Cải thiện việc làm và thu nhập
Theo công bố của Tổng cục Thống kê, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước quý III ước tính là 52,7 triệu người, tăng 114,1 nghìn người so với quý trước và tăng 238,8 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2024, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 52,5 triệu người, tăng 210,6 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ tham gia lực lượng lao động là 68,5%.
Lao động có việc làm quý III ước tính 51,6 triệu người, tăng 114,6 nghìn người so với quý trước và tăng 244,6 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực thành thị là 20 triệu người, tăng 233,8 nghìn người so với quý trước và tăng 884,9 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; khu vực nông thôn là 31,6 triệu người, giảm 119,1 nghìn người so với quý trước và giảm 640,2 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.
Xét theo khu vực kinh tế, lao động có việc làm quý III khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 13,7 triệu người, chiếm 26,5%; khu vực công nghiệp, xây dựng là 17 triệu người, chiếm 33,0%; khu vực dịch vụ là 20,9 triệu người, chiếm 40,5%. Tính chung 9 tháng, lao động có việc làm là 51,4 triệu người, tăng 212 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.
Trong quý III.2024, thu nhập bình quân của người lao động là 7,6 triệu đồng/tháng, tăng 176.000 đồng so với quý trước và tăng 519.000 đồng so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, thu nhập bình quân của lao động nam là 8,7 triệu đồng/tháng, lao động nữ là 6,5 triệu đồng/tháng; thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị là 9,3 triệu đồng/tháng, khu vực nông thôn là 6,6 triệu đồng/tháng.
Tính chung 9 tháng năm 2024, thu nhập bình quân của người lao động là 7,6 triệu đồng/tháng, tăng 7,4%, tương ứng tăng 519.000 đồng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu nhập bình quân của lao động nam là 8,6 triệu đồng/tháng, lao động nữ là 6,4 triệu đồng; thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị là 9,2 triệu đồng/tháng, khu vực nông thôn là 6,5 triệu đồng/tháng.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Theo Tổng cục Thống kê, chất lượng nguồn nhân lực đang dần được cải thiện, với tỷ lệ lao động đã qua đào tạo và có bằng, chứng chỉ đạt 28,5% vào quý III năm 2024. Trong 9 tháng năm nay, tỷ lệ này cũng ghi nhận ở mức 28,1%, đều tăng so với quý trước.
Nhìn chung, số lượng lao động có việc làm đang có xu hướng tăng. Tuy nhiên, thị trường lao động vẫn chưa phát triển bền vững do tỷ lệ lao động phi chính thức vẫn chiếm phần lớn. Cụ thể, số lao động có việc làm phi chính thức chung (bao gồm cả lao động làm việc trong hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản) quý III.2024 là 33 triệu người, chiếm 63,9% trong tổng số lao động có việc làm. Tính chung 9 tháng năm 2024, tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức là 64,6%.
Ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động (Tổng cục Thống kê) cho biết, theo báo cáo "Xu hướng việc làm toàn cầu cho thanh niên năm 2024" của ILO, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên toàn cầu năm 2023 là 13% và dự kiến sẽ giảm xuống mức 12,8% trong năm 2024 và 2025. Tại Việt Nam, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên từ 15 - 24 tuổi trong quý III năm 2024 ở mức 7,75%, thấp hơn so với mức trung bình của toàn cầu nhưng vẫn duy trì mức cao. So với quý trước và cùng kỳ năm trước, tỷ lệ này giảm tương ứng là 0,26 điểm phần trăm và 0,11 điểm phần trăm.
Mặt khác, tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên thường cao hơn so với mức bình quân chung. Do thanh niên là lực lượng lao động trẻ, nên nhu cầu tìm kiếm việc làm của họ lớn hơn so với các nhóm khác. Họ thường được trang bị kiến thức tốt và có trình độ học vấn cao, điều này giúp họ có nhiều cơ hội lựa chọn hơn. Vì vậy, nhiều thanh niên không tham gia vào thị trường lao động ngay lập tức; họ có xu hướng từ chối các công việc tạm thời với thu nhập thấp và sẵn sàng chờ đợi cho đến khi tìm được công việc phù hợp với mong muốn.
Giải thích cho nguyên nhân thanh niên thất nghiệp, ông Phạm Hoài Nam chia sẻ thêm, chất lượng cung lao động còn nhiều bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng cho cầu lao động của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập. Đến nay, có khoảng 37,6 triệu người lao động chưa qua đào tạo từ sơ cấp trở lên; cả nước mới chỉ có khoảng 28,5% người lao động đã qua đào tạo, có bằng, chứng chỉ. Mặt khác, lao động có việc làm có xu hướng tăng nhưng thị trường lao động phát triển chưa bền vững khi số lao động phi chính thức làm các công việc bấp bênh, thiếu tính ổn định vẫn chiếm tỷ trọng lớn.
Từ góc độ lạc quan, chuyên gia này nhận định rằng, nhận thức về tầm quan trọng của việc duy trì và phát triển kỹ năng thông qua học tập liên tục đang ngày càng gia tăng trong cộng đồng lao động Việt Nam. Do đó, việc mở rộng cơ sở giáo dục có thể đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao tỷ lệ lao động được đào tạo liên tục, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tiếp tục học tập sau khi gia nhập thị trường lao động.