Nhớ công sinh dưỡng, làm việc hiếu nghĩa

- Thứ Sáu, 20/08/2021, 08:58 - Chia sẻ
Lễ Vu lan báo hiếu - cầu siêu phả độ gia tiên là một trong những lễ lớn của Phật giáo, không chỉ riêng với Phật tử mà từ lâu đã trở thành truyền thống tốt đẹp trong lòng người dân Việt Nam, nhắc nhở bổn phận làm con phải luôn nhớ đến công ơn sinh dưỡng của cha mẹ, làm việc hiếu nghĩa để thể hiện tình cảm, lòng biết ơn. Đạo lý ấy hài hòa với truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc.
Dù ở đâu ta cũng có thể bày tỏ tấm lòng thành - Nguồn: binhphuoc.gov.vn
Dù ở đâu ta cũng có thể bày tỏ tấm lòng thành
Nguồn: binhphuoc.gov.vn

Báo hiếu tốt tức là làm người tốt

Lễ Vu lan xuất phát từ sự tích Bồ tát Mục Kiền Liên (một trong 10 đại đệ tử của Phật Thích Ca) với lòng đại hiếu đã được cứu mẹ khỏi kiếp ngạ quỷ (quỷ đói). Kể từ khi Phật giáo được truyền vào Việt Nam, ngày lễ Vu lan (rằm tháng Bảy âm lịch hằng năm) đã trở thành truyền thống của tinh thần báo hiếu, báo ân, phù hợp với tinh thần tín ngưỡng thờ tổ tiên của người dân Việt.

Theo Đại đức Thích Quang Định, chùa Nhân Thọ, Thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, “báo hiếu đúng pháp không phải chỉ là cung phụng việc ăn uống cho cha mẹ hiện tại, hay tiến cúng cho cửu huyền thất tổ, mà quan trọng hơn, theo Phật giáo, đó là khuyên được cha mẹ bỏ ác làm lành, biết giữ gìn giới cấm như không trộm cắp, không giết người, không tà dâm, không nói dối, không say sưa với các chất gây nghiện khiến bản thân không làm chủ. Đó mới là sự báo hiếu chân chính, có ý nghĩa”.

Chính vì quan niệm báo hiếu này của Phật giáo mà các triều đại vua chúa quan lại ở Việt Nam nói riêng và các nước Phật giáo Hán truyền nói chung rất quan tâm ủng hộ, bởi nó góp phần thuần hóa, tịnh hóa nếp sống của muôn dân. Báo hiếu tốt tức là làm người tốt. “Trước quan điểm luân hồi, nghiệp báo thì mọi chúng sinh đều có thể là cha mẹ nhiều đời của nhau, việc báo hiếu, phóng sinh, bảo vệ động thực vật cũng là việc báo hiếu. Do vậy, lễ Vu lan thường được các vị vua nổi tiếng anh minh trong lịch sử Việt Nam ủng hộ cả vật chất, tinh thần, thậm chí có cả điều khoản quy định” - Đại đức Thích Quang Định cho biết thêm.

	Đại lễ Vu lan tại chùa Phúc Khánh, Hà Nội, năm 2020-Nguồn VOV
Đại lễ Vu lan tại chùa Phúc Khánh, Hà Nội, năm 2020
Nguồn: VOV

Quan trọng là lòng thành

Mùa Vu lan báo hiếu năm nay, dịch Covid-19 diễn biến căng thẳng, nhiều tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội. Ngày 3.8, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã ban hành thông bạch về việc tổ chức đại lễ Vu lan báo hiếu, đề nghị tăng ni, Phật tử các chùa, cơ sở tự viện tiếp tục thực hiện cấm túc, ai ở đâu ở đấy, tụng kinh Vu lan báo hiếu mẹ cha và hồi hướng tới cửu huyền thất tổ, Anh hùng liệt sĩ, cầu nguyện dịch bệnh sớm tiêu trừ, quốc thái dân an; không tập trung đông người tổ chức nghi lễ bông hồng cài áo và các nghi lễ khác trong ngày Vu lan.

Ban Hoằng pháp Trung ương, Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương, Tăng ni trụ trì các chùa, cơ sở tự viện phát huy sáng tạo các hình thức sinh hoạt trực tuyến trong mùa Vu lan năm nay nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh của đồng bào Phật tử và Nhân dân. Đồng thời, nhờ sức gia trì của tăng ni góp phần đem lại năng lượng tích cực cứu độ người dân vượt qua tâm lý khủng hoảng trong thời gian dài thực hiện giãn cách xã hội.

Các chùa, cơ sở tự viện có đông tăng, ni đang cấm túc sinh hoạt chúng và an cư kết hạ trong nội viện, nếu tổ chức Vu lan cần thông báo tới chính quyền địa phương và phải nghiêm túc thực hiện theo nội dung chỉ đạo tại Công văn số 186/HĐTS-VP1 ngày 28.7.2021. Trong quá trình tổ chức Vu lan phải thực hiện nghiêm quy định 5K và các quy định phòng, chống dịch Covid-19 theo yêu cầu của Bộ Y tế, thường xuyên đeo khẩu trang, giữ khoảng cách bảo đảm giãn cách theo quy định.

Trước băn khoăn của nhiều người dân về việc không được có mặt trực tiếp tại các chùa dự lễ Vu lan thì sẽ không trọn lòng thành, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, từng chia sẻ: "Vu lan để nhớ công dưỡng dục sinh thành, được thể hiện bằng hành động thiết thực. Người còn cha mẹ hãy yêu thương chăm sóc, bởi sau này có muốn cũng không được. Ai mà cha mẹ quá vãng, thì dành thời gian tưởng niệm và hành động thiết thực như ủng hộ Quỹ phòng, chống dịch, cưu mang người khó khăn yếu thế. Đó là cách hồi hướng công đức cho ông bà tổ tiên. Vì thế, dù có ở đâu ta cũng có thể bày tỏ tấm lòng thành. Quan trọng nhất là ta có thực tâm thành kính hay không".

Hương Linh