Nhiều lợi ích từ Dự án nước sạch nông thôn
Dự án nước sạch nông thôn do Ngân hàng Phát triển châu Á tài trợ hiện đang được triển khai tại 6 tỉnh miền Trung. Theo GIÁM ĐỐC TRUNG TÂM QUỐC GIA NƯỚC SẠCH VÀ VỆ SINH MÔI TRƯỜNG NÔNG THÔN LÊ THIẾU SƠN, dự án này không chỉ mang lại cơ hội được sử dụng nước sạch cho 350 nghìn người dân nông thôn mà còn góp phần mang lại nhiều lợi ích thiết thực về môi trường, sức khỏe, kinh tế và chất lượng cuộc sống…
- Dự án nước sạch nông thôn cho 6 tỉnh miền Trung hiện đang được triển khai. Ông có thể cho biết một số thông tin về dự án này?
- Trong nhiều năm qua Ngân hàng phát triển châu Á đã hỗ trợ cho ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn nước ta về cơ sở hạ tầng nông thôn, trong đó bao gồm cả lĩnh vực cấp nước sinh hoạt nông thôn. Theo Hiệp định đã ký kết ngày 2.2.2010 giữa Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng phát triển châu Á thì Ngân hàng Phát triển châu Á sẽ đầu tư cho dự án Cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn vùng miền Trung với số vốn là 45 triệu USD. Đây cũng là lần đầu tiên ADB hỗ trợ cho một dự án riêng trong lĩnh vực cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tại nước ta.
Địa bàn triển khai của dự án tại 30 xã thuộc 6 tỉnh miền Trung gồm: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam và Bình Định. Với tổng kinh phí của dự án là 50 triệu USD, trong đó Ngân hàng phát triển châu Á tài trợ 45 triệu USD; vốn đối ứng của Chính phủ nước ta và người dân hưởng lợi là 5 triệu USD. Dự án được triển khai sẽ góp phần thực hiện thành công Chiến lược Quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2020 và Chương trình mục tiêu Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.
![]() Nguồn: vp.omard.gov.vn |
- 50 triệu USD cho một dự án là khá lớn. Nhưng lợi ích mà dự án này sẽ mang lại cho người dân các tỉnh miền Trung như thế nào, thưa Ông?
- Mục tiêu đầu tiên của dự án là cung cấp nước sạch và nâng cao điều kiện vệ sinh cho 350.000 dân nông thôn của 6 tỉnh miền Trung. Thứ hai là đáp ứng nhu cầu dùng nước sạch của cộng đồng một cách đầy đủ, bền vững và hỗ trợ cộng đồng cải thiện các công trình vệ sinh hộ gia đình và công cộng. Thứ ba là nâng cao hiểu biết và nhận thức cho người dân về sử dụng nước sạch và các công trình vệ sinh, thay đổi các hành vi vệ sinh để nâng cao sức khỏe gia đình và cộng đồng. Thứ tư là nâng cao năng lực cộng đồng dân cư làng, xã trong việc tham gia xây dựng kế hoạch, quản lý công trình hạ tầng và cho chính quyền địa phương trong việc động viên và hỗ trợ cộng đồng thực hiện dự án hiệu quả.
Đối tượng hưởng lợi của dự án là người dân thuộc những địa bàn phải thường xuyên đối mặt với thiên tai, nguồn nước bị nhiễm mặn và tỷ lệ đói nghèo cao, khó khăn về nguồn kinh phí. Dự án cũng mong muốn nâng cao sức khỏe, điều kiện sống cho người dân nông thôn thông qua việc cải thiện các dịch vụ cấp nước sạch, vệ sinh; đồng thời giảm tác động xấu do điều kiện cấp nước và vệ sinh kém, tình trạng ô nhiễm môi trường trong cộng đồng...
- Dưới góc độ kinh tế, dự án sẽ mang lại những lợi ích như thế nào cho người dân, thưa Ông?
- Người dân có đóng góp vào dự án này. Tuy nhiên, địa bàn thực hiện dự án đều là các tỉnh còn nghèo, người dân còn nhiều khó khăn về kinh tế nên tỷ lệ đóng góp của người dân vào dự án rất ít. Dự án khi thực hiện sẽ có cả những lợi ích trực tiếp và gián tiếp. Khi có nước sạch sử dụng, sẽ tiết kiệm thời gian người dân phải đi lấy nước để tăng gia sản xuất, nâng cao đời sống gia đình. Người phụ nữ sẽ có nhiều điều kiện và thời gian hơn để chăm sóc gia đình. Đồng thời, nguồn nước sạch sẽ góp phần giảm dịch bệnh, từ đó người dân sẽ giảm được các chi phí khám chữa bệnh. Mặt khác, khi sức khỏe của người dân tốt hơn, họ sẽ có điều kiện để nâng cao hiệu quả sản xuất cũng như chất lượng cuộc sống của gia đình và bản thân...
- Cùng với việc hỗ trợ vốn, ADB có hỗ trợ gì khác để thực hiện dự án này không, thưa Ông?
- Thời gian qua, ADB đã hỗ trợ kinh phí hỗ trợ kỹ thuật để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khảo sát, xây dựng Báo cáo nghiên cứu khả thi, nâng cao năng lực cho cán bộ các cấp thực hiện dự án. Dự án được triển khai với nguồn vốn vay ưu đãi của ADB, thời gian hoàn trả vốn gần 30 năm. Thời gian tới, ADB tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật phục vụ triển khai, quản lý dự án ở các cấp, trong đó có Hội Liên hiệp phụ nữ quản lý Quỹ vốn vay quay vòng.
- Từ những vùng đang triển khai dự án của ADB, có thể đề xuất ADB hỗ trợ thêm vốn ở lĩnh vực nào để thực hiện xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm và thúc đẩy phát triển kinh tế?
- Theo tôi, có thể đề xuất để ADB tiếp tục hỗ trợ để cải thiện việc cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, đặc biệt là đối với các vùng khó khăn về kinh tế - xã hội, các địa phương có tỷ lệ cao về hộ nghèo và người dân tộc ít người, các xã trong diện thí điểm xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, cũng cần sự hỗ trợ của tổ chức này trong công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho lĩnh vực nước sạch và vệ sinh môi trường nói riêng, cho lĩnh vực nông nghiệp nói chung. Một yếu tố quan trọng khác mà ADB có thể hỗ trợ là phát triển hệ thống thủy lợi để góp phần tăng năng suất cây trồng, mở rộng diện tích cây trồng, phát triển sản xuất nhằm ổn định an sinh xã hội và nâng cao đời sống người dân nông thôn.
- Xin cám ơn Ông!