Góc nhìn

Nhìn nhận rõ thực tế

- Thứ Ba, 14/05/2019, 07:47 - Chia sẻ
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả nước có hơn 886.000 thí sinh đăng ký dự thi THPT Quốc gia 2019, trong đó hơn 650.000 thí sinh đăng ký xét tuyển đại học (ĐH). Như vậy, 279.001 thí sinh dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT, chiếm khoảng 27,8%, nghĩa là hơn 1/4 thí sinh cả nước không có ý định xét tuyển vào ĐH. Con số này năm 2018 là 25,7% và 2017 là 25%.

Đáng chú ý, chưa năm nào số lượng học sinh lớp 12 của tỉnh Lai Châu đăng ký dự thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT lại nhiều như năm nay, lên tới 70,66%. Tỷ lệ này ở một số tỉnh miền núi phía Bắc như Điện Biên, Hà Giang, Hòa Bình, Lào Cai… cũng ở mức hơn 50% trở lên. Một số nơi được xem là “đất học” như Nghệ An năm nay cũng có hơn 13.000 thí sinh thi để xét tốt nghiệp, chiếm 41%. Đây là tỷ lệ cao nhất trong vài năm trở lại đây. Bắc Giang cũng có hơn 8.000 học sinh đăng ký thi để xét công nhận tốt nghiệp, chiếm 41,1%.

Vì sao gần đây, đặc biệt từ năm 2017 đến nay, thí sinh không còn mặn mà đổ xô đăng ký xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng như trước? Theo lý giải của một số nhà quản lý giáo dục, có 3 nguyên nhân chính. Thứ nhất là nhiều trường ĐH mở rộng hình thức xét tuyển theo học bạ hoặc đánh giá năng lực. Thứ hai là sự hấp dẫn ngày càng lớn của các cơ sở đào tạo nghề khi học viên vừa học vừa thực hành ngay tại doanh nghiệp cùng cam kết có việc làm sau khi tốt nghiệp. Thứ ba là các địa phương đã phân luồng và định hướng nghề nghiệp cho học sinh mình khá tốt khi học sinh bước vào năm học cuối cấp.

Mặc dù thống kê chưa đầy đủ, song con số 279.000 học sinh không đăng ký xét tuyển ĐH cũng được coi là hợp lý trong bối cảnh quý IV.2018, ở nhóm có trình độ ĐH trở lên, số người thất nghiệp là 135.800 người. Năm 2017, cả nước có hơn 215.000 người có trình độ “đại học trở lên” thất nghiệp.

Sinh viên thất nghiệp có nhiều nguyên nhân. Có thể là sinh viên ra trường không đáp ứng yêu cầu công việc. Cũng có thể do một số sinh viên chưa có động lực phấn đấu trong quá trình học tập, chưa có kinh nghiệm va chạm thực tế, thụ động trước công việc. Hoặc cũng có thể các trường ĐH đào tạo những ngành nghề mà xã hội không cần hoặc dư thừa… Nhưng, dù nguyên nhân nào thì tỷ lệ thất nghiệp cao cũng tác động không tốt đến gia đình và xã hội. Điển hình như tại Nghệ An, thực tế mỗi năm hàng nghìn sinh viên ra trường không tìm được việc làm hoặc làm trái ngành, trái nghề, học sinh lại chọn học nghề, xuất khẩu lao động hay du học Nhật Bản, Hàn Quốc đã khiến nhiều phụ huynh dần thay đổi suy nghĩ “ĐH không phải cánh cửa để lập nghiệp duy nhất”. 41% học sinh lớp 12 tại Nghệ An không xét tuyển vào ĐH trong kỳ thi năm 2019 là điều dễ hiểu.

Rõ ràng, việc nhìn nhận thực tế, tìm hiểu ngành nghề để hướng tới công việc cho tương lai vô cùng cần thiết đối với học sinh cuối cấp THPT. Vì thế, 279.000 học sinh không đăng ký xét tuyển ĐH là tín hiệu đáng mừng, cho thấy người đi học đang ngày càng có những lựa chọn phù hợp với yêu cầu và hoàn cảnh thực tiễn hơn là theo xu thế chung. Điều này cũng góp phần tích cực tạo ra sự cân đối trong thị trường lao động, giúp thị trường có thêm nhiều lao động có tay nghề, đáp ứng nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp.

Thừa thầy, thiếu thợ và nhiều sinh viên tốt nghiệp không có việc làm, “điệp khúc” này có thể chấm dứt khi hàng chục nghìn học sinh quyết định học nghề ngay từ THPT thay vì chăm chăm thi vào ĐH. Với các đề án hướng nghiệp, học nghề có nhiều cách tiếp cận, các em có thể chọn cho mình con đường học nghề, lập nghiệp phù hợp hơn.

Duy Anh