Nhiều lợi ích, lắm băn khoăn

An Thiện 10/05/2021 07:07

Theo các chuyên gia, cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) sẽ tạo ra cạnh tranh trên thị trường bán lẻ điện và thúc đẩy phát triển bền vững năng lượng tái tạo nên cần sớm thực hiện thí điểm. Tuy vậy, hiện còn nhiều vấn đề chưa được làm rõ như hạ tầng, hệ thống truyền tải từ nguồn phát đến nơi tiêu thụ, giá cả và cách thức giao dịch...

Thí điểm trong giai đoạn 2021 - 2023

 Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Mới đây, Công ty Samsung Việt Nam đề xuất được tham gia thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) từ các dự án năng lượng tái tạo. Đây cũng là cơ chế đang được Bộ Công thương lấy ý kiến, hoàn thiện dự thảo thông tư hướng dẫn để thí điểm.

Bộ Công thương dự kiến thí điểm cơ chế này trong giai đoạn 2021 - 2023 với tổng công suất khoảng 1.000 MW. Giao dịch mua bán điện giữa các bên liên quan được thực hiện trực tiếp qua thị trường điện giao ngay theo quy định vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh do Bộ Công thương ban hành. Sau đó, Cục Điều tiết điện lực sẽ đánh giá các khía cạnh thị trường, kỹ thuật, tài chính và pháp lý... hoàn thiện nội dung, báo cáo các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định áp dụng rộng rãi.

Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam Trần Đình Long cho biết, nhiều nước tiên tiến đã áp dụng mua bán điện trực tiếp nhưng điều này với nước ta vẫn còn mới. Trong cơ chế này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các công ty thành viên sẽ đóng vai trò nhà cung ứng dịch vụ truyền tải, phân phối thay vì là người bao tiêu. Ông Long mong muốn cơ chế DPPA sớm được thí điểm để làm căn cứ áp dụng rộng rãi bởi nó giúp khách hàng cần dùng điện cho sản xuất công nghiệp có thể đàm phán, thỏa thuận mua điện trực tiếp từ các nhà máy phát điện từ năng lượng tái tạo thông qua hợp đồng kỳ hạn. Đây cũng có thể là lối thoát cho các nhà sản xuất năng lượng tái tạo trong bối cảnh bùng nổ các dự án dẫn đến sản lượng dư thừa, nhiều dự án buộc phải cắt bớt công suất, ảnh hưởng đến nguồn thu của các nhà đầu tư.

Theo chuyên gia năng lượng tái tạo Đặng Đình Thống, cơ chế DPPA sẽ tạo ra sự cạnh tranh công bằng của thị trường bán lẻ điện, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững các nguồn điện năng lượng tái tạo. Cơ chế này cũng sẽ thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ các tổ chức quốc tế có tham gia các cam kết về môi trường, chống biến đổi khí hậu và phát triển bền vững ở Việt Nam.

Hơn nữa, Nhà nước đang thiếu vốn để đầu tư mở rộng mạng lưới cung cấp điện, thực hiện cơ chế DPPA sẽ giải quyết được vấn đề này. Bởi trong quá trình đàm phán, EVN phải cân đối khả năng truyền tải và có thể thương lượng các bên cùng đầu tư để nâng cấp lưới điện. Đồng thời, cơ chế này cũng góp phần giải quyết vấn đề đủ điện cho sản xuất, tiêu dùng. Ngoài ra, thị trường bán lẻ điện có cạnh tranh công bằng thì sẽ tạo ra mức giá cạnh tranh, khi đó cả người dân và Nhà nước đều có lợi.

Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Bảo Long Solar Energy Đào Du Dương cho biết, cơ chế DPPA giúp doanh nghiệp đầu tư dự án năng lượng tái tạo dự báo được doanh thu trong dài hạn. Điều này giúp các đơn vị phát triển dự án giảm thiểu được tối đa về rủi ro tài chính và dễ dàng hơn trong vấn đề tiếp cận các dòng tiền có hạn để tiếp tục phát triển đầu tư dự án.

Xem xét kỹ khả năng truyền tải

 Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng Khoa học, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Nguyễn Minh Duệ cho rằng, hiện vẫn còn nhiều vấn đề chưa được làm rõ như: Hạ tầng, hệ thống truyền tải từ nguồn phát đến nơi tiêu thụ thực hiện ra sao, mức giá thế nào, giao dịch ra sao... Vì vậy, để cơ chế DPPA thực sự khả thi, các bộ, ngành sớm đưa các quy định, hướng dẫn chi tiết hơn để có những điều chỉnh phù hợp.

Ông Dương bổ sung, cần tính toán cụ thể và minh bạch cơ chế bù trừ giữa các bên, các khoản phí như phí sản xuất điện, phí phân phối và dịch vụ, phí truyền tải… Đồng thời, cần có hành lang pháp lý hoàn chỉnh với các quy chế, các điều khoản khi xảy ra tranh chấp.

Cùng quan điểm, ông Thống nhấn mạnh, trước tiên Nhà nước sớm có quy định rõ ràng về quy chế mua bán điện trực tiếp. Cần bảo đảm quyền lợi cho những nhà đầu tư, trong đó phải quy định việc EVN phối hợp với các công ty đầu tư như thế nào? Cách thức thuê lưới truyền tải ra sao, giá cụ thể như thế nào? “Nhà nước cần sớm có khung pháp lý, trong đó có cơ chế bảo đảm quyền lợi cho nhà đầu tư lâu dài”, ông Thống nêu rõ.

“Hạn chế lớn nhất hiện nay là quá tải lưới điện khiến nguồn điện mặt trời không thể huy động hết công suất”. Theo ông Long, thực hiện cơ chế DPPA phải xem xét khả năng của lưới điện giữa bên mua và bên bán. Nếu yêu cầu truyền tải một lượng công suất quá lớn có thể lưới điện không kham nổi. Do đó, phải có sự thỏa thuận giữa ba bên, trong đó bên làm nhiệm vụ truyền tải phải có cam kết rõ ràng về khả năng truyền tải để bảo đảm đủ sản lượng điện từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ theo đúng hợp đồng.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Nhiều lợi ích, lắm băn khoăn
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO