Kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh Quảng Nam Khóa X

Nhiều quyết sách thúc đẩy phát triển, bảo đảm an sinh

- Thứ Bảy, 31/07/2021, 07:14 - Chia sẻ
Mặc dù thời lượng tổ chức phải cắt giảm 1 ngày so với dự kiến nhưng kỳ họp thường lệ đầu tiên của HĐND tỉnh Quảng Nam Khóa X đã thành công với việc ban hành 19 nghị quyết trên cơ sở xem xét 36 tờ trình, báo cáo của UBND, các cơ quan liên quan. Đáng lưu ý, những quyết sách, cơ chế đặc thù được đề xuất và ban hành căn cứ vào tình hình thực tiễn nhằm định hướng, thúc đẩy phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội của địa phương.
Quang cảnh Kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh Quảng Nam Khóa X - ẢNH PHẠM HẠNH (1)
Quang cảnh Kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh Quảng Nam Khóa X
Ảnh: PHẠM HẠNH 

Chính sách hỗ trợ “an cư” miền núi

Sắp xếp ổn định dân cư khu vực miền núi là vấn đề được HĐND tỉnh khóa trước chú trọng với việc ban hành Nghị quyết 12/2017/NQ-HĐND quy định nhiều chính sách hỗ trợ vượt trội trên quan điểm người dân là chủ thể thực hiện. Từ hiệu quả thực tiễn của Nghị quyết 12 và trước yêu cầu tiếp thêm cơ chế, chính sách giúp các địa phương miền núi ổn định dân cư trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường, HĐND tỉnh đã thống nhất cao với 9 nội dung hỗ trợ hộ di dời chỗ ở trên cơ sở kế thừa 7 nội dung hỗ trợ trước đó và bổ sung 2 nội dung. Theo đó, mức hỗ trợ tối đa cho mỗi hộ di dời là 125 triệu đồng. Đối với hộ chưa có đất sản xuất hoặc chưa có đủ đất sản xuất theo định mức còn được hỗ trợ tối đa 15 triệu đồng để khai hoang tạo quỹ đất, hoặc để chuyển nhượng đất sản xuất. Dự kiến, sẽ có 7.821 hộ được áp dụng chính sách trong giai đoạn 2021 - 2025 với nhu cầu kinh phí gần 1.000 tỷ đồng.

Theo nhiều đại biểu, việc HĐND tỉnh ban hành chính sách này ngay tại kỳ họp thường lệ đầu tiên khóa mới đã thể hiện rõ quyết tâm hành động trong cụ thể hóa nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi, giúp 9 huyện miền núi, nhất là 6 huyện núi cao giải quyết căn bản tình trạng dân cư sinh sống phân tán, mất an toàn.

 Thêm chính sách hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng dịch Covid-19

Mặc dù là nội dung được đề nghị bổ sung sát ngày khai mạc kỳ họp nhưng UBND, Thường trực HĐND và Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đã phối hợp rất tích cực xây dựng, thẩm tra, trình HĐND tỉnh quyết định “chính sách hỗ trợ người lao động không giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và hỗ trợ chi phí có liên quan cho các đối tượng cách ly tập trung (đối tượng ngoài quy định tại Điều 25, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg)”.

Theo nội dung được thông qua, lao động tự do cư trú hợp pháp tại tỉnh, làm việc hoặc tự tạo việc làm tại các cơ sở dịch vụ, văn hóa, thể dục, thể thao, du lịch vui chơi, giải trí… phải tạm dừng hoạt động hoặc làm công việc tự do tại các khu vực, địa điểm trên địa bàn tỉnh, sau đó bị phong tỏa để phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo quyết định của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ ngày 1.5.2021 đến hết ngày 31.12.2021 (trừ việc hạn chế đi lại của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch bệnh Covid-19) được hỗ trợ với mức 50.000 đồng/người/ngày. Số ngày được hỗ trợ là số ngày thực tế phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng không quá 2.000.000 đồng/người. Đối với các trường hợp cách ly tập trung không thuộc đối tượng quy định tại Điều 25, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngoài chính sách hỗ trợ theo quy định tại Mục b, Khoản 5, Điều 1, Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 18.2.2021 của Chính phủ còn được hỗ trợ chi phí tiền ăn với mức 80.000 đồng/người/ngày cách ly tập trung.

Cùng với triển khai hiệu quả Nghị quyết 68 của Chính phủ, việc HĐND tỉnh kịp thời, nhanh chóng ban hành chính sách đặc thù nêu trên thể hiện trách nhiệm và quyết tâm đồng hành với UBND tỉnh trong phòng chống, khống chế dịch. Nhất là khi dịch bệnh Covid-19 đã, đang và dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường trên địa bàn.

Hai quyết sách về giáo dục

Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh cũng đã thảo luận và thông qua hai nghị quyết trên lĩnh vực giáo dục và là điểm nhấn nhận được rất nhiều kỳ vọng, thể hiện tính kế thừa, tính nhân văn và trách nhiệm cơ quan dân cử đối với sự nghiệp giáo dục.

“Chính sách hỗ trợ học sinh, giáo viên trường Trung học phổ thông chuyên và các trường Trung học phổ thông công lập, Phổ thông dân tộc nội trú” ban hành lần này vừa kế thừa quy định trước đó tại Nghị quyết 31/2016/NQ-HĐND; vừa khắc phục tính bình quân, cào bằng về chế độ chính sách đối với học sinh trường chuyên; vừa tạo cơ hội và động lực để các em ở các trường THPT trên địa bàn tỉnh phát huy hết năng lực bản thân, phấn đấu học tập, rèn luyện để đạt kết quả cao nhất. Kinh phí thực hiện các chính sách theo nghị quyết này mỗi năm khoảng 13 tỷ đồng.

Qua rà soát, thống kê từ năm 2021 trở đi, theo quy định tại Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4.6.2021 của Thủ tướng Chính phủ, số lượng xã thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh giảm 52 xã. Dẫn đến khoảng 4.000 học sinh phổ thông thuộc đối tượng khuyết tật là con của gia đình không thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo đang theo học hòa nhập tại các cơ sở giáo dục gặp khó khăn khi không thuộc diện hưởng hỗ trợ của Trung ương tại Thông tư liên tịch số 42/2013/TTLTBGDĐT-BLĐTBXH-BTC. Đồng thời, từ năm 2022 trở đi, các em học sinh DTTS thuộc hộ thoát nghèo, thoát hộ cận nghèo vào học các trình độ giáo dục nghề nghiệp theo chủ trương phân luồng sau THCS của Trung ương, của tỉnh không được tiếp tục hưởng chính sách hỗ trợ học bổng.

Do vậy “Chính sách hỗ trợ đối với trẻ em mầm non, học sinh, sinh viên là người DTTS; học sinh, sinh viên khuyết tật, đang học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2021 - 2026” được HĐND tỉnh ban hành nhằm tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên người DTTS và khuyết tật tiếp tục tham gia học tập tại các cơ sở giáo dục, khắc phục “khoảng trống” về chính sách.

DƯƠNG THỊ THANH HIỀN, PHÓ TRƯỞNG BAN PHÁP CHẾ HĐND TỈNH QUẢNG NAM