Nhịp cầu

Để không lặp lại tình trạng thiếu thuốc bảo hiểm y tế

- Thứ Tư, 05/08/2020, 08:41 - Chia sẻ
​​​​​​​Thời gian qua, tình trạng không có đầy đủ loại thuốc đặc trị cung cấp cho người dân có bảo hiểm y tế (BHYT) khi đi khám bệnh đã gây bức xúc trong nhân dân.

Trả lời kiến nghị của cử tri các phường Phú Thọ, Phú Lợi, Phú Tân, Định Hòa, thành phố Thủ Dầu Một trước Kỳ họp thứ 15 (kỳ họp thường lệ giữa năm 2020), HĐND tỉnh Bình Dương về nội dung này, Sở Y tế thừa nhận: Từ sau tháng 3.2019, đã xảy ra tình trạng thiếu thuốc phục vụ người bệnh có thẻ BHYT, nhất là các thuốc đặc trị và một số vật tư y tế thiết yếu, nguyên nhân do kết quả đấu thầu cũ không còn hiệu lực.

Bên cạnh đó, việc thành lập đơn vị mua sắm thuốc tập trung bị kéo dài, chưa thể tổ chức đấu thầu thuốc theo quy định dẫn đến kết quả đấu thầu tập trung mới của tỉnh chưa có, các cơ sở khám chữa bệnh không thể mua thuốc được. Sau khi được thành lập, đơn vị mua thuốc tập trung tỉnh đã tổ chức đấu thầu thuốc tập trung sử dụng cho các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh.

Theo báo cáo của ngành y tế, đến thời điểm hiện tại, ngành đã bảo đảm đủ thuốc hóa dược phục vụ công tác phòng, chữa bệnh; chỉ xảy ra tình trạng thiếu thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền cục bộ ở vài địa phương. Các cơ sở y tế cũng đang khẩn trương đấu thầu mua sắm vật tư y tế bảo đảm cung ứng phục vụ công tác điều trị, đồng thời phải đúng với các quy định về đấu thầu.

Giải trình về năng lực, trách nhiệm của ngành, Sở Y tế cho rằng, tình trạng thiếu thuốc năm 2019 diễn ra tại nhiều bệnh viện trong và ngoài tỉnh, bên cạnh nguyên nhân khách quan còn do tại tỉnh Bình Dương, kết quả đấu thầu mua thuốc năm 2018 của các cơ sở khám chữa bệnh đã hết hiệu lực từ tháng 3.2019, những cơ sở khám chữa bệnh không mua thuốc dự trữ “gối đầu” đủ cho năm 2019 nên thiếu thuốc cung ứng cho bệnh nhân khám BHYT trong khi chờ kết quả đấu thầu thuốc tập trung.

Quá trình tham mưu UBND tỉnh thành lập đơn vị đấu thầu thuốc tập trung, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 15/2012/TT-BYT ngày 11.7.2019 thay thế Thông tư số 11/2016/TT-BYT có hiệu lực thi hành vào ngày 1.10.2019 nên phải mất thời gian nghiên cứu văn bản và điều chỉnh các kế hoạch, danh mục để phù hợp quy định mới về đấu thầu thuốc, dẫn đến việc chậm thành lập Đơn vị đấu thầu thuốc tập trung.

Bên cạnh đó, còn do công tác đấu thầu thuốc có quy mô lớn, phức tạp, đòi hỏi huy động một lực lượng lớn nhân sự có trình độ chuyên môn, năng lực, kinh nghiệm trong lĩnh vực đấu thầu thuốc từ các cơ quan liên quan và thời gian để hoàn thành đấu thầu thường kéo dài ít nhất là sáu tháng. Trong khi đó, 2018 là năm đầu tiên tỉnh Bình Dương triển khai đấu thầu thuốc tập trung nhưng Sở Y tế không có nhân lực chuyên nghiệp về đấu thầu tập trung.

Cùng với khắc phục việc chậm tham mưu UBND tỉnh thành lập đơn vị mua thuốc tập trung cấp địa phương, đông đảo cử tri trên địa bàn mong muốn Sở Y tế sớm rà sóat, khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong quá trình đấu thầu tập trung để tránh không xảy ra tình trạng thiếu thuốc trong thời gian tới.

NGUYỄN NHẬT