Nhịp cầu

Bố trí đủ giáo viên cho vùng khó khăn

- Thứ Tư, 01/07/2020, 16:28 - Chia sẻ

Thực hiện Nghị quyết số 34/2016/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Lai Châu thông qua đề án nâng cao chất lượng giáo dục vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016 - 2020, chất lượng giáo dục giữa các xã vùng III với xã vùng II dần được thu hẹp. Cơ sở vật chất, trang thiết bị được đầu tư cơ bản bảo đảm phục vụ dạy và học, đặc biệt là đồ dùng bán trú được trang bị, góp phần thực hiện tốt công tác bán trú của các trường; chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên từng bước được nâng lên.

Cùng với đó, Nghị quyết số 35/2016/NQ-HĐND của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ kinh phí tổ chức nấu ăn tập trung cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông ở bán trú tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh cũng đã phát huy tác dụng. Việc bố trí kinh phí thuê người nấu ăn giúp giáo viên chuyên tâm giảng dạy; chất lượng nuôi dưỡng bảo đảm tính chuyên nghiệp, góp phần nâng cao tỷ lệ huy động học sinh ra lớp, duy trì sĩ số học sinh và chăm sóc nuôi dưỡng học sinh; tăng thu nhập cho giáo viên, nhân viên hoặc người lao động tại địa phương. Việc thực hiện 2 nghị quyết này đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục vùng đặc biệt khó khăn; thu hẹp dần khoảng cách giáo dục giữa vùng khó khăn với vùng thuận lợi.

Bên cạnh những kết quả đạt được, tại buổi làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo về việc thực hiện 2 nghị quyết trên, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Lai Châu đã thẳng thắn chỉ ra: Trong thực hiện Nghị quyết số 34, việc tham mưu xây dựng hệ thống chỉ tiêu chưa sát nên đến nay, một số chỉ tiêu chưa đạt và khó đạt. Chỉ tiêu về tỷ lệ huy động học sinh ra lớp và học sinh chuyên cần toàn tỉnh theo báo cáo đạt và vượt, song ở một số trường đạt thấp ở cấp THPT, THCS như huyện Than Uyên, Trường THPT Mường Kim. Ngoài ra, sau đợt nghỉ dịch Covid-19, một số trường có tỷ lệ học sinh bỏ học cao. Đặc biệt, việc sắp xếp, ưu tiên về nhân lực cho các trường đặc biệt khó khăn chưa được quan tâm đúng mức, tình trạng thiếu giáo viên vẫn diễn ra tại một số huyện, nhất là huyện Nậm Nhùn, Mường Tè; cơ cấu giáo viên có nơi chưa hợp lý...

Đối với Nghị quyết số 35, việc tham mưu ban hành quyết định phê duyệt danh sách học sinh bán trú ở các trường THPT có năm còn chậm; việc thực hiện quy trình thủ tục hợp đồng nấu ăn cho học sinh ở các trường chưa đồng nhất; có trường thực hiện chưa sát với hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo và biên bản xét duyệt quyết toán hàng năm dẫn đến bị xuất toán; một số điểm trường mầm non do số học sinh ít, mức hỗ trợ thấp nên khó khăn trong việc thuê người nấu ăn, giáo viên vừa phải đứng lớp, vừa phải nấu ăn cho học sinh...

Những tồn tại, hạn chế Đoàn giám sát Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đã chỉ ra cần được làm rõ nguyên nhân để sớm có giải pháp khắc phục, làm cơ sở triển khai chính sách hiệu quả hơn trong giai đoạn tới. Trong đó, vấn đề cần được đặc biệt quan tâm là ngành chức năng cần tham mưu ưu tiên bố trí đủ giáo viên cho các trường vùng khó khăn để bảo đảm chất lượng dạy và học; thường xuyên kiểm tra, bồi dưỡng năng lực quản lý cho đội ngũ cán bộ quản lý các trường, nhất là các trường vùng đặc biệt khó khăn như Đoàn giám sát đã nhấn mạnh.

THỦY NGUYỄN