Nhiều ngân hàng lãi vượt kế hoạch bất chấp Covid -19

- Chủ Nhật, 10/01/2021, 23:17 - Chia sẻ
Trong số các ngân hàng đã công bố lợi nhuận, đứng đầu vẫn là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) với khoảng 23.000 tỷ đồng (tương đương 1 tỷ USD). Trung tâm Phân tích Chứng khoán SSI ước tính lợi nhuận trước thuế trung bình của ngân hàng sẽ tăng 21% so với năm trước.

Theo sau Vietcombank là Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) với gần 16.500 tỷ đồng và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) với hơn 9.000 tỷ đồng.

Nguồn: ITN

Tuy nhiên, xét về tốc độ tăng trưởng, VietinBank lại có mức tăng ấn tượng tới 40% so với năm trước. Trong khi đó, Vietcombank lợi nhuận đi ngang, còn BIDV lại giảm khoảng 16% so với năm 2019.

Theo lãnh đạo BIDV, sự sụt giảm này là do ngân hàng chủ động giảm thu nhập hơn 6.400 tỷ đồng để thực hiện cơ cấu nợ, hạ lãi suất và miễn giảm lãi, phí để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân theo định hướng, chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.

Tại Vietcombank, Chủ tịch HĐQT Nghiêm Xuân Thành cho biết, đây là lần đầu tiên trong 5 năm qua, Vietcombank không ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận, chủ yếu do giảm mạnh lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế. Cụ thể, Vietcombank đã chủ động chia sẻ cùng doanh nghiệp và người dân 3.700 tỷ đồng thông qua 5 đợt hạ lãi suất hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và mưa lũ tại các tỉnh miền Trung hồi tháng 10.2020, cũng như các giải pháp cơ cấu nợ khác. Con số này tại VietinBank là khoảng 5.000 tỷ đồng.

Trước đó, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cũng đã công bố lợi nhuận trước thuế tăng 11% so với năm trước và vượt gần 8% so với kế hoạch. Được biết, lợi nhuận trước thuế năm 2019 của ngân hàng này đạt gần 3.900 tỷ đồng. Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) cũng có mức lợi nhuận trước thuế tăng trưởng ấn tượng tới 94% so với năm 2019, ước đạt 2.500 tỷ đồng và bằng 174% kế hoạch đặt ra.

Không chỉ có vậy, dù chưa công bố báo cáo tài chính năm nhưng nhiều ngân hàng như: Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Bưu Điện Liên Việt (LienVietPostBank)... đều cho biết đã hoàn thành mục tiêu từ những tháng trước.

Trong khi kinh tế năm qua phải đối mặt với không ít khó khăn do dịch bệnh và thiên tai, việc hàng loạt các ngân hàng báo lãi lớn đã khiến nhiều người băn khoăn. Tuy nhiên, nếu xét kỹ các cấu phần kinh doanh, không khó để thấy, đà tăng lợi nhuận của các ngân hàng vẫn được duy trì nhờ vào các phân khúc thị trường riêng, tăng thu từ phí dịch vụ, bảo hiểm... và ngay cả việc ứng dụng công nghệ, tiết giảm chi phí vận hành cũng giúp ngân hàng có "của ăn của để" trong bối cảnh khó khăn chung.

Như tại TPBank, đại diện ngân hàng này lý giải, có được tăng trưởng trên là nhờ vào việc tiết giảm chi phí và hưởng lợi từ ngân hàng số mặc dù ngân hàng cũng gặp nhiều tác động từ dịch Covid-19 và giảm lãi suất để chia sẻ khó khăn với khách hàng.

Còn theo Chủ tịch HĐQT VietinBank Lê Đức Thọ, ngân hàng đã chủ động nỗ lực tái cơ cấu toàn diện mọi mặt hoạt động, chuyển đổi mạnh mẽ mô hình kinh doanh từ phát triển chiều rộng sang chiều sâu, từ dựa vào tăng trưởng quy mô là chính sang cải thiện chất lượng dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh doanh, gia tăng cơ cấu thu nhập ngoài lãi.

Đồng thời, VietinBank kiểm soát tối ưu hóa hiệu quả sử dụng vốn và chi phí hoạt động của ngân hàng, tăng tỷ trọng của các phân khúc khách hàng có hiệu quả sinh lời cao như bán lẻ và cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME).

Trong báo cáo về triển vọng ngành ngân hàng năm 2021, Công ty Cổ phần chứng khoán SSI ước tính lợi nhuận trước thuế trung bình của ngân hàng sẽ tăng 21% so với năm qua. Trong đó, các ngân hàng thương mại quốc doanh ước tính tăng 30%, trong khi ngân hàng thương mại cổ phần là 17,2%, do lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng thương mại quốc doanh năm 2020 ở mức thấp, giảm 6% so với năm 2019.

SSI cũng kỳ vọng tăng trưởng tín dụng năm 2021 trong khoảng từ 13 - 14%. Theo báo cáo này, nợ xấu nội bảng dự báo sẽ không đổi so với năm 2020, nhưng tỷ lệ trái phiếu tại Công ty Quản lý tài sản (VAMC) trên tổng dư nợ cho vay sẽ giảm do một số ngân hàng đã xử lý hết trái phiếu VAMC trong năm 2020. Tuy vậy, SSI cũng lưu ý rằng một số rủi ro tín dụng vẫn có thể bị trì hoãn trong ghi nhận do các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ.

T.Phong