Cần có cơ chế đặc thù cho giáo dục và đào tạo

- Thứ Năm, 24/11/2022, 10:59 - Chia sẻ

Nếu có cơ chế đặc thù cho giáo dục và đào tạo như được quản lý và sử dụng con người, được làm chủ tài chính trong các hoạt động phát triển giáo dục... sẽ tháo gỡ được nút thắt đổi mới giáo dục hiện nay. 

Đây là đề xuất được nêu ra tại hội thảo Việc thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4.11.2013 Hội nghị Trung ương 8 Khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (Nghị quyết số 29), do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) phối hợp Hội Hóa học Việt Nam tổ chức sáng 24.11.

Cần có cơ chế đặc thù cho giáo dục và đào tạo -0
Toàn cảnh hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ tịch VUSTA Phan Xuân Dũng cho biết: Sau gần 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 29, nền giáo dục nước nhà đã có những bước chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng; nâng cao hiệu quả dạy và học, đáp ứng nhu cầu học tập của Nhân dân; góp phần phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của con người Việt Nam.

Cụ thể, các địa phương đã ban hành Chương trình hành động của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 29, Kế hoạch của UBND tỉnh thực hiện Chương trình hành động, thành lập Ban chỉ đạo đổi mới giáo dục và đào tạo tỉnh. Nhiều chủ trương của Đảng đã được thể chế hóa trong Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Giáo dục đại học năm 2018 và Luật Giáo dục năm 2019, tạo hành lang pháp lý cho đổi mới giáo dục đại học.

Mục tiêu phổ cập và chuẩn hóa giáo dục mầm non theo Nghị quyết số 29 cơ bản hoàn thành. 100% đơn vị cấp huyện và tỉnh duy trì, đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em dưới 5 tuổi. Chi ngân sách nhà nước cho giáo dục được tăng cường, tổng dự toán chi năm 2022 lên tới trên 330.000 tỷ đồng, tăng 15,3% so với năm 2021.

Bên cạnh đó, đã hoàn thành mục tiêu xây dụng Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, tập trung đầu tư bảo đảm trang thiết bị cơ sở vất chật, đội ngũ giáo viên, sách giáo khoa để triển khai hiệu quả chương trình. Chất lượng giáo dục đại học từng bước nâng lên, tiếp cận chuẩn quốc tế; các cơ sở giáo dục đại học tiếp tục được xếp hạng cao và tăng thứ bậc trên bảng xếp hạng uy tín của quốc tế.

Tại các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế, học sinh Việt Nam đều đạt thành tích vượt trội. Năm 2022, đã giành 12 Huy chương Vàng, 11 Huy chương Bạc, 9 Huy chương Đồng. Đội tuyển Olympic Hóa học quốc tế xếp thứ 2, Olympic Toán xếp thứ 4 và Olympic Vật lý xếp thứ 5 thế giới…

Tuy nhiên, theo Chủ tịch VUSTA, vẫn còn một số hạn chế trong quá trình triển khai Nghị quyết số 29. Đó là chất lượng giáo dục đào tạo của các cấp học, ngành học và các địa phương chưa đồng đều; năng lực chuyên môn của một bộ phận giáo viên chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới. Chế độ chính sách đối với đội ngũ nhà giáo và quản lý giáo dục còn thấp; đời sống của giáo viên, viên chức giáo dục còn khó khăn, đặc biệt là giáo viên trẻ, mầm non. Năm 2022 có hơn 16.000 giáo viên phải chuyển việc ảnh hưởng hông nhỏ đến hoạt động dạy và học. Chi ngân sách cho giáo dục chưa đạt tối thiểu 20% tổng chi ngân sách như Nghị quyết số 29 đề ra…

Từ thực tế hiện nay, các đại biểu tham dự hội thảo đã đề xuất nhiều giải pháp để triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 29, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong giai đoạn tới.

Nhắc lại quan điểm của Nghị quyết Trung ương 2 Khóa VIII và Nghị quyết số 29 “giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu”, PGS.TS Tô Bá Trượng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu hợp tác phát triển giáo dục cho rằng, phải có cơ chế đặc thù cho giáo dục và đào tạo như được quản lý và sử dụng con người, được làm chủ tài chính trong các hoạt động phát triển giáo dục. Cùng với đó, cho phép giáo dục và đào tạo xây dựng những chương trình trọng điểm của quốc gia, như đào tạo nhân lực cho giáo dục, chương trình kiên cố hóa trường học, nhà công vụ cho giáo viên…. “Giải pháp này không cần nhiều nguồn lực nhưng tháo gỡ được những nút thắt, rào cản đổi mới giáo dục hiện nay”, ông Trượng nhấn mạnh.

Cũng theo vị chuyên gia này, trong giai đoạn 2021 – 2025, ngành giáo dục nên chọn đổi mới về đào tạo, bồi dưỡng, cơ chế, chính sách đối với giáo viên, bởi đây là nhân tố quyết định thành công sự nghiệp đổi mới giáo dục, cùng với ddooioj ngũ cán bộ quản lý giáo dục. Theo đó, cần rà soát, sắp xếp lại mạng lưới cơ sở đào tạo giáo viên theo hướng xây dựng một số trường đại học sư phạm trọng điểm tại các vùng, miền và củng cố các trường cao đẳng sư phạm, cơ sở đào tạo bồi dưỡng đội ngũ giáo viên ở các địa phương theo mô hình vệ tinh với các trường đại học sư phạm trọng điểm. Có cơ chế, chính sách tiền lương, phụ cấp ưu đãi tối thiểu bảo đảm cho giáo viên có được điều kiện tối thiểu để sống và dạy học.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, cần đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý trong giáo dục, coi trọng quản lý chất lượng, hiệu quả quản trị nhà trường, gắn trách nhiệm quản lý chuyên môn với quản trị nhân sự và tài chính; đẩy nhanh áp dụng công nghệ thông tin trong giáo dục…

Minh Hà
#