Nhiều hoạt động thiết thực
Toàn tỉnh Hậu Giang có 4 bãi rác tập trung, trong đó có 3 bãi rác do doanh nghiệp quản lý. Tuy nhiên, các bãi rác của tỉnh hiện đang quá tải khiến chi phí san ủi, xử lý rác tăng lên. Vào mùa mưa nước rác chảy rỉ ra nhiều ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân - Giám đốc Công ty TNHH MTV Công trình đô thị Hậu Giang Cao Thế Khải cho biết.
Theo Đề án Hậu Giang xanh, giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh phấn đấu 90% lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh ở đô thị được thu gom và xử lý đúng quy định pháp luật về bảo vệ môi trường. Phấn đấu 50% lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại hộ gia đình ở nông thôn được thu gom và xử lý tập trung hoặc xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường, riêng các xã nông thôn mới nâng cao đạt từ 95% trở lên. Phấn đấu đến năm 2030, 100% lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị phát sinh được thu gom và xử lý bảo đảm quy định pháp luật về bảo vệ môi trường…
Để giải quyết thực trạng trên và thực hiện mục tiêu gần của Đề án, chính quyền các cấp tỉnh Hậu Giang phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân tỉnh phát động và thực hiện các mô hình: “Đổi rác thải nhựa lấy nhu yếu phẩm”; “Đổi rác thải nhựa lấy cây xanh”; “Đổi rác thải nhựa lấy quà”; “Bảo vệ dòng sông, khơi thông dòng chảy” hay “Đội xung kích chống rác thải”. Mục đích để trả lại màu xanh cho những dòng kênh, tận dụng các vật liệu như chai nhựa, ly nhựa từ các điểm trường học, đất được ủ phân từ các loại rác phân hủy, cây giống được cắt tỉa từ hàng rào cây xanh để tạo nên công trình trồng hoa kiểng; xây dựng các tổ ủ rác hữu cơ, vườn rau sạch, biến rác thải thành cây xanh, thu gom rác thải đổi hàng thiết yếu…
Vận động người dân thu gom, phân loại rác thải tại nguồn, để rác thải đúng nơi quy định; chuyển giao bao gói, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng cho đơn vị có chức năng vận chuyển xử lý; áp dụng các mô hình sản xuất thân thiện với môi trường, chủ động di dời các điểm chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, nhiều thùng rác đã được trao tặng đến tay các hộ gia đình tạo thói quen và nâng cao trách nhiệm của từng cá nhân trong việc tái tạo môi trường sống xanh, sạch, đẹp.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, hiện nay tỷ lệ thu gom rác thải ở khu vực đô thị đạt trên 90%, nông thôn gần 61%; tỷ lệ hộ gia đình thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đạt 64,46%; vận động trên 1.100 hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản di dời đến nơi phù hợp quy hoạch.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang Trương Cảnh Tuyên chia sẻ: “Các mô hình trên rất hiệu quả, người dân đã có ý thức và tự giác hơn trong việc phân loại rác. Khi người dân trong tỉnh đồng lòng tham gia và hưởng ứng thực hiện, Đề án Hậu Giang xanh sẽ gặt hái nhiều kết quả tốt”.
Biến rác thành tài nguyên tuần hoàn
Rác thải được đánh giá là nguồn tài nguyên và sẽ tái tuần hoàn, thu hồi năng lượng từ quá trình xử lý. Các mô hình phân loại rác, tái chế rác dù phát huy hiệu quả nhưng để có giải pháp ổn định và lâu dài, giải quyết tận gốc tình trạng rác thải gây ô nhiễm môi trường, UBND tỉnh Hậu Giang đã mời gọi đầu tư xây dựng Nhà máy Điện rác Hậu Giang trên diện tích 23ha. Nhà máy điện rác sau khi hoàn thành đưa vào hoạt động sẽ xử lý toàn bộ rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp, rác thải nông nghiệp trên địa bàn tỉnh với tổng công suất là 600 tấn rác hỗn hợp/ngày, bảo đảm thiết kế xử lý toàn bộ lượng rác sinh hoạt ở tỉnh phát sinh ra từ nay đến năm 2050, biến rác thành điện.
Dự án được chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn 1, nhà đầu tư sẽ triển khai trên diện tích 6,3ha, công suất xử lý rác thải 300 tấn/ngày, phát điện 7,5MW. Phấn đấu đến tháng 8.2024 sẽ đưa vào vận hành tổ máy số 1. Đến thời điểm này, hầu hết các hạng mục cơ sở hạ tầng, xây dựng đã hoàn thành cơ bản. Riêng phần thiết bị chính, lắp đặt thiết bị toàn nhà máy đạt hơn 70%. Đơn vị đang tiến hành lắp đặt thiết bị công nghệ các hạng mục chính gồm: lò đốt, lò hơi, xử lý khói thải, ống khói…
Mục tiêu đến năm 2030, tỉnh phấn đấu 100% lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị phát sinh được thu gom và xử lý bảo đảm quy định pháp luật về bảo vệ môi trường; duy trì và mở rộng thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh; phấn đấu 80% lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại hộ gia đình ở nông thôn được thu gom, xử lý tập trung hoặc tự xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường; riêng đối với các xã nông thôn mới nâng cao đạt từ 95% trở lên; phấn đấu 100% bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng được thu gom, xử lý đúng quy định; duy trì các chỉ tiêu thực hiện đạt 100% trong giai đoạn 2021 - 2025...
Để đạt được mục tiêu trên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hậu Giang Trần Văn Huyến đề nghị đơn vị đầu tư tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện; bảo đảm chất lượng và an toàn lao động. Đồng thời, đề nghị chính quyền các cấp tiếp tục tập trung thực hiện các nhóm giải pháp, nhất là tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người dân về bảo vệ môi trường.