Nhìn từ cơ chế “tam quyền phân lập”
Đóng cửa chính phủ (government shutdown) là một khái niệm hết sức xa lạ đối với người dân nhiều nước. Làm sao một chuyện như vậy có thể xảy ra? Một đất nước mà không có chính phủ một ngày sẽ ra sao? Hiện tượng chính trị thú vị này của xử sở cờ hoa thực hư như thế nào?
Một chính phủ muốn hoạt động được thì cần có tiền, hay còn gọi là ngân sách. Ngân sách này do thu thuế hoặc vay nợ mà có. Tất cả được đưa vào Ngân khố Quốc gia (Treasury).
Nhưng không phải có tiền trong ngân khố là Chính phủ có thể được sử dụng tùy thích. Ở Mỹ, và hầu hết các nước khác, Quốc hội là cơ quan quyết định một năm chính phủ được tiêu bao nhiêu tiền và tiêu vào việc gì. Thẩm quyền này được ghi nhận rõ trong phiên bản gốc của Hiếp pháp Hoa Kỳ nhằm bảo đảm nguyên tắc “no taxation without representation” (không đánh thuế nếu không có chính thể đại diện). Vì vậy, dù nói rằng Tổng thống là người quyền lực nhất nhà nước Hoa Kỳ, Quốc hội lại có tiếng nói chủ chốt trong việc kiểm soát chính sách và hoạt động của chính phủ. Quốc hội Mỹ có đến hai viện - Thượng viện và Hạ viện. Ngân sách hàng năm của chính phủ phải được cả hai viện này thông qua, sau đó Tổng thống ký ban hành thì mới bắt đầu giải ngân được. Đây là cơ chế “tam quyền phân lập” vốn là một trong những trụ cột của thể chế chính trị Mỹ. Tuy nhiên, điều này cũng dễ dẫn đến tình trạng ngân sách hoặc ngân sách tạm thời không thể thông qua, do bất đồng giữa Hạ viện, Thượng viện và Tổng thống.

Nếu cơ quan lập pháp cho rằng các chính sách công của chính phủ “có vấn đề”, và việc phân bổ ngân sách hiện tại không hiệu quả, cả hai viện của Quốc hội đều có quyền thể hiện quan điểm của mình bằng con đường tài chính. Ngược lại, chính phủ cũng có thể đóng cửa như là một công cụ đàm phán với Quốc hội để yêu cầu cơ quan này chấp thuận các dự toán tài chính của mình.
Chẳng hạn trong lần đóng cửa mới nhất ngày 22.12 vừa qua, Thượng viện Mỹ đã không chấp nhận thông qua gói ngân sách tạm thời, trong đó có khoản tiền hơn 5 tỷ USD để xây dựng bức tường an ninh biên giới với Mexico mà Tổng thống Donald Trump yêu cầu, sau khi Hạ viện đã thông qua. Trong khi đó, ông Donald Trump tuyên bố sẽ không ký ban hành bất kỳ đạo luật ngân sách nào nếu không có khoản tiền trên và ông chấp nhận để Chính phủ đóng cửa cho tới khi nào ngân sách cho bức tường được thông qua.
Năm ngân sách của Mỹ bắt đầu vào ngày 1.10 và kết thúc vào ngày 30.9 hàng năm. Về nguyên tắc, trước khi năm ngân sách kết thúc, Quốc hội phải thông qua được ngân sách năm tới, nhưng ở Mỹ có hai khả năng: Hoặc là việc thông qua ngân sách năm mới bị chậm lại, hoặc là Quốc hội sẽ thông qua những khoản ngân sách tạm thời để chính phủ hoạt động trong một thời gian ngắn, vài tuần hoặc vài tháng.
Từ cuối năm 2016 đến nay, Chính phủ Mỹ đã hoạt động nhờ những khoản ngân sách tạm thời như vậy. Và khoản tạm thời gần nhất đã kết thúc vào nửa đêm ngày 22.12. Bởi vậy, Thượng viện Mỹ đã phải làm việc đến tận nửa đêm để cố gắng thông qua một gói ngân sách tạm thời nhằm duy trì hoạt động của Chính phủ nhưng bất thành.
Nhiều người thắc mắc, tại sao đảng Cộng hòa kiểm soát được cả hai viện của Quốc hội và ghế Tổng thống mà sao lại không thông qua được ngân sách? Vướng mắc nằm ở chỗ một đạo luật ngân sách muốn được Thượng viện thông qua thì phải nhận được ít nhất 60/100 Thượng nghị sĩ ủng hộ. Trong khi đó, đảng Cộng hòa chỉ có 51 ghế. Nếu họ muốn thúc đẩy thông qua dự luật ngân sách thì ngoài 51 phiếu của phe Cộng hòa, họ sẽ phải thuyết phục thêm 9 thượng nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ đối lập nữa.
Do thủ tục là như vậy nên thường hai đảng lớn của Mỹ phải đàm phán, “giao kèo” với nhau thì mới thông qua ngân sách. Ít khi họ không thỏa hiệp được với nhau. Đến khi nào Quốc hội thỏa hiệp được về một gói ngân sách mới thì Chính phủ mới mở cửa trở lại.