Nhìn lại một năm cầm quyền của Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường

- Thứ Hai, 13/01/2014, 08:51 - Chia sẻ
Từ sau Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc Khóa XVIII đến nay, Chính phủ mới của bộ đôi Tập - Lý (Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường) đã lèo lái khá thành công con tàu Trung Quốc.
 

Thứ nhất, về quân sự: Tổng bí thư Tập Cận Bình khi vừa lên nhậm chức đã ngay lập tức tiếp quản quân đội. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1978 sự việc này mới lặp lại. Trong bối cảnh rất khó có sự điều chỉnh nhân sự, việc vừa khiến lực lượng quân đội thừa nhận một sự thống soái mới và vừa phải nâng cao năng lực chiến đấu là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn. Song, Tổng bí thư Tập Cận Bình đã làm được điều đó và tiêu chí để làm được việc đó chính là kỷ luật nghiêm minh. Thay đổi biển số xe quân đội, cải cách thể chế đoàn văn công và nghệ sỹ diễn viên đoàn văn công, yêu cầu toàn bộ cán bộ chiến sĩ đã trả lại nhà ở doanh trại bị chiếm dụng, hiệu quả của hành động này tốt hơn trước đây rất nhiều.

Thứ hai, về kinh tế: Kinh tế liên quan đến đại cục, đồng thời là một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu, do vậy để Thủ tướng Lý Khắc Cường có thể tập trung vực dậy đà giảm tốc của nền kinh tế thứ hai thế giới, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã quyết định không để Thủ tướng Lý Khắc Cường phụ trách khởi thảo Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 3 Khóa XVIII, diễn ra tháng 11.2013 về chương trình cải cách kinh tế toàn diện. Kết quả, trong 3 quý đầu năm, tăng trưởng GDP đạt 7,7%, trong khi tăng trưởng cùng kỳ của Nhật Bản là 1,9%. Tốc độ tăng trưởng của ngành dịch vụ vượt qua ngành công nghiệp, tốc độ tăng trưởng của miền Trung và miền Tây nhanh hơn miền Đông; thu nhập của nông dân sau khi khấu trừ nhân tố giá cả, cao hơn thu nhập của dân thành phố. Đây chính là những biểu hiện của tăng trưởng kinh tế lành mạnh. Ngoài ra, hiệu quả của một vài chính sách kích thích kinh tế theo chiều sâu đang dần dần được thể hiện.

Thứ ba, về ngoại giao: Trung Quốc đã thiết lập được mối quan hệ tốt đẹp với khu vực Trung Á – láng giềng phía Tây của nước này, mặt khác Trung Quốc kiểm soát tốt phía Tây Thái Bình dương – khu vực nằm ở phía Đông của nước này. Vành đai kinh tế con đường tơ lụa là chiến lược kinh tế phía Tây, trong khi con đường tơ lụa trên biển lại nhằm mục đích mở rộng phạm vi khai thác trên biển. Khu vực Trung Á từng được chuyên gia địa chính trị người Anh ông Halford John Mackinder coi là “Vùng trung tâm” của lục địa Âu - Á, là vùng đất tranh giành của các đế quốc trên thế giới. Trong khi đó, khu vực Tây Thái Bình dương là tuyến sinh mệnh trên biển của Trung Quốc và là cánh cung bao vây hai chuỗi đảo lớn của nước này. Xu thế tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc báo hiệu nước này sẽ là đối tượng thách thức việc thay thế quyền lãnh đạo thế giới. Các hành động gần đây của Trung Quốc như thúc đẩy quan hệ hợp tác với 5 quốc gia khu vực Trung Á, thiết lập AIDZ trên biển Hoa Đông và đẩy mạnh Khu mậu dịch tự do Đông Bắc Á đều có ý nghĩa ổn định đại cục.

Thứ tư, về công tác chống tham nhũng: Kể từ khi lên nắm quyền, Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã không ngừng đẩy mạnh thực hiện công tác chống tham nhũng cũng như chỉnh đốn tác phong nhằm xoa dịu quần chúng nhân dân và toàn thể xã hội. Nếu như Chính quyền của bộ đôi Tập – Lý không giải quyết ổn thỏa 4 vấn đề cơ bản trên, chắc hẳn Hội nghị Trung ương 3 vừa qua đã không thể diễn ra suôn sẻ. Những thành công này sẽ là tiền đề cho sự phát triển của Trung Quốc trong năm 2014.

Hồng Hà