Tính đến năm 2020 cả nước có 240 trường đại học, học viện, bao gồm 175 trường công lập, 60 trường tư thục và dân lập, 5 trường có 100% vốn nước ngoài. Quy mô đào tạo đại học của nước ta có tỉ lệ sinh viên đại học/1 vạn dân là 195,4. Điều này cho thấy Giáo dục đại học đã có những bước chuyển mình. Chất lượng giáo dục đại học ngày càng được cải thiện.
Tuy nhiên, theo báo cáo tháng 8.2022 của Ngân hàng Thế giới (World Bank), tỷ lệ học đại học, cao đẳng của Việt Nam năm 2019 là 28,6%, thuộc nhóm thấp trong khối ASEAN, và chỉ bằng một nửa so với bình quân 55,1% của các quốc gia có thu nhập trung bình cao. Bên cạnh đó, hệ thống giáo dục đại học vẫn chưa đáp ứng nhu cầu, kỳ vọng của xã hội và nhân dân. Hệ thống giáo dục đại học hiện nay phát triển không đồng đều. Thị trường giáo dục đại học chưa được điều tiết ở tầm vĩ mô…
Quốc hội ban hành Luật số 34/2018/QH14 ngày 19.11.2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật số 34). Đây là cơ sở pháp lý quan trọng thúc đẩy các cơ sở Giáo dục đại học trong cả nước thực hiện quyền tự chủ sâu và rộng hơn nữa.
Với chủ đề “Giáo dục đại học - Thách thức và Cơ hội”, Tọa đàm trực tuyến do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức buổi nhằm trao đổi, ghi nhận ý kiến của đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà quản lý, cử tri về thực trạng giáo dục đại học hiện nay về những tồn tại, khó khăn và thách thức. Trên cơ sở đó, đề xuất một số những giải pháp, kiến nghị tăng cường hiệu quả nâng cao chất lượng giáo dục đại học theo Nghị quyết và Luật Giáo dục của Quốc hội; việc tăng ngân sách cho giáo dục đại học và hoàn thiện khung pháp lý cho tự chủ đại học để Giáo dục đại học Việt Nam trong giai đoạn mới có thể hoàn thành sứ mạng của mình.
Tham dự buổi Toạ đàm hôm nay có các khách mời:
- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa
- Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn
- Nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Văn phòng Chính phủ, GS.TSKH Đặng Ứng Vận
- Hiệu trưởng Trường ĐH Phenikaa, GS.TS Phạm Thành Huy
- Phó Hiệu trưởng trường ĐH Lâm Nghiệp Việt Nam, PGS.TS Bùi Thế Đồi
Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Phạm Thị Thanh Huyền: Hệ thống giáo dục đại học vẫn chưa đáp ứng nhu cầu, kỳ vọng của xã hội và Nhân dân
Kính thưa các Quý vị đại biểu!
Thay mặt Báo Đại biểu Nhân dân, tôi xin trân trọng cảm ơn các đại biểu đã sắp xếp thời gian tham dự Toạ đàm "Giáo dục đại học: Thách thức và Cơ hội" ngày hôm nay.
Thưa các Quý vị đại biểu!
Báo Đại biểu Nhân dân chọn tổ chức buổi Toạ đàm giáo dục đại học là vì: Tự chủ đại học như một cuộc cách mạng để thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học.
Quốc hội ban hành Luật số 34/2018/QH14 ngày 19.11.2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật số 34). Đây là cơ sở pháp lý quan trọng thúc đẩy các cơ sở Giáo dục đại học trong cả nước phát triển mạnh mẽ.
Tiếp theo Luật số 34 đến nay, Chính phủ, các bộ, ngành đã ban hành về cơ bản đầy đủ các chính sách để thực thi Luật Giáo dục đại học theo hướng đẩy mạnh quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học.
Có thể khẳng định, thời gian qua, giáo dục đại học ở Việt Nam diễn ra dưới sự chỉ đạo nhất quán, xuyên suốt thông qua các chủ trương, đường lối và chính sách của Đảng và Nhà nước ta và đã tạo ra nhiều chuyển biến tích cực cả về lý luận và thực tiễn, nhận thức và hành động với nhiều thành tựu đáng kể như: có 5 trường đại học được xếp hạng cao trong top 500 thế giới và nhiều trường đại học khác top 1000 thế giới. Số lượng công bố quốc tế tăng, chuyển giao công nghệ ở các trường đại học cũng ngày càng nhiều, tuyển sinh đại học có nhiều đổi mới… như thế cho thấy uy tín của các trường đại học ngày càng lớn.
Tuy nhiên, thời gian qua, hệ thống giáo dục đại học vẫn chưa đáp ứng nhu cầu, kỳ vọng của xã hội và nhân dân, vẫn còn nhiều những vướng mắc, còn bộc lộ những hạn chế, khó khăn và đó cũng là điều khó tránh khỏi.
Chúng ta biết tự chủ đại học không chỉ thực hiện theo Luật 34 mà còn chịu chi phối bởi các luật khác như Luật Quản lý sử dụng tài sản công, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Cán bộ, công chức,… với nhiều điểm còn chồng chéo. Trong khi đó, hệ thống văn bản pháp luật điều chỉnh hoạt động liên quan đến nội dung tự chủ của cơ sở giáo dục đại học thiếu đồng bộ, chưa phù hợp với mục tiêu tự chủ đại học. Từ đó điều chỉnh hoạt động “Tự chủ trên giấy tờ, nhưng trói buộc trên thực tế”.
Cùng với đó, Luật Quản lý sử dụng tài sản công không đồng bộ với Luật Giáo dục đại học cho phép cơ sở giáo dục được sử dụng nguồn thu hợp pháp ngoài ngân sách, Luật Ngân sách nhà nước không đồng bộ với Hội đồng trường phê duyệt kế hoạch quyết toán tài chính. Luật Đầu tư chưa cụ thể hoá việc phát triển đối tác công - tư. Như vậy trên thực tế là không thực hiện được và chỉ có thể tự chủ trên hình thức.
Hôm nay, Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức Toạ đàm: “Giáo dục Đại học: Thách thức và Cơ hội”, các khách mời tham dự sẽ cùng bàn về thực trạng của giáo dục đại học Việt Nam hiện nay; các vấn đề còn khó khăn, vướng mắc và thách thức của giáo dục đại học; chỉ ra các nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế và cùng đề xuất các giải pháp nhằm phát huy các yếu tố tích cực, cơ hội để phát triển giáo dục đại học trong bối cảnh mới.
Các vấn đề liên quan tới giáo dục đại học có rất nhiều, nhưng trong khuôn khổ Toạ đàm cũng mong các khách mời có thể làm sáng tỏ thêm vấn đề quan trọng, cả ở tầm vĩ mô, vi mô, tầm chính sách và thực tế ở các trường đại học… để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại học trong thời gian tới.
Thay mặt Báo Đại biểu Nhân dân, tôi trân trọng cảm ơn các khách mời đã chuẩn bị và tham dự buổi Toạ đàm hôm nay. Trân trọng cảm ơn các báo, đài đã tới dự và đưa tin. Xin chúc các Toạ đàm thành công và các khách mời sức khoẻ.
Thực trạng hệ thống giáo dục đại học hiện nay
ThưaPhó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa, qua các đợt giám sát về việc thực hiện chính sách pháp luật trong lĩnh vực này, bà đánh giá như thế nào về tình hình giáo dục đại học Việt Nam hiện nay?
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa:
Xin cảm ơn Báo Đại biểu Nhân dân cho tôi có cơ hội ngồi với các thầy bàn về vấn đề quan tâm chung của xã hội, đặc biệt là sau khi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII xác định phát triển nguồn nhân lực là khâu then chốt thì vấn đề giáo dục đại học lại càng là vấn đề cần phải quan tâm.
Tôi có may mắn làm việc ở Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Ủy ban đã tổ chức một số hội thảo về Giáo dục năm 2018, năm 2020. Năm nay, Ủy ban sẽ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức một chức Hội thảo Giáo dục thường niên với chủ đề Giáo dục đại học. Thường niên chúng tôi cũng đi giám sát về việc triển khai thực hiện Luật Giáo dục đại học, cảm nhận của chúng tôi khi đến các trường đại học, tiếp cận các thầy, các chuyên gia, nhà khoa học để lắng nghe, đánh giá về giáo dục đại học. Tôi cảm nhận, đã thực sự có quá trình chuyển mình ngày càng mạnh mẽ để đáp ứng kỳ vọng của xã hội, của Đảng, của Nhà nước, của mỗi người dân về giáo dục đại học.
Trong đó, điểm nhấn đầu tiên là ngày càng hoàn thiện hệ thống quy phạm pháp luật để có hành lang pháp lý đủ để giáo dục đại học vừa mở rộng quy mô, nhưng phát triển đúng hướng và từng bước vững chãi. Luật Giáo dục sửa đổi qua các lần, đặc biệt năm 2012 chúng ta có Luật chuyên ngành về Giáo dục đại học và được sửa đổi năm 2018, nhiều vấn đề vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện đã được tháo gỡ bằng hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật.
Điểm thứ hai, chất lượng giáo dục đại học từng bước được nâng lên. Hàng năm, nghe thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, phân hạng của giáo dục đại học Việt Nam được tăng so với khu vực và thế giới, cho thấy chúng ta đang đi những bước chắc chắn. Có một số đại học và trường đại học cũng đang tự khẳng định vị thế so với các trường trên thế giới. Đây là những điểm nhấn mà thực sự chúng ta phải ghi nhận.
Điểm nhấn nữa là sự đổi mới trong quản trị giáo dục đại học. Đây là vấn đề mà khi đến với các trường, chúng tôi thấy thực sự màu sắc đổi mới bắt nguồn từ khâu quản trị giáo dục đại học. Và việc chúng ta tháo gỡ để trả lại cái gọi là tự chủ đại học đúng ý nghĩa giá trị bản thân của nó, cho thấy chúng ta đã có bước đi đúng hướng. Các trường đại học đang từng bước tự tin đón nhận và lớn mạnh bằng tự chủ.
Điểm nữa chúng tôi cũng muốn đặt ra là chúng ta đang có bức tranh toàn cảnh về giáo dục đại học ở quy mô rộng lớn trên toàn quốc. Tất nhiên có vấn đề đặt ra khi số trường đại học mở ra quá nhiều, mỗi tỉnh đang thành lập các trường đại học để có cơ sở giáo dục đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho địa phương và gắn với đó là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực từng bước đáp ứng yêu cầu thực tế.
Tuy nhiên, qua thực tế giám sát, chúng tôi thấy còn nhiều vấn đề cần quan tâm. Đầu tiên là hoàn thiện hành lang pháp lý, tháo gỡ bất cập trong hệ thống quy định pháp luật về giáo dục đại học. Nhưng càng gỡ thì càng thấy khó, nảy sinh ra vấn đề ở luật này luật kia. Đây tiếp tục là bài toán khó phải giải.
Thứ hai, rõ ràng chúng ta có bước tiến so với chính mình, nhưng chất lượng giáo dục đại học Việt Nam nếu so với khu vực và thế giới thì chúng ta vẫn bị bỏ quá xa. Không chỉ thua các nước tiên tiến phát triển, thậm chí chúng ta bị nước xung quanh bỏ xa. Đây là điều chúng ta cần có sự nỗ lực rất lớn.
Điều nữa là chúng ta mở rộng quy mô, nhưng việc mở rộng quy mô vẫn chưa hoàn toàn tương thích với chất lượng và tỷ lệ mà chúng ta có được qua đào tạo giáo dục đại học. So với các nước, tỷ lệ nhân lực qua đào tạo đại học của chúng ta còn thấp hơn các nước nhiều, chưa nói tới chất lượng, sinh viên ra trường có đáp ứng nhu cầu xã hội không lại là câu chuyện khác.
Câu chuyện tự chủ cũng lại là một vấn đề, chúng ta đang hướng tới tự chủ đại học, nhưng trong quá trình thực hiện, chúng ta mong muốn, phải là tự chủ thực chất chứ không phải là tự chủ trên giấy tờ.
Thưa Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, với số lượng các cơ sở giáo dục đại học và quy mô đào tạo đại học hiện nay đã tăng lên, được cải thiện đáng kể cùng với cơ cấu ngành nghề ngày càng đa dạng, đâu là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ nhập học đại học của Việt Nam vẫn thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực?
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn:
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa vừa mới đưa ra bức tranh sinh động, sát với góc nhìn của cơ quan lập pháp, giám sát. Tôi xin đưa ra vấn đề rất trăn trở khi so sánh tỉ lệ người theo học đại học, tức là toàn bộ sinh viên đang học đại học so với người trong tuổi học đại học (thường là từ 18-23 tuổi). Tỉ lệ này thấp so với thế giới. Nếu tính quy mô trung bình 6.000-7.000 sinh viên/trường thì khá thấp, mặc dù cơ sở giáo dục đại học nhiều. Vì sao lại thấp? Có ba yếu tố dẫn đến nguyên nhân này.
Thứ nhất, trong quan hệ thị trường, nhu cầu của thị trường kinh tế xã hội đối với nguồn nhân lực trình độ cao tính từ đại học, sau đại học chưa như các nước khác. Yêu cầu về số lượng, chất lượng, cơ cấu trình độ, chúng ta nhìn thấy quy mô đào tạo đại học, sau đại học thấp nhưng tỉ lệ đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ còn thấp nữa.
Thứ hai, do nguồn cung, tức cơ sở giáo dục đại học về năng lực đào tạo, chất lượng đào tạo. Năng lực hạn chế bởi nguồn lực con người, cơ sở vật chất, tài chính cũng sẽ bó hẹp nên không tăng nhanh số lượng được. Đồng thời, chính chất lượng của các cơ sở giáo dục đại học chưa đồng đều, mặc dù nhiều biến chuyển, nhiều thành tích thời gian qua nhưng chúng ta còn phải suy nghĩ rất nhiều về vấn đề chất lượng để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội.
Thứ ba là vấn đề người học. Họ luôn cân nhắc lợi ích giữa chi phí với lợi ích đạt được. Lựa chọn trường này hay trường kia, trong nước hoặc ngoài nước, thậm chí là đi học hay không đi học. Và đặc biệt, nếu người học chưa tin tưởng chất lượng thì số lượng không thể tăng được.
Vậy cả 3 yếu tố này liên quan chặt chẽ với nhau. Nhưng nhìn chung, rõ ràng quy mô đào tạo, yêu cầu nhân lực chất lượng cao chưa tương xứng. Nói cách khác, nguồn lực phát triển giáo dục đại học chưa tương xứng với yêu cầu phát triển quy mô và chất lượng.
Thưa Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, mức độ tiếp cận giáo dục đại học ở Việt Nam còn thấp như vậy, phải chăng một phần là do chất lượng đào tạo giữa các cơ sở giáo dục đại học trong hệ thống còn chênh lệch, nhiều trường đại học chưa tạo được “sức hút” với người học?
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn:
Trong một vài năm vừa qua, điều đáng mừng là số lượng và chất lượng học đại học tăng tốt. Giai đoạn 7-8 năm trước 2019-2020, số lượng, quy mô học đại học không những không tăng mà còn giảm, nhưng 2 năm gần đây quy mô vào đại học lại tăng khá. Chất lượng giữa nhiều trường chưa đồng đều, đặc biệt, chúng ta thấy bức tranh rất rõ trong tuyển sinh 2 năm vừa rồi. Các trường ngày càng tuyển sinh tốt cả về quy mô, chất lượng đầu vào. Trong khi đó, khá nhiều cơ sở đào tạo khó khăn tuyển sinh, quy mô cũng thấp, chất lượng đầu vào cũng kém. Điều đó thể hiện ở chỗ chất lượng liên quan đến nguồn lực: cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, chương trình, phương pháp giảng dạy.
Liên quan đến các ngành học, một số ngành học truyền thống ở ngay cả trường truyền thống thì do nhu cầu xã hội thay đổi, yêu cầu của thị trường xã hội đã khác nên ngành học thiếu hấp dẫn hơn. Có những ngành như Công nghệ thông tin những năm gần đây nhu cầu rất lớn và năng lực các trường không đáp ứng được về quy mô. Cho nên, ngành học cũng là yếu tố dẫn đến quy mô không tăng nhanh được.
Chúng ta biết giáo dục đại học là lĩnh vực dịch vụ đặc biệt, người học là khách hàng đặc biệt, không thể nhận được sản phẩm ngay mà sau 4-5 năm, thậm chí nhiều năm nữa mới đánh giá được chất lượng. Trường truyền thống có đổi mới mạnh mẽ thì ngày càng thu hút được sinh viên, có những trường mới nếu có chính sách hợp lý thì sẽ ngày càng thu hút người học. Nhưng cũng có trường truyền thống mà chiến lược phát triển thương hiệu không tốt cũng sẽ có khó khăn trong tuyển sinh. Đây là thực trạng giáo dục đại học trong thời gian qua.
Thưa GS Đặng Ứng Vận, ông nhìn nhận thế nào về tỷ lệ người theo học đại học so với số lượng dân số của Việt Nam hiện nay? Thực tế này ảnh hưởng như thế nào tới nguồn nhân lực chất lượng cao, tới sự phát triển của xã hội?
GS.TSKH Đặng Ứng Vận, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Văn phòng Chính phủ:
Thực tế tỷ lệ sinh viên so với toàn dân hiện nay của Việt Nam thể hiện rất rõ cân bằng cung cầu. Có hai nguyên nhân cho vấn đề này.
Thứ nhất, sức hấp dẫn của giáo dục đại học đối với thế hệ trẻ giảm sút. Trước đây, khi thi đại học là nhiều người thi và một người đỗ, được vào đại học là một vinh hạnh rất lớn, rất hấp dẫn. Tuy nhiên, hiện nay khi chúng ta mở rộng và thậm chí là mở rộng quá mức, cho nên sinh viên vào các trường đại học bây giờ không thấy háo hức như trước, học thế nào cũng vào được đại học, không vào được các trường top đầu thì sẽ vào các trường có chất lượng thấp hơn. Điều này làm giảm động lực học tập của các em học sinh. Đáng lo ngại hơn là khi các em vào trường mà không có động lực học tập thì sẽ rất khó khăn. Cùng với đó, là do mức lương khi các em sinh viên tốt nghiệp ra trường được trả quá thấp. Ví dụ như ngành giáo dục mầm non vẫn chỉ trả lương trung cấp, như vậy thì làm sao có thể có cơ cấu giáo dục mầm non tốt?
Thứ hai, sức tiêu thụ các sản phẩm giáo dục đại học theo đúng nghĩa của nền kinh tế Việt Nam hiện nay không cao. Vì hiện nay chúng ta vẫn tăng trưởng dựa trên lao động giá rẻ và đồng thời là các ngành công nghiệp phụ thuộc như gia công, lắp ráp.
Còn với những ngành công nghiệp cao cấp hơn, chúng ta chưa có các doanh nghiệp mang tính quyết định nền kinh tế như Samsung, Apple... mà chủ yếu vẫn là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Và nếu đã là doanh nghiệp nhỏ và vừa thì mỗi doanh nghiệp có một nhu cầu nhân lực riêng, trường đại học khó có thể đáp ứng được. Các trường chỉ có thể đào tạo cho các em sinh viên kiến thức nền tảng, cơ bản để khi các em đến làm tại doanh nghiệp sẽ thích nghi tùy theo nhu cầu của từng doanh nghiệp.
Một vấn đề nữa đối với các trường đại học hiện nay là khi có ngành nghề nào đó dễ được tuyển dụng thì các trường sẽ “ào ào” mở các lớp, nhưng vì chúng ta chỉ có những doanh nghiệp vừa và nhỏ, nên lượng nhân sự cần thiết không lớn. Điều này cho thấy việc đào tạo của các trường hiện đang nhanh bị bão hòa do nền kinh tế chưa tiêu thụ hết các sản phẩm đào tạo có lượng đầu ra lớn như vậy.
Vì vậy, theo tôi, chúng ta chỉ cần điều chỉnh tốt cân bằng cung cầu. Vì nếu tiếp tục mở thêm trường để tăng tỷ lệ sinh viên so với số dân thì vẫn sẽ xảy ra thách thức như hiện nay, đồng thời gây khó cho các trường cũ khi tuyển sinh. Chúng ta chỉ cần có biện pháp để tăng sức hấp dẫn của các sản phẩm đào tạo, của các trường đại học thì tự khắc mức cân bằng sẽ chuyển dịch sang mức cầu cao hơn.
Thưa PGS.TS Bùi Thế Đồi, là cơ sở đào tạo công lập, với các ngành chủ yếu có liên quan đến một lĩnh vực quan trọng trong nền kinh tế của nước ta nhưng sức hấp dẫn của các ngành học này dường như chưa đủ; nhà trường đã có những chiến lược đổi mới như thế nào để đáp ứng với nhu cầu thị trường? Kết quả ra sao? Hiện trường gặp thuận lợi và khó khăn gì?
PGS.TS Bùi Thế Đồi, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Lâm nghiệp Việt Nam
Trường Đại học Lâm nghiệp là một trong 175 trường đại học công lập trong cả nước. Trường trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với sứ mệnh là đào tạo, nghiên cứu và đặc biệt là chuyển giao công nghệ cũng như cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành lâm nghiệp, nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Ngoài ra, nhà trường cũng duy trì các ngành đào tạo liên quan đến quản lý tài nguyên và môi trường, kiến trúc, cảnh quan cây xanh, đô thị, kỹ thuật, công nghệ và kinh tế. Trong những năm vừa qua, chúng ta cũng thấy rằng, so với các ngành nghề có xu hướng phù hợp với cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 thì những ngành nghề liên quan đến nông, lâm nghiệp dường như cũng giảm đi sức hấp dẫn nhất định như các đại biểu cũng đã đề cập.
Tuy nhiên, đây là những ngành nghề hết sức đặc thù. Thực tế cho thấy, trong thời gian vừa qua, nhất là sau 2 năm đại dịch vừa rồi thì những ngành liên quan đến nông nghiệp đã có những đóng góp đáng kể cho sự ổn định của nền kinh tế đất nước. Do vậy, đối với những ngành này, tôi khẳng định là không thể thiếu trong đời sống cũng như sự phát triển của đất nước ta.
Tôi cho rằng, những việc, ngành nghề liên quan đến quản lý tài nguyên, nông lâm nghiệp, những hoạt động duy trì sản xuất kinh tế nông nghiệp là những ngành nghề sẽ trường tồn.
Trước bối cảnh đó, Trường Đại học Lâm nghiệp cũng đưa ra rất nhiều chiến lược, đặc biệt là trường đã xây dựng và công bố chiến lược phát triển trường đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 trên cơ sở các ngành nghề truyền thống của trường. Nhưng hiện nay, nhà trường cũng phát triển theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực. So về quy mô thì Trường Đại học Lâm nghiệp cũng ở mức độ trung bình khá, tức là hàng năm duy trì khoảng 6.000-7.000 sinh viên các bậc, các hệ đào tạo.
Riêng đối với các chiến lược để duy trì cũng như thu hút người học và đặc biệt là bảo đảm được công việc sau khi ra trường cho sinh viên thì chúng tôi cũng xác định các mục tiêu sau:
Thứ nhất, trường thường xuyên tham vấn với Bộ chủ quản, với các địa phương, các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp sử dụng những nguồn lao động này để rà soát, đánh giá lại thị trường lao động cũng như các nhu cầu của học sinh, sinh viên tốt nghiệp những ngành hiện nay của nhà trường. Từ đó, chúng tôi kiến nghị, đề xuất các giải pháp, chính sách nhằm tăng cường thu hút người vào lao động ở những môi trường đúng với ngành học. Đặc biệt, nhà trường cũng đề xuất về chính sách làm sao ưu tiên hơn cho các đối tượng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp.
Thứ hai, nhà trường cũng thường xuyên đồng hành cùng các doanh nghiệp. Ví dụ như đối với ngành lâm nghiệp thì chúng tôi có Tổng công ty Vinafor. Những năm gần đây, Tổng công ty luôn đồng hành với nhà trường trong việc tuyển sinh. Bởi thị trường cũng như là nhu cầu lao động của ngành này hiện nay rất lớn. Việc tuyển lao động ngành nông nghiệp tương đối khó khăn. Trong khi đó, học sinh, sinh viên lại không vào học những ngành truyền thống này. Do vậy, chúng tôi cũng đã nhận được những cam kết của các doanh nghiệp là sẵn sàng có những suất học bổng 100% và sau khi ra trường nếu sinh viên đó làm việc trong vòng 5 năm thì họ sẵn sàng bảo đảm việc làm và thu nhập ở mức phù hợp trong điều kiện hiện nay.
Thứ ba, đúng như các đại biểu đã vừa đề cập, một trong những điều cần thiết là phải tập trung cải thiện chất lượng đào tạo, chất lượng đội ngũ giảng viên và phải tập trung mọi nguồn lực để trang bị cho những phòng thí nghiệm, khu thực hành bắt kịp với yêu cầu của thực tiễn. Vì nếu trang thiết bị quá lạc hậu thì các em học xong, ra trường cũng chưa có đủ kỹ năng để đáp ứng nhu cầu của thực tiễn. Như vậy sẽ rất khó cho sinh viên tìm kiếm các cơ hội việc làm tốt. Do vậy, nâng cao chất lượng đào tạo, chất lượng thực hành cho sinh viên là một trong những chiến lược quan trọng của nhà trường. Ngoài ra, nhà trường cũng có xây dựng rất nhiều chiến lược, giải pháp cho những nhóm ngành đặc thù khác.
Trong năm gần đây, nhận thức của người học và người dân về những ngành nông, lâm nghiệp được cải thiện, nhiều sinh viên đạt điểm thi hoặc tốt nghiệp ở trình độ rất cao, nhưng cũng đăng ký vào học những ngành nông lâm nghiệp. Trước đây, các em hay chọn những “ngành hot”, nếu xu hướng học sinh học giỏi cứ chọn vào những ngành hot tiếp diễn thì sẽ làm mất cân đối về thị trường lao động cũng như nguồn nhân lực và vô hình chung sẽ tạo ra một sự phân biệt đối xử về ngành nghề. Cần xác định, các ngành nghề cần được tôn trọng như nhau. Ngành nghề nào cũng cần phải có người giỏi để phát triển nghề đó, phục vụ đất nước.
Thưa GS.TS Phạm Thành Huy, được biết Trường ĐH Phenikaa hiện nay mới được hình thành và đổi tên từ Trường ĐH Thành Tây vào năm 2018. Đến năm 2022, Trường ĐH Phenikaa đã có trong bảng xếp hạng top 1.000 trường đại học có tầm ảnh hưởng của Tạp chí Times Higher Education (THE). Ông có thể chia sẻ về chiến lược phát triển nhà trường và vì sao có bước đột phá này?
GS.TS Phạm Thành Huy, Hiệu trưởng Trường ĐH Phenikaa
Trường Đại học Phenikaa là một trường đại học trực thuộc tập đoàn công nghiệp công nghệ Phenikaa với xuất phát điểm là một trường đại học tư thục - Trường Đại học Thành Tây vào năm 2027 và trường được tiếp quản bởi Tập đoàn Phenikaa vào năm 2018.
Sau khi tiếp quản Trường Đại học Thành Tây, ban lãnh đạo Tập đoàn Phenikaa và Ban giám hiệu nhà trường đã xây dựng một chiến lược dài hạn tầm nhìn đến năm 2035. Điểm quan trọng của chiến lược này là đưa ra các mục tiêu cụ thể theo từng giai đoạn phát triển và kèm theo các giải pháp để đảm bảo các mục tiêu đó thực hiện được.
Với mục tiêu đưa ra để trở thành một trường đại học phi lợi nhuận, ban lãnh đạo Tập đoàn Phenikaa và Hội đồng trường đã quyết tâm, kiên định để có một kế hoạch tài chính dài hạn nhằm đảm bảo các nguồn lực. Trước tiên, là nguồn lực cần thiết cho sự phát triển của nhà trường từ một nền tảng của một trường đại học tư thục còn rất nhiều điểm yếu so với các trường công lập nói riêng và các trường đại học quốc tế nói chung.
Trong chiến lược phát triển của nhà trường, trọng tâm chính là nguồn lực về con người. Để có được một trường đại học tốt, một đội ngũ cán bộ giảng viên, các nhà khoa học có trình độ cao là hết sức quan trọng. Vì vậy, nhà trường đã xây dựng các cơ chế chính sách để thu hút tuyển dụng các giảng viên giỏi, các nhà khoa học từ nước ngoài trở về nước công tác cũng như từ các đơn vị trong và ngoài nước khác. Tiếp đó, chúng tôi phát triển các chương trình đào tạo dựa trên cơ sở tham khảo các tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng kiểm định chất lượng quốc tế. Chính vì vây, mục tiêu nhà trường hướng tới là vừa đảm bảo phát triển nhanh, vừa đảm bảo chất lượng trong quá trình triển khai đào tạo.
Trường Đại học Phenikaa giao quyền tự chủ rất lớn cho các nhà khoa học đầu ngành, các trưởng nhóm nghiên cứu và các thầy cô từ tuyển dụng, phát triển và định hướng nghiên cứu.
Để Trường Đại học Phenikaa được xếp hạng rất nhanh trong bảng xếp hạng thì phải đáp ứng 17 tiêu chí phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc. Đây cũng là các mục tiêu, cũng như các chỉ số mà nhà trường đã đặt ra trong chiến lược phát triển. Chính sự điều chỉnh, sự chuẩn bị phù hợp với xu hướng phát triển quốc tế đã giúp trường có thể nhanh chóng hòa nhập vào sự phát triển chung của thế giới. Bên cạnh đó là vai trò của chính sách quản lý của Nhà nước như Luật số 34 và các chủ trương trao quyền tự chủ, trao thêm sức mạnh cho các trường đại học. Trường Phenikaa là một trường đại học tư thục, chúng tôi đã tự chủ về tài chính, tự chủ về tổ chức, tự chủ về con người. Nhà trường cũng được chủ động mở các ngành.
Như vậy, các trường đại học giờ đây có thêm sức mạnh, có thể linh hoạt hơn để phát triển những chương trình đào tạo mới để đáp ứng các nhu cầu của xã hội. Để có được bước đột phá này, các trường đại học cần có một chiến lược phát triển dài hạn; cần có sự cam kết của Hội đồng trường để bảo đảm sự tương tác giữa Hội đồng trường và Hiệu trưởng, Ban Giám hiệu; cần đầu tư vào con người.
Thách thức, khó khăn của giáo dục đại học?
Theo các khách mời, trong bối cảnh mới, giáo dục đại học Việt Nam đang đứng trước những thách thức lớn nào?
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn:
Trong thách thức có cơ hội và khó khăn. Thách thức là giáo dục đại học phải làm sao đáp ứng kỳ vọng của xã hội và nhân dân. Giáo dục đại học có 2 sứ mệnh quan trọng là phát triển con người và đào tạo đáp ứng nhân lực chất lượng cao. Điều này gắn với phát triển đột phá chiến lược của Việt Nam.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, phát triển khoa học công nghệ mạnh mẽ, dịch chuyển cơ cấu kinh tế, sự biến động không đoán định được, giáo dục đại học phải nắm được yêu cầu của thế giới, của công nghệ, không chỉ phát triển về chất lượng mà còn là quy mô. Nền kinh tế chúng ta có thể nhìn một chiều là nhu cầu thị trường lao động nhưng phải nhìn quan hệ biện chứng là muốn có nguồn nhân lực chất lượng thì các nhà đầu tư mới vào, đầu tư vào nền kinh tế tri thức. Đây là bài toán vừa phải nâng cao quy mô vừa nâng cao chất lượng. Đây là thách thức lớn.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hệ thống giáo dục đại học phải cạnh tranh trong nước, và cả cạnh tranh quốc tế. Tỷ lệ sinh viên đi học nước ngoài không ít. Năm 2021 tuyển sinh tốt hơn năm 2022 vì một phần là sinh viên không đi học nước ngoài được. Đội ngũ giảng viên không giống ngành khác, giảng viên đại học có trình độ cao, uy tín khoa học có thể đi bất cứ nơi nào. Trường đại học phải cạnh tranh lực lượng tinh túy này. Nhiều ngành nghề gửi sinh viên đi học tiến sĩ nước ngoài, nhưng trở về không nhiều. Đây là câu chuyện có thật, cơ sở giáo dục đại học phải cạnh tranh rất lớn.
Đặc biệt, trong bối cảnh chuyển đổi số, nhiều trường đại học cung cấp chương trình đào tạo từ xa, đó là cơ hội nhưng cũng là vấn đề để chúng ta cần có suy nghĩ để thích ứng, trong khi nguồn lực có hạn. Cạnh tranh nhưng về cơ sở vật chất, trường lớp, diện tích giảng đường, phòng thí nghiệm, trang thiết bị... vẫn khó khăn. Đội ngũ giảng viên để tăng nhanh không dễ. Con người là quan trọng nhất, nhưng làm sao phát triển được chứ không phải chỉ lưu thông trong hệ thống, nâng cao hệ thống, nâng cao trình độ đội ngũ giảng viên. Giảng viên trình độ tiến sĩ chúng ta chỉ 30%, thấp hơn rất nhiều so với yêu cầu. Đây là những thách thức lớn.
GS.TSKH Đặng Ứng Vận, Nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Văn phòng Chính phủ:
Có một thách thức, đó chính là vấn đề ở đội ngũ giảng viên. Làm thế nào đội ngũ giảng viên thay đổi được tư duy, là khi đã dạy giáo trình này rồi, dạy môn học này rồi thì không muốn người khác dạy thay và không muốn thay đổi những điều đã dạy. Điều này sẽ không đáp ứng được nhu cầu nhân lực thực tế của xã hội. Theo tôi, đây là một vấn đề rất lớn.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa:
Bài toán mà các trường đại học phải đối mặt trong bối cảnh này là phải tự làm mới mình. Đây là một thách thức lớn. Nếu trước đây chúng ta lấy truyền thống, lấy số năm thành lập trường coi là sức mạnh, thì bây giờ phải thay đổi từ cách nhìn, cách tiếp cận. Có những lúc truyền thống là sức mạnh nhưng không cũng sẽ là lực cản. Đơn vị nào nào chớp được thời cơ, đón đầu được xu thế, đơn vị đó sẽ có ưu thế.
Giáo dục đại học đang phải thực hiện nhiệm vụ là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao theo kỳ vọng của xã hội. Nhưng nguồn nhân lực mà các trường đại học phải cung cấp cho xã hội, tiêu chí đánh giá chất lượng nguồn nhân lực hiện nay đã khác trước. Không phải các trường từ trước tới nay đã đào tạo giỏi, đào tạo chất lượng cao thì bây giờ vẫn cao.
Sau đại dịch Covid-19, sự thay đổi nhu cầu công việc bắt buộc các trường đại học phải thích ứng, có những ngành nghề trước đây là thế mạnh của nhà trường nhưng hiện không còn phù hợp. Như vậy, cần biến đổi, ứng phó, linh hoạt từ phía nhà trường và linh hoạt cả về chất lượng đào tạo của sinh viên. Sinh viên không phải cứ học 1 nghề là suốt đời làm nghề, mà sinh viên phải được đào tạo về kỹ năng mềm, về khả năng thích ứng để 5-10 năm sau họ có thể làm nghề khác. Đây là thách thức với các cơ sở giáo dục.
GS.TS Phạm Thành Huy, Hiệu trưởng Trường ĐH Phenikaa
Cùng với sự phát triển nhanh của khoa học công nghệ hiện nay, sự thay đổi ngành nghề nhanh, các đơn ngành dường như đang được thay thế bằng những các lĩnh vực mới, đa ngành. Chính vì vậy, đòi hỏi khả năng đáp ứng nhanh của các trường đại học, khả năng phải thay đổi để về phương thức giảng dạy, về các nguồn lực cho đào tạo bao gồm từ tài liệu học tập, sách giáo khoa, giáo trình.
Các trường đại học cần có những phương thức mới, có khả năng đáp ứng nhanh các sự thay đổi của thị trường. Đây được xem là một trong những thách thức rất lớn, bởi thách thức này liên quan đến các nguồn lực: thứ nhất liên quan đến đầu tư, thứ hai là liên quan đến con người, thứ ba là sự chuẩn bị của nhà trường.
Điều đáng nói, hiện nay trường đại học có doanh thu lớn nhất trên thị trường Việt Nam là một trường đại học nước ngoài và tôi tin rằng con số đó sẽ tiếp tục tăng. Ở một chiều còn lại, với sự phát triển của công nghệ thông tin cũng như các hệ thống cơ sở dữ liệu hiện nay thì thách thức rất lớn của các trường đại học đến từ phía người học. Hiện nay, các em có nhiều cơ hội để tiếp cận với các trường đại học trước khi đưa ra quyết định chọn trường nào, ngành nào. Như vậy, về phía trường đại học giờ đây cần phải có một sự chuẩn bị. Khi chúng ta nói có chương trình tốt thì chúng ta phải giải trình được nó tốt ở đâu, nó được đầu tư như thế nào, nó được chuẩn bị như thế nào. Chúng ta nói là chúng ta có một đội ngũ cán bộ, giảng viên giỏi, trình độ cao thì phải được thể hiện bằng những con số hết sức cụ thể. Chúng ta nói chúng ta có một cơ sở hạ tầng tốt thì phải thể hiện bằng những vấn đề hết sức thực tế. Như vậy, các trường đại học cần chuẩn bị rất tốt để được người học lựa chọn, theo tôi đây là một thách thức.
Với vai trò của hiệu trưởng trường đại học, PGS.TS Bùi Thế Đồi và GS Huy thấy có gặp khó khăn và vướng mắc gì khi thực hiện tự chủ đại học tại cơ sở?
PGS.TS Bùi Thế Đồi, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Lâm Nghiệp Việt Nam
Có thể nhận thấy rằng, sinh viên có thể tìm được việc làm hay không, tỉ lệ làm đúng ngành sau khi ra trường một thời gian nhất định như thế nào và thu nhập ra sao cũng là một thách thức lớn.
Mặt khác, nhận thức của người dân và của toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng của những người được đào tạo ở trình độ cao, tức là trình độ đại học trở lên phải được coi trọng hơn. Đặc biệt, cần nâng cao niềm tin của cử tri, người dân vào một nền giáo dục mà chúng ta đang cố gắng để công bằng hơn, minh bạch hơn và chất lượng hơn.
Ngoài ra, chúng ta cần phải có một sự định hướng để phân bổ hợp lý cơ cấu đào tạo cho tất cả các khối ngành nghề. Đây cũng là những thách thức lớn đối với các nhà trường.
GS.TS Phạm Thành Huy, Hiệu trưởng Trường ĐH Phenikaa
Có thể thấy, trong 20 năm qua, vai trò của các trường đại học tư thục đã được xác lập trong hệ thống giáo dục Việt Nam. Sự ra đời, hình thành và phát triển của các trường đại học tư thục và đặc biệt là gần đây khi các tập đoàn công nghệ, công nghiệp đã có một tích lũy đủ lớn đầu tư cho giáo dục, đầu tư cho phát triển các trường đại học, điều đó cho thấy sự phát triển của các trường đại học tư thục cũng đã có tác động tích cực.
Tôi cho rằng hệ thống giáo dục đại học Việt Nam cũng là động lực để cho các trường đại học công lập đổi mới. Bởi các trường đại học công lập phải cạnh tranh với các trường đại học tư thục. Tuy nhiên, hiện nay các văn bản pháp luật có nội dung, quy định liên quan đến các trường đại học tư thục còn khá ít ỏi. Vai trò của các giảng viên, nhà giáo trong các trường đại học tư thục còn chưa được đề cập đến. Đơn cử, nếu nhà giáo từ nước ngoài trở về làm việc ngay cho các trường đại học tư thục thì hiện chưa có hướng dẫn.
Với mục tiêu phát triển bền vững và dài hạn, các trường đại học tư thục không chỉ nhắm vào những ngành nghề đáp ứng nhu cầu xã hội để có được số lượng sinh viên lớn. Ví dụ, như Trường Đại học Phenikaa mở rất nhiều ngành kỹ thuật, những ngành kén chọn tuyển sinh, yêu cầu sinh viên đầu vào rất cao và đặc biệt là đầu tư cơ sở hạ tầng rất lớn. Những ngành kỹ thuật để đào tạo được như: kỹ thuật vật liệu, kỹ thuật cơ khí, cơ điện tử, kỹ thuật ô tô thì việc đầu tư trang thiết bị phải tính bằng vài chục tỷ trở lên trong mỗi ngành đào tạo để đảm bảo thiết bị. Chưa kể nếu đầu tư để đào tạo sau đại học, trong nghiên cứu còn lớn hơn.
Hơn nữa, chúng tôi đã xây dựng các chính sách để đào tạo nguồn nhân lực cho tương lai ở những ngành cơ bản, ví dụ như đào tạo vật lý, tài năng. Những chương trình này để thu hút thường là miễn phí hoàn toàn và cung cấp thêm học bổng cho các em sinh viên. Chính vì vậy, các trường đại học tư thục thực sự đã tính đến bài toán dài hạn và cũng có đóng góp lâu dài cho hệ thống giáo dục của đất nước.
Chúng tôi mong muốn trong quá trình xây dựng các văn bản pháp luật cho các trường đại học tư thục cần có thêm những cơ hội để tham gia các hoạt động của Nhà nước nói chung. Bên cạnh đó, chúng ta cần trao cơ hội để cho tất cả các trường đại học bảo đảm tính công bằng giữa các trường. Bởi bây giờ có thể xem Nhà nước là người mua hàng và chúng tôi là người bán hàng, nếu chúng tôi cung cấp được chất lượng tốt và giá rẻ thì hãy cho các trường đại học tư thục cơ hội.
Thưa các khách mời, hạn chế và thách thức của giáo dục đại học đã rõ và theo báo cáo của Bộ GD-ĐT tại Hội thảo “Công bố Báo cáo phân tích ngành Giáo dục 2011-2020”, về tài chính, đầu tư cho giáo dục tại Việt Nam có xu hướng tăng đều trong 10 năm qua, đạt hơn 18% tổng chi ngân sách nhà nước nhưng vẫn thấp hơn so với mức 20% được đề ra. Đặc biệt, chi ngân sách bình quân trên mỗi sinh viên ở bậc đại học còn thấp so với quốc tế. Vậy phải chăng đầu tư cho giáo dục đại học chưa tương xứng với tốc độ tăng quy mô?
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn:
Con số chính thức mà Bộ Tài chính đưa ra năm 2020, ngân sách chi cho giáo dục đại học chưa đến 17.000 tỷ, chiếm 0,27% GDP, nhưng con số thực chi chưa được 12.000 tỷ. Nếu tính theo con số thực chi là 0,18% GDP, thấp hơn nhiều so với con số của các nước trong khu vực và thế giới.
Về nguồn lực cho các trường hiện nay có từ 3 nguồn: Nhà nước, người học, xã hội. Đương nhiên, người học có trách nhiệm chi trả những gì mình được lợi ích, nhưng để hiện đại hóa một cơ sở giáo dục đại học, mở rộng khuôn viên, xây dựng cơ bản, trang thiết bị nghiên cứu, đặc biệt với ngành công nghệ cao thì học phí không thể chi trả được. Học phí chi trả thì người học muốn được nhìn thấy ngay, còn đầu tư lâu dài, đầu tư phát triển đội ngũ thì rõ ràng Nhà nước cần quan tâm hơn.
Có những ngành học không phục vụ trước mắt mà về lâu dài để phục vụ đất nước như những ngành về khoa học cơ bản, nông lâm ngư nghiệp, những ngành nghệ thuật, đào tạo trình độ sau đại học... Không có công nghệ nền tảng thì không thể có công nghệ cao, không có khoa học cơ bản thì không có công nghệ nền tảng. Những vấn đề này không dễ gì xã hội hóa để người học chi trả được, nhưng chúng ta lại đang hạn chế về nguồn lực. Đó là yếu tố quan trọng, bởi yêu cầu là quy mô phải tăng, đòi hỏi chất lượng cũng phải tăng. Như vậy, thách thức lớn là làm sao bảo đảm tương xứng, để đáp ứng yêu cầu về số lượng nhưng phải có đầu tư trọng tâm trọng điểm, những ngành nghề thiết yếu đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và tạo lợi thế cạnh tranh trong lĩnh vực then chốt.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa:
Nếu có phép so sánh, chúng ta sẽ thấy bất cập nằm ngay ở khâu đầu tư cho giáo dục đại học. Nếu sự đầu tư từ ngân sách Nhà nước không thỏa đáng, không đúng tầm thì chúng ta không thể có hy vọng để giải quyết vấn đề nâng cao chất lượng. Nhưng ở đây còn có câu chuyện khác. Khi chúng ta triển khai vấn đề tự chủ đại học, tiếp cận tự chủ về tài chính, khi trường tự chủ thì Nhà nước sẽ rút dần đầu tư. Đây là cách tiếp cận mà tôi thấy rằng phải xem lại. Chúng ta thực hiện tự chủ trong các trường đại học, phải hiểu là ngoài khoản đầu tư của Nhà nước, mà theo đánh giá chung thì hiện khoản đầu tư này đang rất thấp, do đó phải trao cho các trường đại học một cơ chế tự chủ để họ thu hút thêm các nguồn lực từ xã hội, để nâng đầu tư cho các trường, nhằm bù lại phần Nhà nước không lo được.
Tự chủ phải tính đúng, tính đủ các khoản chi cho giáo dục, đào tạo. Nhưng chúng ta cứ loay hoay mãi câu chuyện thực hiện an sinh xã hội. Bài toán hiện nay Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo đang phải triển khai thực hiện đó là lộ trình tăng học phí. Chúng ta đã có lộ trình rồi, nhưng sau đại dịch Covid-19, thu nhập của người dân khó khăn, do đó đang đặt ra vấn đề phải tạm dừng tăng học phí. Vậy vấn đề an sinh xã hội, tự chủ của trường đại học sẽ được giải quyết như thế nào? Chúng ta phải tính cho các trường. Các trường đại học loay hoay với vấn đề nâng cao chất lượng nhưng lại không được nâng học phí. Do đó, cần tính đầy đủ, hài hòa giữa an sinh xã hội với vấn đề trách nhiệm của Nhà nước, trách nhiệm của cộng đồng, của xã hội với việc đầu tư thỏa đáng cho giáo dục đại học.
GS.TSKH Đặng Ứng Vận, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Văn phòng Chính phủ:
Tôi nhớ con số 20% ngân sách dành cho giáo dục, Thủ tướng Phan Văn Khải đã phấn đấu và cố gắng đạt đến 18%. Tuy nhiên, nếu như Nhà nước có tiếp tục tăng thêm ngân sách thì cũng sẽ không được sử dụng cho giáo dục đại học. Vì trong hệ thống giáo dục, rất nhiều vấn đề cần phải ưu tiên như giáo dục phổ cập, giáo dục vùng sâu, vùng xa...
Thứ hai, chúng ta cần cải tiến cơ chế, nên chuyển theo cấp phát theo đơn, danh mục cấp trọn gói sẽ tạo điều kiện để các trường công được tự chủ hơn. Nếu chia theo từng bộ phận sẽ rất hạn chế cho các hoạt động về mặt tài chính của các trường. Đồng thời, điều quan trọng nhất vẫn là cơ chế để các trường có thể huy động được nguồn lực từ xã hội. Phải huy động nguồn lực của chính các doanh nghiệp công, tư cho đầu tư vào đào tạo. Hay nói cách khác chính là sử dụng nguồn lực của các doanh nghiệp để đào tạo ra nguồn nhân lực theo nhu cầu của các doanh nghiệp theo hướng phi lợi nhuận.
PGS.TS Bùi Thế Đồi, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Lâm Nghiệp:
Đối với các trường công lập, chủ yếu nguồn kinh phí nhận từ Ngân sách Nhà nước. Theo lộ trình, các trường công lập cũng đang từng bước tự chủ từng phần. Xu hướng hiện nay là các trường sẽ tự chủ, trước hết là tự chủ về tài chính và dần dần hướng tới tự chủ toàn bộ. Vậy câu chuyện đặt ra là từ bây giờ đến lúc đó, Nhà nước vẫn phải tiếp tục quan tâm, phải có những định hướng để có được lộ trình giúp các trường công lập không có sự thay đổi quá đột ngột, gây xáo trộn và đặc biệt là có thể làm ảnh hưởng đến sự ổn định của toàn bộ hệ thống giáo dục.
Do vậy, việc chi cho giáo dục từ ngân sách Nhà nước như hiện nay cũng khiến các nhà trường gặp khó khăn. Chúng tôi cũng là trường công lập, đang cùng hợp tác, kêu gọi các đối tác và doanh nghiệp tìm ra giải pháp phù hợp với quy định của pháp luật. Đây là giải pháp trước mắt, nhưng về lâu dài thì chắc chắn câu chuyện này sẽ còn có nhiều định hướng chung cho phù hợp với toàn xã hội...
GS.TS Phạm Thành Huy, Hiệu trưởng Trường ĐH Phenikaa:
Ngay từ mục tiêu ban đầu, mỗi trường đã có một kế hoạch cụ thể để đảm bảo có nguồn thu vận hành. Cụ thể, trong trường hợp của Trường Đại học Phenikaa, mặc dù mục tiêu dài hạn là phát triển trở thành một trường đại học không vì lợi nhuận, tức là không lấy mục tiêu kinh doanh ra làm đầu, song cũng có một lộ trình hết sức chặt chẽ. Chính vì vậy, trong chiến lược của nhà trường, việc cần làm chính là phải đa dạng hóa các nguồn thu. Như vậy, nguồn thu của nhà trường giờ đây không chỉ còn bài toán là từ học phí và còn có nguồn thu khác như từ các nguồn tài trợ, hỗ trợ từ các doanh nghiệp và các nguồn thu từ hoạt động đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển khoa học ứng dụng để đưa vào cuộc sống.
Vì vậy, Trường Đại học Phenikaa đã đặt mục tiêu ra phát triển trở thành một trường đại học định hướng đổi mới sáng tạo. Khi đó, trường đại học không chỉ là đơn vị trung gian để tạo ra những giá trị cho cộng đồng mà thực sự cần tham gia.
Các chuỗi giá trị chính là nơi tạo ra các giá trị mới cho cộng đồng thông qua sự hình thành, tức là phát triển được những công nghệ mới, hình thành được những công ty khởi nghiệp, các startup và công nghệ... Đối với ngân sách, kinh phí cho giáo dục đại học, tôi cho rằng mức đầu tư cho giáo dục đại học còn thấp, cần nâng cao cho giáo dục đại học và để làm được điều đó thì cần cả Nhà nước, cộng đồng và hành lang pháp lý, cơ chế để giúp nhà trường có thể huy động được các nguồn lực khác nhau. Đồng thời, nhà trường có thể chủ động trong việc tạo ra những giá trị để tham gia trực tiếp vào các chuỗi giá trị toàn cầu.
Quốc hội đã ban hành Luật số 34/2018/QH14 ngày 19.11.2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật số 34). Luật số 34 là cơ sở pháp lý quan trọng thúc đẩy các cơ sở GDĐH trong cả nước thực hiện quyền tự chủ sâu và rộng hơn nữa. Đồng thời, quyền tự chủ của cơ sở GDĐH phải gắn liền với trách nhiệm giải trình để các bên liên quan và xã hội giám sát. Theo thống kê trong Hội nghị tự chủ đại học 2022 của Bộ GDĐT, cả nước có tổng cộng 141/232 trường đại học đủ điều kiện tự chủ theo quy định tại khoản 2 Điều 32 Luật Giáo dục đại học.
Thưa Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, lý do vì sao số trường chưa đủ điều kiện tự chủ vẫn còn nhiều như vậy?
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn:
Phân quyền gắn với phân trách nhiệm, kèm theo đó là kiểm soát quyền lực. Cơ chế quản trị chia sẻ quyền lực, những vấn đề quan trọng được chia sẻ, quyết định bởi quy trình, hệ thống chặt chẽ, do đó Hội đồng trường là thiết chế quan trọng trong trường đại học. Không chỉ tính với các trường quân đội, vũ trang, mà ngay trường đại học bên ngoài chưa phải phải trường nào cũng hoàn thiện. Lý do liên quan đến vấn đề quy hoạch nhân sự, và ngay trường tư thục, nhận thức vai trò của Hội đồng trường, trước kia là Hội đồng quản trị cũng có cách hiểu chưa rõ. Nhiều trường duy trì Hội đồng quản trị mà chưa thành lập Hội đồng trường. Đó là lý do thứ nhất dẫn đến các trường chưa đủ điều kiện tự chủ.
Thứ hai, một số trường chưa đủ điều kiện kiểm định, một số trường chuẩn bị điều kiện chưa chín muồi để kiểm định.
Hiện nay, chỉ có số ít trường kiểm định mà không đạt là vì các trường đăng ký kiểm định đều có chuẩn bị rồi. Do đó, muốn tự chủ các trường phải thay đổi chính bên trong, không chỉ có Hội đồng trường mà còn phải xây dựng hệ thống quản trị đại học, hệ thống văn bản, vì đã tự chủ phải thực hiện phân quyền, phân cấp trong môi trường đó làm sao xuống đến tận các giảng viên. Khi hoàn thiện xong bộ máy tổ chức, kiểm định xong mới đủ điều kiện tự chủ.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia thì mối quan hệ hữu cơ giữa ba yếu tố: “Nguồn lực - tính hệ thống - cơ chế chính sách” đối với giáo dục đại học chưa được giải quyết triệt để, bên cạnh việc đầu tư cho giáo dục đại học chưa tương xứng với quy mô, vẫn còn có sự chưa đồng bộ trong hành lang pháp lý đối với tự chủ đại học để phát huy nội lực của hệ thống. Xin ý kiến của tất cả các khách mời?
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa:
Chúng ta đang xoay quanh vấn đề hệ thống các văn bản pháp luật, đặc biệt hệ thống luật pháp tháo gỡ như thế nào để trao quyền tự chủ và giải quyết khó khăn, vướng mắc cho tự chủ đại học. Qua trao đổi từ nhiều góc độ, chúng ta thấy mối quan hệ giữa quy mô và chất lượng đào tạo; cung cấp nguồn đào tạo từ các trường với nhu cầu từ ngoài xã hội vẫn là vấn đề cần tháo gỡ. Muốn tháo gỡ được vấn đề này, yêu cầu trước hết từ hệ thống pháp luật.
Ở đây tôi muốn đề cập tới một số điểm bất cập trong hành lang pháp lý. Thứ nhất là chúng ta có luật chuyên ngành, nhưng các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục đại học còn bị chi phối bởi các luật chuyên ngành khác, như Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, sắp tới đây là Luật Đất đai (sửa đổi) và vẫn còn nhiều quy định vướng mắc.
Trong quá trình xây dựng, sửa đổi hệ thống luật pháp cần bảo đảm tính đồng bộ. Chúng tôi cũng kỳ vọng Bộ Giáo dục và Đào tạo khi được lấy ý kiến các luật liên quan thì phải nghiên cứu rất kỹ, phải xác định đây là cơ hội để giải quyết các vấn đề liên quan đến giáo dục đại học.
Trong quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung, trong đó có Luật Giáo dục đại học, cho thấy kỳ vọng của chúng ta rất lớn, mong muốn rất nhiều, nhưng nguồn lực thì không có. Nên có những quy định không khả thi khi tính đến bài toán nguồn lực. Đây là vấn đề khi hoàn thiện hệ thống pháp luật, đưa ra chính sách phải tính đến điều kiện bảo đảm, trong đó có vấn đề nguồn lực để thực hiện bảo đảm tính khả thi. Khi sửa đổi thì phải tính đến lộ trình, nguồn lực để quy định có thể thực hiện được ngay, gỡ vướng cho các trường đại học khi thực hiện tự chủ.
GS.TSKH Đặng Ứng Vận, Nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Văn phòng Chính phủ: Đây là vấn đề khó giải quyết và ở tầm vĩ mô. Tôi cũng từng có thời gian làm công tác tư vấn và thấy rằng, chúng ta cần phải có một giải pháp để nghiên cứu chính sách hiệu quả hơn. Có một khoảng trống trong nghiên cứu, giữa những nhà hoạch định chính sách và những người thực thi hay là những người nghiên cứu ở dưới các cấp cơ sở. Và rất cần một đội ngũ chuyên làm nghiên cứu chính sách nhưng lại trên cơ sở nghiên cứu về học thuật thì đang khuyết thiếu. Vì vậy, Hội đồng khoa học, Văn phòng Chính phủ đã được thành lập.
Tôi mong rằng, trong thời gian tới, một trong những điều mà chúng ta nên đẩy mạnh là khi nghiên cứu vấn đề tự chủ thì nên tổ chức những nhóm phối hợp để cùng xây dựng chính sách, được như vậy thì các cơ chế, chính sách sẽ sát với thực tiễn hơn.
GS.TS Phạm Thành Huy, Hiệu trưởng Trường ĐH Phenikaa
Tự chủ đại học của Nhà nước, của Bộ Giáo dục và Đào tạo chính là cơ hội và giờ đây trách nhiệm của chúng tôi là làm sao để khai thác hiệu quả nhất về sự đầu tư của các nhà đầu tư. Hội đồng trường làm sao để đảm bảo thực hiện đầy đủ các trách nhiệm giải trình trước cộng đồng xã hội.
Tự chủ đại học phải thực hiện tuân thủ các quy định về pháp luật, thậm chí, có những chính sách khuyến khích để các trường có thể phát huy được hơn nữa nội lực của mình. Bài toán đặt ra, làm sao để thực thi các chính sách từ Hội đồng trường, từ Ban giám hiệu đến các giảng viên, các nhân viên ở các bộ phận hành chính. Từ đó, có thể xây dựng được những chương trình đào tạo tốt, đào tạo và tự đào tạo được nguồn nhân lực, đội ngũ thầy cô tốt và cung cấp những chương trình đào tạo tốt nhất, phù hợp nhất, hấp dẫn nhất. Đối với các trường đại học tư thục mà cụ thể như Trường Đại học Phenikaa thì chúng tôi xem tự chủ đại học là một cơ hội.
PGS.TS Bùi Thế Đồi, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Lâm Nghiệp:
Trong bối cảnh hiện nay, câu chuyện tự chủ đã là xu thế và thậm chí đã có những văn bản bắt buộc như Nghị định 60/2021/NĐ-CP năm 2021 quy định về cơ chế tự chủ tài chính đối với các cơ sở, đơn vị sự nghiệp công lập và theo Thông tư 56/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.
Trường Đại học Lâm nghiệp cũng đang xây dựng đề án để hướng tới viêc tự chủ. Tuy nhiên, chuyện này không hề dễ dàng bởi cần giải quyết bài toán về đội ngũ cán bộ, viên chức của các cơ sở đào tạo, duy trì ngành nghề đào tạo hiện nay như thế nào. Rõ ràng, khi tự chủ sẽ có những ngành nghề đào tạo bắt buộc phải loại bỏ hoặc phát triển ở trong bối cảnh mới để bảo đảm cân đối được tài chính. Hoặc vấn đề giữa Ban Giám hiệu và Hội đồng trường, Đảng ủy không có sự thống nhất. Đây là một thách thức lớn.
Còn riêng đối với Trường Đại học Lâm nghiệp, rất may mắn có sự đồng thuận và chúng tôi đang trong tiến trình xây dựng đề án này theo yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn. Chúng tôi cũng chỉ xác định là sẽ đưa ra lộ trình tự chủ từng bước, không ngay lập tức tự chủ hoàn toàn. Có lẽ, đây cũng là thực trạng chung của các trường công lập.
Thưa bà Mai Hoa, bà nhìn nhận định như thế nào về triển khai thực hiện tự chủ trong giáo dục đại học hiện nay?
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa:
Trong năm 2022, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục có chuyến khảo sát về việc triển khai thực hiện tự chủ cũng như kiểm định chất lượng trong các trường đại học. Những vấn đề mà Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nêu cũng chính là điều mà trong quá trình đi giám sát, khảo sát chúng tôi đã nhận ra.
Chúng tôi thấy quá trình triển khai thực hiện tự chủ ở các trường đã đạt được một số kết quả.
Thứ nhất, tổ chức bộ máy nhân sự ở các trường tự chủ cơ bản thực hiện theo đúng quy định của luật; thành lập Hội đồng trường, hoạt động Hội đồng trường cũng đang dần đi vào nề nếp. Điều đó thể hiện rất rõ ở các trường chúng tôi đến khảo sát. Và sự phân cấp phân quyền để phát huy vai trò của Hội đồng trường, Ban giám hiệu, cũng như của Đảng ủy, có thể gọi là “thế chân kiềng”. Những trường đại học nào mà cả 3 “chân kiềng” này mạnh và giúp cho nhau để trụ vững, thì vấn đề tự chủ giải quyết gọn gàng; nhưng chỉ cần một chân hơi yếu, tầm quan trọng không được nhìn thấy rõ, thì lập tức sẽ là lực cản để thực hiện tự chủ.
Thứ hai, vấn đề tự chủ về tài chính, tài sản ở các trường đang rất khó. Một số trường như Trường Đại học Thương mại đã giải quyết được vấn đề này, trong đó có nâng cao chất lượng, giải quyết được chất lượng đội ngũ nhà giáo và thu hút nhà giáo giỏi. Tuy nhiên, một số trường vẫn loay hoay sẽ tự chủ ở mức nào. Ví dụ, tự chủ hoàn toàn đương nhiên sẽ không nhận tiền từ ngân sách Nhà nước. Nhưng nếu cắt nguồn thu thì không ổn định, mà phụ thuộc quá nhiều vào học phí. Cho nên rất nhiều trường lựa chọn phương án an toàn, tức là tự chủ một phần. Trong thời gian tới, chúng ta phải tính các phương án, gỡ khó để các trường thực sự quyết tâm để tự chủ.
Vấn đề tự chủ trước hết về chuyên môn học thuật, để tạo ra một sức sáng tạo lớn cho các trường đại học. Khi tự chủ về chuyên môn học thuật, nâng chất lượng về chuyên môn học thuật lên, ta mới tính đến câu chuyện tự chủ tài chính. Hình như giờ chúng ta đang đi quy trình ngược, trước hết tính đến tự chủ tài chính.
Tự chủ là thuộc tính của trường đại học, không phải chúng ta trao quyền mà trả lại quyền cho các trường đại học. Phải nhận thức đúng về tự chủ thực chất, thế mạnh của tự chủ, cái được của tự chủ; chuẩn bị các điều kiện để tự chủ. Nếu công tác chuẩn bị không tốt, các trường sẽ loay hoay mãi, vướng mắc chỗ này, chỗ kia. Đặc biệt, phải có quyết tâm, không phải chỉ bộ máy lãnh đạo mà đội ngũ giảng viên, cán bộ công nhân viên của trường phải có quyết tâm chính trị thật cao để vượt qua thách thức, khó khăn. Mỗi người đóng góp một phần sẽ thành công câu chuyện tự chủ.
GS. Đặng Ứng Vận đã từng trả lời trên Báo Đại biểu Nhân dân rằng, Quản trị Đại học đi liền với Chiến lược phát triển của nhà trường với 4 mảng công việc quan trọng: Xác định tầm nhìn sứ mạng, giá trị văn hóa; Xây dựng chiến lược phát triển và chính sách; Huy động nguồn lực bao gồm cả đầu tư và Xử lý rủi ro. Theo giáo sư, trong 4 mảng công việc này thì mảng nào là quan trọng nhất? Vì sao?
GS.TSKH Đặng Ứng Vận, Nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Văn phòng Chính phủ:
Theo tôi, xây dựng chiến lược phát triển là chính sách quan trọng nhất. Vì nó sẽ hiện thực hóa tầm nhìn của nhà trường, thực hiện sứ mệnh của nhà trường đối với xã hội và thúc đẩy các giá trị văn hóa của tập thể cán bộ, giảng viên, nhân viên và sinh viên của nhà trường. Đồng thời cũng đòi hỏi phải huy động nguồn lực và cũng đòi hỏi phải quản lý rủi ro.
Ngoài ra cũng đòi hỏi nhà trường phải đổi mới. Bởi vì trong bối cảnh hiện nay nếu như không đổi mới thì lập tức người khác sẽ vượt qua. Chúng ta đang đứng trước thách thức đều phải đổi mới hết và đổi mới khó nhất chính là đổi mới về đào tạo, để làm thế nào nhân lực của chúng ta hấp dẫn xã hội để tuyển sinh viên của các trường đại học về làm việc, thì lúc đó mới tăng tăng trưởng được. Đây là một thách thức rất khó khăn và là nhiệm vụ chủ yếu của Hội đồng trường. Tôi cho rằng, Hội đồng trường không nên can thiệp những công việc của Hiệu trưởng. Nhiệm vụ cũng như trách nhiệm lớn nhất của Hội đồng trường là làm thế nào để với tình hình như hiện nay, Hội đồng trường phải có quyết sách để nhà trường cần phải đổi mới điều gì, đồng thời tạo điều kiện cho đổi mới cũng như quản lý được sự đổi mới đó.
Cơ hội và giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học
Tự chủ đại học cũng giúp các cơ sở giáo dục đại học đẩy mạnh quá trình xã hội hóa giáo dục. Trách nhiệm giải trình, một nội dung quan trọng của tự chủ đại học, tại các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật số 34 đã đẩy mạnh việc quy định các cơ sở giáo dục đại học phải thực hiện công khai, minh bạch.
Tuy nhiên, hiện nay chưa có sự thống nhất về một số nội dung liên quan giữa Luật Giáo dục đại học với một số văn bản luật khác như: Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công… dẫn đến những khó khăn, vướng mắc cho các trường đại học trong quá trình thực hiện đẩy mạnh tự chủ theo Luật Giáo dục đại học nhưng vẫn phải tuân thủ, thực hiện các Luật liên quan.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa:
Chúng ta xây dựng luật mới thì không phải ngay một lúc giải quyết hết tất cả những vấn đề vướng mắc. Cho nên, chức năng nhiệm vụ của Quốc hội là tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Trong nhiệm kỳ Khóa XV, Chính phủ và Quốc hội đang đặt ra vấn đề rà soát Luật Giáo dục đại học, nghiên cứu những vướng mắc để phát hiện ra những nội dung, quy định và nếu cần sẽ sửa Luật ở điều kiện thích hợp. Tuy nhiên, quá trình rà soát Luật Giáo dục đại học sẽ phải cân nhắc là những vướng mắc nào do quy định của Luật; vướng mắc nào từ quy định của luật khác, vướng nào từ việc triển khai, tổ chức thực hiện Luật. Vướng chỗ nào, sẽ sửa chỗ đó.
Thứ hai, phải rà soát để sửa đổi các luật liên quan vào thời điểm các luật đó được đưa vào chương trình sửa luật. Như kỳ họp tới đây, chúng tôi cũng đang chuẩn bị tiếp cận một số luật, trong đó sẽ lồng ghép sửa các quy định liên quan đến giáo dục đại học. Chẳng hạn sửa Luật Đất đai, những vấn đề liên quan tới quy định đất đai cho giáo dục, trong đó có đất đai cho cơ sở giáo dục đại học, tính thuế đất, thuê đất như thế nào, cơ chế tính giá thuế đất đối với đất đai dành cho cơ sở giáo dục đại học... Chúng tôi đã có văn bản gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo và nhận được văn bản trả lời của Bộ là hiện nay đang có yêu cầu các trường tập hợp các vấn đề còn vướng mắc. Tôi nghĩ chúng ta làm kỹ đánh giá tác động từ thực tế, sẽ có tiếng nói góp ý để sửa Luật Đất đai trong thời gian tới.
Kỳ họp tới Quốc hội cũng xem xét sửa Luật Đấu thầu. Từ phản ánh của các cơ sở đại học, chúng tôi thấy các trường vướng về tổ chức kiểm định chất lượng. Các trường đang đứng trước mâu thuẫn, những tổ chức kiểm định chất lượng có năng lực tốt thì bỏ thầu lại cao, trong khi tổ chức có uy tín vừa phải, năng lực thấp thì bỏ thầu thấp. Vậy theo Luật Đấu thầu, nơi nào bỏ thầu thấp hơn thì chọn. Điều này sẽ không giải quyết câu chuyện kiểm định chất lượng cho thật chuẩn. Do đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp với Ủy ban để có tiếng nói về vấn đề này. Đây là vấn đề đặt ra không chỉ có ở Kỳ họp thứ Tư, mà là câu chuyện dài hơi ở các kỳ họp tiếp theo.
Bộ GD-ĐT đã có những giải pháp gì giúp các trường trong những vướng mắc trên thưa Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn?
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn
Trước hết, Bộ sẽ rà soát các văn bản pháp luật liên quan đến giáo dục đại học, trong đó có Luật Giáo dục đại học, các luật, nghị định có liên quan đến triển khai tự chủ đại học. Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học năm 2018 mới triển khai được 4 năm, cũng bộc lộ bất cập nhưng cần quá trình dài hơn để nhìn vấn đề sâu sắc hơn. Nếu giờ đây sửa ngay thì sẽ có những thứ hơi vội vàng, mà thực sự giáo dục đại học, tự chủ đại học đang đi đúng hướng.
Cũng có vướng mắc nằm ở văn bản pháp luật khác, vậy văn bản nào nằm trong chương trình kế hoạch sửa đổi thì chúng tôi quan tâm đề xuất sửa kịp thời. Tuy nhiên, cũng có những vướng mắc do triển khai thực hiện. Hiện chúng tôi đang sửa Nghị định 99/2019/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, Nghị định 46/2017/NĐ-CP Quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, Nghị định 86/2018/NĐ-CP quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục. Còn các thông tư trong thẩm quyền của Bộ, có bất cứ khó khăn gì chúng tôi sửa ngay, để kiến tạo thúc đẩy các trường phát triển.
Vai trò quản lý Nhà nước thì nắm quyền quản lý, còn những gì thuộc quyền của các trường thì trao cho các trường. Thực ra, nhiều vấn đề do khâu triển khai thực hiện, không hẳn nằm ở văn bản pháp luật. Chúng tôi tổ chức hội nghị, hội thảo giao ban, trực tiếp triển khai tại cơ sở. Như mối quan hệ Đảng ủy, Hội đồng trường, Ban giám hiệu thuộc về nhận thức trong triển khai, không phải trường nào cũng sẵn sàng. Một số trường triển khai thực hiện thí điểm theo Nghị quyết 77/NQ-CP năm 2014 về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014-2017, vẫn có những trường vướng mắc. Chúng tôi cũng hướng dẫn để các cơ sở dần hoàn thiện cơ chế này, nhưng làm sao để phân rõ quan hệ vai trò chức năng của các bên, phân cấp để thực hiện tốt với những gì đang có, đồng thời có rà soát để đưa vào lộ trình kế hoạch, đề nghị sửa những văn bản luật, nghị định liên quan, từng bước một.
Là trường ĐH Tư thục, quan điểm của Trường ĐH Phenikaa như thế nào kiến nghị giải pháp gì thưaGS Phạm Thành Huy?
GS.TS Phạm Thành Huy, Hiệu trưởng Trường ĐH Phenikaa:
Việc chúng ta làm việc, cộng sự với trường đại học ở nước ngoài trên đất nước Việt Nam rất quan trọng, bởi qua đó chúng ta học hỏi, làm quen với môi trường quốc tế. Tuy nhiên, hiện nay các quy định về việc lao động rất phức tạp. Cụ thể, tại Trường ĐH Phenikaa gần đây đã có một số lượng đáng kể các giảng viên là người nước ngoài. Tuy nhiên, quá trình làm thủ tục giấy tờ rất vất vả. Tôi được biết là các trường được giao tự chủ như Đại học Bách khoa, Đại học Kinh tế có nhiều chính sách, quyền trong việc tiếp nhận các giảng viên, các nhà nghiên cứu trình độ cao và người nước ngoài.
Chúng tôi rất mong muốn, chính sách tương tự cũng có thể được áp dụng đối với các trường đại học tư thục, những trường đang thực sự muốn vươn lên không chỉ trong nước mà còn tiếp cận với các trường đại học khu vực và quốc tế.
Thưa GS Đặng Ứng Vận, ông đã từng chia sẻ về việc tạo dựng các hệ sinh thái cho nhà trường để phát triển. Vậy hệ sinh thái trong các trường đại học như thế nào?
GS.TSKH Đặng Ứng Vận, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Văn phòng Chính phủ:
Đối với trường đại học, hệ sinh thái bao gồm các thành phần sống gồm có cán bộ, giảng viên, nhân viên, người học và các thành phần khác như là học liệu, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học bao gồm cả công nghệ thông tin và các phương tiện khác. Nhưng quan trọng, hệ sinh thái là một hệ mở, nó cần trao đổi cả vật chất, cả năng lượng và cả tinh thần đối với cộng đồng mà nó tồn tại.
Để có hệ sinh thái giáo dục bền vững thì hệ thống chứa đựng những dòng chảy trao đổi liên tục và hài hòa giữa các chủ thể giáo dục với nhau, giữa chủ thể giáo dục và môi trường giáo dục, tức là giữa bên trong và bên ngoài nhà trường. Tất cả các yếu tố đầu vào sẽ ảnh hưởng tới đầu ra, tất cả các yếu tố môi trường bao gồm các bên liên quan, nếu có ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và quá trình học tập, đây là về nguyên lý của hệ sinh thái giáo dục.
Vì vậy, bất cứ một khâu nào đó trong quá trình trao đổi bị ngưng trệ thì hệ sinh thái sẽ bị suy giảm và ảnh hưởng đến sự phát triển của nhà trường. Điều này thể hiện rất rõ trong bộ tiêu chí kiểm định chất lượng hiện nay. Chúng ta rất quan tâm đến mối quan hệ giữa nhà trường với xã hội.
Ngoài ra, có một yếu tố rất quan trọng trong hệ sinh thái giáo dục đại học chính là Nhà nước. Nhà nước thực ra cũng là một trong các bên liên quan của trường đại học nhưng là một bên liên quan đặc biệt, vì Nhà nước hiện nay đặt hàng cho hệ thống giáo dục đại học, Nhà nước hoạch định chính sách, Nhà nước đưa ra các quy định, Nhà nước giám sát... đối với hệ thống giáo dục đại học. Đây là chiều từ Nhà nước sang các trường đại học. Vậy với chiều ngược lại, trao đổi ngược lại, tôi cho rằng, phần này nên được tăng cường để đảm bảo sự hai chiều sẽ thông thoáng.
Những nghiên cứu về chính sách rất nên được phối hợp giữa các cơ quan quản lý, giữa Nhà nước với các trường đại học. Nghiên cứu chính sách phức tạp hơn việc đưa ra một văn bản, chính sách để lấy ý kiến, nghiên cứu chính sách phải bắt đầu từ nghiên cứu tác động, đánh giá về rất nhiều mặt và phức tạp.
Nếu như đẩy mạnh được dòng chảy về phía ngược, tức là đóng góp của các trường đại học vào chính việc hoạch định chính sách cho các trường đại học ở cấp Nhà nước, thì hệ sinh thái sẽ được hài hòa hơn, dòng chảy cân bằng cả hai phía và chắc chắn giáo dục đại học sẽ phát triển mạnh hơn.
Như các khách mời đã nhận định, đầu tư cho giáo dục đại học chưa tương xứng với quy mô và chất lượng, vậy cần có giải pháp hay đề xuất gì với Quốc hội và Chính phủ đối với ngân sách dành cho giáo dục đại học trong các năm tiếp theo?
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn
Quan điểm của Đảng và chính sách của Nhà nước đã rõ: Giáo dục là quốc sách hàng đầu. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học công nghệ là đột phá chất lượng, mà nhân lực chất lượng cao, khoa học công nghệ là sứ mệnh của giáo dục đại học. Chúng tôi đã đưa vào đề xuất dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn đến 2030, tầm nhìn 2045 mức chi cho giáo dục đại học từng bước bằng mức trung bình của khu vực về tỷ lệ GDP.
Thứ hai, muốn nâng cao hiệu quả đầu tư của Nhà nước phải minh bạch hóa. Minh bạch tất cả khoản thu, khoản chi của các cơ sở đại học trực thuộc các bộ ngành, các địa phương thì mới tính được chi như thế nào cho hiệu quả.
Thứ ba, trên cơ sở đó Nhà nước thực hiện đúng theo Luật. Mới đào tạo giáo viên thực hiện được theo Nghị định 116, còn lại các ngành khác như nông, lâm, ngư nghiệp, ngành khoa học cơ bản, đào tạo sau đại học vẫn chưa có.
Thứ tư, chính sách hỗ trợ trực tiếp người học chuyển từ chi thường xuyên sang chi hỗ trợ trực tiếp người học, đặt hàng và giao nhiệm vụ đã có quy định nhưng chúng tôi nghĩ rằng cần mở rộng hơn nữa đối tượng, với cơ chế ưu đãi hơn. Đây là chính sách rất hiệu quả. Việc đầu tư đặt hàng phải theo cơ chế cạnh tranh, tập trung những ngành, trường tạo sức mạnh lan tỏa.
Đây là vấn đề đã được quy định trong Luật, vấn đề là triển khai cụ thể như thế nào cho hiệu quả. Tuy vậy, nếu được ghi vào văn bản cụ thể mức chi bao nhiêu % hàng năm thì có căn cứ, có lộ trình tăng ngang bằng các nước trong khu vực từ nay đến 2030, sẽ là thuận lợi cho các bộ, ngành. Bên cạnh đó là kinh phí đầu tư cho khoa học công nghệ, Bộ rất quan tâm vì hiện lực lượng nghiên cứu chính nằm trong các cơ sở giáo dục đại học là chủ yếu. Vấn đề là làm sao kinh phí ấy bớt trung gian để đưa về các trường. Lúc đó các trường có thế mạnh sẽ có nguồn lực phát triển nhanh hơn.
GS.TSKH Đặng Ứng Vận, Nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Văn phòng Chính phủ:
Theo tôi, sẽ không có quốc gia nào có thể bao cấp hết được cho giáo dục đại học, kể cả những quốc gia rất giàu. Đây là vì tính theo khái niệm về phúc lợi xã hội, giáo dục nào là phúc lợi xã hội thì Nhà nước phải lo. Nhưng riêng giáo dục đại học bây giờ không được coi là phúc lợi xã hội nữa. Bởi vì nó gắn chặt với việc làm, gắn chặt với các doanh nghiệp đểđầu tư cho doanh nghiệp. Vì vậy, tôi cho rằng nên đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục đúng nghĩa, tức là huy động nguồn lực xã hội cho giáo dục gồm cả nhân lực, vật lực, tài lực và đặc biệt là nên có cơ chế để sao cho các doanh nghiệp có thể đầu tư được vào các trường công. Có thể thấy rằng, hiện nay huy động nguồn lực của các trường tư rất hiệu quả và khi các doanh nghiệp đã tham gia vào trong giáo dục đại học kết quả đạt sẽ rất tốt, vấn đề là làm sao để hỗ trợ hệ thống công lập hoạt động hiệu quả hơn.
PGS.TS Bùi Thế Đồi, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Lâm Nghiệp Việt Nam
Như tôi đã đề cập, tự chủ là một vấn đề tương đối khó và cũng cần có lộ trình đối với mỗi trường học. Mỗi cơ sở đào tạo, mỗi trường sẽ có những giải pháp, có hướng đi riêng. Rất khó để chúng ta tìm ra một công thức chung trong vấn đề này.
Đối với Trường Đại học Lâm nghiệp, chúng tôi cũng khẳng định rằng, đây là vấn đề về chính sách ở tầm vĩ mô như các đại biểu đã nhận định. Chúng tôi mong muốn, các luật cần sửa đổi các quy định cho đồng bộ, cùng lúc, tránh khó khăn trong quá trình vận hành.
Tôi cho rằng, hiện nay khi những quy định về vấn đề tự chủ đối với các trường công lập còn những hạn chế thì các trường cần chủ động tìm giải pháp phù hợp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên,… để khi sinh viên ra trường ở những lĩnh vực, ngành nghề khác nhau đều có thể hoà nhập được với các bối cảnh, yêu cầu mới. Muốn vậy, các trường cần có sự liên thông, trao đổi với nhau để giúp “sản phẩm đầu ra” ở một mặt bằng chung.
Vấn đề cuối cùng, việc nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ giảng dạy phải luôn được chú trọng. Mặc dù là một trường với lĩnh vực nhỏ là lâm nghiệp, nhưng chúng tôi cũng rất quan tâm đến các công bố về quốc tế. Chúng tôi luôn luôn đứng trong tốp 50-60 về công bố quốc tế. Đội ngũ các Giáo sư, Phó Giáo sư của nhà trường cũng khá đông và chúng tôi hoàn toàn bảo đảm chất lượng của đội ngũ cán bộ giảng dạy và không ngừng nâng cao chất lượng cho những sinh viên khi ra trường.
Thưa các khách mời, bên cạnh những khó khăn và thách thức mà các chuyên gia vừa nói thì hiện nay chắc hẳn giáo dục đại học Việt Nam có nhiều cơ hội lớn trong giai đoạn phát triển tới đây?
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn:
Sự quan tâm, đường lối của Đảng có ý nghĩa rất quan trọng, trên cơ sở đó hoàn thiện hành lang pháp lý. Từ đó, các trường đại học khơi thông nguồn lực. Yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội những năm tới chắc chắn nhu cầu nguồn nhân lực rất lớn, với trình độ đại học trở lên. Xu hướng chuyển dịch đầu tư của các tập đoàn lớn đã thể hiện rõ. Do đó, chúng ta phải tranh thủ những ngành công nghệ liên quan đến vi mạch, chip, công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo... là cơ hội lớn để khai thác.
Cùng với đó, nhu cầu học tập của người dân tăng, kèm theo khả năng chi trả của người dân tăng dần, đây cũng là cơ hội. Chúng ta không thể hy vọng một ngày có bước nhảy vọt nhưng đã có chuyển động lớn những năm qua. Quan trọng nhất là từng trường đã ý thức được việc tập trung chất lượng, từ đó mở rộng quy mô.
Chính sự phát triển của khoa học công nghệ, công nghệ thông tin, công nghệ số cũng tạo cơ hội để một mặt tăng chất lượng và mặt khác tăng quy mô. Đây là thách thức cũng là cơ hội lớn: đổi mới phương thức dạy và học, thay đổi từ người thầy, thay đổi cách tiếp cận, ứng dụng công nghệ cho hiệu quả. Làm tốt được vấn đề này, thì góp phần nâng cao quy mô, chất lượng giáo dục. Xã hội rất quan tâm đầu tư cho giáo dục đại học, các tập đoàn sẵn sàng đứng ra đầu tư phi lợi nhuận, đó là cơ hội để hệ thống giáo dục đại học có bước phát triển. Đổi mới sáng tạo, hoạt động từ đào tạo đại học gắn với nghiên cứu, dần dần các trường đã nhìn nhận rõ rằng trường đại học không chỉ là nơi đào tạo nhân lực mà còn là trung tâm đổi mới sáng tạo, tạo giá trị cho xã hội, phục vụ cộng đồng xã hội. Giá trị đào tạo được thúc đẩy với tinh thần khởi nghiệp của sinh viên, với người thầy đam mê khoa học có những sản phẩm để đưa vào cuộc sống, với đầu tư thỏa đáng, chúng tôi thấy cơ hội của giáo dục đại học Việt Nam rất lớn thời gian tới.
GS.TSKH Đặng Ứng Vận, Nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Văn phòng Chính phủ:
Tốc độ phát triển kinh tế và chất lượng phát triển kinh tế Việt Nam chính là cơ hội. Chất lượng kinh tế phát triển tăng, đòi hỏi nhân lực trình độ cao càng tăng, đây chính là cơ hội rất lớn. Hiện nay, trong bối cảnh Việt Nam đang phát triển kinh tế với tỷ lệ GDP tăng cao, các vận động về số hóa, tự động hóa... cho thấy chúng ta đang phát triển đúng hướng, không chỉ có quy mô mà còn cả về chất lượng của nền kinh tế. Điều này đòi hỏi trình độ nhân lực ngày càng cao hơn. Và nếu các trường đại học có thể đào tạo được nguồn nhân lực không chỉ biết làm thuê mà còn có thể khởi nghiệp thành công thì chắc chắn giáo dục đại học sẽ phát triển.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa:
Đầu tư tài chính cho giáo dục đại học đang rất thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới là nguyên nhân tác động tới chất lượng đại học chưa như chúng ta mong muốn. Tuy nhiên, đầu tư cho giáo dục nói chung theo Luật Giáo dục hiện nay là 20% tổng chi ngân sách Nhà nước. Đây là sự cố gắng nỗ lực. Nếu chúng ta tính rằng sẽ gia tăng nhiều hơn 20%, chắc là trong những năm tới đây sẽ khó khả thi. Cho nên chúng ta sẽ phải tính toán trong tổng 20% (nhưng hiện nay chưa đạt được, mới 17-18%). Chúng ta cứ đi trong vòng ngân sách cho phép, cố gắng hàng năm bảo đảm 20% ngân sách chi cho giáo dục. Chúng ta phải tăng dần tỷ trọng cho giáo dục đại học theo đúng yêu cầu đặt ra là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Nhưng muốn như vậy, phải tính được hiện nay cách phân bổ hợp lý hay không hợp lý, ở các khâu nào. Đây là bài toán khó, bởi chúng ta đang phân cấp ngân sách, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang chỉ quản lý một phần, các địa phương cũng đang nắm ngân sách dành cho giáo dục. Cho nên đây là câu chuyện lớn. Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cũng muốn nghiên cứu dòng tiền cho giáo dục chảy như thế nào. Đây là câu chuyện khó, khó nhưng vẫn phải làm.
Chúng ta phải tính trong 20% ngân sách Nhà nước theo Luật quy định chi cho giáo dục, tính hợp lý của nó ra sao, thì mới tính được ngân sách chi cho giáo dục đại học đang thấp, thấp như thế nào phải có những con số cụ thể. Còn bây giờ nhận định mới ở mức độ tương đối.
Ngân sách dành cho giáo dục đại học đang ít thì phải tính tới chuyện đầu tư hiệu quả. Có vẻ mâu thuẫn khi muốn mở rộng quy mô, muốn nâng cao về chất lượng, mà các trường đại học đều lấy từ ngân sách Nhà nước. Nếu ta phát triển hệ thống các trường tư thục chất lượng cao để thu hút nguồn đầu tư của xã hội, dòng tiền của đối tượng học mà có thể chi trả, thì ta cứ giải quyết; còn ngân sách sẽ tập trung cho ngành đào tạo mà khối tư nhân không tham gia vào và những ngành đào tạo Nhà nước cần. Đó là giải quyết vấn đề trước mắt, còn lâu dài thì chúng ta phải tính đến phải tăng đầu tư thêm.
Đầu tư cho giáo dục đại học thay đổi rất nhiều. Nếu 5-10 năm trước, câu chuyện đầu tư cho giáo dục phi lợi nhuận ở Việt Nam không có, nhưng nay đã khác. Và hy vọng sẽ có nhiều nhà doanh nghiệp tiếp cận theo hướng này để chúng ta có nguồn lực cho giáo dục.
Câu chuyện xã hội hóa giáo dục là câu chuyện đã đề cập tới rất lâu. Nhưng trong bối cảnh những năm gần đây, khi xã hội hóa mạnh, nguồn lực đầu tư cho giáo dục đại học sẽ được xứng tầm. Bên cạnh đó, dư địa để các trường đại học khai thác chính là nguồn học sinh đang rất lớn. Theo báo cáo tháng 8.2022 của Ngân hàng thế giới, khả năng tiếp cận sau phổ thông ở Việt Nam mới chỉ đạt 30%. Chúng ta muốn có nguồn nhân lực chất lượng cao, con số này phải tăng hơn. Rõ ràng, chỉ cần các trường đại học nâng cao chất lượng đào tạo đúng hướng, thì sự đầu tư của xã hội vào giáo dục đại học không thiếu, khi mức sống, thu nhập của người dân cao hơn. Đặc biệt nếu các trường có thương hiệu, có vị thế, chúng ta còn thu hút nguồn đầu tư đi học ở nước ngoài quay trở lại học ở đất nước chúng ta. Tôi thấy dư địa này là cơ hội.
GS.TS Phạm Thành Huy, Hiệu trưởng Trường ĐH Phenikaa:
Tôi muốn khẳng định rằng, những gì mà các trường đại học đang làm ngày hôm nay, kết quả của nó sẽ chỉ đến sau 5, 10 năm. Chính vì vậy, cần có sự hoạch định một cách đúng đắn và đặc biệt là các chính sách của Nhà nước để hỗ trợ sự phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Chúng ta không chỉ bàn đến bậc đại học mà cần tập trung hơn nữa vào đào tạo sau đại học (thạc sĩ, tiến sĩ).
Một vấn đề nữa cần nhìn nhận, các trường đại học hàng đầu ở nước ta so với các trường đại học trong khu vực vẫn còn chưa theo kịp. Cụ thể, số lượng các giáo sư, phó giáo sư, các nhà khoa học xuất sắc chưa nhiều. Và để tạo ra những ngành công nghệ mới có tác động làm thay đổi hoặc phát triển các lĩnh vực mới, hoặc là tạo ra những sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp thì việc hội tụ tập trung được một lực lượng đủ lớn các nhà khoa học là cần thiết.
Để làm được điều đó, trước tiên, các trường đại học cần phát triển mạnh hệ sinh thái đổi mới sáng tạo với nền tảng là các nhóm nghiên cứu phát triển, mạnh hơn nữa là trung tâm nghiên cứu, các tổng công ty khởi nghiệp trước khi được đưa ra đầu tư một cách toàn diện ở các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, về mặt chính sách, chúng ta dựa trên các cơ sở dữ liệu hôm nay để dự đoán sự phát triển trong tương lai, từ đó đưa ra những chính sách phù hợp hội tụ được các nguồn lực trong các trường đại học. Từ đó, các trường đại học có thêm cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, tạo ra được những tác động lớn không chỉ về mặt khoa học công nghệ mà còn cả trong các chính sách an sinh xã hội của Nhà nước.
PGS.TS Bùi Thế Đồi, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Lâm Nghiệp Việt Nam
Chúng ta cần tạo ra một nguồn lực có trình độ cao phục vụ cho sự phát triển của đất nước. Chúng tôi thấy rằng, có những ngành nghề hiện nay trong năm 10 năm nữa khả năng là không có người lao động. Thậm chí, đến lúc đó chúng ta phải thuê mướn hoặc là tuyển dụng lao động các nước lân cận như: Lào, Campuchia. Do vậy, chúng tôi thấy rằng, đầu tư cho giáo dục, nhất là đối với những ngành nghề đặc thù của Việt Nam là rất cần thiết.
Chúng ta thấy rằng, những năm gần đây, thiên tai ở các vùng như Quảng Nam, Nghệ An lũ lụt lớn một phần vì chúng ta thiếu hụt một đội ngũ quản lý và bảo vệ, duy trì rừng và khi mất rừng sẽ dẫn đến lũ quét, thiên tai.
Tôi cho rằng, đầu tư phải xuất phát từ thực tiễn hiện nay và Nhà nước cần quan tâm đầu tư hơn nữa đến những lĩnh vực giáo dục trình độ đại học. Về cơ hội phát triển những ngành nghề đặc thù như nông, lâm nghiệp, tôi cho rằng chúng ta hoàn toàn có cơ hội trong bối cảnh hiện nay từ những chính sách của Nhà nước, đặc biệt là Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng rất sát sao với công tác này.
Ở các trường công lập, chúng tôi cũng nhận thấy nhiều cơ hội mới khi nhận thức của người dân, nhận thức của cử tri về lĩnh vực đào tạo trình độ đại học đã phát triển hơn nhiều. Có thể là một người nào đó có nhiều cơ hội để tìm kiếm việc làm, nhưng việc làm ở trình độ đại học chắc chắn là sẽ tốt hơn. Chúng ta cần phải làm cho người dân quan tâm, chú trọng hơn vấn đề đào tạo trình độ đại học thì tương lai đất nước sẽ rạng rỡ hơn.