3 yếu tố cốt lõi xây dựng hệ thống giáo dục mầm non chất lượng

- Thứ Ba, 22/11/2022, 14:42 - Chia sẻ

Chia sẻ tại Hội thảo kinh nghiệm quốc tế về xây dựng chính sách bảo đảm chất lượng giáo dục mầm non và một số mô hình triển khai tại Việt Nam ngày 22.11, nhiều chuyên gia khẳng định, nâng cao chất lượng chương trình giảng dạy, phương pháp và chất lượng giáo viên là 3 yếu tố cốt lõi xây dựng hệ thống giáo dục mầm non chất lượng.

Bảo đảm cơ hội bình đẳng cho trẻ em

Thời gian gần đây, Bộ Giáo dục và nhóm Giáo dục của Ngân hàng thế giới đã phối hợp xây dựng Đề án “Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo (3 - 4 tuổi) và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi và Đề án hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn.

Chia sẻ tại Hội thảo, Giám đốc Ban Giáo dục Khu vực Nam Á, Ngân hàng Thế giới Cristian Aedo cho rằng, cam kết của Bộ GD-ĐT đối với một chương trình cải cách và đầu tư vào phát triển trẻ mầm non (trẻ em, giáo viên, chương trình giảng dạy và môi trường học đường, cách tiếp cận đa ngành/toàn chính phủ) là bước quyết định và mang tính chuyển đổi để bảo đảm sự khởi đầu cũng như cơ hội bình đẳng cho trẻ em và xã hội của Việt Nam, gián tiếp  góp phần phát triển kinh tế những năm tới.

"Việt Nam tiếp tục thể hiện xuất sắc về chỉ số Vốn con người (HCIndex) của Ngân hàng Thế giới, ngang bằng các nước có thu nhập cao, nhưng chúng ta có thể vượt qua kỷ lục của chính mình bằng những cải cách mang tính chuyển đổi và đầu tư vào phát triển trẻ mầm non", ông Cristian Aedo nhấn mạnh. 

Chuyên gia quốc tế nêu 3 yếu tố cốt lõi xây dựng hệ thống giáo dục mầm non chất lượng -0
Giám đốc Ban Giáo dục khu vực Nam Á, Ngân hàng Thế giới Cristian Aedo chia sẻ tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết: Việt Nam đã có chương trình giáo dục mầm non thống nhất cả nước, ưu tiên phát triển khoa học giáo dục cho cấp học này và thực tế đã đạt được kết quả khả quan. “Tuy nhiên, với mục tiêu xa và lớn hơn, chúng tôi thấy cần phải làm nhiều điều hơn nữa cho giáo dục mầm non”. Bộ trưởng chia sẻ và cho biết Bộ GD-ĐT đang xúc tiến biên soạn, chuẩn bị chương trình giáo dục mầm non mới; lấy chương trình làm thống nhất cho các khâu để kiểm soát chất lượng, cũng như có sự đầu tư cho cấp học này.

Ông Cristian Aedo lý giải, việc mở rộng khả năng tiếp cận các dịch vụ giáo dục mầm non có chất lượng, giá cả phải chăng là một trong những khoản đầu tư quan trọng nhất mà Việt Nam có thể thực hiện để xây dựng nguồn nhân lực, thúc đẩy bình đẳng và vượt qua kỷ lục phát triển con người của chính mình ở cấp giáo dục phổ thông. Đầu tư vào chăm sóc trẻ em có thể mang lại tác động đa thế hệ bằng cách cải thiện quyền năng kinh tế của phụ nữ, sự phát triển của trẻ em, phúc lợi gia đình, năng suất kinh doanh và tăng trưởng kinh tế nói chung. Đối với trẻ em, phát triển trẻ mầm non chất lượng có thể cung cấp đầu vào quan trọng cần thiết trong những năm đầu đời để xây dựng các kỹ năng nền tảng giúp các em thành công ở trường và trong suốt cuộc đời. Đối với phụ nữ, việc tiếp cận dịch vụ phát triển trẻ mầm non có thể giúp các bà mẹ tham gia vào thị trường lao động, tăng giờ làm, năng suất và thu nhập cũng như cải thiện chất lượng công việc.

Đối với trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, việc tiếp cận các chương trình phát triển trẻ mầm non chất lượng sẽ giúp trẻ có cơ hội bình đẳng với các bạn cùng trang lứa. Đối với những đứa trẻ này, giáo dục mầm non là quan trọng, nhưng chúng ta không nên quên vai trò của việc giáo dục cha mẹ, sức khỏe tốt hơn và dinh dưỡng sớm trong đời, một phần được cung cấp thông qua các bữa ăn ở trường.

"Chúng tôi nhận thấy sự cần thiết phải có cách tiếp cận đa ngành, toàn chính phủ đối với phát triển trẻ mầm non, từ giáo dục, dinh dưỡng và y tế, đến bảo trợ xã hội và tài chính, từ chính quyền trung ương đến chính quyền địa phương và các cấp cơ sở, từ nhà trường đến gia đình và xã hội", ông Cristian Aedo nói.

Trong phát biểu của mình, ông Cristian Aedo cũng khẳng định cam kết hỗ trợ Việt Nam trong phát triển con người và mong muốn hợp tác toàn diện hơn để hỗ trợ chương trình giáo dục mầm non của Bộ GD-ĐT, bao gồm nâng cao chương trình giảng dạy và chất lượng đội ngũ giảng dạy giáo dục mầm non.

Chuyên gia quốc tế nêu 3 yếu tố cốt lõi xây dựng hệ thống giáo dục mầm non chất lượng -0
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn; Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh; Giám đốc Ban Giáo dục vùng Đông Á - Thái Bình Dương - Ngân hàng Thế giới Cristian Aedo; lãnh đạo Ban Phát triển con người - Ngân hàng Thế giới Christophe Lemiere chủ trì hội thảo​​

Bốn khuyến nghị nâng cao chất lượng giáo dục mầm non

Chia sẻ về việc nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, GS thỉnh giảng ĐH Sydney, nguyên Giám đốc cơ quan Quốc gia Austrailia Phil Lambert nhấn mạnh các yếu tố đổi mới chương trình, nâng cao chất lượng giáo dục mầm non. Trước hết là tìm hiểu và đánh giá hệ sinh thái, bao gồm tất cả các yếu tố bên trong và bên ngoài hệ thống dịch vụ mầm non địa phương. Điều này bao gồm thế mạnh địa phương, về cơ bản chính là tài nguyên có thể được sử dụng để giúp trẻ được an toàn, vui vẻ và thích thú học tập. Thứ hai là việc phát triển và duy trì mối quan hệ tích cực giữa giáo viên với trẻ và giữa trẻ với cha mẹ/người chăm sóc. Những tương tác tích cực này là nền tảng cho việc học tập của trẻ.

Thứ ba là chính sách và thực hành giúp trẻ chuyển tiếp suôn sẻ sang giai đoạn đi học. Chúng ta thường nghe nói về việc trẻ em “sẵn sàng” đến trường… trong khi điều này rất quan trọng và đòi hỏi môi trường học tập đa dạng, hiệu quả để phát triển năng lực, cũng có nghĩa là nhà trường cần chuẩn bị sẵn sàng cho trẻ… Nói cách khác là quá trình chia sẻ những thông tin quan trọng giữa giáo viên mầm non, nhà trường và cha mẹ của trẻ về những điểm mạnh và điểm cần hoàn thiện của từng em.

Chuyên gia quốc tế nêu 3 yếu tố cốt lõi xây dựng hệ thống giáo dục mầm non chất lượng -0
Nguyên Giám đốc cơ quan Quốc gia Austrailia Phil Lambert chia sẻ tại Hội thảo

Tiếp đó, GS Phil Lambert muốn nhấn mạnh đến hệ tư tưởng và lý thuyết. "Mặc dù với tư cách chuyên gia, chúng ta cần phải hiểu lý thuyết và đặc biệt là bằng chứng về phương pháp dạy và học hiệu quả, nhưng quan trọng là chúng ta phải hiểu mỗi trẻ đều khác nhau và mặc dù hệ tư tưởng dường như rất hấp dẫn, nhưng nó không nhất thiết mang lại kết quả là sự phát triển và tiến bộ trong học tập… Chúng ta không nên lệ thuộc vào hệ tư tưởng mà hãy sử dụng bằng chứng, lý thuyết và đặc điểm của trẻ để xác định thực hành nào phù hợp nhất", GS Phil Lambert nói.

Cuối cùng, với vai trò quan trọng của các nhà giáo dục mầm non trong việc hỗ trợ và trang bị cho trẻ nhỏ hôm nay cũng như cho tương lai của các em, GS Phil Lambert khẳng định, mọi người cần tôn vinh nghề này và kêu gọi xã hội - chính quyền, lãnh đạo doanh nghiệp và các cơ quan truyền thông nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục mầm non và đội ngũ giáo dục làm nền tảng cho sự thành công không chỉ của một cá nhân mà cả xã hội và quốc gia.

GS Phil Lambert cũng có 4 khuyến nghị để thực hiện thành công quá trình chuyển đổi vì lợi ích của trẻ em, xã hội và quốc gia. Đầu tiên là cần có các tiêu chuẩn bảo đảm chất lượng và các tiêu chuẩn đó cần có một khuôn khổ được so sánh với thông lệ tốt nhất trên thế giới về chương trình giảng dạy, phương pháp sư phạm, đánh giá và tự đánh giá. Sau đó là giám sát các dịch vụ là cơ bản để bảo đảm tuân thủ, tư duy cải tiến liên tục và xác định các ưu tiên để hỗ trợ thêm và phổ biến các thông lệ, bài học kinh nghiệm tốt. Tiếp theo, sự tham gia của toàn xã hội trong nỗ lực đạt được kết quả chất lượng cao - không chỉ những người làm việc trong ngành, mà tất cả các cơ quan chính phủ, khu vực kinh doanh, lãnh đạo ngành, chính trị gia và giới truyền thông. Và cuối cùng, cần đầu tư thông minh để nâng cao vị thế của nghề giáo, nâng cao trình độ chuyên môn của các nhà giáo dục và trên hết là cho trẻ em…

Khải Minh