Luật Tín ngưỡng, tôn giáo

Nhiều nội dung mới, thông thoáng

- Thứ Hai, 26/07/2021, 16:15 - Chia sẻ
Kế thừa Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo 2004, thể chế Hiến pháp 2013 và các quan điểm của Đảng, với 9 chương, 68 điều, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo được Quốc hội thông qua ngày 18.11.2016, có hiệu lực từ ngày 1.1.2018, đã quy định nhiều nội dung mới, thể hiện sự tiến bộ, cởi mởi, thông thoáng, phù hợp với thực tiễn.

Về giải thích thuật ngữ

Lần đầu tiên văn bản pháp luật của Nhà nước ta giải thích thuật ngữ về tín ngưỡng, tôn giáo, qua đó, tạo ra sự thống nhất về nhận thức và thực hiện.

Cụ thể, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 quy định: “Tín ngưỡng là niềm tin của con người được thể hiện thông qua những lễ nghi gắn liền với phong tục, tập quán truyền thống để mang lại sự bình an về tinh thần cho cá nhân và cộng đồng” (Khoản 1, Điều 2); “Tôn giáo là niềm tin của con người tồn tại với hệ thống quan niệm và hoạt động bao gồm đối tượng tôn thờ, giáo lý, giáo luật, lễ nghi và tổ chức” (Khoản 5, Điều 2).

	Các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua Luật Tín ngưỡng, tôn giáo ngày 18.11.2016 - Ảnh: Quang Khánh
Các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua Luật Tín ngưỡng, tôn giáo ngày 18.11.2016
Ảnh: Quang Khánh

Về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo

Để làm rõ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là quyền của “mọi người” theo quy định của Hiến pháp 2013, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 đã quy định một chương riêng (Chương II) về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo như quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; quyền của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc; quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam; nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

Với những quy định này, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đã phản ánh đầy đủ phạm vi điều chỉnh của Luật và thể hiện một cách cơ bản nhất chính sách của Nhà nước trong việc ghi nhận, tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người.

Về sinh hoạt tôn giáo tập trung

Luật Tín ngưỡng, tôn giáo quy định tổ chức tôn giáo “đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung cho tín đồ tại những nơi chưa đủ điều kiện thành lập tổ chức tôn giáo trực thuộc” (Khoản 1, Điều 16). Những cộng đồng tôn giáo chưa có tổ chức cũng được “đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định…” (Khoản 2, Điều 16). Cùng với việc đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung là quy định địa điểm hợp pháp để sinh hoạt tôn giáo là “đất, nhà ở, công trình mà tổ chức hoặc cá nhân có quyền sử dụng hợp pháp theo quy định của pháp luật” (Khoản 15, Điều 2) - ngoài cơ sở thờ tự truyền thống như: chùa, nhà thờ, thánh thất, thánh đường… của các tôn giáo.

Đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung là một điểm rất mới so với Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2004. Điều này thể hiện sự tiến bộ, cởi mở, thông thoáng, đáp ứng, phù hợp với yêu cầu thực tiễn và nhu cầu sinh hoạt thuần túy tôn giáo của Nhân dân; thể hiện chính sách bảo hộ của Nhà nước trong việc bảo đảm quyền tự do sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người theo tinh thần Hiến pháp 2013.

Về pháp nhân tôn giáo

Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 quy định: “Tổ chức tôn giáo là pháp nhân phi thương mại kể từ ngày được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận” (Khoản 1, Điều 30).

Có thể nói, trong nhiều điểm mới trong Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016 thì việc quy định pháp nhân tôn giáo là một trong những điểm mới cơ bản nhất. Pháp nhân phi thương mại là pháp nhân không có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận, nếu có lợi nhuận thì cũng không được phân chia cho các thành viên. Đối chiếu với tôn chỉ, mục đích, đường hướng hành đạo của các tổ chức tôn giáo, việc quy định tổ chức tôn giáo là pháp nhân phi thương mại là hoàn toàn phù hợp với quy định chung của pháp luật. Qua đó, khẳng định vị trí của tổ chức tôn giáo trong xã hội, khẳng định quyền bình đẳng trước pháp luật của tổ chức tôn giáo với các tổ chức khác.

Về sinh hoạt tôn giáo của người nước ngoài

Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 quy định người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam được “đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung”, hoặc ở cơ sở thờ tự của tôn giáo ở Việt Nam hoặc địa điểm hợp pháp; được “mời chức sắc nhà tu hành nước ngoài đến giảng đạo” (Khoản 5, Điều 48); tổ chức tôn giáo ở Việt Nam đã công nhận hoặc cấp đăng ký hoạt động tôn giáo được “mời chức sắc, nhà tu hành là người nước ngoài đến giảng đạo (Khoản 4, Điều 48). Không những thế, người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam được “học tại các cơ sở đào tạo tôn giáo ở Việt Nam” (Khoản 1, Điều 49).

Có thể nói, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo ra đời đã tạo hành lang pháp lý để thực hiện thống nhất và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo; tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tôn giáo và Nhân dân trong thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, phù hợp với thực tiễn đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam.

ũ Văn Hoàng Hà Phó Vụ trưởng Vụ Tôn giáo, Ban Dân vận Trung ương