Góc nhìn đa chiều về xã hội hóa sách giáo khoa

BẢO TRÂM 07/11/2022 06:34

Sách giáo khoa luôn thu hút sự quan tâm lớn của dư luận xã hội bởi đây là mặt hàng đặc thù, thiết yếu phục vụ công tác giáo dục - lĩnh vực liên quan trực tiếp và chặt chẽ nhất tới đời sống. Đặc biệt, khi sách giáo khoa được Quốc hội xem xét đưa vào danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá khi sửa đổi Luật Giá đã khiến diễn đàn về sách giáo khoa xã hội hóa được dịp “nóng” trở lại.

Nhìn lại chặng đường xã hội hóa sách giáo khoa

Tại Tọa đàm “Sách giáo khoa và câu chuyện xã hội hóa giáo dục”, do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức mới đây, đã ghi nhận ý kiến của đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà quản lý giáo dục, cử tri về các vấn đề liên quan sách giáo khoa hiện nay, đặc biệt với câu chuyện về giá cả mặt hàng đặc thù này. Các góc nhìn về vấn đề xã hội hóa sách giáo khoa (SGK) nói riêng cũng như câu chuyện xã hội hóa giáo dục nói chung đã được các đại biểu đưa ra bàn thảo, sâu sắc và cởi mở.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại buổi tọa đàm.
Các đại biểu tham dự tọa đàm. Ảnh: Kim Thoa

Hiện thực hóa tinh thần Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, giáo dục đã ghi nhận bước chuyển mình tích cực, với sự góp mặt của các bộ sách giáo khoa mang tên “Xã hội hóa”. Kết quả bước đầu cho thấy, thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK là chủ trương đúng đắn, phù hợp với xu thế giáo dục hiện đại, huy động các lực lượng xã hội tham gia chia sẻ, giảm tải gánh nặng cho ngân sách nhà nước trong lĩnh vực đầu tư công cho giáo dục.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thị Kim Thúy nhận định: Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội và Luật Giáo dục quy định xã hội hóa việc biên soạn SGK, đây là chủ trương hết sức đúng đắn, mang tính đột phá, chuyển từ cơ chế độc quyền sang cơ chế xã hội hóa, nhằm khai thác, phát huy, sử dụng nguồn lực xã hội có hiệu quả và đáp ứng được yêu cầu của phát triển.

Tuy nhiên, việc xã hội hóa gặp nhiều khó khăn bước đầu bởi khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, có nhiều ý kiến cho rằng chỉ nên có một bộ SGK. Cùng đó, quy định xã hội hóa nhưng việc biên soạn SGK chưa có chính sách khuyến khích gì kèm theo. Nghị quyết số 88/2014/QH13 giao cho các cơ sở giáo dục phổ thông chọn SGK, tuy nhiên Luật Giáo dục quyết định giao việc chọn SGK cho UBND cấp tỉnh. Điều này ảnh hưởng phần nào đến việc được chọn một bộ sách ưng ý đối với giáo viên, học sinh của các cơ sở giáo dục phổ thông.

Đồng quan điểm với Phó Chủ nhiệm Nguyễn Thị Kim Thúy, Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho rằng: Trước hết, chúng ta khẳng định Nghị quyết số 88/2014/QH13 là một chủ trương đúng, kịp thời, phù hợp xu thế thế giới, và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, điều kiện các nhà xuất bản, ngành giáo dục trong việc thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Đảng. Đến thời điểm này kết quả của chủ trương xã hội hóa đó đạt được trên 4 nội dung:

Một là, xóa bỏ độc quyền trong in ấn, biên soạn, phát hành SGK từ nhiều năm nay. Đến thời điểm này, sau 1 thời gian ngắn chúng ta có 7 nhà xuất bản tham gia biên soạn, in ấn, phát hành SGK;

Hai là, huy động lực lượng các nhà giáo, nhà khoa học, chuyên gia tham gia biên soạn, thẩm định SGK, tạo nên lực lượng trí thức không chỉ phục vụ nhiệm vụ trước mắt mà còn là lâu dài, với khoảng 1500 các nhà giáo, nhà khoa học trình độ cao;

Ba là, giúp cho học sinh, giáo viên có cơ hội lựa chọn các bộ sách phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội, đặc điểm vùng miền, nhận thức;

Bốn là, giảm bớt gánh nặng trong đầu tư công của Nhà nước về lĩnh vực này. Bởi vì tính riêng về biên soạn SGK ước tính cần đến hơn 300 tỉ đồng, chưa tính các chi phí tập huấn, giáo viên, chi phí khác khoảng 400 tỉ đồng/bộ, nếu có khoảng 3 bộ thì đã rơi vào hơn 1.000 tỉ đồng.

Trong đó, quan trọng nhất là cơ hội lựa chọn làm nên chất lượng giáo dục. “Tôi đồng tình với ý kiến Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thị Kim Thúy, rằng xã hội hóa sách giáo khoa nói chung còn tồn tại khiếm khuyết. Với trách nhiệm của Bộ, chúng tôi sẽ tiếp tục tiếp thu, chỉnh sửa trên phương diện quản lý nhà nước” - Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh. 

Đi tìm lời giải cho cơ chế xã hội hóa sách giáo khoa

Tại tọa đàm, câu chuyện về giá cả mặt hàng SGK được phân tích rất kỹ bởi đây là mối quan tâm lớn của dư luận xã hội.

Các đại biểu nhất trí cho rằng: Nghị quyết 88 của Quốc hội và Luật Giáo dục quy định xã hội hóa việc biên soạn SGK là chủ trương đúng đắn, mang tính đột phá, chuyển từ cơ chế độc quyền sang cơ chế xã hội hóa; nhằm khai thác, phát huy, sử dụng nguồn lực xã hội có hiệu quả và đáp ứng được yêu cầu của phát triển giáo dục; Bởi vậy, Nhà nước cần cân nhắc kỹ lưỡng khi đưa mặt hàng này vào danh mục hàng hóa được định giá; Cần có các chính sách phù hợp để tạo thế cạnh tranh công bằng, lành mạnh, khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân tham gia tích cực hơn nữa vào thị trường sách giáo khoa xã hội hóa.

Quang cảnh Toạ đàm
Quang cảnh Toạ đàm

Theo Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Phạm Ngọc Thưởng, về định giá SGK, quan trọng là những nguyên tắc, phương pháp định giá, song quan trọng nhất là làm sao vẫn tạo động lực cho các nhà xuất bản, huy động tối đa nguồn lực của các nhà khoa học tham gia. Các nhà xuất bản nên yên tâm về chủ trương của Nhà nước. 

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam cho rằng: Chúng ta vẫn để cho các nhà xuất bản quy định giá theo cơ chế thị trường nhưng chúng ta không thể để các doanh nghiệp muốn định giá ra sao cũng được. Chúng ta có những quy định, hành lang pháp lý mà các nhà xuất bản phải tuân thủ khi định giá. Trước hết, phải tuân theo quy định về chi phí và dựa vào phương pháp định giá chung do Bộ Tài chính ban hành. Còn nguyên tắc định giá chúng ta phải tuân theo các hạng mục cụ thể trong sản xuất mà các nhà xuất bản phải chi ra và có mức lợi nhuận phù hợp để tái đầu tư theo quy định của Điều 20, Luật Giá hiện hành.

Căn cứ định giá là giá thành toàn bộ, chất lượng của SGK và lợi nhuận và bao gồm các yếu tố cấu thành giá như sau: Chi phí nguyên vật liệu, tiền công thiết kế, xây dựng bản thảo, biên tập, chi phí khấu hao tài sản cố định, maketing, phát hành, in ấn… Đây là những khoản mà các công ty sản xuất sách được phép tính vào giá thành.

“Nhà nước có 2 cách kiểm soát, một là kiểm soát trực tiếp hai là gián tiếp nhưng chỉ áp dụng với sản phẩm độc quyền, còn với sản phẩm xã hội hóa cần có thêm các cơ chế khác để phù hợp”- ông Nguyễn Tiến Thỏa nêu quan điểm.

Thực tế, giá SGK có phạm vi ảnh hưởng rất rộng, tác động trực tiếp đến người dân, trong đó có người thu nhập thấp. Vì vậy, cần có những quyết sách phù hợp để ổn định thị trường SGK, khuyến khích khối tư nhân tham gia, tạo sự cạnh tranh công bằng, minh bạch đối với thị trường này.

Về vấn đề định giá sách giáo khoa, phương án thứ nhất, chỉ định giá với SGK do doanh nghiệp Nhà nước sản xuất. Bởi theo lẽ thông thường, người ta chỉ có thể định giá tài sản thuộc sở hữu của mình, hoặc là mặt hàng do mình sản xuất ra. Vì vậy, nếu định giá, Nhà nước chỉ có thể định giá đối với SGK của doanh nghiệp nhà nước. Quy định như vậy cũng không lo SGK của doanh nghiệp tư nhân sẽ có giá cao hơn. Vì một mặt SGK của các doanh nghiệp này vẫn thuộc diện kê khai giá, mặt khác, các doanh nghiệp này cũng phải tham chiếu giá SGK của doanh nghiệp Nhà nước để có tính cạnh tranh.

Phương án thứ hai, trong luật chỉ quy định các mặt hàng được định giá, trong đó có SGK. Rồi giao cho Chính phủ quy định khung giá phù hợp với từng thời kỳ, trong đó quy định giá tối đa để bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng, quy định giá tối thiểu để bảo đảm tính cạnh tranh lành mạnh. Quy định này sẽ nhất quán với Điều 11 của Luật Giá hiện hành, đó là tổ chức cá nhân sản xuất kinh doanh có quyền tự định giá hàng hóa dịch vụ do mình sản xuất, kinh doanh, trừ hàng hóa dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa dịch vụ do Nhà nước định giá và quyết định được giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ do mình sản xuất kinh doanh, mà Nhà nước quy định khung giá, giá tối đa, giá tối thiểu.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thị Kim Thúy

    Nổi bật
        Mới nhất
        Góc nhìn đa chiều về xã hội hóa sách giáo khoa
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO