Giáo dục đại học: Tìm cơ hội vượt thách thức

- Thứ Tư, 19/10/2022, 06:49 - Chia sẻ

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, phát triển khoa học - công nghệ, các đại biểu tham dự tọa đàm trực tuyến “Giáo dục đại học - Thách thức và cơ hội” do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức chiều 18.10, cho rằng giáo dục đại học Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức, nhưng ở khía cạnh nào đó vẫn có cơ hội từ các chính sách của Nhà nước.

Bước chuyển mình mạnh mẽ

Qua giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục đại học, cũng như các hội thảo giáo dục về chủ đề giáo dục đại học do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tổ chức những năm vừa qua, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoacảm nhận giáo dục đại học Việt Nam đã có bước chuyển mình mạnh mẽ để đáp ứng kỳ vọng của Đảng, của Nhà nước, của xã hội về giáo dục đại học”.

Ba điểm nhấn được bà Nguyễn Thị Mai Hoa nêu ra là: hệ thống quy phạm pháp luật ngày càng hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý đủ để giáo dục đại học vừa mở rộng quy mô, nhưng phát triển đúng hướng và từng bước vững chãi; chất lượng giáo dục đại học từng bước được nâng lên, thứ hạng các cơ sở giáo dục đại học tăng trên các bảng xếp hạng khu vực và thế giới; sự đổi mới trong quản trị giáo dục đại học, trả lại tự chủ đại học đúng ý nghĩa của nó.

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Mai Hoa, “qua giám sát chúng tôi cũng thấy còn nhiều vấn đề cần quan tâm”. Đầu tiên là một số bất cập trong hệ thống quy định pháp luật về giáo dục đại học “càng gỡ càng khó, nảy sinh vấn đề ở luật này luật kia”. Thứ hai, chất lượng giáo dục đại học Việt Nam nếu so với khu vực và thế giới vẫn bị bỏ quá xa. Thứ ba, tỷ lệ nhân lực qua đào tạo đại học thấp hơn các nước nhiều, chưa nói tới chất lượng sinh viên ra trường có đáp ứng nhu cầu xã hội không. Thứ tư, chúng ta đang hướng tới tự chủ đại học, nhưng phải là tự chủ thực chất chứ không phải tự chủ trên giấy tờ.

Bổ sung vào “bức tranh sinh động” về giáo dục đại học Việt Nam từ góc nhìn của cơ quan quản lý, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết, điều đáng mừng là số lượng và chất lượng giáo dục đại học tốt hơn. Tuy vậy, chất lượng giữa các trường chưa đồng đều; quy mô đào tạo, yêu cầu nhân lực chất lượng cao chưa tương xứng… “Trong bối cảnh toàn cầu hóa, phát triển khoa học - công nghệ mạnh mẽ, dịch chuyển cơ cấu kinh tế, sự biến động không đoán định được, giáo dục đại học phải nắm được yêu cầu của thế giới, của công nghệ, không chỉ phát triển về chất lượng mà còn phải tăng quy mô. Đây là thách thức lớn”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nói.

Ở góc độ cơ sở giáo dục đại học, GS.TS Phạm Thành Huy, Hiệu trưởng Trường ĐH Phenikaa nhìn nhận, cùng với sự phát triển nhanh của khoa học - công nghệ, sự thay đổi ngành, nghề nhanh, các ngành, đơn ngành dường như đang được thay thế bằng những các lĩnh vực mới, đa ngành. Chính vì vậy, đòi hỏi khả năng đáp ứng nhanh của các trường đại học, phải thay đổi về phương thức giảng dạy, về nguồn lực cho đào tạo.

Giáo dục đại học: Tìm cơ hội vượt thách thức -0
Các đại biểu dự tọa đàm
Ảnh: Duy Thông

Gỡ “nút thắt” về giáo dục đại học

Để gỡ các vướng mắc trong giáo dục đại học hiện nay, theo bà Nguyễn Thị Mai Hoa, yêu cầu trước hết phải từ hệ thống pháp luật. Giáo dục đại học có luật chuyên ngành, nhưng các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục đại học lại bị chi phối bởi các luật chuyên ngành khác như Luật Đầu tư công, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công… sắp tới là Luật Đất đai (sửa đổi) và vẫn còn nhiều quy định vướng mắc. “Chúng tôi kỳ vọng Bộ Giáo dục và Đào tạo khi được lấy ý kiến các luật liên quan thì phải nghiên cứu rất kỹ, xác định đây là cơ hội để giải quyết các vấn đề liên quan đến giáo dục đại học".

GS.TSKH Đặng Ứng Vận, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Văn phòng Chính phủ cho rằng, sẽ không quốc gia nào có thể bao cấp hết được cho giáo dục đại học, kể cả những quốc gia rất giàu. Do đó, nên đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục đúng nghĩa, tức là huy động nguồn lực xã hội cho giáo dục, gồm cả nhân lực, vật lực, tài lực và đặc biệt là nên có cơ chế để doanh nghiệp có thể đầu tư được vào các trường công.

PGS.TS Bùi Thế Đồi, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Lâm nghiệp đề nghị, đầu tư cho giáo dục đại học phải xuất phát từ thực tiễn và Nhà nước cần quan tâm đầu tư hơn nữa đến giáo dục đại học. Về cơ hội phát triển những ngành nghề đặc thù như nông nghiệp, lâm nghiệp, ông Bùi Thế Đồi cho rằng, chúng ta hoàn toàn có cơ hội từ những chính sách của Nhà nước.

Hồng Hạnh