Nhờ đâu Mona Lisa nổi tiếng ?
Có thể Mona Lisa không phải là họa phẩm xuất sắc nhất trên đời hay thậm chí là đẹp nhất của Leonardo de Vinci nhưng chắc chắn đây là bức tranh nổi tiếng nhất thế giới. Vậy những tác động nào của lịch sử đã khiến cho nó có được vị trí như vậy?

Rời khỏi Winged Victory (Nữ thần chiến thắng có cánh), một kiệt tác của điêu khắc thế giới, đi về phía bên phải theo những mũi tên nằm bên trên một gương mặt quen thuộc, bạn sẽ đến một căn phòng chật ních người. Đối diện với The Wedding at Cana, bức tranh khổ lớn nhưng chẳng ai đoái hoài của Veronese, là một người đẹp đang treo mình trên bức tường bê tông và nằm giữa hai tấm kính chống đạn: Mona Lisa.
Những nhóm người xúm quanh, tối thiểu là 12, chăm chú, không biểu lộ tình cảm và yên lặng, thứ yên lặng gợi lên sự trống rỗng nhiều hơn là cảm nhận. Tất cả đều đã được ngắm nàng trên những quảng cáo, bưu thiếp và các sản phẩm từ sô cô la cho đến bàn di chuột, cho nên quả thật, họ không cần phải nhìn nàng.
Trên thực tế, những du khách này ở đó không phải để nhìn Mona Lisa mà là để được thấy nàng. Nàng chỉ là điểm cuối của một chuyến tham quan. “Bạn không thể ngắm hết Louvre nơi đang trưng bày 6.000 hiện vật, cho nên bạn ngắm bức tranh này tựa như đích đến của một cuộc hành hương”, nhà sử học Donald Sassoon nói. Ông là người đã dành ra hai tháng để quan sát mọi người đến thưởng ngoạn Mona Lisa và một năm rưỡi để viết một cuốn sách lý giải vì sao nàng trở thành họa phẩm nổi tiếng nhất thế giới. Cuốn sách có tên Mona Lisa - Con đường trở thành một biểu tượng văn hóa.
Quá trình ấy mất rất nhiều thời gian. Thậm chí vào đầu thế kỷ XIX, Louvre đã ước tính giá trị bức chân dung này vào khoảng 90.000 franc, một món hời so với bức La Bell Jarrdinière giá 400.000 franc của Raphael. Bố cục và kỹ thuật có tính cách mạng của Leonardo cũng như các bí ẩn về lịch sử bức tranh (tại sao không tìm thấy những phác họa ban đầu, tại sao Leonardo lại giữ cho riêng mình bức tranh này?) tất cả đều được gộp chung vào một ẩn số: nụ cười Mona Lisa.
Giorgio Vasari, họa sĩ và là nhà viết tiểu sử nổi tiếng sau thời Leonardo, mặc dù chưa bao giờ nhìn thấy bức tranh, nhưng vào năm 1547 đã miêu tả nụ cười ấy “thần thánh hơn con người”. Theo ông, người làm mẫu là Lisa, vợ của Francesco del Giocondo, một thương gia giàu có ở thành Florence. Tại Pháp, bức họa này được gọi là La Joconde.
Pháp cũng là nơi khiến La Joconde trở nên nổi tiếng. Khi sang Pháp phục vụ cho triều đình vua Franois I, Leonardo đã mang bức tranh nhỏ này (khổ 77cm x 53cm) đi theo. Ông giữ nó cho đến khi qua đời ở đây vào năm 1519. Theo truyền thuyết, Leonardo mất trong vòng tay của vua Franois I và cũng là người bạn thân thiết, tuy nhiên chi tiết này không được các sử gia đồng tình. Là một phần của bộ sưu tập hoàng gia, Mona Lisa được treo trong một phòng trưng bày khuất nẻo tại Versailles. Vào năm 1750, khi 110 tác phẩm xuất sắc nhất của bộ sưu tập này được triển lãm cho một lượng công chúng chọn lọc, Mona Lisa không có mặt trong đó.
Với cuộc Cách mạng Pháp, bộ sưu tập hoàng gia được chuyển tới một bảo tàng mới tại cung điện Louvre, nơi Mona Lisa được trưng bày cùng với một loạt kiệt tác hội họa khác tại phòng Salon Carré.
Nếu như André Malraux, một nhà văn và chính trị gia uy tín của Pháp, từng nói, các bảo tàng không chỉ triển lãm các kiệt tác mà còn tạo nên chúng thì Sassoon thêm rằng chúng cần được viết về, được công chúng hóa, để đạt tới những vị thế biểu tượng. Tại Pháp, vào giữa thế kỷ XIX, hơn bất kỳ đâu trên thế giới, những người cầm bút thường xuyên viết về mỹ thuật.
Trong cuốn sách của Sasoon, vị trí của Mona Lisa được xác định lại, hay gần như được dán nhãn lại, bởi nhà thơ và nhà phê bình nghệ thuật uy tín Thesophile Gautier, người viết về nàng như một phụ nữ bí hiểm đang nở nụ cười gây xáo động - “cái miệng uốn lượn nhấp nhô, cong lên về hai bên khóe nằm trong vùng nửa tối màu tía” - và đã biến nàng thành nhân vật thịnh hành trong các thập kỷ tiếp theo: người đàn bà cám dỗ. “Bức sơn dầu này thu hút tôi, thách thức tôi, hủy diệt tôi, tiêu thụ tôi và không đếm xỉa gì đến bản thân, tôi đi về phía nàng, như một con chim tiến lại gần con rắn”, nhà sử học Jules Michelet thốt lên.
Phía bên kia eo biển Manche, cho dù nhà phê bình nghệ thuật lừng danh John Ruskin đã phủ nhận “mấy vệt màu khô héo” của Leonardo, nhưng Walter Pater, nhà tiểu luận và phê bình văn học, vào năm 1869 đã viết ra những câu được coi là nổi tiếng nhất trong lịch sử phê bình nghệ thuật: “Nàng già hơn cả các khối đá xung quanh chỗ ngồi của mình; như ma cà rồng, nàng đã nhiều lần chết đi và biết được các bí ẩn của thế giới bên kia...”, một đoạn văn gây ảnh hưởng đến nỗi vào năm 1973, nhà sử học nghệ thuật Kenneth Clark đã nhớ lại, “năm mươi năm trước tất cả chúng ta đều thuộc lòng nó”.
Mona Lisa có thể không còn bị phớt lờ nữa, nhưng để trở thành một biểu tượng, nàng phải đợi đến năm 1911, năm nàng bị đánh cắp. Một người Italy tên là Vincenzo Peruggia, vì muốn làm vui lòng cô hầu gái người Pháp có nét mặt giống Mona Lisa, đã ăn trộm bức tranh này để gây ấn tượng với người đẹp. Vụ trộm được lan truyền rộng rãi trên các mặt báo và tờ Le Petit Parisien (phát hành 1,4 triệu bản) tuyên bố nàng là một phần di sản quốc gia Pháp. Nụ cười của Mona Lisa được đề cập gần như trong mọi số báo. Hàng đoàn người đã xếp hàng để ngắm khoảng trống mà nàng để lại trên tường, trong đó có cả nhà văn Kafka.
Người Italy, cho đến bấy giờ vẫn không quan tâm nhiều lắm đến bức họa này, đột nhiên mới ý thức về Mona Lisa “của họ” khi Perruggia để lại bức tranh tại gallery Uffizi (Florence). Năm 1914 Mona Lisa được đưa trở lại Louvre trong một nghi lễ trang trọng.
Vụ trộm này, theo lời Sassoon, là một bước tiến lớn trong sự nghiệp của Mona Lisa và gần 50 năm sau nàng mới tạo thêm một cú đột phá nữa. Năm 1962, trên con tàu chở khách nổi tiếng SS France, nằm trong một chiếc hộp không thấm nước và không chìm, Mona Lisa viếng thăm Mỹ. Tổng thống Charles de Gaulle, có sự thuyết phục của André Malraux, cho rằng nàng sẽ làm dịu mối quan hệ khó khăn giữa Pháp và Mỹ. Tại Mỹ, đã có 1,6 triệu người tới chiêm ngưỡng Mona Lisa. Sau đó, Mona Lisa tới thăm Liên Xô và Nhật Bản trước khi quay trở về Louvre. Trước cuộc hành trình này, nàng được định giá 100 triệu đô la để mua bảo hiểm, một bức tranh đắt giá nhất được bảo hiểm bấy giờ.
Giá trị thẩm mỹ của tác phẩm này đã trở thành thứ yếu so với tiếng tăm của nó. “Tính phổ biến không phải là bẩm sinh, nó đòi hỏi sự tiếp thị hỗ trợ”. Sassoon lập luận. “Không phải chất lượng không có ưu thế. Chỉ đơn giản là nếu có tác phẩm nào đó như Mona Lisa do một họa sĩ Bulgaria vẽ ra và vẫn nằm ở Bulgaria thì nó sẽ không bao giờ có thị trường. Nó phải ở một nơi như Paris”.
Nàng đã được Freud phân tích, được Duchamp rồi Warhol sửa lại và được Bob Dylan cũng như Nat King Cole tụng ca. Có lẽ Pater đã đúng khi viết rằng Mona Lisa là “biểu tượng của tư tưởng thời hiện đại.”
Đăng Ngọc
Theo IHT