Nhịp cầu

Gỡ khó cho sản xuất, tiêu thụ nông sản

- Thứ Tư, 01/07/2020, 16:21 - Chia sẻ
Với cơ sở hạ tầng phục vụ nông nghiệp cơ bản hoàn thiện (2 hồ chứa, 9 công trình thủy lợi với 15,183km hệ thống kênh mương; đường giao thông nội đồng được cứng hóa, nhựa hóa và bê tông hóa các trục đường chính dẫn vào khu vực sản xuất; hệ thống điện đáp ứng nhu cầu cho khu sản xuất tập trung theo quy hoạch đạt tỷ lệ 90,2%) đã tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất nông nghiệp thành phố Long Khánh, Đồng Nai phát triển toàn diện. Giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2019 đạt 1.610,3 tỷ đồng. Trên địa bàn thành phố hiện có 26 hợp tác xã nông nghiệp và 131 tổ hợp tác - câu lạc bộ sản xuất đang hoạt động đều có xây dựng quy chế, kế hoạch hoạt động, trao đổi kỹ năng và kinh nghiệm sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi trong việc triển khai phát triển ngành nông nghiệp theo hướng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 143/2018/NQ-HĐND ngày 7.12.2018 của HĐND tỉnh Đồng Nai Quy định chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, trên địa bàn thành phố Long Khánh có 1 dự án được hưởng chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản phẩm gắn với tiêu thụ nông sản theo Quyết định số 58/QĐ-UBND ngày 24.11.2014 của UBND tỉnh chuyển sang hưởng hỗ trợ theo Nghị quyết số 143/2018/NQ-HĐND (Dự án cánh đồng lớn liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chôm chôm trên địa bàn xã Bình Lộc); 1 dự án đăng ký xây dựng dự án liên kết (Dự án liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm rau trên địa bàn xã Bảo Quang do Hợp tác xã Rau an toàn Bảo Quang làm chủ đầu tư).

Bên cạnh ghi nhận những kết quả đạt được qua thực hiện chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn, qua giám sát nội dung này, Tổ đại biểu HĐND tỉnh Đồng Nai đơn vị thành phố nhận thấy: Công tác tuyên truyền, triển khai các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 143 của HĐND tỉnh chưa được quan tâm thực hiện thường xuyên nên số lượng các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia còn rất ít. Tính đến thời điểm giám sát, chỉ có 1 dự án đăng ký tham gia hưởng chính sách hỗ trợ/3 dự án theo kế hoạch được phê duyệt (tỷ lệ 33,33%). Trước đó, UBND tỉnh chậm ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 143/2018/NQ-HĐND và Quy định phân cấp thẩm quyền phê duyệt hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn đã gây khó khăn cho các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện.

Thực tế trên đặt ra yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra các địa phương trong triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho doanh nghiệp, các hợp tác xã và người nông dân, nhằm giúp các địa phương kịp thời tháo gỡ  khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

TRÂM NGUYỄN