Nhịp song lang vẫn giữ âm thầm

- Thứ Sáu, 01/02/2019, 18:20 - Chia sẻ
Có người bảo, nghệ thuật sân khấu truyền thống như cải lương bây giờ, chẳng khác nào ngọn hải đăng giữa biển khơi văn hóa, lại quá sáng khiến cho những con tàu đi qua đó mất phương hướng và xung quanh nó là những số phận kỳ lạ. Nhưng bản thân cái đẹp luôn có năng lượng tự thân, đủ sức để âm ỉ cháy trong lòng những người biết trân trọng nó, đủ sức tỏa lan, lay động, đánh thức âm vang quá khứ và khơi dậy cảm hứng từ mạch nguồn dân tộc...

Một thế kỷ thăng trầm

Những ai yêu mến tác phẩm điện ảnh “Song lang” ra mắt năm 2018 hẳn còn nhớ cảnh Linh Phụng và Dũng Thiên lôi đàn hát Trường tương tư giữa đêm khuya. Nhịp song lang tôi vẫn giữ âm thầm, giữa cuộc sống đa đoan, chờ đợi buổi tương quan, nối lại đá vàng, hàn gắn tơ loan… Lời vọng cổ ngân lên tái hiện góc khuất số phận nhân vật và chất chứa nhiều ẩn ức của nghệ sĩ cải lương. Thông qua bối cảnh và câu chuyện của các nhân vật, đạo diễn Leon Lê muốn dành lời tri ân chân thành đến bộ môn nghệ thuật truyền thống từng là món ăn tinh thần không thể thiếu tại miền Nam, đặc biệt trong quãng thời gian 1950 - 1980. Đó là những buổi diễn giữa Sài thành của một gánh hát bên ngoài hào nhoáng nhưng bên trong đầy gánh nặng miếng cơm manh áo; là giây phút thăng hoa trên sân khấu lấp lánh nhưng phía sau quay quắt cô đơn; là trăn trở thấu tâm can khi nghệ sĩ phải đứng trước lựa chọn mưu sinh hay nghệ thuật… Ở một mảng màu khác, đó còn là niềm đam mê cống hiến mãnh liệt với tinh hoa văn hóa dân tộc, là lời truyền dạy xuất phát từ gan ruột của người thầy sao cho trò diễn xuất có hồn, giữ được cái tâm, cái tình với di sản ông cha…


Đạo diễn Leon Lê chỉ đạo một cảnh quay trong phim “Song lang”

 “Song lang” dưới bàn tay của đạo diễn Leon Lê không chỉ là chuyện nghề hát thuần túy mà mang theo những rung động nhẹ nhàng, tinh tế của tình yêu, tình người đối với một bộ môn nghệ thuật truyền thống. Nhưng trên cả món quà tri ân nhân 100 năm sân khấu cải lương, đây còn được đánh giá là sản phẩm cần thiết để điện ảnh Việt Nam ghi dấu ấn trên bản đồ điện ảnh trên thế giới.

Không ít người nhận định rằng lâu lắm rồi Việt Nam mới có một bộ phim khiến người ta được sống trong không gian nghệ thuật cổ truyền, ngẫm nhiều về đời nghệ sĩ như “Song lang”. Các diễn viên của “Song lang” không còn xuất hiện trong vai trò người đóng vai, mà đang kể cho khán giả câu chuyện của chính mình, về một đời nguyện yêu, nguyện sống vì cải lương. Họ là những cái tên kỳ cựu của làng sân khấu như NSƯT Hữu Quốc, Kim Phương hay nghệ sĩ trẻ Tú Quyên… Họ cũng như bao nghệ sĩ cải lương khác, âm thầm chắt chiu ngọn lửa nhỏ để thắp sáng truyền thống. Bởi thế, bao nhiêu tâm sức dành cho “Song lang” còn là bấy nhiêu mong mỏi, suy tư về thăng trầm của cải lương sau một thế kỷ nhìn lại. Nhìn lại không để trải nghiệm lần nữa cảm xúc một thời đã qua, tinh thần mà đạo diễn Leon Lê cùng ekip “Song lang” muốn chuyển tải dường như nằm ở mạch ngầm khác.

Lưu dấu vàng son một thuở

Nhiều người nói, những việc quá đau khổ hay quá thơ mộng, được cho là lãng mạn, sến xẩm chỉ có thể xảy ra trên phim, sân khấu, nhất là cải lương. Leon Lê không nghĩ như vậy. Hành trình của “Song lang” với đạo diễn trẻ này là cuộc đau đáu với truyền thống của dân tộc, là sự nối dài cảm hứng “sân khấu và cuộc đời hòa quyện”. Leon Lê tâm sự, câu chuyện Linh Phụng lúc bé tìm nhặt những hạt kim sa khi đi theo gánh hát cải lương, hay chuyện có thể du hành thời gian bằng nơi chốn, đồ vật và con người… từng là một phần trải nghiệm trong cuộc sống, suy nghĩ của chính anh. Trên phim, Linh Phụng nhắc lại lời thầy cũng là lời mà thầy anh từng nói: Chỉ có trải nghiệm thực tế thì nghệ sĩ mới có thể đưa cảm xúc vào lời ca tiếng hát của mình.

Ký ức xem các đoàn biểu diễn ở làng quê, cảm giác bị lời ca tiếng hát mê hoặc suốt những năm tháng tuổi thơ, cảm xúc vọng về từ những bài vọng cổ giao duyên trên chiếc đài băng nơi xứ người... cộng hưởng tất cả điều đó, thêm một nốt trầm buồn của sân khấu cải lương sau 100 năm đã thôi thúc đạo diễn Việt kiều tìm về. Về Việt Nam 7 - 8 năm trước, dự định ban đầu của Leon Lê là dựng một vở sân khấu nguyên thủy, để lan tỏa tình yêu cải lương đúng nghĩa tới khán giả trên chính quê hương xứ sở của nó. Ấy thế, dấu vàng son đã ít nhiều phai nhạt, muôn vàn khó khăn thách thức nghệ thuật truyền thống buộc người nặng lòng với nó phải lựa chọn giữa đi một con đường khác hoặc là từ bỏ. May thay, việc đưa cải lương vào tác phẩm điện ảnh đến giờ thực sự là lựa chọn khôn ngoan.

Thông qua ngôn ngữ của nghệ thuật thứ bảy, “Song lang” giống như kết quả tất yếu của cuộc rong ruổi kiếm tìm, chạm đến tinh hoa dân tộc. Có dựng thành phim mới thỏa mãn những đòi hỏi khắt khe về chuẩn mực sân khấu từ trang phục, cảnh trí đến âm nhạc. Có dựng thành phim mới tái hiện đầy đủ ẩn ức, số phận, cái đẹp đẽ, lẩn khuất của đời nghệ sĩ. Mượn những khuôn hình còn là cách khơi dậy tình yêu đối với bộ môn nghệ thuật này ở khán giả, kể cả khán giả ở các quốc gia khác có thể chưa từng biết đến, không yêu cải lương, nhưng sẽ trân trọng giá trị của nền văn hóa Việt. Song có lẽ còn có một sức mạnh tác động ngược lại, khi tác phẩm điện ảnh được lồng ghép bởi những số phận gắn bó với nghệ thuật cổ truyền, khi những khuôn hình chuyển động theo từng đường nét tinh tế của phục trang, gương mặt trong vở diễn và rung lên theo nhịp phách... Thành công năm 2018 chỉ là một chặng đường nhưng cho thấy, qua “Song lang”, cải lương tạo nên luồng gió mới cho điện ảnh.

Khơi đúng mạch nguồn

Để thực hiện “Song lang”, Leon Lê mất gần 7 năm kỳ công học hỏi các bậc thầy sân khấu cải lương, truyền tải ý tưởng của mình. Đó là tâm huyết đáng ghi nhận, nhất là đối với một đạo diễn trẻ có phần lớn thời gian sống, làm việc ở nước ngoài. Tâm huyết của anh có thể dễ dàng cảm nhận qua cách mà cải lương được miêu tả, dưới nhiều góc độ, nhiều đối tượng nhân vật. Nhờ vậy, bộ phim mở ra đa dạng chiều kích cảm nhận về không gian, đời sống của loại hình sân khấu này, cũng là lý do nhiều người chưa từng biết tới cải lương vẫn bị dẫn dắt, mê hoặc bởi phần âm nhạc trong phim.

Không ít người băn khoăn, sau “Song lang” có còn đạo diễn trẻ nào dám làm phim về cải lương, về nghệ thuật truyền thống? Bởi thực là “liều lĩnh” trong bối cảnh hàng loạt tác phẩm bom tấn nước ngoài đổ bộ gây áp lực cho điện ảnh Việt. Chưa kể, khó khăn còn là sự lên ngôi của dòng phim thị trường hướng đến những đề tài ăn khách, làm lại phim nước ngoài để chiều thị hiếu khán giả. Nhưng tiếng vang của “Song lang”, đặc biệt tại các liên hoan phim quốc tế, chắc hẳn không phải một kiểu “ăn may”. Có lẽ, với bộ phim này phải nhìn nhận rằng, đi sâu vào truyền thống, dùng chất liệu truyền thống là thách thức nhưng cũng là “quân bài chủ”. Vì giữa thế giới nghệ thuật phong phú, nền điện ảnh của một quốc gia chỉ thực sự ghi dấu ấn khi biết cách chạm đúng tinh thần cội nguồn. Tình yêu cải lương, trân trọng văn hóa truyền thống là yếu tố giúp Leon Lê gặt hái thành công.

Khán giả không quay lưng với cải lương nếu được lắng nghe tiếng lòng của những con người đang hết lòng gìn giữ nó. Đạo diễn Leon Lê bảo, anh làm “Song lang” trước hết là cho mình, để cảm thấy rõ nhất hai chữ Việt Nam. Như người xa quê giắt theo nắm đất để thỏa nỗi nhớ quê hương, để đưa cái hồn quê ấy đi khắp muôn phương, cuối cùng là hơn cả biết yêu là yêu đúng cách để làm giàu văn hóa truyền thống dân tộc. Nhưng anh cũng thừa nhận, mình làm phim và nghĩ nhiều đến khán giả nước ngoài, để cải lương nói riêng và văn hóa Việt nói chung đi xa hơn. Nhưng đi xa là để về gần, có phải vì thế chăng mà Leon Lê luôn hy vọng “Song lang” có “cuộc sống liên hoan phim”, mà thực tế đứa con tinh thần ấy còn tiếp tục chu du tại nhiều liên hoan phim ở châu Á, châu Âu... 

Hải Đường