi đến, bỏ đi, trong khi cả hội trường ai vẫn ngồi chỗ đó. Trước khi đi, anh ngoái lại dặn: "Nhớ đọc Lá Cỏ", trong khi tôi nói ngay từ đầu là đã đọc rồi. Cái thời khan sách ấy, cả nước đọc đi đọc lại "Lá cỏ".

           Ít lâu sau, qua vài lần nữa gặp ở các đêm thơ sinh viên, anh mời tôi đến nhà anh chơi. Nhà anh nhỏ như một chái bếp, nằm trong một con ngõ nhỏ giữa trung tâm Hà Nội, hồi đó vẫn còn là một thành phố nhỏ. Tóc tai mặt mũi anh nhăn nhó bù rối ngơ ngác, như thể tiếng gõ cửa của chúng tôi vừa kéo anh ra khỏi cơn sốt viết mê man. Sau này, quen biết lâu hơn tôi mới biết, đó là dáng vẻ cố hữu của Hoàng Nhuận Cầm. Căn phòng chồng chất sách, lọt thỏm một chiếc bàn gỗ nhỏ vừa là bàn tiếp khách và có lẽ kiêm luôn bàn viết. Trên tường, đối diện cửa ra vào, đập ngay vào mắt là tấm giấy đề: "Khách đến chơi xin không ngồi quá 5 phút". Tôi rất lúng túng vì vừa chào hỏi xong, ngồi xuống ghế là đã hết 5 phút. Tôi và bạn nhấp môi vào chén trà lấy lệ, nhấp nhổm toan xin phép tấm biển ra về. Nhưng Cầm còn đang nói dở. Và Cầm luôn luôn đang nói dở, như không biết có tấm biển kia treo ngay cạnh đầu mình. Vài lần tôi đã ngước mắt nhìn tấm biển, xin phép ra về, Cầm cũng ngước mắt nhìn tấm biển rồi khoát tay nói tiếp. Cầm chỉ nói chuyện thơ. Cuộc gặp kéo dài cả buổi chiều mà Cầm vẫn luôn đang nói dở.

           Rồi, tôi lớn lên. Trong những năm tháng sống và làm việc ở Hà Nội, tôi đã gặp Cầm vô số lần, nghe vô số các câu chuyện về anh, đọc vô số lần tên anh trong những trận bút chiến liên miên về thơ và không - phải - thơ.

         Nhưng lúc này đây, nghĩ về anh, tôi chỉ muốn nhớ lại những kỷ niệm ban đầu ngờ nghệch ấy. Khi tôi chưa lớn.

         Một con người (nữa) tôi từng biết và từng biết tôi đã ra đi.

         Tôi biết có rất nhiều phiên bản về Cầm, phiên bản của những người yêu quý anh và phiên bản của những người không chịu nổi anh, của những người tin anh là nhà thơ lớn và của những người coi anh chỉ là một người đọc thơ giỏi, một người viết cho tuổi ngồi trên ghế nhà trường...

            Hôm nay đây, tôi chỉ nghĩ: Hoàng Nhuận Cầm đã đi hết con đường của mình bên chúng ta.

           Một cuộc đời của một con người đã khép lại. Điều đó vừa đơn giản, vừa lớn lao. Vừa chẳng đặc biệt gì, vừa đặc biệt đến mức là duy nhất.

"Em thấy không, tất cả đã xa rồi

Trong tiếng thở của thời gian, rất khẽ..."

Dạ Thảo Phương

    Nổi bật
        Mới nhất
        Nhớ Hoàng Nhuận Cầm
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO